‘Hài nhảm’ ăn khách cũng là vấn nạn của điện ảnh Thái
“ Pee Nak” là thương hiệu điện ảnh ăn khách ở Thái Lan, dù cả hai tập phim đều bị xếp vào dạng “hài nhảm” tại quê hương.
Trailer Pee Nak 2
Bằng chứng vô hình đã thất bại trước bộ phim hài – kinh dị Thái Lan Pee Nak 2 tại phòng vé trong tuần công chiếu.
Đây là kết quả gây ngạc nhiên cho không ít người. Dù chất lượng nội dung còn gây tranh cãi, phiên bản làm lại từ Blind (2011) vẫn được đánh giá là dự án chỉn chu, có đầu tư về mặt kỹ thuật so với mặt bằng điện ảnh Việt Nam. Còn bộ phim của người Thái bị số đông xếp vào nhóm “hài nhảm”.
Zing đã tiếp cận Jerry Asanachinda và Takit Sombatnan – chủ nhân kênh JUST Ũ4; IT ( Just Do It) chuyên về điện ảnh có hơn 1,44 triệu lượt theo dõi tại Thái Lan – về câu chuyện này.
Takit Sombatnan và Jerry Asanachinda là chủ nhân của một kênh video về điện ảnh có hơn 1,44 triệu lượt theo dõi tại Thái Lan. Ảnh: NVCC.
Pee Nak là hài nhảm, nhưng luôn ăn khách
Trên thực tế, Pee Nak là thương hiệu điện ảnh có tiếng tại quê hương Thái Lan. Asanachinda cho biết: “Hai tập Pee Nak có doanh thu rất tốt tại Thái Lan. Đối tượng khán giả chính của thương hiệu là người dân ở vùng ngoại ô, tỉnh lẻ, chứ không phải đô thị, thành phố lớn. Người xem tại đó thường yêu thích kiểu phim hài như vậy, bất chấp những tình huống gây cười hoặc gây sợ hãi có phần rập khuôn, thậm chí rẻ tiền”.
Takit Sombatnan thì chỉ ra rằng các nhà sản xuất muốn ăn theo Pee Mak (2013) – bộ phim hài rất ăn khách của điện ảnh Thái có Mario Maurer đóng chính – khi đặt tựa đề Pee Nak.
Dĩ nhiên, dù thuộc chung thể loại, Pee Mak có chất lượng cao hơn hẳn nhờ nhiều pha chọc cười duyên dáng. Trong khi đó, có khán giả từng gay gắt nhận xét “ Pee Nak có chiếu miễn phí trên truyền hình cũng không xem”.
Phim hài nhảm vẫn là lựa chọn khi ra rạp của không ít người Thái trong vòng 10 năm qua. Ảnh: Five Star.
Bản thân trên kênh Just Do It của hai người, lượt xem clip về Pee Nak cao hơn đa số phim Thái Lan khác. “Chúng tôi từng cảm thấy ngạc nhiên lắm. Dựa trên số liệu, chúng tôi thấy không chỉ Bangkok hay Chiang Mai, người xem clip đến từ khắp nơi trên Thái Lan. Sức hút của Pee Nak là không thể bàn cãi, dù chất lượng tác phẩm không cao”.
Giải thích về điều này, Asanachinda cho rằng: “Trong khoảng 10 năm qua, khán giả Thái Lan không còn quá mặn mà với phim nội địa nói chung, bởi đa số tác phẩm đều có chất lượng làng nhàng. Các bộ phim ăn khách nhất thường là hài nhảm. Chúng dễ nhận tiền đầu tư vì kinh phí sản xuất bỏ ra không lớn, nếu có thua lỗ cũng không quá nặng nề. Còn chuyện phim hài nhảm ăn khách hơn các phim được đầu tư mạnh tay không phải là điều mới mẻ và khiến không ít nhà sản xuất cảm thấy bối rối”.
Tiếc cho Bằng chứng vô hình
Bằng chứng vô hình chưa khởi chiếu tại Thái Lan, nên Jerry Asanachinda và Takit Sombatnan chưa có cơ hội theo dõi tác phẩm. Họ mới chỉ xem trailer phim, và đưa ra nhận xét rằng: “Chúng tôi thấy đây là một trailer hứa hẹn, mang dáng dấp của một phim Hollywood. Quay phim, chỉnh màu, diễn xuất, bầu không khí đều đúng với tinh thần thể loại hình sự. Nếu phim ra rạp tại Thái Lan, chúng tôi chắc chắn sẽ đi xem”.
