Hà Nội: Nhiều sản phụ F0 chưa tiêm vaccine chuyển nặng
Nhiều trường hợp sản phụ tại Hà Nội chưa tiêm vaccine Covid-19 đã chuyển biến nặng sau khi nhập viện, phải kết thúc thai kì sớm.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở Cảm Hội hiện là đơn vị thu dung, điều trị các sản phụ F0 trên địa bàn Thủ đô. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đang điều trị cho hơn 100 sản phụ F0. Trước tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp và lây lan nhanh trong cộng đồng, số lượng thai phụ mắc Covid-19 nhập viện ngày càng tăng cao, ngày 16/1, cơ sở này đã tăng số lượng giường lên 140 để đáp ứng kịp thời chăm sóc và điều trị các bệnh nhân F0.
Chị P.T.T.H., sinh năm 1984, địa chỉ tại Hoàng Mai mắc Covid-19 khi đang mang thai, trước đó chưa được tiêm vaccine Covid-19. Do có tình trạng suy hô hấp tiến triển, các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội chỉ định kết thúc thai kì ở tuần 30. Tuy nhiên, vài ngày sau ca mổ, tình trạng suy hô hấp của bệnh nhân vẫn diễn tiến nặng lên. Kết quả chụp X-quang cho thấy phần phổi trái của bệnh nhân này trắng xóa. Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Một sản phụ bị tổn thương phổi nặng (Ảnh: Mạnh Quân).
Theo TS.BS Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tỷ lệ sản phụ F0 không tiêm vaccine Covid-19 mà cơ sở này tiếp nhận chiếm đến 70%. Đáng chú ý, phần lớn các sản phụ chuyển nặng phải kết thúc thai kì sớm là trường hợp chưa tiêm vaccine Covid-19 hoặc tiêm chưa đủ liều.
“Có thể một phần nguyên nhân là do tâm lý còn hoang mang và chưa nhận thức đúng đắn về vaccine của các sản phụ và cả gia đình, nên số lượng sản phụ chưa tiếp cận vaccine Covid-19 tương đối nhiều”, BS Hà phân tích.
Đáng chú ý, trong những ngày qua, đơn vị đã tiếp nhận và điều trị một số thai phụ mắc Covid-19 chuyển nặng do tự theo dõi sức khỏe tại nhà sau khi test nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Một trường hợp là sản phụ con lần 2, thai 30 tuần 6 ngày, chưa tiêm vaccine Covid-19. Ngày 14/1, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho, sốt, tự test nhanh Covid-19 và tự theo dõi tại nhà. Ngày 20/1, bệnh nhân được chuyển vào khu điều trị thai phụ F0 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2, lúc 21h30 trong tình trạng khó thở, tần số thở 37 lần/phút, SpO2 88%, nhịp tim nhanh 137 lần/phút, huyết áp 110/60mmHg, sốt 39,2 độ, tim thai dao động 160-170 lần/phút. Sản phụ được tiến hành cấp cứu thở oxy mặt nạ túi không hiệu quả, chuyển thở máy HFNC, xét nghiệm cho thấy dấu hiệu tăng viêm, bão cytokine. Bệnh nhân được chẩn đoán suy hô hấp cấp thể nặng, sau khi hội chẩn các bác sĩ đi đến quyết định chấm dứt thai kỳ, mổ cấp cứu lấy ra một bé trai 1,6kg. Sau mổ, sản phụ và trẻ sơ sinh tiếp tục được hồi sức, điều trị tích cực theo phác đồ.
Video đang HOT
Những trường hợp như sản phụ trên đều tự test nhanh cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, tuy nhiên không nhập viện mà tự theo dõi tại nhà, không hay biết bệnh đang chuyển biến xấu và chỉ nhập viện khi tình trạng đã nặng lên.
Tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nơi điều trị cho các F0 nặng nhất, đa phần các bệnh nhân trẻ tuổi là các sản phụ chưa tiêm vaccine Covid-19.
Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đa phần các trường hợp sản phụ mắc Covid-19 mà khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận, tiến triển nặng từ khoảng ngày thứ 7. Đặc biệt, các bệnh nhân diễn biến nặng nhanh.
Theo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, so với người bình thường, hệ thống miễn dịch của phụ nữ mang thai dễ bị tổn thương hơn nếu nhiễm phải virus đường hô hấp. Phụ nữ mang thai mắc Covid-19 dễ chuyển biến nặng hơn so với phụ nữ không mang thai, tăng nguy cơ cao phải thở máy, dùng kháng sinh liều cao, thai nhi có nguy cơ bị sinh non, nguy cơ lây nhiễm,… thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.
Theo ThS.BS Vũ Văn Vinh, Trưởng phòng quản lý chất lượng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, với các sản phụ có dấu hiệu chuyển nặng, nếu không kết thúc thai kì sớm thì bệnh sẽ diễn biến rất nhanh và thường dẫn tới tình trạng nặng và nguy kịch. Điều này đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của cả mẹ và con.
Trước thực tế này, các bác sĩ khuyến cáo các sản phụ (đáp ứng đủ điều kiện tiêm vaccine) cần tiếp cận tiêm vaccine sớm nhất có thể, theo khuyến cáo của nhân viên y tế.
Ca mắc tăng rất nhanh, lần thứ 6 Hà Nội điều chỉnh phân tầng điều trị F0
F0 ở Hà Nội có nguy cơ rất cao như tình trạng cấp cứu, SpO2 dưới 90% sẽ được chuyển vào tầng 3 gồm 5 bệnh viện của Hà Nội, bệnh viện Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Ngày 6/1, Sở Y tế Hà Nội có văn bản gửi các bệnh viện công lập và ngoài công lập; Trung tâm Y tế các quận/huyện/thị xã; Trung tâm cấp cứu 115 về phân luồng tiếp nhận, điều trị F0. Đây là lần điều chỉnh thứ 6 của ngành Y tế Thủ đô liên quan đến vấn đề này.
