Hà Nội: Ngày lạnh, đi ăn bún Thái chua cay nóng hổi
Xuýt xoa với vị chua cay, mùi thơm nồng của sả và lá chanh trong tô bún tôm Thái, rất hợp với tiết trời đã bắt đầu se lạnh thế này.
Với nhiều teen Sài Gòn, bún Thái không còn là một món ăn xa lạ. Không khó để tìm thấy những hàng bún Thái ở khắp nơi trên Sài Gòn rộng lớn, nhưng với teen Hà Nội thì món bún này vẫn là một “ẩn số”. Tò mò là vậy, nên ngay khi nghe tin có một quán bún Thái mới mở ở Hà Nội, chúng tớ đã lặn lội bằng được để đến ăn thử xem sao.
Nằm ở phố Đặng Văn Ngữ, ở ngay đoạn đầu phố rẽ từ đường Kim Liên mới vào và gần trường PTTH Lê Quý Đôn, quán nằm bên tay trái, gây ấn tượng bởi tên món ăn lạ lạ “Bún Thái Tom yum”. Thoạt nhìn qua, chúng tớ rất “ưng ý” vì quán rộng rãi, thoáng mát, bàn ghế lại sạch sẽ nữa.
Nói về món bún Thái, chắc hẳn sẽ khiến bạn tò mò. Bún Thái nghe vậy thôi chứ thật ra món này dựa trên “cốt” là món canh Tom Yum của người Thái, đặc sản được coi là 1 trong 10 món ăn ngon nhất thế giới. Ấy thế nên bún Thái cũng có được cái hương vị chua chua, cay cay, đậm đà của “bản gốc” và không hề xa lạ với khẩu vị người Việt Nam.
Video đang HOT
Một bát bún Thái thì gồm có mấy con tôm đỏ au, lẩn quất đâu đấy là những lát cua trắng bóc, rồi thịt bò óng ánh dưới lớp nước dùng hơi ngả màu đỏ cam ấm nồng, phía dưới lấp ló những sợi bún to, bên cạnh nhúm rau muống chẻ xanh mơn mởn, nhìn đã muốn ăn ngay rồi. Hít hà thêm cái hơi chua cay của sả, ớt, lá chanh đặc trưng bốc lên, vậy là đủ để mường tượng ra những hương vị hấp dẫn đang bày ra trước mắt rồi.
Bún Thái có thể là món hội tụ nhiều nguyên liệu hấp dẫn, nhưng cái hấp dẫn nhất của bún Thái là nước dùng cơ. Nước đậm hương vị Tom Yum với vị chua ngọt dịu dàng, cay nồng đặc trưng. Khi ăn vào, nước dùng quyện với cái ngọt của tôm, của thịt, cái thơm của thịt cua và cái giòn giòn, thanh thanh của rau muống chẻ, tất cả mang tới một hương vị hài hòa, ấm áp, vừa lạ, lại vừa quen. Nhất là vào những ngày cuối thu, mưa với những cơn gió lạnh thế này thì còn gì thích hơn là ngồi xì xụp cùng bạn bè bên bát bún cay cay đang bốc hơi nghi ngút.
Giá một bát bún Thái ở đây là 30k, nếu bạn thêm thịt bò sẽ là 35k đấy. Nhưng đây vẫn là một mức giá hoàn toàn có thể chấp nhận được vì một bát bún ở đây rất đầy đặn, cộng với ưu thế về địa điểm và phục vụ rất chu đáo thì chúng tớ thấy, đây chắc chắn sẽ là một điểm đến đáng lưu ý cho teen vào mùa đông sắp tới.
Theo TTVN
[Chế biến] - Lẩu cá kèo
Lẩu cá kèo vốn là món ăn rất dân dã, giản dị, đặc trưng của người miền Nam. Với hương vị thơm ngon, lẩu cá kèo đã dần được nhiều vùng miền khác biết đến hơn.
Cách làm món lẩu cá kèo không khó, chỉ cần bạn chuẩn bị đầy đủ gia vị để chế nước dùng ngon là sẽ có ngay nổi lẩu đầy hấp dẫn.
Nguyên liệu:
- 1kg cá kèo, chọn cá kèo sống, để nguyên con, làm sạch nhớt cá bằng chanh và muối sau đó để ráo nước và cho ra đĩa
- 1/2kg xương heo hoặc 2 bộ xương gà
- 3 bó lá giang nhỏ, rửa sạch. Tùy thích muốn chua ít nhiều để gia giảm lượng lá. Nên dùng lá non vì lá giang già trong vị chua sẽ có lẫn vị đắng. Vo nát lá.
- 2kg bún tươi
- Rau ăn kèm: Bắp chuối, rau muống chẻ, giá, rau đắng
- 1 củ tỏi, 2 củ hành tím băm nhỏ
- 1 lọ sa tế, hành lá tươi, thì là
Cách làm:
- Nước dùng: Cho xương vào nồi hầm khoảng 1h đồng hồ, khi sôi đun nhỏ lửa, hớt bọt.
- Cho 1 cái xoong khác lên bếp, cho một ít dầu ăn vào, cho hành tỏi băm nhỏ vào phi thơm sau đó đổ nước dùng vào, đun sôi, nêm nếm gia vị cho vừa miệng, cho lá giang vào, nếm thử lúc nào có vị chua vừa miệng thì thôi.
- Khi ăn cho 1 ít sa tế vào để có vị cay ấm, cho hành lá tươi thái khúc, tiếp đến cho cá kèo vào, nhúng thêm rau sống vào ăn cùng với bún tươi.
- Gắp ra chén và chấm với nước mắm nguyên chất, chanh, ớt...
Theo Eva
Đi ăn bún, miến mọc Hàng Lược Bắt đầu mở hàng từ 7giờ sáng nhưng chỉ đến tầm hơn 9 giờ là quán đã hết veo, khách đến đông nhất là tầm 8 giờ, ăn ào ào một loáng là vãn. Quán nhỏ nên nhiều khi đến ăn khách cũng phải đợi vì không có chỗ ngồi, không hiểu là do bún ngon hay do vị lạ của nó nữa?...