“Tôi nghĩ nếu chiếu ở Thái Lan, Bằng chứng vô hình sẽ có doanh thu khả quan. Năm trước, Thất Sơn tâm linh của các bạn từng được khán giả chúng tôi đón nhận, và có kết quả cao hơn dự đoán”, Asanachinda nói thêm.
Khi biết Bằng chứng vô hình gây chia rẽ khán giả về mặt nội dung, cả hai nghĩ rằng vấn đề có thể đến từ việc đây là phim làm lại (remake).
Bộ đôi cho rằng vấn đề của Bằng chứng vô hình có thể nằm ở việc phim remake thường bị soi xét khắt khe hơn và các yếu tố văn hóa chưa được xử lý triệt để. Ảnh: CJ.
Sombatnan nói: “CJ từng đầu tư làm lại một số phim ở Thái Lan. Nhưng có nhiều yếu tố không được ‘Thái hóa’ hợp lý. Vấn đề ở Việt Nam cũng vậy chăng? Với phim Thái làm lại từ phim Hàn, lời thoại nghe không hợp lý, và cả một số tình tiết liên quan tới văn hóa chưa được xử lý thuyết phục”.
“Hầu hết phim Thái làm lại không có doanh thu cao. Nhà sản xuất không nắm bắt được tâm lý chung của khán giả Thái Lan. Chất lượng kỹ thuật có thể được đảm bảo, và thành phẩm có thể ăn khách tại các thành phố lớn. Nhưng để thắng lớn trên toàn Thái Lan thì không. Song, đó lại là điều Pee Nak 2 làm được”, Asanachinda chia sẻ.
Takit Sombatnan kết luận: “Có thể thấy thị trường điện ảnh Thái Lan và Việt Nam tương đối giống nhau. Đừng vội nản chí. Tôi tin rằng một bộ phim thực sự tốt sẽ được đông đảo khán giả đón nhận. Có nhiều phim tốt rồi, ‘hài nhảm’ sẽ không còn đất để phát triển”.
Có phải khán giả Việt đang ghét phim Việt?
Sự kiện "Bằng chứng vô hình" thua "Ngôi đền kỳ quái 2" về mặt doanh thu cuối tuần qua khiến không ít người cảm thấy ngạc nhiên. Nhưng đằng sau đó là một câu chuyện dài.
Tuần qua, Bằng chứng vô hình chính thức khởi chiếu. Là bộ phim Việt Nam được đầu tư, phim được kỳ vọng sẽ giúp "hâm nóng" bầu không khí rạp chiếu phim sau quãng thời gian dài ảm đạm vì giãn cách xã hội, cũng như sự thiếu vắng bom tấn Hollywood trong suốt mùa hè năm nay.
Song, doanh thu tuần mở màn của Bằng chứng vô hình chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng, và còn thua cả Pee Nak 2 đã chiếu sang tuần thứ hai. Nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên khi Bằng chứng vô hình tuy có chất lượng nội dung gây tranh cãi, nhưng là một xuất phẩm chỉn chu. Còn Pee Nak 2 của người Thái chỉ được xếp vào dạng hài nhảm, không mang lại nhiều giá trị.
Hiện tượng khiến một câu hỏi nảy sinh: phải chăng khán giả Việt đang quay lưng với phim Việt?
Khán giả đã "lười" ra rạp hơn?
Trên thực tế, chuyện thiếu vắng các bom tấn mang đến nhiều tác hại hơn lợi ích. Phim Việt vẫn phải đối đầu với nhiều tác phẩm đến từ các nền điện ảnh khác như Low Season, Pee Nak 2 của Thái Lan, Intruder của Hàn Quốc, hay một số phim không quá nổi trội của Hollywood như Scoob!, Survive the Night hay Force of Nature.
Song, tất cả đều chẳng đủ sức hút để lôi kéo khán giả vốn đã "lười" ra rạp hơn sau quãng thời gian nghỉ dịch kéo dài. Kinh tế bị ảnh hưởng khiến không ít người tỏ ra thận trọng hơn trong việc chi tiêu cho các sản phẩm giải trí. Họ cho rằng những bộ phim làng nhàng thì chỉ cần "đợi bản HD" trên mạng Internet là đủ. Đa số đều đang chờ một "quả bom" đủ sức mạnh truyền thông để kích cầu như Tenet của Christopher Nolan, Wonder Woman 1984 hay Black Widow.
Xem phim tại nhà là hình thức giải trí phổ biến kể từ đầu năm trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Ảnh: Getty.
Không những thế, trải nghiệm điện ảnh giờ đây đã không còn là độc quyền của các rạp chiếu bóng. Các hệ thống phim trực tuyến mọc lên ngày càng nhiều với hàng loạt tác phẩm được đầu tư kinh phí lớn. Extraction (2020), loạt phim The Witcher, Money Heist hay The Boys thu hút hàng chục triệu lượt xem. Thậm chí, HBO Max vừa ra mắt còn chiều fan đến mức đầu tư thêm 30 triệu USD để tung ra bản dựng Justice League của Zack Snyder trong năm sau.
Sự cạnh tranh giữa các hệ thống phim trực tuyến và rạp chiếu truyền thống đã, đang và sẽ nóng hơn. Các nhà phát hành lớn ở Hollywood đã phải tổ chức nhiều cuộc họp để bàn về định hướng tương lai khi người xem có nhiều sự lựa chọn hơn trước. Hồi tháng 4, hệ thống rạp AMC tuyên bố "từ mặt" Universal khi Trolls World Tour (2020) được chiếu trên mạng cùng lúc với các rạp (còn hoạt động) và khiến cuộc chiến càng trở nên gay gắt.
Trở lại câu chuyện của Bằng chứng vô hình, cũng có ý kiến cho rằng nếu bộ phim ra rạp tại thời điểm bình thường, hoặc lúc các rạp chiếu phim đã được hâm nóng bằng bom tấn Mỹ, thành tích phòng vé sẽ khả quan hơn. Dẫu vậy, để đạt đến mức hòa vốn 35-40 tỷ đồng thì vẫn là bài toán gian nan.
Nhiều phim dở khiến khán giả quay lưng với điện ảnh Việt
Một nguyên nhân khiến phim Việt thua đau trên sân nhà là bởi sự quay lưng của chính khán giả. Điều này đến từ hàng loạt các "rác phẩm" vẫn ra rạp đều đặn mỗi năm. Ở thời điểm 10 năm trước, người xem chưa có dịp tiếp xúc nhiều với bom tấn nước ngoài nên dòng phim "mỳ ăn liền" dễ dàng bùng nổ.
Dòng phim hài dễ dàng thu lợi nhuận nhất với kinh phí không cao và chỉ cần một, hai tên tuổi đình đám, cùng kịch bản đơn giản, đậm tính giải trí là đủ. Nhờ đó mà lần lượt Hoài Linh, Thái Hòa và giờ là Trấn Thành, Trường Giang trở thành các "ông hoàng phòng vé". Điều này khiến các biên kịch trở nên lười biếng, còn phim Việt thì bị gắn mác "hài nhảm".
Điện ảnh Việt Nam không thiếu những bộ phim thuộc dạng "thảm họa", kể cả trước hay sau dịch. Ảnh: GXY.
Nhìn lại, nhiều phim đoạt doanh thu cao như Hello cô Ba (2012), Nhà có 5 nàng tiên (2013), Tèo em (2013), Để Hội tính (2014), Siêu sao siêu ngố (2017) hay Trạng Quỳnh (2019) đều có chất lượng gây tranh cãi.
Gần đây, Đích tôn độc đắc (2018) và 30 chưa phải Tết (2020) thất bại dù ra mắt ngay dịp Tết đã gióng lên hồi chuông báo động cho lối làm phim cẩu thả. Ấy vậy mà hàng loạt thảm họa khác vẫn xuất hiện như Cuộc gọi định mệnh (2019), 3D Cung tâm kế (2019), Tôi là não cá vàng (2020) vẫn xuất hiện một cách khó hiểu.
Điều này khiến số lượng người cứ nghe đến phim Việt là nhất quyết quay lưng mà không quan tâm chất lượng ngày một cao.
Với Bằng chứng vô hình, phim dựa trên nguyên tác Blind của Hàn Quốc. Trên thực tế, bộ phim gốc bán được gần 2,5 triệu lượt vé tại quê hương, và đó không phải là con số quá ấn tượng ở xứ kim chi. Blind được nhớ tới nhiều nhất nhờ màn diễn xuất của Kim Ha-neul, giúp cô giành một số giải thưởng danh giá.
Dẫu mắc nhiều sai sót, Bằng chứng vô hình vẫn nhỉnh hơn so với mặt bằng chung của điện ảnh Việt. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để bộ phim đủ sức gánh vác trách nhiệm lôi kéo khán giả trở lại rạp, nhất lại thuộc dòng giật gân / hình sự và ít tính hài hước.
Truyền thông thiếu hiệu quả
Quảng bá là khâu cực kỳ quan trọng cho một bộ phim chiếu rạp. Nhiều bom tấn Hollywood chi số tiền tương đương hay thậm chí lớn hơn cả kinh phí làm phim cho quá trình này. Song, không ít tác phẩm Việt lại chọn cách truyền thông kém hiệu quả và chỉ chú trọng chiêu trò.
