Hải quân TQ lần đầu được trao “quyền tấn công”
Ngày 26.5, Trung Quốc đã thực hiện một sự thay đổi lớn trong chính sách quốc phòng của mình khi công bố Sách trắng Quốc phòng, trong đó nhấn mạnh ngoài vai trò phòng thủ, hải quân và không quân nước này sẽ lần đầu tiên được phép tấn công “ngoài biên giới”.
Theo Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc, hải quân và không quân nước này sẽ được phép “sử dụng vũ lực” bên ngoài “biên giới biển” và thể hiện vai trò tích cực hơn trên không nhằm bảo vệ các tài sản trên biển.
Theo đó, ngoài thực hiện nhiệm vụ “phòng thủ ven biển” truyền thống, giờ đây hải quân Trung Quốc sẽ được thực hiện chức năng “bảo vệ biển lớn” nằm ngoài biên giới biển của nước này.
Hải quân Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật trên Biển Đông
Quốc vụ viện Trung Quốc (tương đương Chính phủ), cơ quan ban hành sách trắng quốc phòng, cho rằng nước này phải có sự thay đổi lớn về chính sách “phòng thủ-tấn công” như vậy để đối phó với “những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng và phức tạp”.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng động thái này của Bắc Kinh có thể làm gia tăng nguy cơ nổ ra đụng độ, xung đột tại Biển Đông, biển Hoa Đông và Thái Bình Dương, nơi hải quân Mỹ đang quyết tâm bảo vệ lợi ích của các đồng minh như Nhật Bản và Philippines.
Hồi tuần trước, một chiếc máy bay trinh sát P-8 của Mỹ đã bị hải quân Trung Quốc 8 lần phát tín hiệu cảnh báo khi bay tới gần một hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc đang xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Cách đây không lâu, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cũng tuyên bố rằng chiến tranh Mỹ-Trung là “không thể tránh khỏi” nếu Mỹ tiếp tục đòi Trung Quốc ngừng các hoạt động xây đảo phi pháp.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân thì lại so sánh hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc với những “dự án làm cầu, xây nhà bình thường khác”, đồng thời cho rằng Mỹ đang tìm cách “kích động căng thẳng và bôi nhọ quân đội Trung Quốc”.
Video đang HOT
Trung Quốc đang ráo riết xây đảo nhân tạo trái phép ở Trường Sa
Ông Robert Dujarric, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á Đương đại thuộc Đại học Temple Nhật Bản thì cho rằng nhiều người đang lo ngại về nguy cơ Trung Quốc đánh giá sai tình hình. Ông nói: “Không bên nào muốn chiến tranh nếu có thể tránh được, nhưng cả hai bên đều có ranh giới đỏ của mình. Tôi lo rằng Trung Quốc sẽ nghĩ Mỹ là một cường quốc đang suy yếu và sẽ phải xuống nước nếu máy bay trinh sát của họ bị Trung Quốc bắn hạ”.
Điều này đã được thể hiện trong vụ EP-3 năm 2001, khi Mỹ chọn cách “xuống thang” để hạ nhiệt căng thẳng với Trung Quốc sau khi máy bay do thám EP-3 của họ va chạm với chiến đấu cơ Trung Quốc trên vùng biển ngoài khơi đảo Hải Nam.
Nhưng ông Dujarric cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay Mỹ sẽ có cách phản ứng khác nếu xảy ra sự cố tương tự trên vùng trời Biển Đông, nơi mà Mỹ luôn tuyên bố là không phận quốc tế. Đó chính là lý do khiến nguy cơ nổ ra đụng độ, xung đột ngày càng cao, đặc biệt là khi không quân, hải quân Trung Quốc được trao quyền “tấn công”.
Theo_Dân việt
"Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc 2015": Tham vọng vươn khơi xa
Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc 2015 đã đề cao năng lực quân sự biển ở Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng gay gắt trên Biển Đông.
Ngày 26/5, Bắc Kinh đã cho công bố Sách Trắng quốc phòng lần thứ 9 của Trung Quốc. Tài liệu hơn 9.000 từ này đã xác định 4 "lĩnh vực an ninh quan trọng" bao gồm: đại dương, không gian vũ trụ, không gian mạng, lực lượng hạt nhân. Và nhấn mạnh đề cao năng lực quân sự biển trong bối cảnh đang có những căng thẳng gay gắt trên Biển Đông do Trung Quốc thực hành đòi hỏi chủ quyền phi pháp theo đường "lưỡi bò".
