Hải quân Nga quyết định đóng tàu sân bay
Tuy quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Tổng thống Nga, nhưng Hải quân Nga đã có ý kiến dứt khoát về việc đóng mới tàu sân bay cho nước này.
Theo báo Izvestia, tàu sân bay mới của nước Nga do nhiều nhà máy đóng tàu cùng triển khai và lắp hoàn thiện tại nhà máy Sevmash.
Hải quân Nga đã quyết định dẫu sao cũng sẽ đóng tàu sân bay. Sau nhiều năm tranh luận, liệu hải quân có cần con tàu lớn mang máy bay hay chỉ cần có tàu ngầm và tàu tuần dương nguyên tử, các đô đốc đã chọn mô hình hạm đội “của Mỹ” – các cụm tàu chiến với tàu sân bay là trung tâm.
Theo giới quân nhân, cách tổ chức lực lượng như vậy cho phép mở rộng khu vực ảnh hưởng của Hạm đội Nga ra Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương.
Đại diện Bộ Tham mưu Quân chủng Hải quân nói: “Không thành phần cụm tàu chiến nào khác có thể so sánh về hiệu quả với nhóm tàu chiến có tàu sân bay. Sự xuất hiện của một nhóm có tàu sân bay mạnh ở khu vực có vấn đề, mà nhóm tàu chiến này lại luôn cơ động, sẽ phân tán sự chú ý của đối thủ tiềm tàng đối với lãnh thổ Nga. Ngoài ra, về nguyên tắc bất cứ tàu sân bay nào cũng cho phép mở rộng vùng hoạt động của không quân tiêm kích Nga cách xa bờ biển đất nước”.
Video đang HOT
Thời thế đã thay đổi, hơn bao giờ hết nước Nga cần cụm tàu sân bay mạnh mẽ mở rộng phạm vị ảnh hưởng của Hải quân Nga ra toàn thế giới.
Dự kiến, trong giai đoạn đầu tiên đến năm 2027 Nga sẽ có hai cụm tàu trang bị tàu sân bay – một tại hạm đội Thái Bình Dương và một tại hạm đội Biển Bắc.
Thời Xô Viết, giới quân nhân tập trung phát triển tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa có đầu đạn hạt nhân, những tàu này cho phép Liên Xô bí mật tiếp cận bờ biển Mỹ và đánh đòn hạt nhân. Đến nay, khi không còn nhu cầu như vậy nữa, nước Nga trước hết cần mở rộng khu vực ảnh hưởng ra đại dương thế giới, nơi mà các tàu ngầm “không trông thấy được” rõ ràng đang thua kém về ưu thế so với các cụm tàu nổi mạnh và làm cho người ta kinh sợ.
Giới quân nhân đang xem xét quyết định con tàu sân bay Nga đầu tiên phải như thế nào.
Tập đoàn đóng tàu hợp nhất (USC) cho biết, đã có quyết định đó sẽ là tàu sân bay nguyên tử. Phương án tàu chạy động cơ diesel bị gạt bỏ vì cần đến lượng nhiên liệu lớn, sẽ phải có tàu chở dầu đi theo.
Hiện cũng xác định, con tàu này co thiết kế module, được đóng đồng thời tại 2 nhà máy. Dự định, các module sẽ được lắp ráp với nhau ở Sevmash, nhà máy đóng tàu lớn nhất của Nga.
Đại diện của USC nhận xét: “Việc xây dựng một nhà máy chuyên đóng tàu sân bay cần ít nhất 4 năm và sẽ tiêu tốn phần rất lớn kinh phí dành cho dự án này. Sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu sử dụng những nhà máy hiện có”.
Thiết kế tàu sân bay mới được định hình
Hải quân Nga đang hoàn chỉnh việc biên soạn nhiệm vụ thiết kế cho tàu sân bay đầu tiên. Phương án đầu tiên sẽ sẵn sàng ngay năm 2012, còn thiết kế cuối cùng của nó sẽ được hoàn thành trước năm 2017. Chủ tịch Tập đoàn đóng tàu hợp nhất USC Roman Trotsenko từng tuyên bố, con tàu đầu tiên dự kiến sẽ được hạ thuỷ năm 2023.
Đến lúc đó, Hải quân phải kết thúc việc biên chế đội tàu hộ tống cho mỗi tàu sân bay, bao gồm các tàu tuần dương, khu trục mang tên lửa, các tàu ngầm đa năng, khinh hạm, tàu đổ bộ và tàu bảo đảm. Kể cả tàu phá băng cho vùng cực, tổng cộng khoảng 15 tàu cho mỗi cụm tàu.
USC thực tế đã bắt tay đóng những những tàu khinh hạm, thiết kế tàu khu trục, thực hiện dự án khôi phục các tàu tuần dương, những con tàu đã gần 20 năm thả neo tại các bến tàu chờ đợi số phận của mình.
Cùng với việc đóng tàu sân bay, giới quân nhân sẽ xây dựng những căn cứ mới để đảm bảo cho chúng. Việc không có các căn cứ như vậy đã từng làm hại những con tàu lớn thời Liên Xô như: tuần dương hạng nặng chở máy bay Kiev, Minsk, Admiral Kuznetsov và Admiral Gorshkov, những con tàu thực tế đã phải thả neo ngoài biển.
Ngoài ra, để huấn luyện nhóm không quân mà số lượng sẽ đạt tới 100 máy bay, Bộ Quốc phòng Nga sẽ xây dựng tập cất/hạ cánh lên boong ở thành phố Yeysk tỉnh Krasnodar, cũng như tiếp tục sử dụng tổ hợp thử nghiệm trên bộ của Ukraine NITKA ở thành phố Saki trên bán đảo Crimea.
Trong biên chế của Hải quân Nga chỉ có một con tàu mang máy bay là tàu tuần dương hạng nặng Admiral Kuznetsov có 8 chiến đấu cơ đa năng Su-33. Con tàu này được đưa vào biên chế hạm đội Biển Bắc năm 1991 và vẫn sẽ là tàu sân bay duy nhất của Nga ít nhất 10 năm nữa.
Tuy nhiên hiện nay tình trạng kỹ thuật của Kuznetsov dùng động cơ diesel đã không cho phép nó trực chiến với đầy đủ ý nghĩa trên đại dương thế giới. Phần lớn thời gian con tàu này không hoạt động. Nó đã trải qua ít ra ba lần sửa chữa lớn với tổng thời gian 6 năm.
Theo Báo Đất Việt