Các mùa phim Tết luôn xảy ra tình trạng so kè doanh thu với những con số cao ngất ngưởng mà không có bằng chứng cụ thể. Các nhà sản xuất cũng công khai tố nhau sử dụng chiêu trò "dìm hàng" đối thủ và khen phim mình trên mạng xã hội. Dù đúng hay sai, cả hai đều xấu đi ít nhiều trong mắt người hâm mộ.
Nhiều bộ phim Việt tỏ ra loay hoay trong khâu quảng bá. Ảnh: CJ.
Trailer phim
Năm 2019 còn chứng kiến nhiều đạo diễn lên tiếng cầu cứu trên mạng xã hội. Lần lượt Yolo - Bạn chỉ sống một lần, Thưa mẹ con đi, Trời sáng rồi, ta đi ngủ thôi và Ngốc ơi tuổi 17 đều cho rằng "đứa con tinh thần" bị chèn ép suất chiếu và kêu gọi khán giả "giải cứu".
Gần đây nhất chính là trường hợp của Bằng chứng vô hình và Pee Nak 2. Tác phẩm Việt tỏ ra im ắng trước thời điểm ra rạp. Đồng thời, quá trình truyền thông cũng không làm nổi bật yếu tố giật gân của phim. Trong khi đó, Pee Nak 2 nhấn mạnh vào thể loại kinh dị - hài vốn vô giúp phần trước vô cùng ăn khách. Hậu quả là Bằng chứng vô hình trở nên hụt hơi về mặt doanh thu.
Một ví dụ điển hình mang tính tích cực là loạt phim Lật mặt của Lý Hải. Anh không ngần ngại thể hiện rõ yếu tố hài hước bình dân ngay từ các trailer và xuyên suốt quá trình quảng bá, giúp đánh trúng một bộ phận khán giả. Điều này giúp các phim sở hữu lượng fan riêng và trụ rạp lâu dài dù luôn có thời điểm ra mắt trùng với các bom tấn Marvel.
Chất lượng của chính các bộ phim chưa đủ tốt
Xét cho cùng, bản thân chất lượng bộ phim vẫn là nguyên nhân dẫn đến thất bại tại rạp chiếu của phim Việt. Trong bốn tác phẩm từng "kêu cứu" hồi năm trước, chỉ có Thưa mẹ con đi là tròn trịa và vừa vặn cảm xúc lẫn ý nghĩa. Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi còn nhiều mặt hạn chế và khó thu hút khán giả đại chúng. Hai tác phẩm còn lại thì đúng là "thảm họa".
Việc Bằng chứng vô hình thua Pee Nak 2 là một điều đáng tiếc. Tuy nhiên, chất lượng nội dung bộ phim Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề. Ảnh: CJ, CGV.
Gần đây, Bằng chứng vô hình được làm lại từ Blind (2011) của Hàn Quốc. Song, phim chưa khắc phục triệt để những điểm yếu của bản gốc, đồng thời lại tạo ra thêm nhiều hạt sạn mới, cả khách quan lẫn chủ quan. Đành rằng đạo diễn Trịnh Định Lê Minh có sự chỉn chu nhất định và từng được khen ngợi qua Thưa mẹ con đi. Nhưng anh lại tỏ ra non tay trong thể loại giật gân và không tạo được nhiều sự kịch tính xuyên suốt tác phẩm.
Sắp tới đây, Đỉnh mù sương nhiều khả năng tiếp tục thua đau trên sân nhà trước Peninsula khi chỉ có chất lượng đạt mức trung bình. Phim sở hữu kịch bản ngô nghê, nhiều lỗ hổng. Yếu tố hành động, vốn được đẩy mạnh trong quá trình quảng bá, cũng không thật sự xuất sắc khi bị cắt ghép liên tục, không mang đến cảm giác liền mạch.
Nhìn chung, phim Việt vẫn chưa thể khắc phục được điểm yếu cố hữu nằm ở khâu kịch bản và chất lượng sản phẩm. Đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến các tác phẩm bị chính khán giả nước nhà quay lưng, khiến họ "thà ở nhà chứ không ra rạp xem phim Việt".
Pha xung đột về diễn xuất của Phương Anh Đào - Quang Tuấn "Bằng chứng vô hình" đang gây nhiều tranh cãi nhưng không thể phủ nhận, xung đột trong diễn xuất đôi mắt của Phương Anh Đào và Quang Tuấn là chi tiết thú vị. Trailer phim Bằng chứng vô hình của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh ra mắt trong kỳ vọng về một trong những phim Việt đầu tiên sau dịch, có thể...