Hạ viện Mỹ nhắn ông Trump : Dự điều trần hoặc ngừng phàn nàn!
Hạ viện Mỹ đã lần đầu mời Tổng thống Trump đến dự phiên điều trần luận tội ông, sau hàng loạt chỉ trích và phàn nàn của ông này về quá trình trên.
Theo BBC, ông Jerrold Nadler, Chủ tịch của Ủy ban Tư pháp Hạ viện, đã gửi thư mời Tổng thống Trump đến dự phiên điều trần vào ngày 4-12 sắp tới. Trong thư mời trên, ông Nadler cho rằng ông Trump hoặc hãy tham dự phiên điều trần hoặc “ngưng phàn nàn về quá trình (luận tội)”.
“Về cơ bản, tổng thống có quyền lựa chọn. Ông ấy có thể nắm lấy cơ hội này và tham gia các phiên điều trần hoặc ông ấy nên ngừng phàn nàn về quá trình trên” – ông Nadler viết trong thư.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler. Ảnh: REUTERS
Cũng trong thư trên, ông Nadler cho rằng việc tham gia phiên điều trần sẽ là cơ hội để thảo luận về nền tảng lịch sử và hiến pháp cho việc luận tội.
Tổng thống Trump sẽ có hạn chót vào 18 giờ ngày 1-12 (giờ miền Đông) để trả lời liệu ông có dự khán phiên điều trần hay không. Nếu có, ông có quyền chỉ định luật sư cho mình và có thể đặt câu hỏi trực tiếp cho các nhân chứng.
Đây được xem là một mốc mới trong cuộc điều tra luận tội do Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ lãnh đạo, với trọng tâm là cuộc gọi giữa tổng thống Mỹ và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.
Trước đó, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích và phàn nàn về cuộc điều tra của Hạ viện. Ông nhiều lần gọi việc luận tội là “cuộc săn phù thủy”, làm khó cho các nhân chứng trong việc tham gia vào điều trần và thậm chí chỉ trích công khai trên Twitter bà Marie Yovanovitch – cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine ngay trong lúc bà này đang trong phiên điều trần.
Những diễn biến mới nhất của điều tra luận tội
Các nhân chứng đã tham gia các phiên điều trần. Ảnh: CNN
Vào tuần trước, Ủy ban Tình báo Hạ viện đã kết thúc hai tuần đầu của việc điều trần công khai. Các nhân chứng tham gia bao gồm cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine Bill Taylor, đại sứ Mỹ tại châu Âu Gordon Sondland, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch và nhiều nhân chứng khác.
Video đang HOT
Theo ông Adam Schiff – Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện cho biết bản báo cáo về điều tra luận tội sẽ được công bố vào ngày 3-12 sắp tới.
QUANG TUỆ
Theo plo.vn
Tiến trình luận tội ông Donald Trump: "Bom tấn" chờ phát nổ
Hạ viện Mỹ đang tiến hành các bước bỏ phiếu về các thủ tục chính thức cho cuộc điều tra luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chính quyền của ông Trump sẽ không còn lý do để biện luận rằng cuộc điều tra luận tội này là vô hiệu lực khi không có một cuộc bỏ phiếu trọn vẹn và rằng các nghi thức bị giấu giếm một cách không đàng hoàng và mang tính một chiều.
"Bom tấn" là nhân chứng luận tội mới làm rung chuyển Nhà Trắng. Nước Mỹ được dự báo sẽ có xáo trộn lớn trước thềm cuộc bầu cử tổng thống.
"Quyền luận tội duy nhất"
Hiến pháp trao cho Hạ viện "quyền luận tội duy nhất" mà không cần đưa ra bất cứ yêu cầu điều tra nào. Và vòng đầu tiên của các phiên điều trần kín tại Hạ viện cho phép các thành viên của đảng Cộng hòa và Dân chủ thuộc các ủy ban điều tra được tham gia, tất cả những người này đều có quyền đặt câu hỏi cho các nhân chứng.
Cuộc bỏ phiếu tuần này sẽ vô hiệu hóa bất cứ lời phàn nàn nào của đảng Cộng hòa về tính công bằng của tiến trình. Đáng chú ý, Nhà Trắng và các lãnh đạo đảng Cộng hòa khác không mấy hài lòng khi đáp trả tuyên bố về cuộc bỏ phiếu, mà còn thể hiện sự giận dữ.
Tuần trước đã chứng kiến sự chấm dứt những lời biện hộ về việc "không có sự trao đổi nào", vốn hứng chịu sự phản bác cuối cùng với lời thừa nhận trái ngược của Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney và lời chứng thực của nhà ngoại giao kỳ cựu William Taylor về một mối liên quan trực tiếp giữa sự hỗ trợ nước ngoài và các cuộc điều tra của Ukraine về các đối thủ chính trị của ông Trump.
