Hạ viện Mỹ thông qua khoản hỗ trợ Covid-19 Trump mong muốn
Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã bỏ phiếu thông qua khoản cứu trợ 2.000 USD/người trong Covid-19, phù hợp yêu cầu của Tổng thống Trump.
Hạ viện Mỹ phê duyệt mức cứu trợ Covid-19 mới hôm 28/12 với 275 phiếu thuận và 134 phiếu chống, tăng số tiền trợ cấp cho mỗi người dân Mỹ từ 600 USD lên 2.000 USD. Những người bỏ phiếu chống gồm 130 nghị sĩ Cộng hòa, hai nghị sĩ độc lập và hai nghị sĩ Dân chủ.
Các nghị sĩ Dân chủ muốn khoản cứu trợ 2.000 USD/người từ lâu và sử dụng điểm hòa thuận hiếm hoi này với Tổng thống Donald Trump để thúc đẩy đề xuất.
Chủ tịch Hạ viện Pelosi rời phòng họp sau cuộc bỏ phiếu hôm 28/12. Ảnh: AFP .
Trump tuần trước dọa không ký dự luật chi tiêu đã được quốc hội thông qua nếu cơ quan này không tăng mức cứu trợ Covid-19 lên 2.000 USD/người. Ông chủ Nhà Trắng ký dự luật hôm 27/12, cấp ngân sách cho chính phủ liên bang, đồng thời tài trợ cho gói cứu trợ Covid-19 trị giá 900 tỷ USD.
Dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá 900 tỷ USD gồm các khoản thanh toán trực tiếp 600 USD cho mỗi người lớn và trẻ em ở Mỹ. Số tiền cho người lớn bằng một nửa khoản thanh toán 1.200 USD theo Đạo luật CARES được ban hành hồi tháng 3, nhưng số tiền cho mỗi trẻ em lớn hơn một chút so với mức 500 USD trước đó.
Video đang HOT
Mức cứu trợ tăng lên đáng kể được Hạ viện thông qua sẽ được chuyển đến Thượng viện để chờ phê duyệt. Hiện chưa rõ số phận của gói ngân sách này tại Thượng viện, nơi các nghị sĩ Cộng hòa từng nói rằng khoản hỗ trợ cao hơn sẽ tiêu tốn thêm hàng trăm tỷ USD vào luật cứu trợ.
Thượng viện sẽ họp ngày 29/12. Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện hoan nghênh Tổng thống ký dự luật cứu trợ, nhưng không đề cập liệu Thượng viện có bỏ phiếu về mức cứu trợ mới hay không. Một thành viên ban lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện tuần trước cho biết ông không nghĩ dự luật tăng khoản hỗ trợ sẽ được thông qua ở Thượng viện.
Đại dịch Covid-19 đã giết chết gần 343.000 người ở Mỹ và dẫn đến khó khăn kinh tế trên diện rộng, với hàng triệu gia đình sống dựa vào trợ cấp thất nghiệp và quỹ cứu trợ.
'Cú bắt tay' muộn màng của lưỡng đảng Mỹ
Gói cứu trợ Covid-19 mới trị giá 900 tỷ USD của quốc hội Mỹ dường như đến quá muộn màng, không kịp cứu giúp nhiều gia đình và doanh nghiệp.
Dù 4 lãnh đạo thượng viện và hạ viện Mỹ của lưỡng đảng đã hoàn thành thỏa thuận cứu trợ Covid-19 hôm 20/12, nội dung của nó vẫn trong quá trình hoàn thiện và cần trải qua cuộc bỏ phiếu ở cả hai viện. Gói cứu trợ này dự kiến bao gồm hầu hết hạng mục mà các nhà kinh tế học đánh giá vô cùng quan trọng, nhằm tránh "khoét sâu vết thương" khủng hoảng và hỗ trợ phục hồi.
Trợ cấp thất nghiệp sẽ tiếp tục được trao cho hàng triệu người có nguy cơ mất việc làm. Chương trình Bảo vệ Tiền lương, từng giúp duy trì nhiều doanh nghiệp nhỏ hồi mùa xuân, cũng được "hồi sinh". Thỏa thuận của lưỡng đảng còn giúp kéo dài thời gian hoãn thu hồi tài sản và mở rộng phúc lợi về dinh dưỡng, tạo điều kiện cho những gia đình dễ bị tổn thương nhất có bữa ăn và nơi ở.
Tuy nhiên, theo bình luận viên Ben Casselman và Jim Tankersley của NY Times , gói viện trợ có lẽ không đủ để tạo ra "đòn bẩy" đưa nền kinh tế thoát khỏi cảnh cùng cực sau các cuộc suy thoái. Đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng sẽ để lại hậu quả kinh tế dai dẳng, như tình trạng thất nghiệp trong thời gian dài gia tăng, khác biệt giữa các chủng tộc ngày càng sâu sắc và thêm nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, rời bỏ lực lượng lao động.
Các lãnh đạo quốc hội Mỹ, từ trái qua phải: lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell và lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer. Ảnh: Hill .
Các khoản thanh toán tiền mặt trong gói cứu trợ mới, với tối đa 600 USD/người cho các hộ gia đình và thêm 300 USD trợ cấp thất nghiệp hàng tuần, chỉ bằng một nửa so với mức quốc hội cung cấp hồi mùa xuân. Theo các bình luận viên NY Times, điều đó có nghĩa là chúng sẽ tạo ra ít tác động kinh tế hơn và không giúp ích gì nhiều cho những người thất nghiệp.
Hai chương trình, một dành cho những người không được chi trả bằng bảo hiểm thất nghiệp truyền thống và một dùng để hỗ trợ sau khi phúc lợi của nhà nước hết hạn, chỉ được gia hạn trong vòng chưa đầy ba tháng. Vì vậy, hàng triệu người Mỹ thất nghiệp sẽ mất nguồn viện trợ quan trọng, nếu số lượng người tìm được việc mới không tăng lên đáng kể trong khoảng thời gian này.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề mà thỏa thuận của lưỡng đảng chưa giải quyết được. Đáng chú ý nhất là việc các bên chưa nhất trí về khoản tiền hàng trăm tỷ USD dùng để "vá" những lỗ hổng trong ngân sách bang và địa phương, dẫn đến 1,3 triệu việc làm bị cắt giảm kể từ tháng 3. Theo dự báo, tình hình tài chính khó khăn sẽ khiến ngày càng nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp.
"Mọi thứ không đến mức tồi tệ như những ngày đen tối hồi tháng 3 và tháng 4, nhưng vẫn tồn tại nhiều rủi ro", Tracy Gordon, chuyên gia cấp cao tại Viện Đô thị ở Washington, Mỹ, đánh giá.
Tổng thống đắc cử Joe Biden và phe Dân chủ tại quốc hội mô tả gói viện trợ là khoản trả trước nhằm tránh những thiệt hại kinh tế ngắn hạn, một nỗ lực cần được tiếp nối bằng viện trợ bổ sung để đảm bảo sự phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, họ được cho là sẽ phải đối mặt với rào cản từ đảng Cộng hòa.
Thêm vào đó, công chúng dường như ngày càng lạc quan rằng đại dịch bắt đầu được khống chế nhờ vaccine Covid-19, tạo điều kiện tái khởi động ngành du lịch, các sự kiện trực tiếp, dịch vụ ăn uống tại chỗ và những lĩnh vực khác đang khốn đốn vì virus. Những yếu tố này có khả năng khiến quốc hội khó thông qua thêm một gói cứu trợ khác. Triển vọng của mục tiêu còn phụ thuộc vào việc đảng Dân chủ có kiểm soát được thượng viện hay không.
Sau khi nhanh chóng thông qua Đạo luật CARES trị giá 2,2 nghìn tỷ USD hồi tháng 3, các nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ lại bế tắc suốt nhiều tháng về gói cứu trợ tiếp theo, gây tổn hại nghiêm trọng cho cả các chủ doanh nghiệp và hộ gia đình, đến mức khó có thể phục hồi.
Theo dữ liệu từ các chủ doanh nghiệp được thu thập bởi Alignable, một mạng lưới trực tuyến dành cho những công ty nhỏ, hoạt động kinh doanh của họ cải thiện ổn định hồi mùa hè, khi nền kinh tế tái mở cửa. Tuy nhiên, tình hình lại tồi tệ kể từ tháng 9, thời điểm viện trợ cạn kiệt, virus trỗi dậy và người tiêu dùng trở nên dè dặt. Tình trạng sa thải gần đây ngày càng gia tăng, giữa lúc nhiều bang tái áp đặt hạn chế với hoạt động kinh doanh và tiêu dùng do đợt bùng phát dịch dữ dội.
"Nhiều doanh nghiệp từng nghĩ họ đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm hồi tháng 6 và tháng 7. Giờ đây, khi nhìn lại, họ nhận ra đó chỉ là một con tàu đang lao về phía họ", Eric Groves, giám đốc điều hành của Alignable, cho hay.
Theo phân tích đối với 40.000 doanh nghiệp nhỏ của Homebase, một công ty cung cấp phần mềm theo dõi thời gian và lịch trình cho doanh nghiệp, gần một nửa số doanh nghiệp đóng cửa vào tháng 3 không tái mở cửa, hoặc nối lại hoạt động nhưng lại đóng cửa một lần nữa.
Đối với các doanh nghiệp còn "sống sót", Chương trình Bảo vệ Tiền lương cung cấp cho họ những khoản vay hoàn trả tùy điều kiện. Tuy nhiên, chưa rõ số tiền này có thể đến kịp thời hoặc đủ để cứu những doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực hay không, Kenan Fikri, giám đốc nghiên cứu tại Nhóm Đổi mới Kinh tế ở Washington, đặt vấn đề.
Vẫn có một số lý do để lạc quan, như việc nền kinh tế đã phục hồi tốt hơn so với nhiều dự đoán hồi đầu năm. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 11 đã giảm xuống mức 6,7%, thấp hơn nhiều so với con số gần 15% vào tháng 4. Các nhà kinh tế học, bao gồm chuyên gia thuộc Cục Dự trữ Liên bang, nhiều lần nâng cao mức dự báo về kinh tế. Nhiều doanh nghiệp cũng tìm ra những phương thức hoạt động mới. Một phần nguyên nhân được cho là nhờ gói cứu trợ đầu năm của chính phủ.
Tuy nhiên, các tác động vẫn chưa đồng đều. Ngay cả trong trường hợp đợt viện trợ mới nhất có thể giúp nền kinh tế phục hồi hoàn toàn, những "vết sẹo" sẽ vẫn tồn tại. "Tôi nghĩ chúng ta không thể đảo ngược thiệt hại. Chuyện đã đâu vào đó", Michelle Holder, nhà kinh tế học tại Đại học Tư pháp Hình sự John Jay ở New York, nhận định.
"Một viễn cảnh có khả năng xảy ra, là tất cả chúng ta sẽ dành 30 năm tới để lưu lại toàn bộ tổn hại mà cuộc khủng hoảng này gây ra", Elizabeth Ananat, nhà kinh tế học tại Đại học Barnard, nêu ý kiến.
Vaccine COVID-19 - sự đồng nhất hiếm thấy trong giới lãnh đạo Mỹ Ngày 18/12, thủ lĩnh của đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Thượng viện, Hạ viện Mỹ đều đã tiêm ngừa vaccine COVID-19. Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ tiêm vào ngày 21/12. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tiêm ngừa vaccine trước ống kính truyền hình. Ảnh: AP Sau khi Phó Tổng thống Mike Pence tiêm vaccine trước ống kính truyền...