Hà Nội mùa cốm gọi thu
Ai đã ở Hà Nội đều cảm nhận một điều rằng, tiết thu là mùa đẹp nhất trong năm. Ẩn trong từng giọt nắng trong veo, gió heo may nhè nhẹ đưa hương cốm lựng thơm thoảng khắp đất trời.
Hương cốm non mang sắc vị Hà Nội mùa thu, để bất cứ ai khi đi xa cũng nhớ về một Hà Nội mùa thu cốm. Hà Nội ngày nay dẫu nhộn nhịp ồn ã, vẫn còn đó màu thướt tha của những cánh đồng lúa ngoại ô.
Cốm là vật phẩm tiến vua từ xa xưa còn truyền mãi tới bây giờ. Cốm Hà Nội nổi tiếng hơn cả là cốm làng Vòng, nay thuộc phường Dịch Vọng, Cầu Giấy. Nhiều công đoạn làm cốm xưa vẫn còn được giữ tới ngày hôm nay. Hạt lúa nếp gặt về được lựa kĩ càng, tách ra khỏi rơm. Mùa làm cốm thu đến, hầu hết các lứa tuổi từ trẻ già, đàn bà đàn ông đều có vai trò riêng, tham gia một công đoạn tạo ra hạt cốm phù hợp với mình.
Dẫu nhịp sống hiện đại đưa nhiều thiết bị cơ khí hóa giúp rút ngắn thời gian chế biến nhưng hầu hết các công đoạn làm cốm vẫn được tiến hành thủ công, cầu kỳ. Từ rửa thóc, loại thóc lép, lấy hạt mẩy tới rang cốm, điều lửa, nhuộm màu đều đòi hỏi kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của người thực hiện. Rang quá lửa thì cốm già cốm hỏng, thiếu chút nhiệt cốm lại chẳng đủ dẻo thơm. Kinh nghiệm ấy phải được tích lũy từng chút một mới có được hạt cốm ngày càng xanh, càng mỏng, càng dẻo và càng thơm.
Mùa cốm kéo dài khoảng ba tháng, từ đầu tháng 7 âm lịch. Mỗi mùa cốm về, cả làng Vòng lại xôn xao tiếng khua rang, thậm thịch từng nhịp chày giã cốm. Cốm rang xong đưa vào cối giã ngay khi còn nóng ấm. Phải giã tới bảy tám lần mới loại được hết vỏ trấu. Nhà nào dùng máy xát cũng cần không dưới hai mươi lần vỏ trấu mới rời khỏi hạt cốm. Như vậy còn chưa xong, phải trải qua mấy bận giần sàng nữa thì phải cân cốm thô mới ra đời.
Ấy rồi qua một đêm, người thợ làm cốm sàng sảy giã thêm cho dẹt hạt cốm rồi dùng nước lá lúa non nhuộm xanh cho hạt cốm. Khi đó, cái thứ màu xanh cốm nao lòng nhiều người mới xuất hiện. Từ hạt thóc nếp, người làng Vòng đã làm ra hạt cốm mộc có mùi thơm đặc trưng của hương lúa. Cốm ngon phải từ thóc tốt. Cốm làm được quanh năm nhưng chỉ cốm thu là thơm ngon hơn cả. Có lẽ cũng bởi cốm được gói trong lá sen, loại lá ấy chỉ mướt mát nhất vào độ thu. Sau lớp lá ráy giúp cốm tươi lâu, lá sen tạo vị thanh cao cho cốm. Hương lúa nếp và hương sen muộn đượm trên tay, hiền hòa, thơm thảo. Cái tinh túy dịu dàng đẹp đẽ của hương sen trong chất thu đã thấm cả vào từng hạt vàng xanh thơm lựng ấy, khiến cốm thu mềm mại, ngây ngất, dư vị thích thú đê mê.
Hạt cốm bùi thơm là niềm nhung nhớ của những người con xa Hà Nội. Từ hạt cốm, người ta chế biến thành chè cốm, xôi cốm và bánh cốm, cũng là những món ăn không kém phần thi vị. Chè cốm đựng trong các bát sức trắng nhỏ nhắn, thanh tao chẳng kém chứ chè sen mùa hè. Chè nấu loãng bằng đường trắng và bột lọc trong suốt, thấp thoáng những hạt cốm xanh, thoảng mùi nếp và tinh dầu hoa bưởi, quyến rũ đến lạ lùng. Còn chiếc bánh cốm ngọt ngào, dẻo thơm hương cốm từ lâu đã trở thành sản phẩm không thể thiếu trong mâm đồ lễ ăn hỏi của người Hà Nội.
Hương vị độc đáo của các làng cốm đã trở thành hình ảnh biểu trưng cho nét tài hoa ẩm thực đất kinh thành. Trong làn heo may, trong tiết hanh hao dịu dàng, đâu đó lại có người nhắc nhớ về một Hà Nội mùa thu cốm.
K.H
Theo MASK Online
Video đang HOT
3 món ngon cơm từ thịt lợn
Hương thơm thoang thoảng của mật ong trong món chiên hay vị tiêu cay nồng trong món xào sẽ làm cho bữa cơm gia đình bạn trở nên đậm đà hơn.
1. Thịt lợn chiên giòn tẩm mật ong
Nguyên liệu:
- 3 miếng thịt nạc vai dày khoảng 1,5 cm
- 2 quả trứng gà
- 2 thìa canh bột năng
- Bột chiên xù
- Hành lá, muối, tiêu, mật ong, nước mắm, và ớt bột.
