Hà Nội yêu cầu kiểm tra toàn bộ nhà biệt thự, chung cư cũ
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với UBND các quận, huyện rà soát công trình biệt thự, nhà ở, chung cư cũ xuống cấp.
Hiện trường vụ sập nhà biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình nạn nhân vụ sập biệt thự 107 Trần Hưng Đạo và cùng Sở Xây dựng bố trí tạm cư để các hộ dân bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, có giải pháp chống đỡ, tháo dỡ các công trình, hạng mục có nguy cơ tiếp tục đổ sập, đảm bảo an toàn cho nhân dân trong khu vực.
Sở Xây dựng cũng được giao chủ trì, phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm, đơn vị quản lý tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương khảo sát, đánh giá về chất lượng công trình xây dựng ở khu đất này. Trường hợp nào không đảm bảo an toàn, phải di dời khẩn cấp người dân. Đồng thời, Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp cùng UBND các quận, huyện rà soát các công trình biệt thự, nhà ở, chung cư cũ xuống cấp, đề xuất giải pháp xử lý bảo đảm an toàn cho công trình và người dân.
Biệt thự 107 Trần Hưng Đạo vừa sập thuộc nhóm 2
Căn biệt thự Pháp cổ được đánh giá 56 điểm, thuộc diện quản lý, bảo tồn nhóm 2
Video đang HOT
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, năm 2011, Sở Quy hoạch – Kiến trúc cùng với Viện Quy hoạch Kiến trúc thuộc Đại học Xây dựng Hà Nội đã thực hiện rà soát, chấm điểm, xếp loại danh mục 1.540 căn biệt thự Pháp cổ do mọi thành phần sở hữu trên địa bàn. Trong đó, có 1.253 căn được đưa vào danh mục đối tượng quản lý, sử dụng theo quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954, phân thành 3 nhóm.
Cụ thể, nhóm 1 gồm những biệt thự gắn liền với các sự kiện chính trị, di tích văn hóa, có giá trị đặc biệt về kiến trúc (đánh giá 70 – 100 điểm), có 225 căn. Nhóm 2 có 382 căn là những biệt thự có giá trị về kiến trúc nhưng không thuộc nhóm 1 (đánh giá từ 50 – 69 điểm). Nhóm 3 với 646 biệt thự có số điểm dưới 50, có giá trị về kiến trúc kém hơn. Có 312 căn biệt thự không thuộc Quy chế quản lý, sử dụng do không còn giá trị bảo tồn, đã bị xây mới, phá dỡ, cải tạo lại một phần gây biến dạng, xây dựng sau năm 1954…
Theo xếp loại này, căn biệt thự vừa bị sập ở 107 Trần Hưng Đạo thuộc nhóm 2, được đánh giá 56 điểm.
Do được xếp vào nhóm 2 nên việc duy tu căn biệt thự này về màu sắc, vật liệu phải có sự đồng ý của Sở Quy hoạch – Kiến trúc. Khi thực hiện cải tạo phải đảm bảo không làm thay đổi kiểu dáng, quy hoạch của nhà biệt thự cũ như chiều cao, số tầng, mật độ xây dựng.
Ngoài ra, khi phá dỡ những ngôi biệt thự thuộc nhóm 2 để xây dựng công trình khác theo văn bản của Thủ tướng thì UBND TP.Hà Nội sẽ có quyết định cho phép phá dỡ.
Lê Quân
Theo Thanhnien
46 hộ dân trong khu biệt thự cổ được yêu cầu di chuyển
Sau sự cố, khu biệt thự 107 Trần Hưng Đạo được đánh giá nằm trong diện nguy hiểm nên thành phố quyết định di dời 46 hộ dân còn lại đến nơi tạm cư.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, do các ngôi nhà trong khuôn viên biệt thự 107 Trần Hưng Đạo được đánh giá trong diện nguy hiểm nên thành phố đã quyết định di chuyển người dân. Tổng số có 46 hộ dân sẽ được tạm cư từ ngày 25/9 tại khu tái định cư Định Công.
