Hãi hùng xe dù đi Tây nguyên
Tại ngã tư cầu Bà Di, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, Bình Định có một bến xe dù hoạt động bát nháo suốt ngày đêm. Nằm ở điểm giao nhau giữa Quốc lộ 1A và Quốc lộ 19 nên bến xe thu hút rất nhiều hành khách lên các tỉnh Tây nguyên. Thế nhưng, lên xe tại đây tính mạng của các “thượng đế” không được đảm bảo an toàn.
Đoạn đường thường xảy ra tai nạn
XE DÙ VÔ TƯ QUẦN ĐẢO
Ngày 9-6-2011, tấp vào một quán cà phê ven đường, chúng tôi tận mắt chứng kiến từ bảy giờ sáng, hàng chục chiếc xe ôtô 12 chỗ ngồi cho đến xe khách loại lớn luôn quần đảo để mời chào khách. Chỉ cần thấy khách khệ nệ ba lô, phụ xe sẽ nhảy ào xuống đường để giành giật. Mặc dù nút giao thông này rất đông đúc nhưng các tài xế vẫn cố tình “làm xiếc” trên đường.
Một chủ quán nước tại “bến cóc” than phiền: “Cảnh phụ xe, tài xế giành khách rồi đánh nhau xảy ra như cơm bữa. Có đứa bị đánh toác đầu vỡ trán, máu chảy đầm đìa. Ngoài ra, khách ghé quán tôi uống nước đợi xe thường bị một người đàn ông khoảng 40 tuổi cưỡi xe đạp đến xin đểu”. Bà chủ quán vừa dứt lời thì giữa đám xe dù xuất hiện gã thanh niên “tả xung hữu đột” để xin tiền.
Video đang HOT
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài các xe xuất bến từ TP. Quy Nhơn, rất nhiều xe từ các tỉnh phía bắc lên Tây nguyên cũng tham gia đón khách tại “bến cóc”, gây ra những tai nạn đau lòng. Mới đây, sáng 3-3-2011, xe ôtô tải BS: 77H-4671 do anh Đặng Nguyễn Phước Duy (24 tuổi, ở thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn) điều khiển chạy theo hướng Bắc – Nam, khi đến khu vực trên đã đụng xe môtô BS: 77H7-5160 của chị Phạm Thị Tố Nữ (34 tuổi, ngụ thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn) chạy cùng chiều khiến chị Nữ tử vong tại chỗ. Tai nạn đã gây ra kẹt xe kéo dài gần 1km, chỉ đến khi CSGT có mặt làm nhiệm vụ thì tình hình giao thông mới được vãn hồi.
“Chuyện xe cộ tông nhau, va quẹt giữa xe dù và người đi đường xảy ra thường xuyên, nhưng ít thấy CSGT xử lý lắm” – một người dân cho biết.
Cảnh rước khách trái phép
“THƯỢNG ĐẾ” BỊ HÀNH
Trong vai một hành khách cần lên tỉnh Gia Lai, tôi bị ba phụ xe khuôn mặt bặm trợn từ ba chiếc xe khác nhau lao đến, giật lấy ba lô, đẩy về phía xe của họ. Bị “cướp” khách, hai phụ xe còn lại đòi ăn thua đủ với đối thủ. Lên được chiếc xe cũ mèm BS: 77K-64…, tôi bị phụ xe nhét vào phía sau, nơi có rất nhiều người đang ói vì say xe. Chiếc xe vô tư chở gấp đôi số người theo quy định. Khi đã đón khách đủ “sở hụi”, tài xế mới bắt đầu tăng tốc trên Quốc lộ 19.
Đến địa phận huyện Tây Sơn, thấy đông người tụ tập hai bên đường, phụ xe thò hẳn đầu ra ngoài để bắt khách. Tài xế đang chạy như điên vội tấp vào lề, thản nhiên bỏ ngoài tai những lời chửi bới của người đi xe máy. Tới thị xã An Khê (Gia Lai), tài xế vẫn chạy rất nhanh dù trên đường dày đặc các em học sinh tan trường.
Ngồi cạnh tôi, chị Nguyễn Thị Mỹ (trú thôn Cảnh An, xã Cát Tài, huyện Phù Cát) kể trong hơi thở mệt nhọc: “Vì làm rẫy ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum nên tôi thường xuyên đón xe khách để lên Tây nguyên. Lần nào đi xe tôi cũng phải nín thở vì tài xế chạy rất ẩu, lại còn tranh giành khách”.
Để tránh những tai nạn đau lòng xảy ra, đề nghị lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các hành vi đậu xe và đón khách trái phép.
Theo CATP
Xe dù "quậy" ngày lễ
Đến hẹn lại lên, cứ vào mỗi dịp lễ lớn, tình hình bát nháo tại các bến xe lại tiếp tục tái diễn. Các xe dù vẫn ngang nhiên bắt khách trên các đường quốc lộ, bất chấp sự an nguy tính mạng hàng chục hành khách trên xe.