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân công bố Sách trắng quốc phòng 2013 với báo chí - Ảnh: Reuters
"Chủ động phòng vệ và tăng cường hợp tác"
Theo Tân Hoa xã, Ban thông tin Văn phòng Chính phủ Trung Quốc đã ban hành Sách Trắng Quốc phòng hay còn gọi là "Chiến lược quân sự Trung Quốc". Nội dung chủ yếu đề cập đến xây dựng lực lượng quân sự, nhấn mạnh phương châm chủ động phòng vệ và tăng cường hợp tác quốc tế.
Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông gia tăng, khi Bắc Kinh đẩy mạnh cải tạo đất ở các bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bất chấp sự phản đối của các nước. Trung Quốc còn xua đuổi máy bay Mỹ và Philippines bay trên không phận gần các bãi đá mà nước này đang cải tạo, làm dấy lên quan ngại nước này có thể lập Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông trong thời gian tới.
Giới phân tích cho rằng, điều đáng lưu ý là quan điểm "chủ động phòng vệ" và "tăng cường hợp tác quốc tế" của Bắc Kinh, trong bối cảnh nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp, với diện tích chiếm gần trọn Biển Đông, gây quan ngại sâu sắc của dư luận khu vực và quốc tế.Sách Trắng nói rằng: "Chúng ta (tức Trung Quốc) sẽ không tấn công trước trừ phi bị tấn công, và một khi bị tấn công, chúng ta sẽ đáp trả" được coi là phương châm phòng vệ của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cho biết họ sẽ tăng cường hợp tác an ninh quốc tế trong những khu vực lợi ích của nước này ở nước ngoài.
Bành trướng "biển xa"
Giới quan sát cho rằng, thông qua "Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc 2015", Bắc Kinh nhấn mạnh ý đồ của Trung Quốc trong việc trở thành một cường quốc biển và tái khẳng định kế hoạch mở rộng sự hiện diện tại các vùng biển mở trong quá trình khẳng định chủ quyền lãnh thổ bất hợp pháp của họ.
Trong đó, đáng chú ý là hải quân Trung Quốc sẽ chuyển đổi trọng tâm từ "phòng vệ ngoài khơi" sang kết hợp giữa "phòng vệ ngoài khơi" với "bảo vệ trên các đại dương" (ảnh: Tân Hoa xã)
Trong đó, đáng chú ý là hải quân Trung Quốc sẽ chuyển đổi trọng tâm từ "phòng vệ ngoài khơi" sang kết hợp giữa "phòng vệ ngoài khơi" với "bảo vệ trên các đại dương" để đối phó với "mối đe dọa đối với quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc".
Trung Quốc cho rằng "một số nước láng giềng có những hành động khiêu khích và tăng cường hiện diện quân sự lên các dải san hô và đảo của Trung Quốc" và "một số quốc gia bên ngoài cũng can thiệp vào các vấn đề Biển Đông, duy trì giám sát trên biển và trên không cũng như thực hiện những hoạt động trinh sát chống lại Trung Quốc".
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Dương Vũ Quân nhấn mạnh trong cuộc họp báo công bố Sách Trắng quốc phòng ngày 26/5 rằng: "Chúng ta cần phải giám sát chặt chẽ vùng trời và phát triển năng lực phòng không".
Thượng tá quân đội Trung Quốc Wang Jin phát biểu với báo giới, cũng khẳng định, không thể bảo vệ mình một cách hiệu quả chỉ bằng cách tập trung vào vùng nước ven bờ, cần thiết phải hướng tới một sự kết hợp giữa "phòng thủ xa bờ" và "bảo vệ các vùng biển mở".
"Với việc đề cập tới &'các vùng biển mở', Trung Quốc muốn ám chỉ tới Tây Thái Bình Dương, một khu vực được xem như sống còn với an ninh của nước này", Bắc Kinh đang hướng tới Ấn Độ Dương, và nhắc nhở Ấn Độ - quốc gia thường xuyên lên tiếng ủng hộ tự do hàng hải trên Biển Đông.
