Hà Nội truy thu 35 tỷ đồng doanh nghiệp sử dụng đất sai mục đích
Cục Thuế TP Hà Nội đã yêu cầu truy thu gần 35 tỷ đồng tiền thuê đất do sử dụng sai mục đích nhiều thửa đất vốn được quy hoạch xây dựng trường học tại quận Bắc Từ Liêm của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng quốc tế Vigeba (Công ty Vigeba) trong quá trình thực hiện dự án khu đô thị.
Truy thu 35 tỷ tiền thuê đất sử dụng sai mục đích
Cục Thuế TP Hà Nội mới đây có Quyết định số 12854/QĐ/CT-QLĐ bãi bỏ Quyết định số 58105/QĐ-CT-QLĐ ngày 24/7/2019 về việc miễn tiền thuê đất đối với Công ty CP Đầu tư và Xây dựng quốc tế Vigeba (Công ty Vigeba).
Theo đó, bãi bỏ việc miễn tiền thuê đất đối với Công ty Vigeba tại các thửa đất có ký hiệu: NT1, NT3, TH, THPT thuộc dự án Khu đô thị Thành phố giao lưu, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Công ty Vigeba bị truy thu hơn 34 tỷ đồng tiền thuê đất do sử dụng sai mục tại dự án Khu đô thị Thành phố giao lưu.
Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, lý do bãi bỏ là chủ đầu tư sử dụng đất không đúc mục đích: “Trường hợp người thuê đất, thuê mặt nước đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định tại Nghị định này nhưng trong quá trình quản lý, sử dụng đất không đáp ứng các điều kiện để được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước có nguyên nhân từ phía người thuê đất hoặc sử dụng đất không đúng mục đích đã được ghi tại quyết định cho thuê đất, hợp đồng thuê đất nhưng không thuộc trường hợp bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật đất đai thì phải thực hiện hoàn trả ngân sách Nhà nước số tiền thuê đất đã được miễn, giảm và chậm nộp tính trên số tiền thuê đất được miễn, giảm theo quy định của pháp luật”- Quyết định của Cục Thuế TP Hà Nội nêu rõ.
Cục thuế Hà Nội cũng yêu cầu Chi Cục Thuế quận Bắc Từ Liêm có trách nhiệm truy thu tiền thuê đất được miễn, giảm theo quy định về chính sách và giá đất tại thời điểm được miễn, giảm thuê đất cộng thêm một khoản tương đương với khoản tiền chậm nộp tiền thuê đất của thời gian đã được miễn giảm.
Video đang HOT
Trong suốt thời gian dài, tại dự án Khu đô thị Thành phố giao lưu những ô đất được quy hoạch làm trường học lại bị biến tướng, chiếm dụng cho thuê thành sân bóng.
Sau đó, Chi cục Thuế quận Bắc Từ Liêm đã có thông báo về việc tạm nộp tiền thuê đất đối với các lô đất NT1, NT3, TH, THPT thuộc dự án Khu đô thị Thành phố giao lưu.
Cụ thể, số tiền thuê đất Công ty Vigeba phải nộp là hơn 44,25 tỷ đồng, trong đó đã nộp gần 9,8 tỷ đồng, còn phải nộp hơn 34.45 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty Vigeba còn phải nộp khoản tiền chậm nộp tạm tính từ ngày 24/7/2019 (ngày có Quyết định miễn giảm tiền thuê đất) đến ngày 20/3/2020 (ngày có Quyết định bãi bỏ Quyết định miễn tiền thuê) với số tiền là 622 triệu đồng.
Đất trường học biến tướng thành sân bóng, đất công cộng thành cao ốc
Theo tìm hiểu, năm 2002 và 2004, UBND TP Hà Nội có các quyết định để tiến hành thực hiện Dự án Khu đô thị Thành phố giao lưu, do Công ty Vigeba làm chủ đầu tư. Đất được thực hiện dự án có diện tích 911.540 m2, thuộc địa bàn các xã Cổ Nhuế (nay là phường Cổ Nhuế 1 và Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm), thị trấn Cầu Diễn (nay là phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm) và Mai Dịch (nay thuộc quận Cầu Giấy).
Dự án Khu đô thị Thành phố giao lưu liên tục điều chỉnh quy hoạch, trong đó chủ đầu tư chỉ lo chuyển đổi các khu đất vốn đất công cộng, thành loạt chung cư cao tầng chọc trời hàng nghìn căn hộ trong khi khu đất xây trường học thì bỏ hoang.
Đến năm 2007, khi quy hoạch chi tiết Khu đô thị Thành phố giao lưu được phê duyệt, đã bố trí một số diện tích đất để xây trường học. Trong đó có các lô đất ký hiệu NT1, NT3, TH, THPT với tổng diện tích là 42.132m2.
Cụ thể, lô đất NT1 có diện tích 5.620m2 ( trong đó có 820m2 thương mại, dịch vụ); lô đất NT3 có diện tích 4.435m2; lô đất TH diện tích 19.991m2 (trong đó có 12.300m2 thương mại, dịch vụ); lô đất THPT có diện tích 12.086m2 (trong đó có 6.000m2 thương mại dịch vụ).
Khu đất vốn quy hoạch là đất công cộng, cây xanh nhưng nay được điều chỉnh thành 8 tòa chung cư cao tầng từ 28-35 tầng với gần 2.800 căn hộ mang tên khu Ngôi Sao An Bình 2 (An Bình City). Điều đáng nói, tổ hợp 8 tòa chung cư này được thi công trước rồi mới đi hoàn thiện các thủ tục pháp lý, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ công cộng sang nhà ở để bán.