Cách làm:
- Thịt nạc vai rửa sạch, chần sơ qua nước sôi, dùng khăn giấy lau khô miếng thịt. Dùng cán dao chần nhẹ miếng thịt để khi ướp miếng thịt nhanh thấm gia vị hơn. Sau đó ướp thịt với ít muối, ít hạt tiêu, để khoảng 1 tiếng. Lăn từng miếng thịt qua bát bột năng.
- Trứng gà đập ra bát, đánh tan. Lăn thịt qua bát trứng gà rồi lăn tiếp qua đĩa đựng bột chiên xù.
- Đun nóng dầu ăn, cho từng lát thịt vào rán vàng đều hai mặt. Thịt vàng đều gắp ra đĩa có lót giấy thấm dầu. Thái thịt thành từng lát vừa ăn.
- Hành lá rửa sạch, thái nhỏ. Pha hai thìa canh mật ong, một thìa canh nước mắm và một ít ớt bột, hòa cho mật ong tan. Đun nóng nồi cho hỗn hợp nước mắm và mật ong vào đun sôi đến khi hỗn hợp sốt dẻo lại, thêm hành lá vào, rưới đều hỗn hợp nước mắm lên phía bên trên từng lát thịt, dùng nóng với cơm.
2. Thịt lợn xào tiêu cay
Nguyên liệu:
- 500g thịt lợn
- 1 củ hành tây, 2 bông hoa hồi, 4-5 nhánh tỏi, 1 nhánh nhỏ gừng
- 1 thìa nhỏ ketchup, 1 thìa sốt đậu đen (có thể tìm mua trong siêu thị)
- 3 thìa nhỏ đường nâu, 2 thìa nhỏ xì dầu (nước tương)
- 1 thìa nhỏ giấm gạo, 1 thìa nhỏ dầu ớt
- 1 quả ớt ngọt
- 1,5 thìa nhỏ bột ớt
- 1 thìa nhỏ muối.
Cách làm:
- Cho đường nâu ra bát, thêm vào tiêu đen, bột gừng, bột ớt và muối, trộn đều. Tẩm hỗn hợp gia vị vừa trộn lên miếng thịt lợn, dùng tay chà khắp để thịt được thấm đều. Ướp trong vòng 30 phút đến 1 tiếng.
- Cho dầu vào chảo, đun nóng, cho thịt vào rán chín đều. Trong khi chờ thịt chín, bạn cho sốt đậu đen, xì dầu, dầu ớt, ketchup, giấm gạo vào bát con. Dùng thìa đảo đều hỗn hợp gia vị.
- Bóc vỏ hành tây, rửa sạch ớt ngọt, ngái miếng vừa ăn.Gừng cạo vỏ, thái chỉ. Ớt đỏ cay thái nhỏ.
- Khi thịt chín, vớt ra để ráo mỡ, thái thịt thành những miếng vừa ăn.
- Bật bếp, đổ dầu ăn vào chảo, thêm hoa hồi, gừng vào. Cho tiếp ớt tươi, hành tây vào xào khoảng 3 phút rồi cho 1/2 hỗn hợp gia vị ở bước 4 vào đảo đều. Thêm ớt ngọt vào xào khoảng 3 phút rồi cho thịt vào xào lẫn. Đổ nốt 1/2 hỗn hợp gia vị còn lại vào đảo thật đều tay khoảng 2 phút. Tắt bếp, múc ra đĩa dùng nóng.
3. Thịt lợn nướng cay thơm nức
Nguyên liệu:
- 350g thịt lợn (bạn có thể chọn phần thịt nạc hoặc pha mỡ tùy thích)
- 1 thìa canh tương ớt cay (gia giảm tùy theo khẩu vị)
- 1/2 thìa canh dầu vừng
- 1 thìa nhỏ đường
- Một nhúm nhỏ vừng đen lẫn vừng trắng
- 3 tép tỏi
- 1 thìa nhỏ muối
- 1/2 thìa nhỏ hạt tiêu
- Hành lá thái nhỏ để trang trí.
Cách làm:
- Đổ dầu vừng vào chảo, đun nóng thì cho vừng đen và vừng trắng vào đảo khoảng 2 phút, vớt ra, giã nhỏ.
- Đổ tương ớt ra bát, tỏi bóc vỏ, thái nhỏ. Cho đường, tỏi vào bát tương ớt, trộn đều.
- Thịt heo rửa sạch, để ráo, dùng tăm xăm các lỗ nhỏ trên thịt để gia vị thấm vào trong miếng thịt.
- Đổ bát tương ớt, vừng giã nhỏ và 1 thìa nhỏ muối, hạt tiêu vào âu thịt, tay đeo găng nilon chà hỗn hợp gia vị lên khắp mặt thịt, ướp khoảng 30 phút - 1 tiếng.
- Lót giấy bạc vào khay nướng, quết dầu ăn lên để thịt không bị khô, cho thịt vào khay, rưới phần nước ướp đều lên mặt thịt, nướng ở 200 độ C trong 30 phút. Thịt chín gắp ra thái miếng vừa ăn, bày ra đĩa, rắc hành lá đã rửa sạch, thái nhỏ để trang trí.
Huấn Phan tổng hợp
Theo Ngôi Sao
Pizza Hut khai trương nhà hàng tại Nha Trang Nhà hàng có thực đơn hơn 100 món ăn gồm pizza truyền thống, cơm, mì Italy, khai vị, salad, tráng miệng... Với việc khai trương nhà hàng tại 67 Lê Thành Phương, phường Phương Sài, TP Nha Trang, Pizza Hut đã đánh dấu sự xuất hiện tại 10 thành phố lớn trên toàn quốc, lần lượt là TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai,...