Hà thành kim cổ ký: Ký ức ngoại ô
Hình ảnh ngoại ô đã được mô tả trong các bài báo, trong văn chương xưa. Nó hiện ra xinh xắn và thanh bình. Đó là những con đường gạch lát nghiêng, hai bên là hàng rào cây khúc tần hay dâm bụt luôn được cắt tỉa gọn gàng.
Để đảm bảo an ninh cho thành phố Hà Nội nhượng địa, năm 1889, Chính phủ bảo hộ lập ra vùng đệm bao quanh thành phố gọi là ngoại ô. Đây là phần đất còn lại của hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận với 9 tổng 61 xã, thôn. Đến năm 1915 đổi là huyện Hoàn Long thuộc Hà Đông. Năm 1942 lại đổi là Đại lý đặc biệt Hà Nội thuộc Hà Nội.
Hình ảnh ngoại ô đã được mô tả trong các bài báo, trong văn chương xưa. Nó hiện ra xinh xắn và thanh bình. Đó là những con đường gạch lát nghiêng, hai bên là hàng rào cây khúc tần hay dâm bụt luôn được cắt tỉa gọn gàng. Từ cổng đi vào ngôi nhà lá thâm thấp có hoa ngâu, hải đường, khóm hoa nhài hay bụi hồng, cái sân nhỏ có hòn non bộ trồng cây si hay cây sanh. Xung quanh nhà là vườn trồng dăm cây xoan, vài cây ăn quả như: Bưởi, ổi hay lựu. Kế đó là cái ao nhỏ, có tấm ván bắc làm cầu. Xưa người ngoại ô giàu có ngoài có nhà trong phố thường xây cơ ngơi ở quê. Làng nào cũng có nhưng nhiều nhất có lẽ là Đông Ngạc. Ngày nghỉ họ về chơi tránh phố thị ồn ào.
Ngoại ô cũng có điện, có các vòi nước công cộng dùng không phải trả tiền nhưng lại ít ruộng. Nhà nào nhiều chỉ dăm sào, cấy lúa hay trồng màu cũng chỉ làm trong thời gian ngắn là xong nên nhà nào cũng phải làm thêm. Phần lớn các làng ngoại ô đều có một nghề, làng Phương Liệt có nghề sơn vôi, từng nhiều lần quét vôi trần Bách hóa Tràng Tiền trong lúc mọi người vẫn mua bán mà không rơi một giọt.
Làng Trung Tự có nhiều ao thì chuyên thả rau muống bè, Khương Thượng chuyên làm chả nhái nên được gọi là làng “chặt đầu, lột da”. Cách Khương Thượng không xa làng Khương Hạ chuyên muối dưa cà. Làng Tương Mai, Hoàng Mai bán cơm từ thế kỷ 19, sau chuyên bán xôi vò xôi lúa còn “Tứ Kỳ gánh cân, Pháp Vân gánh nánh” nghĩa là Tứ Kỳ làm bún, Pháp Vân nổi tiếng với nghề bán bún ốc. Ở phía bắc thành phố thì Phú Thượng chuyên làm rượu nếp gánh vào phố bán. Phía tây có Ngọc Hà, Hữu Tiệp chuyên trồng hoa.
Nhưng làng không có nghề thì vào trong phố làm cho các hãng, hay việc lặt vặt. Trai ngoại ô vừa hiền vừa chăm. Trên đường đi làm về tranh thủ chở thùng nước gạo về nuôi lợn. Cái gì cũng biết, từ chữa điện, kỳ cạch làm mộc hay chữa ống nước. Đàn bà con gái ngoại ô thì đảm đang, thức khuya làm hàng, dậy sớm đi bán.
Khách của chuyến tàu điện đầu tiên trong ngày chủ yếu là các bà các cô. Gánh rau muống, rau cải đã xếp gọn ở cuối toa. Các bà bán bánh cuốn, bán xôi xuống tàu là bê vào mái hiên chờ khách. Lởi xởi và nhẹ nhàng cho đến hết hàng. Chiều về lại nhào ra ruộng ra vườn chăm lúa, chăm rau. Con cái ở nhà biết việc cứ tự động làm.
