Hai nhà lãnh đạo Pháp – Đức gặp mặt trực tiếp tại Paris
Ngày 26/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có cuộc gặp mặt trực tiếp tại Paris và thảo luận về nhiều vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu ở Brussels (Bỉ) ngày 20/10/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Scholz đến Paris tham dự một bữa trưa làm việc theo một lịch trình rất gấp rút về thời gian nhằm tìm ra tiếng nói chung giữa hai thành viên quan trọng hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU). Chuyến thăm Paris của nhà lãnh đạo Đức được tổ chức sau khi hồi tuần trước, nhà lãnh đạo Pháp hoãn cuộc họp liên chính phủ hai nước vì những khác biệt trong một số chính sách quan trọng, trong đó có năng lượng và quốc phòng.
Sau cuộc gặp ngày 26/10, ông Scholz cho biết hai bên đã có cuộc thảo luận quan trọng và tốt đẹp về vấn đề nguồn cung năng lượng cho EU, tình trạng giá cả tăng cao và các dự án quốc phòng chung. Chia sẻ trên Twitter, ông Scholz khẳng định Đức và Pháp luôn sát cánh và cùng tháo gỡ các thách thức.
Theo các nguồn tin ngoại giao của Đức, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc thảo luận thân thiện và mang tính xây dựng trong bữa trưa làm việc, trong đó hai bên đã cùng chia sẻ quan điểm về các hướng đi chính sách quan trọng. Nguồn tin này cho biết thêm cuộc gặp gỡ tại Paris của hai nhà lãnh đạo Pháp – Đức sẽ mở đường cho hợp tác tốt đẹp và tích cực trong những tuần tới.
Pháp và Đức là hai nước lớn trong EU và thường thể hiện đoàn kết trước nhiều cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hai bên có dấu hiệu bất đồng trong một số vấn đề từ năng lượng đến quốc phòng. Sau khi Chính phủ Đức công bố kế hoạch hỗ trợ trị giá 200 tỷ euro (198 tỷ USD) để bảo vệ các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong bối cảnh giá năng lượng tăng mạnh, Tổng thống Pháp đã cảnh báo chương trình hỗ trợ này có thể dẫn tới tình trạng méo mó trong EU. Trong khi Berlin phản đối việc áp giá trần với khí đốt trong toàn khối vì lo ngại người tiêu dùng ngừng thực hành các biện pháp tiết kiệm, khiến tình hình thêm tồi tệ thì Paris lại thúc đẩy áp giá trần khí đốt toàn khối. Trong lĩnh vực quốc phòng, Đức mới đây đã vận động thành công 14 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tham gia dự án phòng không chung, trong khi Pháp đang cân nhắc kế hoạch riêng rẽ.
Trước khi cuộc họp diễn ra, người phát ngôn Chính phủ Pháp Olivier Veran đã bác bỏ mọi thông tin đồn đoán về rạn nứt quan hệ song phương, khẳng định Pháp và Đức luôn là một đôi bạn, đã nhiều lần cùng nhau vượt qua khó khăn. Cuộc gặp ngày 26/10 càng phản ánh tình hữu nghị hiện hữu giữa hai bên.
Lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Đức tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thảo luận về các cuộc đàm phán hiện nay liên quan chương trình hạt nhân của Iran.
Kỹ thuật viên làm việc tại cơ sở hạt nhân Isfahan, cách thủ đô Tehran của Iran 420km về phía Nam. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Nhà Trắng ngày 21/8 cho biết các lãnh đạo của Mỹ, Anh, Pháp và Đức đã thảo luận các nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015.
Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz "đã thảo luận về các cuộc đàm phán hiện nay liên quan chương trình hạt nhân của Iran cũng như sự cần thiết phải tăng cường ủng hộ các đối tác ở khu vực Trung Đông". Thông báo không cung cấp thêm thông tin chi tiết về nội dung thảo luận liên quan đến Trung Đông.
Thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký giữa Iran và các nước Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Đức vào tháng 7/2015. Theo JCPOA, Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân của nước này để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận năm 2018 và tái áp đặt trừng phạt kinh tế, khiến Iran cũng giảm các cam kết của nước này trong thỏa thuận.
Hiện các bên đang tìm cách khôi phục thỏa thuận. Ngày 8/8, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra văn bản mà Brussels nhấn mạnh là "dự thảo cuối cùng" về thỏa thuận khôi phục JCPOA và chờ phản hồi của các bên. Ngày 16/8, Iran xác nhận đã trao văn bản phản hồi về dự thảo của EU.
EU và Mỹ cho biết đang nghiên cứu phản hồi của Iran đối với dự thảo của EU. Giới phân tích nhận định thất bại trong các cuộc đàm phán hạt nhân có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh khu vực mới vì Israel đã đe dọa hành động quân sự chống Iran nếu ngoại giao không giúp ngăn Tehran phát triển năng lực hạt nhân đến cấp độ sản xuất được vũ khí. Iran luôn phủ nhận có tham vọng này, song cảnh báo sẽ "đập tan" bất cứ cuộc tấn công nào của Israel.
Lãnh đạo Nga, Pháp và Đức nhất trí xúc tiến các cuộc tiếp xúc về Ukraine Kết thúc cuộc điện đàm kéo dài gần 2 giờ vào tối 12/3 (giờ Việt Nam), Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhất trí tiếp tục xúc tiến các cuộc tiếp xúc về vấn đề Ukraine trong thời gian tới. Các tình nguyện viên vận chuyển hàng cứu trợ tại Kiev, Ukraine...