Hai món đắng gây ‘nghiện’ của núi rừng xứ Thanh
Ngụm canh trôi qua cuống họng đắng tê người, nhưng ai trót ăn rồi thì thương nhớ mãi, thèm xách xe chạy về với núi rừng mà thưởng thức.
Măng đắng của người Thái
Mùa xuân mưa lắc rắc, người Thái ở Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước của tỉnh Thanh chỉ cần vào rừng một lúc là mang về cả bồ măng. Mưa làm cho những búp non nhọn hoắt nhú lên khỏi mặt đất. Để măng lên cao, vị đắng sẽ loãng dần lên người hái măng chỉ chọn những búp dài bằng gang tay mang về luộc.
Món măng đắng luộc có thể chấm với muối trộn hạt mắc khẻn, chấm mắm tôm hoặc chấm nước mắm pha tỏi ớt vẫn ngon. Ảnh: Phương Hòa.
Bóc vài lớp bẹ dính đất ở ngoài, cây măng trắng nõn dần hiện ra. Măng để ngâm nước muối vài giờ cho bớt vị hăng, đắng rồi cho vào nồi đổ nước xâm xấp. Chỉ cần luộc trong vòng 15 phút là có một đĩa măng ngon. Măng luộc xong rồi chẻ làm tư, xong dùng tay cầm lên mà ăn thì khỏi nói. Thứ măng có vị đắng bùi, đưa vào miệng còn nhăn mặt nhưng chỉ cần nhai một lúc, đảo qua đầu lưỡi rồi nuốt sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi của măng.
Măng đắng chấm muối trộn hạt mắc khẻn của người dân bản địa ăn là ngon nhất, cảm nhận được hết hương vị của núi rừng. Nếu không có mắc khẻn thì có thể thay thế bằng mắm tôm hoặc nước mắm pha thêm chút đường, ớt, tỏi ngon không kém.
Giữa mâm cao cổ đầy, món măng đắng giản dị nhưng ăn rồi lại nghiện, ăn hoài không biết chán. Trong mâm cơm giữa núi rừng, khách cứ thế mà đảo mắt tìm đĩa măng. Nếu không thích ăn luộc thì có thể cắt nhỏ rồi xào với thịt, cho thêm ít lá lốt ăn cũng rất ngon.
Video đang HOT
Canh đắng xứ Mường
Cây đắng thường mọc ở khe núi, khi trở thành thứ rau được người Mường đem về trồng trong vườn. Mỗi khi nhà có khách quý hoặc dịp lễ Tết, người Mường thường bứt một nắm lá để nấu canh đãi khách. So với măng đắng, mướp đắng thì món canh đắng của người Mường ở Cẩm Thủy, Ngọc Lặc còn đứng trên một bậc. Lá đắng dù tươi hay khô, nấu rồi vẫn đắng đến tê người.
Canh đắng nấu thịt gà băm nhỏ vẫn là ngon nhất. Ảnh: Tịnh Tâm.
Lá đắng có thể nấu cùng với lòng lợn, lòng bò, ruột cá, nhưng ngon nhất vẫn là thịt gà băm nhỏ. Thịt gà băm tẩm sả, ớt, mắm tôm, mẻ, thêm chút gia vị rồi để chừng 15 phút. Khi mỡ nóng già, cho hành phi thơm rồi đổ hỗn hợp trên vào, đảo đều tay cho chín tới. Sau đó, cho lá đắng thái nhỏ vào tiếp tục đảo và cho nước. Dù nấu với thứ gì, người Mường cũng cho một bát tiết vào cho có màu và có như vậy mới thành nồi canh.
Canh chín bắc ra dùng nóng, thường ăn trước bữa cơm. Sau khi uống cạn chén rượu mừng gặp mặt, chủ nhà múc một bát canh mời khách. Ai mới ăn lần đầu sẽ vừa húp vừa nhắm mắt, rùng mình kêu đắng nhưng miệng thì vẫn không thể rời bát canh.
Đã trót thương canh đắng xứ Mường rồi, nếu thèm thì chỉ còn cách xách xe máy mà chạy về với núi rừng, ăn chính món canh mà người dân nơi đây nấu, dù có nhớ công thức nấu thì cũng không thể ngon bằng.
Theo PNO
Ngày mưa nhớ bánh răng bừa xứ Thanh
Chỉ với gạo tẻ, nhân thịt lợn trộn với mộc nhĩ, hành khô gói trong lá chuối xanh, người xứ Thanh đã tạo nên món bánh ăn một lần nhớ mãi.
Những chiếc bánh thon dài, có hình dáng giống chiếc răng bừa, nông cụ quen thuộc của người nông dân. Ảnh: Phương Hòa.