Theo đó, nguyên tắc đầu tiên của việc phân luồng, quản lý, điều trị F0 là tuỳ theo mức độ lâm sàng, mức độ nguy cơ của người bệnh. Trong lần hướng dẫn này, Hà Nội điều chỉnh khá nhiều về tiêu chí phân tầng so với các lần trước.
Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh minh hoạ
Theo chỉ đạo của Sở Y tế, các bệnh viện tầng 3 sẽ tiếp nhận F0 nếu F0 được đánh giá ở nguy cơ rất cao (có tình trạng cấp cứu, Sp02 dưới 90%). Cơ sở tiếp nhận bệnh nhân tầng 3 gồm 5 bệnh viện của Hà Nội là Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, Xanh Pôn và Sơn Tây; các bệnh viện Trung ương/bộ/ngành; Riêng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân sản khoa.
Trước đây, bệnh viện tầng 3 ở Hà Nội sẽ tiếp nhận F0 có tuổi từ trên hoặc bằng 65 và chưa tiêm đủ liều vaccine; mắc bệnh lý nền; có tình trạng cấp cứu chuyên khoa.
F0 ở mức độ nguy cơ cao sẽ được xếp vào tầng 2 (như mắc bệnh lý nền có triệu chứng đợt cấp; phụ nữ có thai, vừa sinh con dưới 42 ngày, trẻ em dưới 3 tháng tuổi và F0 có Sp02 từ 90-96%). Các cơ sở tiếp nhận gồm các bệnh viện thuộc tầng 2 (thường là các bệnh viện các quận/huyện và một số bệnh viện thuộc Thành phố); riêng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận F0 sản khoa cần can thiệp chuyên khoa.
Trước đây, bệnh viện tầng 2 dành cho trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao, nay chỉ có trường hợp nguy cơ cao mới vào tầng 2.
F0 có nguy cơ thấp hoặc trung bình sẽ được điều trị ở tầng 1. Cụ thể, nhóm có nguy cơ trung bình gồm: Người từ 65 tuổi trở lên chưa phát hiện bệnh nền hoặc mắc bệnh nền ổn định (nghĩa là không dùng thuốc hoặc uống thuốc theo đơn tại nhà, không có triệu chứng của đợt tiến triển); người từ 50-64 tuổi chưa phát hiện bệnh nền và chưa tiêm vaccine; người mắc bệnh nền ổn định; có dấu hiệu như sốt, ho, đau họng, khó thở... và Sp02 từ 97% trở lên. Nhóm này sẽ điều trị tại cơ sở thu dung điều trị của thành phố.
Nhóm nguy cơ thấp gồm: những người từ 50-64 tuổi chưa phát hiện bệnh nền nhưng đã tiêm đủ liều vaccine; người từ 3 tháng tới dưới 49 tuổi không có bệnh lý nền hoặc bệnh nền đã ổn định, chưa tiêm đủ vaccine và Sp02 từ 97% trở lên. Nhóm này sẽ điều trị tại cơ sở thu dung của quận/huyện.
Nhóm F0 được quản lý, điều trị tại nhà gồm người từ 3 tháng đến dưới 49 tuổi chưa phát hiện bệnh nền, tiêm đủ vaccine, không mang thai, sức khoẻ chưa có dấu hiệu bất thường và Sp02 từ 97% trở lên.
Sở Y tế cũng có hướng dẫn phân luồng điều trị với nhóm bệnh nhân đặc biệt như người chạy thận nhân tạo, người có bệnh lý tâm thần hay người đang cai nghiện tại cộng đồng.
Các trường hợp đặc biệt thu gọn về 3 nhóm đối tượng thay vì thêm F0 mắc các bệnh lý chuyên khoa khác như răng hàm mặt, mắt, tai mũi họng
Theo yêu cầu của Sở Y tế, cơ sở điều trị thường xuyên đánh giá diễn biến, mức độ lâm sàng, mức độ nguy cơ và kết quả xét nghiệm F0 để quyết định chuyển tuyến, ra viện, kết thúc cách ly. Bên cạnh đó, Sở yêu cầu tập trung điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở thu dung điều trị, hạn chế chuyển tầng, chuyển độ.
" Ưu tiên giường bệnh tại bệnh viện để tiếp nhận người bệnh tầng 2, 3" - Sở Y tế Hà Nội yêu cầu.
Trong gần 1 tháng nay, Hà Nội ghi nhận số ca mắc liên tục tăng mỗi ngày. Trong những ngày gần đây, số ca mắc tại Hà Nội đều trên 2.500 ca/ngày, cao nhất cả nước.
Tới hết ngày 5/1, có hơn 35.500 bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội đang điều trị, trong đó có hơn 320 F0 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Cơ sở 2) và Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Hơn 2.600 F0 điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3). Khoảng 6.700 F0 điều trị ở tầng 1 tại cơ sở thu dung điều trị của TP và quận/huyện. Số F0 điều trị tại nhà là gần 25.800 người.
Hà Nội cần 1,7 triệu liều vaccine COVID-19 để tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi Theo đề nghị của Hà Nội, để tiêm đủ mũi vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi, TP cần khoảng 1,7 triệu liều vaccine COVID-19. 32% phụ huynh còn băn khoăn vì học sinh chưa được tiêm vaccine Báo cáo tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 2/11, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội...