Hà Nội thu phí bảo trì 50.000 đồng với xe dưới 100 cm3
Sáng 2/7, HĐND Hà Nội chốt mức thu phí bảo trì đường bộ mỗi năm đối với xe máy có dung tích dưới 100 cm3 là 50.000 đồng và xe dung tích trên 100 cm3 là 100.000 đồng, không phân chia theo nội hay ngoại thành.
Theo nghị định 18 của Chính phủ về quỹ bảo trì đường bộ, thẩm quyền quy định mức phí đối với xe máy được giao HĐND các tỉnh thành. Tại kỳ họp thứ 7 HDNĐ Hà Nội, UBND thành phố đã trình mức phí bảo trì đường bộ là 100.000 đồng một năm đối với mô tô có dung tích xi lanh đến 100 cm3 và 150.000 đồng một năm đối với loại có dung tích xi lanh trên 100 cm3. Trong khi đó, khung mức phí được Bộ Tài chính quy định là từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng với xe dưới 100 cm3 và từ 100.000 đến 150.000 đồng với xe trên 100 cm3.
Tại buổi thảo luận về phí bảo trì đường bộ sáng 2/7, đại biểu Nguyễn Đình Dương cho rằng, ở Việt Nam, phí bảo trì đã thu qua xăng dầu, song nay chuyển qua thu đầu phương tiện. Tuy nhiên, các quy định còn khá chung chung, thu phí với toàn bộ xe máy lưu thông trên địa bàn hay chỉ có xe đăng ký trên địa bàn. Người nộp phí là chủ phương tiện hay là người sử dụng, là người có hộ khẩu Hà Nội hay tạm trú…
“Áp dụng một mức phí trên nhiều loại đường là chưa hợp lý. Người dân đi nộp phí hay chính quyền đi thu? Ở nông thôn, thu phí không dễ thực hiện do quan hệ làng xóm nên khó đảm bảo công bằng. Cá nhân tôi đề xuất nên phân mức phí ở nội thành và ngoại thành cho phù hợp tính chất đường sá”, ông Dương gợi ý.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Sương đề nghị dừng thu phí bảo trì đến cuối năm. Ảnh: Đ.L.
Video đang HOT
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Phong cho rằng, mức phí mà UBND đưa ra tương đối cao, nên để mức thu tối đa với xe trên 100 cm3, còn với dân bình thường sử dụng xe dưới 100 cm3 thì không nên thu ở mức tối đa. Bên cạnh đó, nên chia ra 2 khu vực nội thành và ngoại thành vì ngoại thành “đường không ra đường”, cần thu phí sử dụng đường ở mức tối thiểu.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Sương đề xuất nên dừng thu phí tại thời điểm này. Nếu cuối năm khả năng thực hiện được thì tiến hành thu sẽ hiệu quả hơn. “Cần nghiên cứu mức phí để nghị quyết đi vào lòng dân, chúng ta đang thực hiện ổn định an sinh xã hội, cần cân đối thu phí và không gây khó khăn cho nhân dân, chính quyền địa phương. Chúng ta cũng cần nghiên cứu đưa ra thời điểm thực hiện, xem xét trong điều kiện thực tế của Hà Nội”, bà Sương nói.
Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho rằng, chủ trương thu phí bảo trì đường đã được Chính phủ quyết định, các địa phương có trách nhiệm thực hiện theo Luật. Hà Nội đề xuất mức thu cao do chi phí bảo trì đường bộ ở Hà Nội rất cao.
Ông Tưởng cho rằng, việc thu phí được giao cho các xã phường nên mức thu làm sao cho đơn giản, nếu chia ra địa bàn ngoại thành, nội thành thì sẽ phức tạp. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố chấp thuận mức thu xe máy theo phân khối là thấp nhất theo khung của Bộ Tài chính.
Theo đó, HĐND Hà Nội chốt mức thu phí bảo trì đường bộ mỗi năm đối với xe máy có dung tích dưới 100 cm3 là 50.000 đồng và xe dung tích trên 100 cm3 là 100.000 đồng, không phân chia theo địa bàn.
Ngoài ra, các đại biểu còn thống nhất mức thu lệ phí trước bạ lần đầu với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi là 12%, lần thứ 2 là 2%.
Cuối buổi sáng, nghị quyết đã được các đại biểu tán thành với tỷ lệ 85,3%.
Hà Nội hiện có hơn 7 triệu người, với khoảng 4 triệu xe máy đang lưu hành. Hàng năm, thành phố phải bố trí vốn ngân sách rất lớn để duy tu bảo trì hệ thống cơ sở hạ tầng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Theo VNE
'Nhân tài' hưởng mức lương thỏa thuận khi làm việc ở Hà Nội
Theo nghị quyết của HĐND Hà Nội, nhóm chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân sẽ được hỗ trợ phương tiện đi lại, làm việc, nghiên cứu. Thù lao của họ được trả theo hợp đồng thỏa thuận trên cơ sở hiệu quả công việc.
Chiều 2/7, HĐND Hà Nội đã thảo luận thông qua một số nghị quyết cụ thể hóa Luật thủ đô. Theo nghị quyết ban hành chính sách trọng dụng nhân tài, nhân tài là người có thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập, công tác và lao động, bao gồm thủ khoa xuất sắc, tiến sĩ, bác sĩ, giáo viên, giảng viên, huấn luyện viên, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân.
Những người này sẽ được thành phố áp dụng nhiều chính sách ưu đãi về tuyển dụng và đãi ngộ, như: được tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua thi tuyển và hưởng hỗ trợ đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu. Sau hai năm công tác, họ được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước hoặc nước ngoài, được thành phố hỗ trợ kinh phí.
Nhóm chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân còn được hỗ trợ phương tiện đi lại, làm việc, nghiên cứu. Thù lao của những người này được trả theo hợp đồng thỏa thuận trên cơ sở số lượng, chất lượng, hiệu quả công việc.
Những người được tiếp nhận hoặc tuyển dụng đặc cách ngoài việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức phải cam kết làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội ít nhất 7 năm (không tính thời gian được cử đi đào tạo, bồi dưỡng và thời gian cam kết phục vụ sau đào tạo, bồi dưỡng).
Đại biểu phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hoàng Hà.
Cũng trong chiều 2/7, HĐND thông qua nghị quyết về thẩm quyền, điều kiện, thủ tục tặng danh hiệu "Công dân danh dự thủ đô". Danh hiệu chỉ áp dụng đối với người nước ngoài. Điều kiện để được trao tặng là có đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng, phát triển thủ đô hoặc mở rộng, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, quan hệ hợp tác quốc tế của thủ đô vì mục tiêu hoà bình, tiến bộ xã hội. Cá nhân này phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Mỗi người chỉ được tặng danh hiệu này một lần và không áp dụng hình thức truy tặng. Danh hiệu sẽ được thành phố trao tặng theo nghi thức đối ngoại. Công dân danh dự của thủ đô sẽ được được nhận bằng công nhận, được ghi tên vào Sổ vàng truyền thống của Hà Nội.
Các nghị quyết cụ thể hóa Luật thủ đô sẽ tiếp tục được HĐND thành phố thảo luận và thông qua trong những ngày tới.
Theo VNE
Không nộp phí đường: Bao giờ phạt? Theo quy định, từ 1/7/2013, các phương tiện không nộp phí bảo trì đường bộ sẽ bị phạt. Nhưng đến hiện tại, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt vẫn chưa có kế hoạch xử phạt. Hiện tại vẫn chưa có kế hoạch xử phạt các phương tiện không nộp phí bảo trì đường bộ Bắt đầu từ 1/7, theo quy định, các...