Hà Nội hơn 4.000 khu vực bỏ phiếu sẵn sàng cho ngày bầu cử
Tại Hà Nội, hơn 4.000 khu vực bỏ phiếu đã sẵn sàng cho ngày hội bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp vào 23-5 tới.
Sáng 17-5, Ban Chỉ đạo bầu cử TP Hà Nội đã có cuộc họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã để rà soát toàn bộ các công việc chuẩn bị công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo báo cáo của Ủy ban bầu cử TP Hà Nội, đến nay các bước, các quy trình về công tác bầu cử trên địa bàn đã được triển khai đảm bảo đúng tiến độ, đúng quy định. Ủy ban bầu cử TP đã cấp phát toàn bộ các loại tài liệu về bầu cử đến các quận, huyện, thị xã và cấp phát đến các xã, phường, thị trấn, được quản lý và sử dụng đúng quy định.
Tính đến ngày 14-5, toàn bộ 49 ứng cử viên ĐBQH khóa XV đã hoàn thành việc tiếp xúc cử tri, báo cáo chương trình hành động, vận động bầu cử. Đến ngày 17-5, toàn bộ 160 ứng cử viên đại biểu HĐND TP và 1.054 ứng cử viên đại biểu HĐND cấp huyện sẽ hoàn thành tiếp xúc cử tri. Dự kiến đến ngày 21-5, toàn bộ 10.807 ứng cử viên HĐND xã, thị trấn sẽ hoàn thành tiếp xúc cử tri.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cùng đoàn công tác của Thành uỷ Hà Nội kiểm tra công tác bầu cử tại huyện Phúc Thọ ngày 14-5. Ảnh: TP
Cũng theo, Ủy ban bầu cử TP qua rà soát, cập nhật danh sách cử tri, toàn TP đã giảm 17.563 cử tri (từ 5.408.560 cử tri xuống còn 5.390.997 cử tri), do nhiều cử tri là học sinh, sinh viên về quê do các trường triển khai đào tạo trực tuyến.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, Uỷ ban bầu cử TP Hà Nội cũng có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể các nội dung phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu vực bỏ phiếu, nhất là tại các điểm dân cư bị phong tỏa và cách ly y tế. Các đơn vị đã có phương án để ghép các điểm dân cư bị phong tỏa và cách ly y tế vào các khu vực bỏ phiếu phù hợp, đảm bảo các khu vực bỏ phiếu có dưới 4.000 cử tri và không phải thành lập thêm các khu vực bỏ phiếu mới.
Ủy ban bầu cử TP đã xác định 13 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện từ nay đến bầu cử, trong đó xây dựng phương án, kịch bản tại tất cả các khu vực bỏ phiếu. Phương án, kịch bản tổ chức bầu cử cho những người đang thực hiện cách ly tại nhà, tại những nơi cách ly tập trung và nơi đang thực hiện cách ly xã hội hoặc phong tỏa; phương án, kịch bản tổ chức bầu cử tại bệnh viện, cơ sở y tế đang điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.
Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến tại hội nghị. Ảnh: TP
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các đơn vị đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về bầu cử, về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi cử tri đối với ngày bầu cử… Kết hợp vừa tuyên truyền về bầu cử với tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19.
Tiếp tục rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, nhất là hòm phiếu, phiếu bầu, dấu của các tổ bầu cử. Bổ sung hòm phiếu phụ đối với những địa phương có nhiều điểm khoanh vùng, cách ly. Đặc biệt, tiếp tục rà soát danh sách cử tri, tập huấn cho thành viên các tổ bầu cử, nhất là về quản lý phiếu, kiểm phiếu…
Bà Tuyến cũng yêu cầu Công anTP Hà Nội chủ trì, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho ngày bầu cử. Bí thư các quận, huyện, thị ủy rà soát lại kịch bản của hơn 4.000 khu vực bỏ phiếu, đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện về thành công của công tác bầu cử trên địa bàn.
Nơi có dịch hoặc cách ly y tế bầu cử thế nào?
Theo Hội đồng bầu cử quốc gia, trong ngày bầu cử, tổ bầu cử sẽ cử người mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu cử đến cơ sở cách ly tập trung hoặc nơi ở, nơi lưu trú của cử tri đang được cách ly tại nhà hoặc địa điểm thuận tiện khác để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bỏ phiếu.
Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV tại tổ bầu cử số 3 tỉnh Thái Nguyên tiếp xúc với cử tri trực tuyến Ảnh: T.N
Vận động bầu cử trực tuyến để phòng dịch
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, t
rên cơ sở hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam , Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành đã xây dựng kế hoạch để tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tuyến kết nối giữa điểm cầu ở tỉnh và điểm cầu tại trung tâm các huyện, thành phố, thị xã theo từng đơn vị bầu cử. Tại Thái Nguyên, trong ngày 6/5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 tại đơn vị bầu cử số 1 và 3. Đây cũng là giải pháp linh hoạt được tỉnh Thái Nguyên áp dụng nhằm đảm bảo các ứng cử viên có thể vận động bầu cử đến cử tri một cách an toàn trong bối cách dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Tại Phú Thọ, MTTQ tỉnh cũng đã chuyển phương án từ hội nghị trực tiếp sang trực tuyến để những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV vận động bầu cử. Để thực hiện việc này, tỉnh đã bố trí 238 điểm cầu tại các đơn vị bầu cử, trong đó có 13 điểm cầu trung tâm tại các huyện, thành, thị và 225 điểm cầu tiếp sóng tại các xã, phường, thị trấn. Đến nay, cơ bản các điểm cầu đều đảm bảo các điều kiện cần thiết sẵn sàng cho hội nghị... Tương tự các tỉnh, thành khác như Lào Cai, Đà Nẵng cũng đã xây dựng kế hoạch vận động tranh cử theo hình thức trực tuyến...
Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, Hội đồng bầu cử Quốc gia yêu cầu địa điểm bỏ phiếu phải thông thoáng, bảo đảm khoảng cách khi nhận phiếu bầu cử, ghi phiếu và bỏ phiếu bầu cử vào hòm phiếu, đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay sát khuẩn trước và sau khi bỏ phiếu.
Tại Nghệ An, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đề nghị tạm dừng tất cả các cuộc tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh từ ngày 7/5 cho đến khi có kế hoạch thay thế. Trước mắt, Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị tăng cường vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đọc trên loa phát thanh tiểu sử tóm tắt và chương trình hành động của các ứng cử viên và niêm yết thêm chương trình hành động của các ứng cử viên tại các điểm bầu cử. Theo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, việc tổ chức vận động bầu cử theo hình thức trực tuyến vừa bảo đảm quyền vận động bầu cử của người ứng cử, vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Người bị cách ly bỏ phiếu ra sao?
Về phương án thực hiện bỏ phiếu đối với các trường hợp đang cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 và tại các địa phương có dịch bệnh phát sinh, Hội đồng bầu cử quốc gia yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở cách ly tập trung có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, cập nhật danh sách để thực hiện điều chỉnh, bổ sung danh sách cử tri và tạo điều kiện để cử tri tại cơ sở cách ly y tế tập trung thực hiện quyền bầu cử.
Đối với những người đang làm việc, thực hiện nhiệm vụ trong các cơ sở cách ly tập trung mà trong ngày bầu cử không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã đăng ký thì chậm nhất là 24 giờ trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu, người phụ trách cơ sở cách ly tập trung có trách nhiệm tổng hợp danh sách, thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp xã để cập nhật vào danh sách cử tri thông tin về việc cử tri bỏ phiếu ở nơi khác.
Đến ngày bầu cử, Tổ bầu cử sẽ cử người mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu cử đến cơ sở cách ly tập trung hoặc nơi ở, nơi lưu trú của cử tri đang được cách ly tại nhà hoặc địa điểm thuận tiện khác để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bỏ phiếu.
Hà Nội: Cơ bản hoàn thành việc khắc phục sự cố sụt lún đất tại xã Quảng Bị Ngày 17/5, Chủ tịch UBND xã Quảng Bị Vũ Văn Mạnh cho biết, lực lượng chức năng đã cơ bản hoàn thành khắc phục sự cố sụt lún đất, tạo điều kiện cho các phương tiện lưu thông thuận lợi trên tỉnh lộ 419, đoạn qua phố Chợ, thôn 2, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) sau hơn 1 tháng phong...