Hà Nội những ngày mưa dầm dề, trời se se lạnh, tôi lại thèm và nhớ món bánh răng bừa của mẹ. Bánh được làm từ gạo tẻ, thường xuất hiện trong những ngày lễ Tết, đám cưới ở xứ Thanh. Tên bánh gắn với thứ nông cụ quen thuộc của người nông dân.
Người xứ Thanh kể lại, bánh có nguồn gốc từ làng Trung Lập (xã Trung Lập, Thọ Xuân), khi xưa vua Lê Hoàn đích thân xuống đồng cày ruộng trong lễ hội đầu năm. Nhân dân đã dành thứ gạo ngon ở mảnh đất đó, làm nên món bánh dâng vua.
Bánh răng bừa được làm từ gạo tẻ xay nhuyễn gói trong lá chuối, nhân thịt lợn, hành khô, mộc nhĩ. Chọn gạo làm bánh cũng là công đoạn cầu kỳ, gạo không khô quá, cũng không dẻo quá để tránh cho chiếc bánh không bị nát khi luộc lên. Gạo đem ngâm vài tiếng trong nước lạnh rồi đem xay nhuyễn, xay càng mịn thì bánh ăn càng ngon. Chọn thịt lợn làm nhân bánh cũng chọn thịt ba chỉ, có chút mỡ để khi luộc bánh, mùi thơm mỡ màng của thịt trộn với mùi gạo chín, lá chuối xanh... khiến người ăn không bao giờ biết chán.
Chiếc bánh nhân thịt lợn, hành, mộc nhĩ ăn không biết chán, ăn ngon nhất trong những ngày mưa lạnh. Ảnh: Phương Hòa.
Nồi bột được bắc lên bếp, mẹ cầm chiếc đũa cả quấy đều tay để bột không bị vón cục, quấy đến khi nào bột quánh lại thì để bớt nóng và gói. Mỗi lần làm bánh răng bừa, nhà như có hội, người lau lá, người dùng đũa nhón ít bột, quệt vào giữa miếng lá chuối, thêm nhân thịt lợn, mộc nhĩ, hành khô vào rồi cuộn tròn, bẻ gập hai đầu lá lại, xong xuôi cho vào nồi đem luộc khoảng 30 phút là chín.
Người xứ Thanh không dùng lá dong gói bánh như một số vùng khác mà dùng lá chuối hột để gói. Lá chuối sẽ được hơ qua lửa để miếng lá trở nên dẻo dai hơn và xé rộng bằng bàn tay. Theo họ, bánh gói bằng lá chuối thì khi cuộn, lăn chiếc bánh sẽ được chắc hơn. Luộc chín rồi, hương vị của lá chuối cũng làm cho bánh trở nên đậm đà hơn.
Bánh vớt ra rồi để cho ráo nước và bớt nóng. Bóc lớp lá chuối ra, chiếc bánh thon dài tỏa hương thơm mỡ màng từ gạo, lá chuối, nhân thịt... Bánh răng bừa chấm với thứ nước mắm cũng do chính tay người Thanh Hóa làm, thêm chút chanh, ớt thì không còn gì tuyệt bằng. Bánh ăn ngon nhất là những ngày mưa, trời se se lạnh.
Lá chuối dùng để gói bánh thường được hơ qua lửa để tăng phần dẻo dai, tước hết xơ, cắt gọn hai đầu. Gói bằng lá chuối sẽ làm cho chiếc bánh đậm hương vị hơn. Ảnh: Phương Hòa.
Trước đây, bánh chỉ xuất hiện vào những dịp lễ Tết, nhưng giờ thì nó được làm quanh năm và để buôn bán. Ở Thanh Hóa nhiều nơi làm bánh răng bừa, nhưng ngon có tiếng vẫn là bánh làng Trung Lập, quê hương của chính vua Lê Hoàn. Các cô gái trong làng đi lấy chồng xa cũng mang theo bí quyết truyền đi các vùng khác. Món bánh vì thế mà cũng nổi tiếng khắp các vùng tỉnh Thanh.
Về làng Trung Lập viếng thăm đền thờ vua Lê Hoàn, bạn đừng quên mua thêm một ít bánh răng bừa về làm quà. Chiếc bánh nhỏ xinh, gói tình người xứ Thanh có giá chỉ 15.000 đồng/chục chiếc.
Theo VNE
Đặc sản xứ Thanh xiêu lòng lữ khách Về mảnh đất Thanh Hóa bạn sẽ ngất ngây với các đặc sản thơm ngon của nơi này. Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh ra nhiều bậc hiền tài. Không chỉ thế, dường như mỗi ngọn núi, con sông hay bãi biển nơi đây... cũng trở thành một danh lam - thắng cảnh mang vẻ đẹp cổ...