Theo thời gian ngoại ô dần thay đổi. Khi con cái đông hơn và phải dựng vợ cho con trai thì dân ngoại ô phải làm thêm gian nhà cho con ở riêng. Thời bao cấp, gạch, ngói hiếm nên phải xây nhà bằng gạch xỉ. Cứ ngày cuối tuấn, bố mượn xe bò đến các cửa hàng ăn uống mậu dịch xin xỉ than, có khi lên tận Nhà máy điện Yên Phụ. Xúc đầy xe rồi bố kéo con đẩy chở về đóng gạch ba banh. Xây xong để tường khô rồi ra Bến Nứa hay bến Bạch Đằng mua tre làm đòn tay và dui mè, ghé qua chợ Đồng Xuân mua ít dây thép. Chỉ cần dàn đòn tay lên hai đầu tường, buộc dui mè rồi quăng giấy dầu lên là xong phần mái,…
Thế hệ sinh ra trong ngôi nhà gạch ba banh và gác xép nay cũng đã trung niên hết lượt. Ngoại ô xưa nay đã thành nội đô. Không còn vườn còn ao, không còn đường làng và con người cũng khác.
Theo nguoiduatin.vn
Video đang HOT
Thu Bồn: 'Tạm biệt Huế, với em là vĩnh biệt...'
Cố thi sĩ Thu Bồn là một trong những nhà thơ sở hữu "gia tài" thơ tình đáng nể. Ông có nguyên tập "100 bài thơ tình nhờ em đặt tên". Có người thích Thu Bồn với "Mong em về trước cơn mưa", song còn một bài thơ tình khác của thi sĩ cũng chiếm được cảm tình của đông đảo độc giả. Đó là bài "Tạm biệt Huế".
"Tạm biệt Huế" đã được cố nhạc sĩ Xuân An phổ nhạc thành một nhạc phẩm quen thuộc, được nhiều giọng ca nổi tiếng trong nước và hải ngoại trình bày, như Hương Lan, Bảo Yến, Ngọc Hạ... Nghe nói, khi phổ nhạc "Tạm biệt Huế", nhạc sỹ Xuân An cũng chưa rõ hoàn cảnh khi Hà Đức Trọng, tức thi sĩ Thu Bồn, đặt bút viết bài thơ này. Như nhiều độc giả yêu thơ, Xuân An đoán tác giả phải yêu đơn phương đắm say người con gái nào đó, mới viết nên một thi phẩm nao lòng như vậy.
Tôi đã từng hỏi nhà phê bình Ngô Thảo, người bạn thân của Thu Bồn về bài thơ "Tạm biệt Huế" nhiều lần, song ông chưa lần nào nói rõ ràng hoàn cảnh sáng tác của thi phẩm. Gần đây, nhà phê bình đã chịu tiết lộ. Bởi cũng gần đây ông mới có dịp hội ngộ người con gái trong bài thơ ấy, nay đã ở tuổi xế chiều, tại Huế. Nhờ nhà phê bình Ngô Thảo "bảo lãnh" tôi có cuộc trò chuyện với bà. Người phụ nữ này không muốn tiếp xúc báo chí, không muốn câu chuyện riêng tư của mình bị khai thác. Đã hơn 20 năm sống ở Pháp, dù không quên tiếng mẹ đẻ, song bà luôn đề nghị người hỏi chuyện là tôi, phải nói chậm, bà mới nghe và hiểu được. Bà tên là Minh Châu.