Lời khai của trung tá quân đội Alexander Vindeman - một chuyên gia ngoại giao và quân sự kỳ cựu đã được trao huân chương Trái tim Tím vì đã hứng chịu những tổn thương trong chiến tranh - càng củng cố điều này.
Tổng thống Donald Trump chưa đưa ra tuyên bố chính thức về việc này. Ảnh: Angel News.
Có thể nói, cuộc bỏ phiếu ngày 1-11 (giờ Mỹ) sẽ đem lại lợi ích chính trị cho các nghị sĩ Dân chủ trong Hạ viện. Nó cũng sẽ hỗ trợ pháp lý cho họ để giành chiến thắng trước sự ngăn cản của Nhà Trắng và thúc ép các nhân chứng cho lời khai và đưa ra các bằng chứng khác. Chắc chắn là ông Trump và những người khác sẽ tiếp tục áp dụng những biện pháp phòng vệ đã kể trên. Mỗi tuần trôi qua, những tuyên bố của họ ngày càng trượt xa khỏi thực tế.
Cuối cùng, sự thật sẽ sáng tỏ. Về tầm quan trọng của mối liên hệ với Ukraine trong tiến trình luận tội, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố không có sự qua lại nào giữa ông với Ukraine. Song, như đã nói ở trên, lời biện hộ này đã bị lật đổ với sự thừa nhận mới đây của Chánh Văn phòng Mulvaney và lời khai của Bill Taylor, nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ tại Ukraine.
Nếu xét đến các tội danh tiềm tàng, sự tồn tại của một cuộc trao đổi này liên quan đến vấn đề hối lộ mà bản chất của nó là một sự trao đổi bất hợp pháp. Tuy nhiên, sự trao đổi này không có ý nghĩa gì với những tội danh liên bang khác, bao gồm sự tống tiền hay xúi giục hỗ trợ bầu cử từ nước ngoài. Cần nhớ rằng Hạ viện không cần phải có một tội danh để luận tội. Việc lạm dụng quyền lực hay lạm dụng chức vụ đã là quá đủ.
Nếu thực sự có một sự trao đổi thì việc tố tụng lạm dụng quyền lực - và cả vụ kiện luận tội - sẽ càng khó để bác bỏ. Đó là lý do vì sao ông Trump đã tung ra hàng loạt sự công kích cá nhân đầy ác ý với Taylor. Ông Trump có lẽ đã nhận ra rằng lời khai của Taylor có thể gia tăng đáng kể khả năng luận tội và sự trừng phạt. Phiên tòa phúc thẩm có thể diễn ra trong vài tuần.
"Bom tấn" làm rung chuyển Nhà Trắng
Ngày 29-10, một cựu binh chiến tranh Iraq có nhiều công lao đã khiến Nhà Trắng rung chuyển với phiên điều trần tại Hạ viện về cáo buộc lạm quyền của Tổng thống Donald Trump trong bối cảnh đảng Dân chủ đang tìm cách triển khai kế hoạch luận tội. Trung tá Alexander Vindman, người đã có 20 năm làm việc tại Hội đồng An ninh quốc gia (NSC), điều trần rằng đã 2 lần bày tỏ lo ngại về việc Tổng thống Donald Trump và Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) Gordon Sondland có hành động không phù hợp là gây sức ép yêu cầu giới lãnh đạo Ukraine điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai Hunter Biden.
Năm 2018, Trung tá Vindman đã gia nhập Hội đồng An ninh quốc gia dưới thời cựu Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, người vừa bị ông Trump sa thải mới đây. Gia đình ông chạy trốn khỏi Liên Xô năm 1979, khi ông mới 3 tuổi. Ông đã phục vụ trong quân đội trong 2 thập niên với tư cách là một sĩ quan và một nhà ngoại giao. Là một sĩ quan bộ binh, ông được đưa đến Iraq - nơi ông bị thương và nhận huân chương quân sự Trái tim Tím (Purple heart). Trung tá Vindman sau đó phục vụ tại các đại sứ quán Mỹ ở Ukraine và Nga.
Trở lại câu chuyện, trong buổi điều trần tại Hạ viện, Vindman, Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Âu của NSC, khẳng định rằng với tư cách một thành viên quân đội Mỹ và là một người nhập cư, ông "tôn trọng sâu sắc các giá trị và lý tưởng Mỹ, cũng như sức mạnh của tự do".
Ông Vindman là một chuyên gia tại Nhà Trắng về Ukraine và Nga. Gia đình ông, những người nhập cư Do Thái, đã rời Liên bang Xôviết để tới Mỹ. Ông tham gia quân đội Mỹ rồi từng bước trở thành cố vấn trong Nhà Trắng. Câu chuyện về gia đình và cuộc đời ông được nhiều người đánh giá là giống như những gì vốn chỉ có trên phim ảnh.