Đề cập về trách nhiệm đền bù cho người dân, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi cơ quan công an và giám định có kết luận, thành phố sẽ quyết định khu nhà có đủ điều kiện bố trí người dân về ở hay không. Ngoài ra, sẽ quy trách nhiệm đền bù, hỗ trợ dân bị ảnh hưởng cùng với phương án xử lý đối với khu đất 107 Trần Hưng Đạo.
Những hộ dân sống trong khuôn viên khu biệt thự 107 Trần Hưng Đạo đều được yêu cầu di chuyển. Ảnh: Giang Huy
Theo ông Đoàn Duy Hoạch, Phó giám đốc Tổng công ty Đường sắt, sau khi có kết luận của cơ quan chức năng, Tổng công ty sẽ bồi thường, hỗ trợ theo thẩm quyền. Hiện nay, doanh nghiệp đã tổ chức thăm hỏi các nạn nhân trong vụ sập nhà, hỗ trợ 10 triệu đồng mỗi gia đình có người chết và mỗi người bị thương 3 triệu đồng.
Về phương án sử dụng khu biệt thự này, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt thông tin, 107 Trần Hưng Đạo thuộc diện quản lý của nhà nước nên doanh nghiệp chờ quyết định của thành phố Hà Nội. "Vì thiếu chỗ làm việc nên chúng tôi mong muốn thành phố cho phép đầu tư xây mới văn phòng làm việc tại khu đất này", ông Hoạch nói.
Sau khi tiếp quản khu đất vào năm 1955, ngành đường sắt đã xây dựng thêm một số công trình trong khuôn viên biệt thự để bố trí chỗ ở cho hơn 60 hộ cán bộ, nhân viên theo hợp đồng thuê nhà.
Do đó hiện nay, trong khu đất 107 Trần Hưng Đạo, ngoài ngôi biệt thự cổ có diện tích 643 m2, bao gồm diện tích 500 m2 sử dụng làm văn phòng (đã bị sập mái trần) còn có 143 m2 nhà liền kề đang bố trí làm nhà ở. Khuôn viên biệt thự bao gồm hai nhà khung ray có diện tích xây dựng 907 m2, được bố trí làm nhà ở.
Năm 2008, Tổng công ty đường sắt đã có kế hoạch di dời các hộ dân sống trong khuôn viên biệt thự và tái định cư tại dự án nhà văn phòng, nhà ở tại 31 Láng Hạ. Bên cạnh đó, đề xuất lập dự án đầu tư xây dựng mới khu văn phòng trên khu đất 107 Trần Hưng Đạo. Tuy nhiên, TP Hà Nội chưa chấp nhận vì ngôi nhà nằm trong danh mục bảo tồn.
Vụ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo xảy ra như thế nào (chi tiết). Đồ họa: Việt Chung
Trước đó trưa 22/9, ngôi nhà 2 tầng do Pháp xây dựng nằm trong ngõ 107 Trần Hưng Đạo đổ sập tầng 2. Gạch vữa vùi lấp làm 2 người tử vong, 6 người bị thương, tất cả đều sống liền kề với ngôi nhà bị sập. Vài chục nhân viên làm việc trong tòa nhà đã kịp thời di chuyển trước khi xảy ra sự cố.
Về nguyên nhân sự cố, nhà chức trách Hà Nội cho rằng, ngôi nhà cổ 110 tuổi đã xuống cấp, nhiều lần được cải tạo. Sau vài ngày mưa to, nhà bị thấm nước khiến khả năng chịu lực kém, dẫn đến đổ sập.
Đoàn Loan
Theo VNE
Sập biệt thự cổ: Đường sắt đã báo cáo Hà Nội về sự xuống cấp Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt cho biết, trước khi sập biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo, đơn vị này đã báo cáo Hà Nội về sự xuống cấp của ngôi nhà. Bộ Tài chính từng yêu cầu di dời Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, do điều kiện khó khăn về nhà ở của cán bộ công...