Mục đích sử dụng đất của các lô đất trên là để xây dựng trường THPT, THCS, tiểu học, nhà trẻ, mẫu giáo. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các trường đều chưa được xây dựng, đất trống bị sử dụng sai mục đích làm sân bóng, bãi đỗ xe…, có lô quây tôn để cỏ dại mọc um tùm, gây lãng phí.
Đặc biệt, tại dự án này một loạt ô đất ký hiệu CC (đất công cộng, cây xanh) đã được chủ đầu tư chuyển đổi thành loạt khu chung cư cao tầng với hàng nghìn căn hộ để bán.
Đà Nẵng: Gỡ vướng kết luận 2852, nhiều dự án bất động sản hồi sinh
Bộ TN&MT vừa có văn bản hướng dẫn xử lý vướng mắc về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan đến Kết luận 2852/KL-TTCP ngày 02/11/2012 của Thanh tra Chính phủ.
Nhiều doanh nghiệp hy vọng việc gỡ vướng Kết luận 2852 sẽ giúp nhiều dự án hồi sinh
Theo đó, Bộ TN&MT đề nghị TP Đà Nẵng kiểm tra, rà soát các hồ sơ đã cấp giấy chứng nhận, căn cứ vào hồ sơ giao đất, cho thuê đất và căn cứ vào các quy định có hiệu lực tại thời điểm cấp giấy chứng nhận để xác định lại thời gian sử dụng đất.
Đối với trường hợp xác định thời hạn sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật đất đai, nhưng người được cấp giấy chứng nhận chưa chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai thì thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đã cấp và cấp lại giấy chứng nhận cho người sử dụng đất theo quy định tại điểm d khoản 2 và khoản 3 điều 106 của Luật Đất đai; điểm b khoản 4 khoản 7 và khoản 8 điều 87 của Nghị định 43/2014 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai được sửa đổi bổ sung.
Bộ cũng cho biết, với trường hợp người mua đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất cho người mua thứ cấp và đã được giải quyết theo quy định của pháp luật về đất đai thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận không thu hồi giấy chứng nhận đã cấp theo quy định tại điểm d, khoản 2, điều 106 của Luật Đất đai và khoản 5, điều 87 của Nghị định 43.
Đồng thời Bộ TN&MT nhấn mạnh, việc thu hồi giấy chứng nhận chỉ được thực hiện khi và chỉ khi có bản án hoặc quyết định của TAND đã được thi hành theo quy định tại khoản 6 điều 87, Nghị định 43.
Trước đó, liên quan đến Kết luận thanh tra số 2852 của Thanh tra Chính phủ về thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng và một số dự án đầu tư liên quan đến việc sử dụng đất trên địa bàn TP Đà Nẵng, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ những sai phạm của địa phương trong việc xác định thời gian sử dụng đất ghi trong các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND TP Đà Nẵng đã cấp là không đúng với quy định của Luật đất đai và yêu cầu địa phương xem xét xử lý.
Theo kết luận thanh tra, việc xác định giá thu tiền sử dụng đất; giảm tiền sử dụng đất phải nộp cho các đơn vị và cá nhân gây thất thu ngân sách gần 3.500 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP Đà Nẵng chấn chỉnh việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, các thông tin công khai liên quan đến đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất, công trình đầu tư xây dựng và công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất...
Theo tìm hiểu của PV, sau nhiều năm thi hành theo kết luận thanh tra, văn bản số 2852 đã khiến thị trường bất động sản Đà Nẵng mắc kẹt, tất cả các dự án có liên quan không thể triển khai xây dựng, hàng ngàn người dân không được chuyển nhượng các lô đất trên vì được cấp sai thời hạn sử dụng đất.
Các lô đất thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh đa phần nằm ở quận Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn như khu đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc, dự án khu Bắc Tượng Đài, các khu đất nhà hàng tiệc cưới ở khu đường 2-9, các khu đất trục đường 30-4 (quận Hải Châu), khu đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc, vệt đất ven biển trên đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, khu dự án Harbour Ville, vệt đất đường Lê Đức Thọ (quận Sơn Trà) và nhiều lô đất lớn khác ở quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu....
Không dừng lại ở đó, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, kết luận 2852 cũng đã ảnh hưởng lây lan tới các dự án khác bởi đều trong diện bị rà soát sai phạm. Nhiều doanh nghiệp đã tỏ ý dè chừng trong việc lựa chọn dự án đầu tư tại Đà Nẵng, trong khi đó nhiều doanh nghiệp cũng rơi vào cảnh mắc kẹt, đóng băng mọi chiến lược đầu tư kinh doanh đã vạch ra.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ khi thực hiện kết luận 2852/KL - TTCP, Đà Nẵng đã tiến hành rà soát được 1.209 trường hợp có sai phạm tương tự, thu hồi số tiền vi phạm vào ngân sách TP là 861,48 tỉ đồng tương đương 44% tổng số tiền trong kết luận của TTCP, điều chỉnh được 25% số lượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp không đúng thời hạn.
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng việc tháo gỡ kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho các dự án đầu tư xây dựng trở lại.
Quốc Cường Gia Lai chuyển nhượng dự án nghìn tỷ tại quận Thủ Đức cho LDG Theo thông tin từ nghị quyết của Hội đồng quản trị công ty CP Đầu tư LDG (LDG Group - HoSE: LDG) công bố, doanh nghiệp này vừa chính thức nhận chuyển nhượng lại từ Công ty CP Đầu tư Quốc Cường Gia Lai (Mã CK: QCG (HoSE) dự án khu căn hộ cao cấp tại Quận Thủ Đức, TP.HCM. Theo nghị quyết,...