Có một điều thú vị, trên một số bài thơ, Thu Bồn đều ghi đề tặng. Thí dụ: "Mong em về trước cơn mưa" được ghi, "Tặng N.", còn siêu phẩm về Huế này, được tác giả ghi "Tặng Minh Châu và Huế, cùng những ai yêu Huế". "Tạm biệt Huế" là cái tên sau này. Khi mới sinh ra, bài thơ mang tên giản dị: "Bởi vì em". Thi phẩm được hoàn thành đêm 6/8 năm 1983, Thu Bồn ghi rõ "một đêm không ngủ". So với "Tạm biệt Huế" mà độc giả đã quen thuộc, "Bởi vì em" dài hơn, có những đoạn chưa từng thấy trong "Tạm biệt Huế": "Anh chẳng phải người đi niệm Phật/Lần đầu ăn bữa cơm chay/Rau quả Kim Long đậu tương Hoài Đức/Môi anh gần giống vị ớt cay". Sau này, có thời gian trấn tĩnh lại khi những xao động tâm hồn đi qua, Thu Bồn đã cắt bỏ đoạn thơ trên, và chỉnh sửa trật tự bài thơ, để có bài "Tạm biệt Huế" như độc giả hôm nay được đọc. Trong bản "Bởi vì em", Thu Bồn gọi thẳng tên người con gái đã làm ông rung cảm: "Tạm biệt Huế với Châu là vĩnh biệt/Hải Vân ơi xin Người đừng tắt ngọn sao khuya/Tạm biệt Huế với chiếc hôn thầm lặng/Anh trở về hóa đá phía bên kia". Về sau, trong bản "Tạm biệt Huế", Thu Bồn giấu tên người con gái ông thương, từ đầu chí cuối chỉ gọi "em": "Tạm biệt Huế với em là vĩnh biệt...".
Tôi hỏi bà Minh Châu: "Bà có thuộc "Tạm biệt Huế" không?". Bà cười, đáp khiêm tốn: "Tôi thuộc sơ sơ". Cuộc đời của người con gái đã từng làm xiêu lòng Thu Bồn khá "long đong" (cách nói của bà Minh Châu). "Long đong" được hiểu theo nghĩa phải "xê dịch" nhiều. Nhưng đến hôm nay, trang giấy có bài thơ được Thu Bồn viết tay vẫn còn nguyên, dù không tránh khỏi sự tàn phá của thời gian, khiến màu giấy ngả vàng, những nếp giấy gấp hằn sâu... Minh Châu cho biết: "Tôi không bỏ trong tủ, không bỏ trong hồ sơ, bài thơ lúc nào cũng nằm trong bóp (ví) của tôi". Bà phủ nhận tình cảm đặc biệt giữa Thu Bồn và bà ngày còn trẻ: "Tôi từng nghe nhà soạn nhạc Xuân An nói: "Chắc anh Thu Bồn này và cô người Huế này phải yêu nhau đậm đà thắm thiết lắm". Tôi nghe mà tức cười trong lòng. Tình cảm giữa tôi và anh Thu Bồn ngày đó chỉ là tình cảm anh em văn nghệ khi gặp nhau. Những người viết văn tâm hồn hay xúc động".
Ngày ấy, Minh Châu là một nghệ sỹ nhiếp ảnh trẻ, tầm 23, 24 tuổi. Khi Thu Bồn cùng một số nhà văn về Huế công tác, cô được Hội văn học nghệ thuật tỉnh nhà cử đi "chăm sóc" đoàn nhà văn. Suốt một tuần Thu Bồn ở Huế, ngoài thời gian họp hành, ông cùng các nhà văn khác đi tham quan Huế theo sự hướng dẫn của nữ nghệ sỹ nhiếp ảnh. "Có thể anh ấy cảm xúc với một tâm hồn trẻ", bà suy luận. Song bà tiết lộ còn một nguyên nhân sâu xa khác, khiến bài thơ được ra đời. Bà Minh Châu vẫn nhớ thời điểm bà được Thu Bồn tặng thơ: Lúc đó khoảng 11 giờ rưỡi đêm, Minh Châu đã ngủ. Thu Bồn tìm đến tận nhà, trao cho người con gái Huế bài thơ bằng bản chép tay. Ông còn kể chuyện đời tư của mình, lý giải vì sao ông xúc cảm về Minh Châu. Thì ra, khi tham quan Huế, không may trang phục nhà thơ bị rách, sẵn có kim chỉ trong xắc, đợi lúc vắng người, Minh Châu đưa cho Thu Bồn, bảo ông tự khâu vá, cô không thể làm giúp ông vì còn phải đưa đoàn đi tiếp: "Anh có gia đình nhưng sự thật là anh rất cô độc, có một người phụ nữ đưa kim chỉ cho anh, quan tâm tới anh, khiến anh xúc động. Việc đơn giản vậy thôi", bà Minh Châu giải thích. Khi thi sĩ đưa bài thơ cho người con gái Huế, cả hai đã ôm nhau khóc. Dù chưa đọc bài thơ Minh Châu cũng khóc, bởi bà cảm khái về sự cô độc của thi sĩ, bao nhiêu người vây quanh song thẳm sâu trong tâm hồn Thu Bồn vẫn là nỗi cô độc lớn. Theo bà Minh Châu, bài thơ sáng tác không lâu: "Chiều đó đi lên đền, lăng. 11 rưỡi đêm Thu Bồn đã đến nhà tôi, gửi bài thơ này". Trên bản chép tay, "Bởi vì em" được viết liền mạch, không có bất kể một dấu chấm, phảy nào, như dòng cảm xúc tuôn trào không thể kìm nén của tác giả.
Suốt cuộc đời Thu Bồn, Minh Châu chỉ gặp thi sĩ vỏn vẹn 3 lần. Một lần nhân Thu Bồn về Huế như đã kể. Hai lần khác, gặp ở Sài Gòn. Rồi Minh Châu lập gia đình, sau đó sang Pháp, cuộc đời chảy trôi, hai người không có cơ hội gặp lại nhau. Tôi hỏi bà Minh Châu: "Có bao giờ Thu Bồn nói lời yêu Minh Châu?". Bà đáp: "Không nói được vì khi ấy tôi còn quá trẻ và anh ấy đã có gia đình rồi". Như sợ người nghe hiểu lầm, bà nói thêm: "Đã có gia đình nhưng có tình cảm nhẹ nhàng là chuyện bình thường. Chúng tôi luôn biết giới hạn. Khi ấy tôi đang còn trẻ, chỉ giống như một chất xúc tác, giúp anh ấy vui vẻ". Rồi bà nở nụ cười kết luận: "Thu Bồn rất hào hoa, phong lưu, tình cảm". Bà không phủ nhận bài thơ quá hay, sâu lắng, tình cảm: "Anh Thu Bồn đúng là một nhân tài".
Sau khi Thu Bồn mất, nhà phê bình Ngô Thảo mong ước làm nhà kỷ niệm Thu Bồn. Bà Minh Châu đã tự nguyện trao lại bản chép tay bài thơ "Bởi vì em" (sau này có tên "Tạm biệt Huế") cho nhà phê bình. Những gì có ích cho sự nghiệp văn chương và tên tuổi của Thu Bồn, người phụ nữ này luôn nhiệt tình góp sức. Bà Châu không muốn tiết lộ chuyện riêng của mình, song sinh thời, nhà thơ Thu Bồn trong những lần vui vẻ với bạn bè, cũng đã nhắc đến cô Châu trong bài thơ "Tạm biệt Huế", trong đó, ông tả với bạn bè: "Cô Châu mắt to, da ngăm, mũi cao, có dáng thể thao khỏe mạnh".
Tạm biệt Huế
(Thu Bồn)
Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ
Chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu
Những lăng tẩm hoàng hôn chống lại ngày quên lãng
Mặt trời vàng và mắt em nâu
Xin chào Huế một lần anh đến
Để ngàn lần anh nhớ hư vô
Em rất thực nắng thì mờ ảo
Xin đừng nhầm em với cố đô
Áo trắng hỡi thuở tìm em không thấy
Nắng minh mang mấy nhịp Tràng Tiền
Nón rất Huế mà đời không phải thế
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng
Nhịp cầu cong và con đường thẳng
Một đời anh đi mãi chẳng về đâu
Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu
Tạm biệt Huế với em là vĩnh biệt
Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya
Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng
Anh trở về hóa đá phía bên kia.
Bản chép tay "Bởi vì em" của Thu Bồn
Bút tích "Bởi vì em" của Thu Bồn
ĐÀO NGUYÊN
Theo tienphong.vn
Lý do NSND Công Lý chiều chuộng bạn gái kém 15 tuổi hết mực NSND Công Lý hơn Ngọc Hà 15 tuổi và từng đổ vỡ hôn nhân nhưng tình yêu lớn, sự chiều chuộng của anh khiến cô luôn thấy vui vẻ, hạnh phúc. Những ngày gần đây, khán giả thích thú và có phần ghen tị khi NSND Công Lý không ngần ngại bày tỏ tình yêu, chiều chuộng hết mực bạn gái kém 15...