Mới 7 giờ sáng 30-4, nhưng không khí tại Bến xe miền Đông đã nóng bức, ngột ngạt, với hàng ngàn tiếng ồn ào huyên náo, rất nhiều cò xe chặn khách ngay từ đầu cổng để lôi kéo. Khi chúng tôi hỏi vé từ TPHCM về Đắk Lắk giá bao nhiêu, một cò xe cho biết ngày lễ đông nên giá xe chất lượng cao là 300.000đ. Thấy chúng tôi chê mắc vì vé xe trong bến chỉ có 200.000đ, anh ta phân trần: "Tuy vé xe trong bến rẻ, nhưng các chị phải ngồi chờ xe đủ mới chạy, không những vậy, dù mua vé hàng nào thì cũng bị nhét ở cuối xe, chưa kể sự phân biệt đối xử của nhà xe đối với những khách mua vé". Thấy chúng tôi còn chần chừ, anh ta bồi thêm: "Hai chị không đi sớm, lát nữa không có xe mà đi đâu, thôi để em sắp xếp chỗ cho lẹ". Cuối cùng chúng tôi quyết định mua hai chỗ với giá 560.000đ. Trên xe chỉ lác đác vài người, nhìn đồng hồ lúc này đã là 7 giờ 30 sáng, nhưng xe không có dấu hiệu "chạy liền" như lời cò xe quảng cáo. Ngồi trên xe, chúng tôi thấy có khá nhiều người cũng được "áp tải" lên xe theo kiểu mua chỗ. Trời bắt đầu nắng, xe không có máy lạnh lại đông người nên có vài hành khách bắt đầu phản đối khi phải chờ đợi quá lâu. Sau gần hai tiếng chờ đợi, xe mới bắt đầu rời bến. Lúc này chúng tôi mới biết vé của hành khách mua xuất bến là 9 giờ.
Xe vừa rời khỏi bến chưa tới 500 mét thì điệp khúc bắt khách được thực hiện. Những màn lôi kéo, hò hét, cắt đầu xe khác của tài xế khiến nhiều hành khách xanh mặt. Khi xe gần tới ngã tư Bình Phước, đột nhiên lơ xe nhảy xuống kéo vội một phụ nữ lên xe, phía sau là gã đàn ông vừa đuổi theo bằng xe máy vừa chửi rủa. Xe chạy được một quãng người phụ nữ mới dám kể lại sự việc. Chị cho biết mình tên Thảo, quê ở Gia Lai. Nhân dịp nghỉ lễ dài ngày nên tranh thủ ra bến xe mua vé về quê, nhưng vì tới trễ nên vé lúc 9 giờ đã hết, chị đành phải chờ. Đang lúc ngồi chờ thì có mấy gã xe ôm tới "mách nước", chỉ cần bỏ tiền xe ôm ra ngã tư Bình Phước đón xe bảo đảm rẻ hơn trong bến rất nhiều. Đang lúc cần về quê gấp nên chị đồng ý với điều kiện vé xe không được vượt quá 200.000đ. Không ngờ ra tới nơi tất cả các xe khách đều không chịu giá dưới 200.000đ, như vậy cộng thêm tiền xe ôm chị phải trả 240.000đ, trong túi lúc này lại chỉ có 230.000đ, nên khi chị Thảo đồng ý trả tiền xe khách là 200.000đ và tiền xe ôm là 30.000đ thay vì 40.000đ như lúc đầu, gã xe ôm trở mặt và rượt theo chị chửi bới suốt cả một quãng đường dài.
Sau khi vòng đi vòng lại liên tục năm lần quanh khu vực ngã tư Bình Phước, chiếc xe mới chịu xuất phát thật sự. Trên xe lúc này đã có hơn 40 người chen chúc kẻ đứng người ngồi. Đến khu vực Đồng Xoài, có khách yêu cầu chở thêm hàng chục thùng hàng lớn bé thì nhà xe vẫn đồng ý. Để đủ chỗ, họ thay hết những chiếc ghế nhựa khách đang ngồi thành thùng hàng và bất chấp sự la ó phản đối của hành khách. Các phụ xe vẫn ép khách phải ngồi lên trên vì nếu không ngồi thì cũng không còn chỗ mà đứng. Sau một hồi phản đối, hành khách đành ngán ngẩm chấp nhận. Chiếc xe tiếp tục lăn bánh. Tới Bình Phước, đường đang thi công rất bụi, nhưng tài xế vẫn phóng như điên, có lúc xe rơi vào ổ gà rồi chồm lên tưởng chừng như sắp lao vào giải phân cách. Vì không chịu nổi cách chạy như "ăn cướp" nhiều hành khách nôn thốc nôn tháo. Sau những màn biểu diễn rợn người, xe dừng bánh trước quán cơm tại thị trấn Gia Nghĩa. Mặc dù không đói nhưng tôi và cô bạn đồng nghiệp vẫn xuống xe vào quán. Ngồi sát bàn chúng tôi là nhóm tài xế xe khách. Vừa ăn cơm vừa bàn luận, họ "bán" hành khách của xe mình cho xe khác như một món hàng không hơn không kém. Một tài xế vừa đưa tiền cho một đồng nghiệp vừa nói: "Tại công an quần dữ quá, chứ không còn lâu tui mới đưa ông kèo này, mà liệu nhét vừa vừa thôi, cái thắng của xe ông bà Thủy (chủ xe - PV) hình như chưa có thay, coi chừng lại đổ đèo thì bỏ mẹ". Nghe cuộc trao đổi, mua bán khách của các tài xế mà tôi và cô bạn thấy lạnh gáy.
Cứ đến các mùa lễ, tết xe dù lại hoạt động bát nháo, công khai bất chấp nguy hiểm tính mạng của nhiều hành khách, và dù đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn thương tâm do những "hung thần" xe khách gây ra nhưng trình trạng trên vẫn không thay đổi.
Theo Công An TP
Khách về quê méo mặt vì nhà xe cũng làm "cò" Bến xe quá tải vì khách vẫn không thể kiếm tìm vé về quê, trong khi nhiều người phải tìm đến xe "dù", một số khách phải cậy đến nhân viên nhà xe khi mua vé. Khách vô vọng kiếm vé xe 18h ngày 29/4, hành khách đổ về bến xe miền Đông đông nghịt. Nhiều hành khách dù đã chen chân quyết...