Hà Nội: Hàng loạt doanh nghiệp nợ thuế, Công ty Long Giang nợ số tiền ‘khủng’
Cục Thuế Hà Nội công khai danh sách một loạt doanh nghiệp nợ thuế “khủng” trên địa bàn, trong đó có nhiều tên tuổi lớn.
Theo Cục thuế Hà Nội, các doanh nghiệp đã công khai lần đầu là 833 đơn vị nợ 419.650 triệu đồng thuế, phí, tiền thuê đất, tiền phạt và tiền chậm nộp.
Đã công khai lại 1.963 đơn vị nợ 6.876.285 triệu đồng thuế, phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, tiền phạt và tiền chậm nộp (Các đơn vị này đã được công khai các năm trước 2015, 2016, 2017, 2018 hoặc 2019)
Tổng cộng từ đầu năm 2020 đã đăng công khai 2.796 đơn vị với số nợ 7.295.935 triệu đồng.
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội bị “bêu tên” vì nợ thuế. Ảnh minh họa.
Video đang HOT
Sau khi đăng công khai đã có 843 Doanh nghiệp nộp 304 tỷ đồng tiền nợ vào NSNN. Trong đó đã có 237 doanh nghiệp đến thời điểm 16h ngày 14/9/2020 đã thực hiện nộp hết số thuế nợ mà cơ quan thuế công khai vào Ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, Cục thuế Hà Nội cũng công bố danh sách công khai lần đầu của 144 đơn vị nợ 108.641 triệu đồng thuế, phí, tiền thuê đất và tiền chậm nộp tính đến ngày 31/7/2020. Điển hình:
CTCP đầu tư và phát triển đô thị Long Giang có MST: 0101184201 với số nợ hơn 37 tỷ đồng tính đến ngày 31/7/2020. Từ ngày 01/08/2020 đến 16h ngày 14/9/2020, Công ty đã nộp hơn 103 triệu đồng tiền nợ vào Ngân sách nhà nước.
02 đơn vị nợ tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp là Công ty TNHH kiến trúc phong cảnh Hà Nội (số nợ hơn 25 tỷ) và CTCP đầu tư thương mại và xây dựng Tam Sơn (số nợ hơn 1,3 tỷ)
01 đơn vị nợ tiền thuê đất và tiền chậm nộp là Công ty TNHH MTV bia rượu Eresson.
Đặc biệt, tính đến ngày 31/7/2020, còn có 64 đơn vị nợ 191.352 triệu đồng tiền thuế phí tính đến ngày 31/7/2020. Đứng đầu danh sách này là CTCP cầu 12 – Cienco1, MST 0100104651 với số nợ hơn 77 tỷ đồng tính đến ngày 31/7/2020.
Đây là các đơn vị nợ thuế đã được Cục Thuế thực hiện công khai những năm trước (giai đoạn 2015 – 2019).
Tổng số đơn vị công khai nợ thuế đợt này là 208 đơn vị với số nợ 299.993 triệu đồng tính đến ngày 31/7/2020.
Theo Cục Thuế Hà Nội, trong 8 tháng đầu năm, nền kinh tế chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các gói giải pháp của Quốc hội, Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị tác động của dịch bệnh như gia hạn, miễn giảm một số loại thuế, phí, lệ phí cũng gây ảnh hưởng lớn đến kết quả công tác thu ngân sách của các cơ quan thuế trên cả nước.
Trong bối cảnh đó, Cục Thuế TP Hà Nội đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thu ngân sách nhà nước để đảm bảo vừa hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, vừa đảm bảo hoàn thành tốt các chỉ tiêu thu ngân sách, tạo công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Tuyên truyền hướng dẫn người nộp thuế về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, xử lý gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp đối với người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo quy định, đồng thời chủ động rà soát đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế thu nợ ngay khi hết hạn gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Bên cạnh việc phối hợp với chính quyền địa phương, với các sở ban ngành áp dụng biện pháp đôn đốc, cưỡng chế theo quy định đối với các đơn vị nợ nghĩa vụ ngân sách Nhà nước, hàng tháng Cục Thuế Hà Nội thường xuyên đăng công khai thông tin nợ thuế đối với các đơn vị nợ đọng lớn, chây ỳ trên địa bàn.
Biện pháp mạnh với doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế
Những năm qua, số nợ thuế trên địa bàn Hà Nội liên tục giảm. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2020, số nợ này tăng mạnh do nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, đặc biệt là những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Cục Thuế Hà Nội đang lên kế hoạch triển khai nhiều biện pháp mạnh, trong đó có cả việc rút giấy phép kinh doanh để chấm dứt tình trạng doanh nghiệp cố tình chây ỳ nợ thuế.
