Hà Nội: Giao thông ‘hỗn loạn’ sau 1 năm phân làn
Sau 1 năm triển khai phân làn, phố phường Hà Nội vẫn lộn xộn, giao thông tắc nghẽn, biển báo, bục phân làn hư hỏng thành chướng ngai vật gây ra tai nạn.
Phân làn giao thông để giảm ùn tắc là một chủ trương đúng đắn với Hà Nội, nhưng sau một năm thực hiện tình trạng ùn tắc giao thông vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp. Việc phân làn “tốn người, tốn của” này chẳng những không mang lại hiểu quả mà còn làm cho phố phường Hà Nội thêm lộn xộn.
Biến báo, vạch phân làn trở nên vô tác dụng giữa phố phường đông đúc.
Thời gian đầu, mỗi cột phân làn đều có một cán bộ giao thông làm nhiệm vụ hướng dẫn, người dân tỏ ra chấp hành. Nhưng sau một thời gian ngắn, lực lượng này vắng bóng, ùn tắc, lộn xộn lại tiếp diễn… Không ai hướng dẫn, không ai đứng phạt… biển báo, bục phân làn trơ trơ, vô tác dụng giữa nắng mưa.
Mặc dù phân rõ hai làn đường nhưng chưa chỉ rõ đối với các trường hợp rẽ phải, rẽ trái, đường dành cho xe buýt, các điểm dừng, đỗ xe…
Mặt khác, các tuyến phố trong nội đô thường có nhiều điểm giao cắt, khoảng cách giữa các điểm giao cắt lại quá gần nhau, do đó công tác quản lý, phân làn cũng gặp nhiều khó khăn.
Video đang HOT
Bục phân cách vỡ sau những lần va chạm.
Theo ghi nhận của PV VTC News, hiện nay trên các tuyến phố đã thực hiện phân làn như: Giải Phóng, Trần Khát Chân, Phố Huế, Đại Cồ Việt, Xã Đàn… tình trạng giao thông không được cải thiện. Dù đã cắm đầy đủ biển báo, có dải phân làn, song vẫn có rất nhiều người điều khiển xe máy đi lấn làn.
Đặc biệt trong khung giờ cao điểm, tình hình giao thông lại càng trở nên phức tạp hơn. Xe máy không tuân thủ làn đường của mình, lấn làn, đi sai làn, cắt ngang đầu ô tô, thậm chí nhiều người vô ý thức còn đi ngược chiều, làm rối loạn giao thông.
Gần một năm triển khai, nhiều cơ sở vật chất phục vụ việc phân làn đã bị hư hỏng. Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trong thời gian vừa qua trên các tuyến phố tiến hành phân làn người điều khiển các phương tiện giao thông do thiếu quan sát đã va quệt làm xoay lệch 40 biển; hư hỏng phải thay thế 23 cột, nghiêng đổ, gãy, phải trồng lại 138 cột biển báo; một số dải phân cách phân làn, tách dòng phương tiện bị ô tô đâm hoặc va quệt làm xô lệch, lực lượng thanh tra phải khắc phục, sắp xếp lại.
Hình ảnh một vụ tai nạn do dải phân cách gây ra.
Cùng với đó là hàng loạt vụ tai nạn giao thông do đâm vào dải phân cách, biển báo phân làn giữa đường. Lần gần đây nhất, anh Nguyễn Kim Hiệp (Giáp Nhị, Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải nhập viện do đâm vào giải phân cách ở đường Giải Phóng. Đó là chưa kể đến hàng loạt vụ va quệt khác mà nguyên nhân đến từ các dải phân làn đường, người nhẹ thì bị xước chân xước tay, nặng thì sứt đầu mẻ trán…
Dù việc thí điểm phân làn chưa mang lại hiệu quả, thậm chí còn làm cho giao thông thêm cản trở, rối loạn nhưng theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm phân làn tại các tuyến đường Yên Phụ – Trần Nhật Duật – Trần Quang Khải – Trần Khánh Dư; nghiên cứu để tổ chức phân làn, tách dòng phương tiện trên các tuyến đường Nguyễn Trãi – Trần Phú – Quang Trung; Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh – Liễu Giai; Lê Văn Lương; Nguyễn Văn Linh; Bắc Thăng Long – Nội Bài…
Việc chi hàng chục tỷ đồng không mang lại hiệu quả đã khiến dư luận hoài nghi về tính khả thi của chủ trương này. Có lẽ, đã đến lúc Hà Nội cần xem xét một cách nghiêm túc, khách quan về hiệu quả của thí điểm phân làn giao thông.
Cùng nhìn lại giao thông Hà Nội sau 1 năm thực hiện thí điểm phân làn:
1 năm nhìn lại, biển báo và dải phân cách làm cho giao thông Hà Nội thêm phần trở ngại.
Bục phân cách và biển báo sau những lần va chạm..
Sắt đá, bê tông vỡ nát còn người thì sứt chân, mẻ trán…
Đến chiếc xế hộp bạc tỷ cũng không thoát khỏi va chạm với vật phân làn.
Theo VTC