Hà Nội nghiêm cấm tăng giá vé xe trong dịp Tết
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm việc kê khai giá, niêm yết giá cước vận tải và bán vé theo đúng quy định; không tùy tiện tăng giá cước, thu phụ thu giá cước khi chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt…
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa triển khai Kế hoạch số 2031/KH-SGTVT về tổ chức phục vụ vận tải khách gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân Nhâm Dần.
Hà Nội nghiêm cấm tăng giá vé xe trong dịp Tết.
Theo đó, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thường xuyên theo dõi, nhắc nhở đội ngũ lái xe thực hiện tốt công tác phòng dịch COVID-19; Chỉ sử dụng lái xe có đủ sức khỏe để điều khiển phương tiện; xử lý nghiêm trường hợp lái xe sử dụng rượu bia, chất kích thích khi lái xe; Tăng cường công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật của phương tiện trước trong và sau mỗi chuyến đi; Niêm yết số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận, kịp thời xử lý thông tin khi có phản ánh; Chỉ đạo bộ phận theo dõi an toàn giao thông túc trực 24/24 giờ, thường xuyên giám sát kịp thời nhắc nhở lái xe chấp hành nghiêm các quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải, không phóng nhanh vượt ẩu, vi phạm về tốc độ và thời gian lái xe liên tục, dừng đỗ sai quy định…
Sở GTVT Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm việc kê khai giá, niêm yết giá cước vận tải và bán vé theo đúng quy định; không tùy tiện tăng giá cước, thu phụ thu giá cước khi chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt; không vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị khai thác bến xe tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các phương tiện, có kế hoạch bố trí, sử dụng xe tăng cường kịp thời giải tỏa khách, thay thế xe khi có nhu cầu, hạn chế thấp nhất việc ùn ứ khách tại các bến xe; Kiên quyết lập biên bản đối với các đơn vị để lái xe, chủ phương tiện tăng giá vé, phụ thu trái quy định, kịp thời bố trí xe khác hoạt động thay thế các xe vi phạm, bỏ không hoạt động, đề xuất phương án xử lý các vi phạm báo cáo kịp thời về Sở GTVT Hà Nội.
Các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn TP Hà Nội đặc biệt trú trọng kiểm định phương tiện xe khách giường nằm, xe chở hàng hóa, vật liệu phế thải phải có hệ thống che chắn đảm bảo vệ sinh môi trường; Yêu cầu các tổ chức, cá nhân, chủ phương tiện không tự ý lắp thêm đèn, còi sai quy định….
Xử lý nghiêm xe kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát hành trình
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với xe ô tô tham gia hoạt động kinh doanh vận tải nhưng không chấp hành quy định về lắp đặt camera, không thực hiện đúng quy định về chuyển đổi biển kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải sang nền màu vàng.
Camera giám sát trên phương tiện vận tải sẽ truyền dữ liệu hành trình về các trung tâm điều hành giao thông. Ảnh: Vân Sơn/Báo Tin tức
Tại văn bản số 9257/VPCP-CN ngày 20/12/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp chuyển sang sử dụng dịch vụ thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (thay cho phương thức thu phí thủ công, dùng tiền mặt); khẩn trương thực hiện nghiêm quy định lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải (theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 1/7/2021) và chuyển đổi biển kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải sang nền màu vàng theo đúng quy định của Bộ Công an.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông vận tải theo chức năng nhiệm vụ được giao, đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với xe ô tô tham gia hoạt động kinh doanh vận tải nhưng không chấp hành quy định về lắp đặt camera, không thực hiện đúng quy định về chuyển đổi biển kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải sang nền màu vàng, các phương tiện không đủ điều kiện đi vào cửa thu phí điện tử không dừng gây mất an ninh trật tự và ùn tắc giao thông.
Ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 66/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2021, trong đó nội dung mục 6 nêu: "Về đề xuất tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định lắp camera trên phương tiện ô tô kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19: Chính phủ quyết định tạm ngưng áp dụng đến hết ngày 31/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi quy định tại: Điểm p Khoản 5 Điều 23; Điểm c Khoản 3 Điều 24; Điểm o, p Khoản 6 Điều 28 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt".
Để tiếp tục phối hợp thực hiện nghiêm Nghị quyết số 66/NQ-CP, quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng, trong quá trình cấp mới biển số đối với xe kinh doanh vận tải, tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở chủ phương tiện lưu ý thực hiện đúng quy định đã được nêu tại mục 6 Nghị quyết số 66/NQ-CP.
Đến hết ngày 11/11/2021 (theo kết quả tổng hợp và báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam), tổng số phương tiện thuộc đối tượng phải lắp đặt camera là 208.128 xe; tổng số phương tiện đã lắp đặt camera là 25.020 xe, đạt 12,02%.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu kiểm soát chặt giá vận tải dịp Tết Các nhà xe phải niêm yết biển kiểm soát của phương tiện và số điện thoại của cơ quan chức năng để hành khách biết và phản ánh qua đường dây nóng. Ngày 8/12, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, để việc tổ chức vận tải phục vụ Tết dương lịch, âm lịch, lễ...