Chuẩn tướng Peter Zwack, sĩ quan từng phụ trách phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Moscow, nói: "Vindman xuất thân từ một gia đình nhập cư chăm chỉ, tự lực cánh sinh. Ông ấy là người thông minh, luôn hiểu rõ những lời nói của mình". Tại buổi điều trần, Vindman nhắc lại việc từng nghe chính người đứng đầu Nhà Trắng đưa ra yêu cầu đối với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc điện đàm ngày 25-7, sự kiện được cho là nguyên nhân dẫn tới vụ luận tội.
Tuyên bố mở đầu phiên điều trần của ông Vindman, công bố tối 28-10, đưa ra với một số bằng chứng được cho là mạnh mẽ nhất đối với cáo buộc ông Trump lạm dụng quyền lực và phá vỡ luật bầu cử để tìm kiếm sự ủng hộ của Kiev đối với quá trình tái tranh cử.
Là quan chức Nhà Trắng đầu tiên tham gia các cuộc điều trần, từng được tặng thưởng huy chương vì những cống hiến và mất mát trong chiến tranh Iraq, ông Vindman là một nhân chứng mà phe Cộng hòa khó có thể phớt lờ so với những quan chức chính quyền dân sự trước. Sĩ quan kỳ cựu này, người đã phớt lờ yêu cầu từ Nhà Trắng về việc không nhận trát đòi điều trần của Quốc hội, cho rằng những tín hiệu cảnh báo bắt đầu từ cuộc gặp ngày 10-7 giữa Đại sứ Mỹ tại EU Gordon Sondland và một quan chức Kiev.
Ông Vindland cho biết Đại sứ Sondland đã yêu cầu quan chức này mở các cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào một cáo buộc nói rằng Ukraine đã giúp đảng Dân chủ chống lại ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016. Sondland cũng yêu cầu quan chức này tiến hành điều tra gia đình nhà ông Biden về mối liên hệ giữa Hunter Biden và doanh nghiệp năng lượng Ukraine Burisma.
Ông Vindman nói: "Sau cuộc gặp này, tôi đã gặp Đại sứ Sondland, trong đó ông ấy từng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc Ukraine tiến hành các cuộc điều tra về cuộc bầu cử năm 2016, về gia đình Biden và Burisma. Tôi nhấn mạnh với Đại sứ Sondland rằng các bình luận của ông ấy là không phù hợp, rằng việc ông yêu cầu điều tra Biden và con trai là điều không hề có ý nghĩa gì đối với an ninh quốc gia".
Trung tá Alexander Vindeman tới phiên điều trần. Ảnh: Los angeles Times.
Về cuộc điện đàm giữa hai ông Trump và Zelensky, ông nói: "Tôi không nghĩ rằng yêu cầu một chính phủ nước ngoài điều tra một công dân Mỹ là phù hợp và tôi lo ngại về mối liên hệ giữa yêu cầu này với những hỗ trợ mà chính phủ dành cho Ukraine. Tôi cho là nếu Ukraine thực sự thúc đẩy cuộc điều tra nhà Biden và Burisma thì đó có thể sẽ được xem là một hành động có mục tiêu chính trị và đảng phái".
Ngay sau khi "quả bom" này phát nổ, nhiều thành viên đảng Cộng hòa đã tìm cách hạ uy tín Vindman, đặt dấu hỏi cho lòng trung thành của ông với nước Mỹ và không quên nhấn mạnh việc ông đã cùng gia đình rời Liên bang Xôviết và nhập cư vào Mỹ năm 1979, thậm chí còn cho rằng ông là một nhân tố trong những nỗ lực của các quan chức an ninh quốc gia đang tìm cách hạ bệ tổng thống.
Sau khi phỏng vấn 10 nhân chứng trong các cuộc điều trần kín suốt 5 tuần qua, đảng Dân chủ đã hoàn thành các yêu cầu đủ để tiến tới bước tiếp theo trong thủ tục luận tội, cụ thể là các phiên điều trần công khai. Ủy ban Tình báo Hạ viện sẽ tiến hành các cuộc điều trần công khai và tại đây, đảng Cộng hòa có thể đưa ra những phản bác với nhân chứng của mình.
Nếu các bằng chứng kể trên thuyết phục, ủy ban sẽ xây dựng nghị quyết luận tội để bỏ phiếu tại Hạ viện, nơi đảng Dân chủ đang nắm thế đa số. Nếu quá trình luận tội diễn ra, Tổng thống Trump sẽ phải tham gia phiên tòa do Thượng viện chủ trì về việc có bị phế truất hay không.