"Sách Trắng quốc phòng" cũng khẳng định không quân Trung Quốc sẽ không chỉ tập trung vào nhiệm vụ phòng thủ không phận mà chuyển sang vừa phòng thủ vừa tấn công, và nâng cao năng lực phòng không. Vì thế, giới phân tích cho rằng, việc định hướng cho các lực lượng của hải quân và không quân của Trung Quốc, là những minh chứng rõ ràng nhất cho tham vọng bành trướng "biển xa" của Bắc Kinh bao gồm cả cái gọi là đường 9 đoạn mà Trung Quốc đang đòi hỏi chủ quyền.
Phản ứng của dư luận quốc tế
Theo giới phân tích, "Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc 2015" đã lộ rõ tham vọng bành trướng sức mạnh ra các vùng biển, đồng thời ẩn chưa nhiều cảnh báo, đe dọa tới các quốc gia láng giềng và các nước khác có liên quan đến khu vực đang có tranh chấp chủ quyền.
Tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận - Ảnh: Reuters
Tờ Nikkei của Nhật Bản khẳng định "Sách Trắng nêu bật tham vọng vươn khơi xa" của quân đội Trung Quốc. "Quân đội Trung Quốc từ lâu đã lên kế hoạch cho chiến tranh trên bộ, nhưng chính sách quân sự mới nhất của nước này cho thấy một sự dịch chuyển, hướng tới trở thành cường quốc hải quân.
Được công bố ngày 26/5, Sách Trắng đã lần đầu đề cập tới khả năng xảy ra đụng độ trên biển". Nikkie còn nhận định: "Bắc Kinh đang ám chỉ khả năng sẽ phát sinh rắc rối với Mỹ tại các vùng biển, bao gồm cả Biển Đông".
Tờ Tin nhanh Ấn Độ khẳng định, với việc công bố Sách Trắng, Trung Quốc đã "công khai chiến lược đầy hung hăng nhằm mở rộng sức mạnh hải quân, trong nỗ lực đầy quyết đoán nhằm tái định vị vai trò nước này đã đề ra cho bộ binh, hải quân và không quân".
Tờ Business Insider của Mỹ thì khẳng định, Sách Trắng của Trung Quốc đã phát đi cảnh báo mạnh mẽ tới Mỹ, Nhật và các quốc gia láng giềng châu Á. "Đáng chú ý nhất, Sách Trắng đã chỉ rõ "Nhật Bản đang không từ bỏ một nỗ lực nào để né tránh các cơ chế hậu chiến tranh, hiện đại hóa quân đội và chính sách an ninh".
Tờ Strait Times (Singapore) dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, chiến lược vừa được công bố thể hiện sự tự tin "thái quá" ngày càng gia tăng của Trung Quốc vào quá trình hiện đại hóa quân đội.Tờ báo Mỹ phân tích: Điều đó cho thấy rõ ràng suy nghĩ của Trung Quốc và họ còn bổ sung rằng việc này "gây quan ngại sâu sắc cho các quốc gia khác trong khu vực". Cũng tại văn bản này, Trung Quốc đã đưa ra một cảnh báo mạnh mẽ về "các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và các quyền, lợi ích hàng hải của Trung Quốc.
Như vậy, thông qua công bố "Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc 2015", Bắc Kinh đã bộc lộ rõ ràng quan điểm chiến lược của mình trên Biển Đông, bằng việc gán cho "một vài quốc gia láng giềng ngoài khơi xa đang có hành động khiêu khích và tăng cường hiện diện quân sự trên các đảo và bãi đá của Trung Quốc mà họ xâm chiếm trái phép", để xác định nhiệm vụ lâu dài của quân đội Trung Quốc là "bảo vệ các quyền và lợi ích hàng hải của mình". Vì thế, sự quan ngại của dư luận khu vực và quốc tế về "Sách Trắng quốc phòng của Trung Quốc 2015" là có cơ sở./.
Nguyễn Nhâm
Theo VOV
Báo Nga: Trung Quốc chuẩn bị cho Thế chiến 3? Trung Quốc vẫn cho rằng sẽ nổ ra Thế chiến III và chuẩn bị cho kịch bản này. Ám ảnh về Thế chiến 3 Ngày 26/5, Trung Quốc đã cho công bố Sách Trắng đầu tiên về chiến lược quân sự của nước này. Sách Trắng mang tên "Chiến lược Quân sự Trung Quốc", do Văn phòng thông tin Quốc vụ viện Trung...