Hà Nội: Một phụ nữ bị lừa đảo 5 tỷ đồng sau khi quen bạn trai Tây trên Facebook
Một phụ nữ ở quận Thanh Xuân, Hà Nội bị lừa đảo, chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng sau khi kết bạn với một tài khoản Facebook tự xưng là sĩ quan quân đội NATO.
Nhóm tội phạm bị Công an Hà Tĩnh bắt sau khi làm quen với nhiều phụ nữa và lừa tiền qua Facebook. Ảnh theo Zing.
Theo tin từ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị này đang điều tra vụ án một phụ nữ ở quận Thanh Xuân bị lừa đảo, chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng sau khi kết bạn với một tài khoản Facebook.
Theo trình báo của chị K.T, SN 1965, trú tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, thông qua mạng xã hội Facebook, chị T có chấp nhận lời mời kết bạn của một tài khoản Facebook tên Michael Gray. Quá trình trò chuyện, người này giới thiệu bản thân là người Mỹ, SN 1967, sống tại bang Texas và phục vụ trong quân đội NATO ở Afganistan, không lâu nữa sẽ kết thúc thời hạn nghĩa vụ.
Michael Gray chia sẻ với chị K.T rằng anh ta có ý định sẽ đi du lịch khắp các nước Đông Nam Á sau khi rời quân ngũ. Người này bày tỏ mong muốn được chị T giúp đỡ, bằng cách nhận đồ đạc cá nhân của anh ta. Khi sang tới Việt Nam, anh ta sẽ tìm gặp chị T để nhận lại và được chị T đồng ý.
Gần 1 tháng sau đó, Michael Gray thông báo với chị T đã gửi bưu kiện đồ về Việt Nam gồm: Đồ dùng cá nhân, trang sức, quần áo, giấy tờ quân ngũ và một số tiền để chị T chi trả tiền cước phí vận chuyển và tiền thuế của bưu kiện trên.
Mất cảnh giác, chị T đã cung cấp địa chỉ email, số điện thoại với lý do để đơn vị vận chuyển gọi giao hàng. Ba ngày sau khi nhận được tin nhắn của Michael Gray, có một người phụ nữ gọi điện thoại cho chị T và thông báo có một kiện hàng quá cảnh sân bay Tân Sơn Nhất, yêu cầu chị T thanh toán chi phí vận chuyển, tiền thuế và tiền bảo hiểm của bưu kiện là 37.500.000 đồng. Chị T đã chuyển tiền qua dịch vụ Internet banking vào số tài khoản được cho là của đơn vị vận chuyển thông báo.
Khoảng 14h cùng ngày, chị T tiếp tục nhận được một cuộc điện thoại cho biết, kiện hàng khi qua máy quét hải quan phát hiện bên trong có tiền nên yêu cầu chị T phải chuyển số tiền 16.600 USD để làm giấy chứng nhận số tiền trên không liên quan đến hoạt động rửa tiền, tiền tài trợ khủng bố và buôn bán vũ khí.
Video đang HOT
Không một chút nghi ngờ, chị T tiếp tục chuyển tiền ngay sau đó. 3 ngày sau, chị T lại được yêu cầu chuyển tiếp 20.000 USD để không phải mở kiện hàng và số tiền đó lại được chị T chuyển ngay mà không mảy may nghi ngờ đã sập “bẫy” lừa đảo.
Vừa chuyển 20.000 USD xong thì sáng hôm sau, “người vận chuyển” lại thông báo số tiền 650.000 USD trong bưu kiện là số tiền lớn nên cần nộp 130.000 USD nữa để làm các giấy tờ chứng minh và đóng các chi phí bằng 20% giá trị hàng hóa có trong bưu kiện…
Chỉ trong vòng nửa tháng, chỉ vì một gói bưu kiện ảo, chị T đã gửi đi tổng số tiền hơn 5 tỉ đồng. Khi biết mình bị lừa, chị T đã đến cơ quan Công an trình báo.
Thủ đoạn giả vờ làm trai Tây rồi làm quen với phụ nữ trên mạng xã hội là một thủ đoạn không mới của tội phạm lừa đảo đã được cơ quan công an nhiều tỉnh, thành cảnh báo trong thời gian qua, tuy nhiên, số nạn nhân bị lừa đảo qua mạng vẫn chưa dừng lại mà có chiều hướng gia tăng, nhất là đối với chị em phụ nữ.
Hồi đầu tháng 10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bến Tre cũng phát đi thông báo về việc đang tiến hành xác minh, điều tra làm rõ nội dung trình báo của bà Đ.T.H.P. (45 tuổi, ngụ huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) về việc bị lừa đảo qua mạng xã hội Facebook số tiền trên 6,2 tỷ đồng.
Theo nội dung trình báo, khoảng một năm trước tại TPHCM, bà P. gặp một người đàn ông nước ngoài tự giới thiệu là Daniel Henry (quốc tịch Hoa Kỳ). Sau đó, cả 2 làm quen, kết bạn qua mạng xã hội Facebook.
Sau một thời gian trò chuyện, tâm sự, đến đầu tháng 8/2018, người đàn ông này nói sẽ gửi về Việt Nam 550.000 USD (khoảng 13 tỷ đồng) cho bà P.
Sau đó, nhiều người lần lượt gọi điện thoại đến xưng là nhân viên sân bay, thủ kho sân bay, hải quan… yêu cầu bà P. chuyển tiền vào nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để đóng phí, thuế, đút lót cho giám đốc sân bay mới chuyển tiền về được. Bà P. đã làm theo yêu cầu của những người này. Tính đến ngày 26/9, bà P. đã chuyển cho những người này, tổng cộng số tiền trên 6,2 tỷ đồng. Do chuyển tiền nhiều lần mà chưa nhận được quà, bà P. nghi ngờ bị lừa nên đã trình báo với cơ quan chức năng.
P.V
Theo infonet
Giả danh đại tá quân đội để trốn lệnh truy nã
Dựng chuyện có mối quan hệ quen biết để chạy giấy phép kinh doanh karaoke, kẻ lừa đảo đã ôm tiền bỏ trốn sau đó giả danh đại tá quân đội để trốn lệnh truy nã.
Ngày 2/10, Viện KSND TPHCM đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Lê Thanh Hùng (sinh năm 1969, quê Sóc Trăng) về hai tội môi giới hối lộ và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Liên quan tới vụ án, các bị can Trần Phi Long (sinh năm 1983, ngụ quận 7 và Trần Văn Tuyền (sinh năm 1971, quê Bình Phước) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
12 bị can còn lại trong vụ án bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, môi giới hối lộ, làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức.
Theo cáo trạng, ngày 14/9/2011, Cơ quan công an Quận 1 (TPHCM) nhận được đơn của ông Trần Ngọc Đức (ngụ quận 10) tố cáo Long có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn làm giấy phép kinh doanh karaoke giả.
Quá trình điều tra cho thấy, Long cùng với Trần Văn Tuyền liên hệ với những người có nhu cầu về giấy phép kinh doanh và giấy phép lái xe để làm giả nhằm kiếm tiền chênh lệch.
Ngoài ra, thông qua sự giới thiệu của Tuyền, Long quen biết với Nguyễn Văn Vinh, Lê Thanh Hùng để chạy giấy phép kinh doanh karaoke, chứng chỉ sơ bộ để dự thi cao học... trái quy định của pháp luật. Các đối tượng này đã móc nối thành đường dây cung cấp các loại giấy tờ giả cho những đối tượng có nhu cầu để trục lợi.
Cụ thể, Lê Văn Tha có nhu cầu kinh doanh karaoke nhưng biết chủ trương của thành phố là không cấp thêm giấy phép kinh doanh karaoke trên địa bàn. Đặng Tiến Đức liền đưa ra đề nghị chạy giấy phép kinh doanh thì được Tha đồng ý và đưa cho Đức 450 triệu đồng để lo việc.
Tháng 3/2011, Đức gặp Long và hỏi giá chạy giấy phép kinh doanh. Long liền gọi điện cho Tuyền thì được báo mức giá là 300 triệu đồng, thời gian làm từ 1 đến 3 tháng. Nghe xong, Long liền thỏa thuận giá với Đức là 350 triệu đồng. 3 ngày sau, Đức mang hồ sơ đến giao cho Long cùng 20 triệu đồng tiền cọc. Gần một tháng sau, Tuyền thông báo đã có giấy phép kinh doanh. Long lấy giấy phép giao cho Đức và nhận đủ số tiền còn lại.
Với thủ đoạn này, Long và Tuyền đã bắt tay cùng với nhiều người khác làm giả, môi giới hối lộ để có được nhiều giấy phép kinh doanh của nhiều quán karaoke nằm trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, nhóm của Long còn làm giả các loại bằng nếu như người nào có nhu cầu. Điển hình, vào đầu tháng 7/2011, qua sự giới thiệu của Đức, Nguyễn Thị Mỹ Thu nhờ Long xin được dự thi lớp sau đại học chuyên khoa 1 của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Long bàn với Lê Thanh Hùng làm hồ sơ giả với giá 100 triệu đồng. Sau khi thỏa thuận, chị Thu giao cho Long hồ sơ và tiền.
Đầu tháng 8/2011, Bệnh viện Chợ Rẫy công bố danh sách nhưng không hề có tên Thu. Đến tháng 10/2011, Thu được lực lượng chức năng mời lên làm việc sau khi nhóm của Long bị bắt.
Sau khi đồng bọn sa lưới, Hùng đã bỏ trốn và bị Công an TPHCM phát lện truy nã. Trong thời gian lẩn trốn, Hùng đã có hành vi làm giả giấy chứng minh sĩ quan đại tá quân đội nhân dân nhằm tạo vỏ bọc để qua mắt cơ quan chức năng. Có trong tay giấy chứng minh sĩ quan quân đội giả, Hùng đã mua thêm một bộ đồ sĩ quan với quân hàm đại tá. Đi đâu Hùng cũng mặc bộ đồ này để không bị phát hiện. Khi bị công an bắt, ban đầu Hùng còn chối tội nhưng trước những tài liệu do cơ quan công an đưa ra hắn đã cúi đầu nhận tội.
Xuân Duy
Theo Dantri
Anh phụ xe "hóa" sĩ quan quân đội! Chỉ là anh phụ xe nhưng Lê Tiến Dũng (1990, quê xã Đinh Trang Thượng, H. Di Linh, Lâm Đồng, tạm trú P.3, Q. Gò Vấp, TPHCM) đã giả danh là cán bộ quân đội để lừa chạy trường lấy 600 triệu đồng. Lê Tiến Dũng. Đứng trước bục khai của TAND tỉnh Lâm Đồng trong phiên xử sơ thẩm chiều 29-8, Lê...