Đã có bằng chứng cho thấy đường tấn công của Nhà Trắng sẽ là đặt câu hỏi về lòng trung thành của vị trung tá sinh ra ở Liên Xô, lưu ý rằng sĩ quan nhiều huy chương đã nói chuyện với các nhà ngoại giao Ukraine bằng ngôn ngữ bản địa của họ và cho rằng ông ta đang làm việc để lật đổ lợi ích của Nhà Trắng.
Theo phân tích của Anthony Zurcher, phóng viên BBC thường trú tại Bắc Mỹ, sẽ rất khó để dán nhãn như vậy lên trung tá Vindman. Cả ông Vindman và ông Taylor đều đã vạch ra những gì họ cho là nỗ lực không thích hợp của Nhà Trắng để gây áp lực với Ukraine. Tuy nhiên, không giống như ông Taylor, trung tá Vindman là nhân chứng trực tiếp cho nhiều "tập phim" của Washington về cuộc điều tra luận tội, bao gồm cả cuộc gọi gây tranh cãi của ông Donald Trump.
Còn cựu luật sư của chính quyền Tổng thống Bush, ông John Yoo nói trên Fox News: "Một số người có thể gọi đó là gián điệp". Đưa ra những cáo buộc như vậy là một trò chơi rất nguy hiểm. Đại tá Vindman dường như là một nhân chứng thuyết phục.
Ông Trump sẽ tái đắc cử?
Đó không phải là câu hỏi mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới rối ren và chỉ còn đúng 1 năm là đến ngày diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, chuyện thắng bại của nhân vật theo chủ trương "Nước Mỹ trên hết" đang gây chia rẽ công luận Mỹ hơn bao giờ hết. Ông Trump sẽ tiếp tục nhiệm kỳ 2 hay sẽ ra đi vào ngày 3-11-2020?
Đúng 12 tháng nữa, cử tri Mỹ sẽ định đoạt tương lai của vị chủ nhân Nhà Trắng nhiều tai tiếng nhưng lại được một bộ phận dân chúng ủng hộ hoàn toàn. Nếu tái đắc cử, ông sẽ không những chiến thắng điều mà ông gọi là "thế lực tung tin giả" mà còn thoát được một cách ngoạn mục cuộc điều tra nhằm phế truất ông.
Cho đến bây giờ, bên phe Dân chủ đối lập chưa có một nhân vật nào lợi hại hơn Tổng thống Trump. Trong số các chính trị gia tranh vị trí ứng cử viên đại diện đảng Dân chủ có nhiều phụ nữ, 2 người da đen, 1 người đồng tính và 2 nhân vật lão luyện, muốn lái con tàu Mỹ về phía tả. Phe Dân chủ có một mục đích chung là không cho ông Trump đắc cử nhiệm kỳ 2, một thất bại mà từ sau Chiến tranh Thế giới II đến nay chỉ có 3 vị Tổng thống Mỹ nếm mùi cay đắng.
Kết quả đêm ngày 3-11-2020 còn ảnh hưởng đến toàn cảnh thế giới, bởi Mỹ đang là tâm điểm của xung đột hay các hồ sơ "nóng" hiện nay: cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và châu Âu, tương lai liên minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chiến sự tại Afghanistan và Trung Đông, bế tắc hạt nhân Triều Tiên, biến đổi khí hậu...
Chiều hướng tiếp cận các vấn đề nóng bỏng này tùy thuộc hoàn toàn vào chính sách của Washington mà chính sách đó vẫn chưa rõ sẽ thuộc về một lãnh đạo mới hay vẫn là vị tổng thống đặt "Nước Mỹ trên hết", để rồi trở thành "Nước Mỹ cô độc" mà Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire từng cảnh báo.
Tuy nhiên, theo hãng tin AFP, cho đến nay, rất khó dự đoán một cách chính xác những gì sẽ xảy ra trong bầu không khí dông bão này. Các kết quả thăm dò vẫn cho thấy mức tín nhiệm mà người dân dành cho ông Trump đạt khoảng 40%. Thế nhưng, đừng quên là trong cuộc bầu cử 3 năm trước, dù điểm tín nhiệm thấp và ít hơn ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton đến 3 triệu phiếu, ông Trump vẫn giành chiến thắng.
Chủ nhân Nhà Trắng rất có thể sử dụng lại chiến thuật cũ, huy động thành phần cử tri trung thành để chiếm đa số ở một vài tiểu bang quan trọng có nhiều đại cử tri và giành chiến thắng một lần nữa.
Hoa Huyền
Theo cand.com.v n
Phe Dân chủ đẩy nhanh tiến trình luận tội ông Trump Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, dẫn đầu bởi Chủ tịch Jerrold Nadler, một thành viên đảng Dân chủ, dự kiến sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu trong tuần tới để thông qua một nghị quyết hợp thức hóa cuộc điều tra luận tội nhằm vào Tổng thống Donald Trump. Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ Viện Jerrold Nadler (Ảnh:...