Hà Nội tích cực cải thiện môi trường đầu tư và chào đón doanh nghiệp
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định Hà Nội sẵn sàng cùng Liên minh châu Âu trao đổi, tìm kiếm hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tiếp Ngài Pier Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Ngày 23/9, tại buổi làm việc với ông Pier Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng Liên minh châu Âu ( EU) là đối tác kinh tế, thương mại quan trọng đối với Việt Nam, trong đó có thành phố Hà Nội.
Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá rất cao ý nghĩa các hiệp định giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã ký kết trong thời gian qua, nhất là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu ( EVFTA) vừa được hai bên thông qua mới đây.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, mặc dù tình hình kinh tế, xã hội toàn cầu, cũng như khu vực Liên minh châu Âu và Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhưng trao đổi thương mại giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam vẫn được duy trì hiệu quả.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết với riêng Hà Nội, đã 6 tuần qua không phát hiện bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 mới tại cộng đồng. Các hoạt động kinh doanh, đời sống người dân đang dần ổn định trong điều kiện bình thường mới. Thành phố đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn, điển hình như Hội nghị “Hà Nội 2020-Hợp tác, đầu tư và phát triển.”
Các chỉ số tăng trưởng kinh tế, xã hội của Thủ đô đang duy trì ở mức khá cao, vượt hơn bình quân chung của cả nước.
Video đang HOT
Nhấn mạnh Thủ đô luôn tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chào đón các doanh nghiệp đến đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Liên minh châu Âu, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định Hà Nội sẵn sàng cùng Liên minh châu Âu trao đổi, tìm kiếm hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng.
Ngoài ra, Hà Nội đang lên kế hoạch về chiến lược phát triển tổng thể kinh tế, xã hội Thủ đô trong 5 năm đến 10 năm tới và với tầm nhìn xa hơn nữa.
Bí thư Thành ủy Hà Nội kỳ vọng với sự hợp tác, hỗ trợ của Liên minh châu Âu, cùng nền tảng là những hiệp định mà hai bên đã ký kết, Hà Nội sẽ sớm hiện thực hóa được những mục tiêu quan trọng phát triển kinh tế, xã hội bền vững theo hướng xanh, sạch, đẹp, văn minh và hiện đại.
Cảm ơn sự tiếp đón trọng thị của Thành ủy và cá nhân Bí thư Thành ủy Hà Nội, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Pier Giorgio Aliberti cho biết trong những năm gần đây, Liên minh châu Âu đang chuyển dần sự chú ý sang khu vực châu Á, trong đó Việt Nam được đánh giá là một trong những đối tác đặc biệt quan trọng. Điều này được thể hiện qua những hiệp định hai bên đã ký kết ở trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, việc thông qua EVFTA đã tạo tiền đề thúc đẩy phát triển thương mại giữa hai bên.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Pier Giorgio Aliberti nhận định: những thành quả ấn tượng của Việt Nam cũng như Thủ đô Hà Nội trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 và duy trì tốc độ tăng trưởng đã trở thành lợi thế lớn, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang xem xét chuyển dịch hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Thời gian tới, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Pier Giorgio Aliberti mong muốn sẽ có thêm những cuộc thảo luận về việc hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực, nhất là những nội dung mà Liên minh châu Âu có thế mạnh như bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí, chất lượng nước…
Chiều cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam Tanee Sangrat nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam để trở về Thái Lan nhận nhiệm vụ mới./.
Xuất khẩu thủy sản "hụt hơi" chỉ về đích trên 8 tỷ USD?
Theo các chuyên gia dự báo, trị giá xuất khẩu thủy sản năm cả 2020 chỉ đạt 8,26-8,3 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2019. Đây là con số sụt giảm đáng kể so với mục tiêu 10 tỷ USD mà toàn ngành đặt ra.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2020, trị giá xuất khẩu thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Về ngành hàng xuất khẩu chủ lực, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh thuộc ĐBSCL trong tháng 8/2020 tăng nhẹ đạt khoảng 200 đ/kg so với tháng trước, giao động trong khoảng 17.500-18.000 đ/kg đối với cá tra loại I (700-900g/con). Nhìn chung, thị trường vẫn diễn biến chậm do tình hình xuất khẩu vẫn ảm đạm với lượng đặt hàng mới yếu, lượng tồn kho cao cùng với giá xuất khẩu thấp.
"Dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng mạnh tới hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp chế biến cá tra trong nước. Dự báo trong thời gian tới, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tiếp tục ổn định do những tác động của thị trường thế giới khi bị ảnh hưởng của đại dịch", ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay.
Với mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác là tôm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 quay trở lại, giá tôm thương phẩm tại ĐBSCL tháng 8/2020 có dấu hiệu giảm nhẹ so với tháng 7/2020. Điển hình như, tại Bạc Liêu, tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg giảm 20.000 đ/kg còn 190.000 đ/kg, cỡ 30 con/kg giảm 20.000 đ/kg xuống 160.000 đ/kg, cỡ 40 con/kg giảm 10.000 đ/kg xuống 130.000 đ/kg...
Tình hình nuôi tôm từ nay đến cuối năm được sẽ còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng về thời tiết, khí hậu, khả năng xâm nhập mặn tại ĐBSCL.
Về xuất khẩu thủy sản nói chung, Bộ NN&PTTN dự báo, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở các quốc gia trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường trong suốt quý III/2020.
Không ít chuyên gia dự báo, trị giá xuất khẩu thủy sản năm 2020 chỉ đạt 8,26-8,3 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2019.
Bên cạnh những bất lợi, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhìn nhận, thủy sản Việt Nam đang có những lợi thế cạnh tranh nhất định với các đối thủ như Ấn Độ, Ecuador nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau Covid-19.
Tuy nhiên, để đạt lợi nhuận cao, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các thị trường như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc,... nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao như các sản phẩm có thể sử dụng trực tiếp để phù hợp với những thay đổi mới của thị trường.
Ngoài ra, cũng phải nói thêm rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 cũng mở ra không ít cơ hội cho thủy sản Việt. Từ đầu tháng 8/2020 đến nay, xuất khẩu thủy sản sang EU có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020. Trong đó mặt hàng tăng tập trung nhiều vào tôm và mực...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, EU là thị trường quan trọng với thủy sản. Để tận dụng được lợi ích về thuế quan, các doanh nghiệp thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics... nên sẽ đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, những tháng cuối năm nay, toàn ngành sẽ tiếp tục tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững.
Đồng thời, triển khai quyết liệt, hiệu quả các khuyến nghị mà Liên minh châu Âu đưa ra đối với Việt Nam để gỡ "thẻ vàng" và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững...
Tổng trị giá thủy sản nhập khẩu 8 tháng năm 2020 đạt 1,14 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn nhập khẩu thủy sản trong 7 tháng đầu năm 2020 chủ yếu là từ Ấn Độ (chiếm tỷ trọng 13,8%), Nauy (11,8%), Nhật Bản (10,2%).
Gạo Việt tăng tốc vào EU Theo Bộ NN&PTNT, chỉ riêng từ ngày 4/9 đến ngày 17/9 đã có 6 doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận với khối lượng xấp xỉ 4,3 nghìn tấn gạo thơm xuất khẩu sang EU. Xuất khẩu gạo, trong đó có gạo thơm sang EU từ nay đến hết năm sẽ tiếp tục tăng cho dù vẫn chịu tác động từ dịch bệnh...