Cơ quan Thuế luôn chia sẻ và đồng hành với các doanh nghiệp và người dân Thủ đô. Trong ảnh: Thực hiện thủ tục nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Ba Đình. Ảnh: Ngọc Chiến
Theo Cục Thuế Hà Nội, trong vòng 5 năm (giai đoạn 2015-2019), số thuế nợ trên dưới 90 ngày đã giảm 10.561 tỷ đồng (tương đương 48,7%); tỷ trọng nợ trên dưới 90 ngày trên số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giảm mạnh xuống mức 4,4%. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù cơ quan Thuế đã tích cực và quyết liệt triển khai các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thuế theo quy định và nhận được sự phối hợp của các cấp, các ngành trên địa bàn nhưng số tiền thuế nợ trên dưới 90 ngày trên địa bàn tăng 36,2% so với cuối năm 2019.
Số tiền thuế nợ tăng được cho là có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan là ảnh hưởng của dịch bệnh, sự thay đổi chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số ngành nghề. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh và biến động kinh tế trong nước và thế giới, Cục Thuế Hà Nội đã triển khai đầy đủ, kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố còn nhiều doanh nghiệp có số thuế không thuộc đối tượng được gia hạn hoặc khoản nợ kéo dài nhiều năm, không thuộc phạm vi gia hạn. Nguyên nhân khác là có những doanh nghiệp cố tình chây ỳ dù vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường.
Đáng chú ý, đến thời điểm ngày 31-5-2020, chỉ tính riêng 71 doanh nghiệp có số nợ thuế, phí, nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chậm nộp lớn, số tiền nợ đã lên tới 4.093 tỷ đồng. Trong đó, 22 doanh nghiệp nợ thuế lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng và nợ trong nhiều năm. Có doanh nghiệp số tiền phạt chậm nộp gấp nhiều lần số tiền nợ gốc. Điều đáng nói, nhiều doanh nghiệp cam kết, hứa hẹn trả nợ nhưng rồi lại chỉ tiếp tục hứa.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nợ thuế là "căn bệnh" trầm kha của một số đơn vị. Thời gian qua, cơ quan Thuế đã phải dùng nhiều biện pháp để thu nợ như thông báo nhắc nhở nhiều lần, yêu cầu nộp thuế, thậm chí cưỡng chế. Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, ngành Thuế cũng chịu nhiều áp lực về thu ngân sách năm 2020. "Vì vậy, cơ quan Thuế cần xem xét nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan với những doanh nghiệp nợ đọng lâu năm. Nếu doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường mà chây ỳ nợ thuế thì cần thực hiện biện pháp mạnh hơn. Ngược lại, nếu doanh nghiệp thực sự khó khăn thì cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời", ông Ngô Trí Long đề xuất.
Mới đây, tại buổi làm việc với 71 doanh nghiệp có số nợ thuế, phí, nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chậm nộp lớn, Cục Thuế Hà Nội đã lắng nghe các ý kiến vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp và đánh giá tình hình thực hiện nghĩa vụ, cam kết nộp nợ thuế vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, Cục ghi nhận cam kết của các doanh nghiệp về việc nộp những khoản nghĩa vụ tài chính. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Cục đã cùng các sở, ban, ngành trả lời các vấn đề kiến nghị của doanh nghiệp một cách đầy đủ, chi tiết. Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, cơ quan thuế luôn chia sẻ và đồng hành với bất cứ doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, chủ đầu tư cần thu xếp nguồn tài chính, hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Theo Cục Thuế Hà Nội, trong thời gian tới, đối với các trường hợp có dấu hiệu chây ỳ, có dòng tiền luân chuyển, nhưng không thực hiện nộp tiền thuế vào ngân sách, Cục Thuế sẽ tiến hành thanh tra đột xuất, toàn diện để có cơ sở đánh giá, báo cáo đề xuất UBND thành phố Hà Nội và Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính triển khai các biện pháp quyết liệt mạnh mẽ hơn nữa, ví dụ như thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Có thể thấy, bên cạnh tinh thần chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, Cục Thuế Hà Nội cũng thể hiện rõ sự quyết liệt trong việc đôn đốc thu hồi nợ thuế, triển khai các biện pháp thu hồi nợ đọng theo quy định.
Kiên quyết xử lý doanh nghiệp lợi dụng dịch bệnh để chây ỳ thuế Trong khi ngân sách Nhà nước (NSNN) hụt thu vì dịch bệnh, Chính phủ và Nhà nước vẫn dành rất nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp (DN) để giúp họ vượt qua khó khăn, thì một số đối tượng đã lợi dụng việc cả hệ thống chính trị tập trung vào phòng, chống dịch COVID-19 để cố tình chây ỳ nợ thuế. Tổng...