Hà Nội giành lại vỉa hè: Người dân ủng hộ nên làm đâu gọn đó
Lần “ra quân” này khiến nhiều người khấp khởi hi vọng, cho dù đó không phải chiến dịch “khua chiêng gõ trống” ầm ĩ.
Từ chuyện lấn vỉa hè như “thường ngày ở huyện”…
Nhà tôi ở khu phố buôn bán có thể nói sầm uất nhất của Hà Nội, từ mấy chục năm nay vỉa hè luôn luôn bị lấn chiếm để buôn bán. Đầu tiên là các sạp hàng bày trên vỉa hè – dần dần ban quản lý chợ quy hoạch nên không còn các sạp đó nữa, chỉ còn các sạp ở vài tuyến phố dưới lòng đường, còn lại là bán trong các nhà. Dạng lấn chiếm vỉa hè thứ hai là bày hàng trong nhà nhưng vẫn cố “thò” cái bàn bày hàng ra ngoài, càng xa càng tốt. Dạng thứ ba là tập kết hàng hóa ở vỉa hè, và dạng thứ tư là xe máy của nhà của khách, chiếm toàn bộ vỉa hè người đi đường không có lối đi. Đó là chưa kể đến các loại mái hiên cả cố định lẫn di động, mái đua mái vẩy… cùng các loại biển hiệu, cái ngang cái dọc, cố mà thò ra đường thật xa.
Có người giải thích do tâm lý tiểu nông, nên người Việt thích bon chen. Bằng chứng là ai cũng cố kê nhô cái bàn ra ngoài hơn nhà bên cạnh, dù chỉ bằng một hòn gạch; và biển hiệu thì cũng phải thò ra thật xa để không bị che khuất. Nạn “cả nể” không mời khách ra khu trông giữ xe tập trung cũng dẫn đến tình trạng lấn chiếm cả vỉa hè lẫn lòng đường.
Nhưng cũng từ câu chuyên thực tế, ngoài những nhà cố “nhô ra” kia thì vẫn có những hộ kinh doanh làm khác hẳn đi: họ hợp đồng với bãi xe để khách gửi miễn phí (chủ nhà trả, tất nhiên!) và cũng không cần phải bày hàng thò thật xa ra đường nữa. Tiếng lành đồn xa, họ cứ thế hút khách và đúng như dân gian nói: càng xởi lởi thì Trời càng cho.
Lực lượng dân phòng, hội phụ nữ và đoàn thanh niên phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng đi nhắc nhở các cửa hàng trên phố Hoa Lư. Ảnh: VietNamNet
…đến “chiến dịch” ra quân của Hà Nội lần này
Không phải bây giờ Hà Nội mới “ra quân,” nhưng từ lâu tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” hay “đầu voi đuôi chuột” thường xuyên diễn ra. Nghĩa là cứ khi nào thành phố có sự kiện quan trọng, đến ngày lễ lớn… thì ra quân làm cho một đợt, rồi đâu lại vào đó.
Video đang HOT
Không thiếu ý kiến xì xào là ở đâu cũng có “bảo kê” hết, tức là việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh được ngấm ngầm bật đèn xanh từ một ai đó, là người có trách nhiệm hoặc liên quan đến địa bàn. Không thể phủ nhận đây là một hiện tượng, một tệ nạn đến mức nhức nhối.
Nhưng lần “ra quân” này khiến nhiều người khấp khởi hi vọng, cho dù đó không phải chiến dịch “khua chiêng gõ trống” ầm ĩ.
Có lẽ thứ nhất là do người đứng đầu thành phố đã thẳng thắn “bắt bệnh”, chỉ ra thực trạng “bảo kê” quán bia vỉa hè cán bộ công an. Ông cũng vạch ra rõ ràng, mạnh mẽ về trách nhiệm của các cán bộ, lãnh đạo quận, phường… trong thành bại của việc giữ vỉa hè, thay vì quy lỗi cho “ý thức người dân”.
Phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) trước đây tấp nập các sạp hàng bán đồ ăn vặt nay thông thoáng, sạch đẹp. Ảnh: VietnamNet.
Thứ hai, cách thức tiến hành như một vị phó chủ tịch phường miêu tả: “Sau khi vận động, tuyên truyền đến từng hộ dân, hôm nay phường tổ chức đồng loạt ra quân dẹp trật tự vỉa hè” dường như cho thấy Hà Nội đã thực hiện đúng phương châm “Cách làm của Hà Nội không thể ra quân rầm rộ mà làm như thế nào cho bền vững, để người dân không tái lấn chiếm, mọi người phải tâm phục khẩu phục và thấy mình phải có ý thức với Thủ đô, không vứt rác, lấn chiếm vỉa hè.”
Như ở phường tôi, từ mấy hôm trước đã thấy các hộ kinh doanh mặt đường được UBND Phường cho người đi nhắc nhở để tự giác dọn dẹp, chứ không phải chờ đến ngày ra quân mới cuống cuồng làm.
Cũng giống như khi người dân hiểu được rằng như trong đám tắc đường, mỗi người từ từ nhường đường thì sẽ chóng thông xe, và nếu càng chen thì sẽ càng tắc; thì nay vỉa hè lòng đường cũng vậy. Tất cả cùng lùi vào vì cái chung, thì vỉa hè phong quang còn dễ buôn bán hơn, chứ không hề khó khăn hơn…
Tất nhiên, về lâu dài, Hà Nội sẽ còn phải tiếp tục giải quyết căn cơ, bền vững vấn đề an sinh cho người dân làm ăn buôn bán, chỗ trông giữ xe… Làm được như vậy không chỉ hòa hợp được lợi ích công cộng và cá nhân, mà sẽ đảm bảo được hiệu quả một cách lâu dài, khi đã thành nếp sống thì chính quyền cũng không cần phải mất quá nhiều công sức để giữ gìn trật tự nữa.
(Theo Vietnamnet)
"Cuộc chiến" vỉa hè: Hà Nội liệu có tạo nên "cơn lốc" như TP.HCM?
Hôm nay, Hà Nội sẽ đồng loạt ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Nhiều quận đã hoàn thành bước 1 của kế hoạch giành lại vỉa hè.
Lực lượng công an Hà Nội yêu cầu hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè thu dọn vật dụng vào bên trong.
Ngày 10.3, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.Hà Nội đồng loạt ra quân lập lại trật tự giao thông, trật tự đô thị, giành lại vỉa hè theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo 197 TP.Hà Nội.
Trao đổi với PV, lãnh đạo công an một số quận ở Hà Nội cho biết, đã hoàn thành bước 1 của kế hoạch lập lại trật tự vỉa hè và nhận được sự ủng hộ của người dân.
Ông Hà Mạnh Hùng - Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 197 Hà Nội, công an quận đã xuống tận nhà dân tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết chấp hành các quy định về trật tự đô thị. "Cơ bản người dân ủng hộ", ông Hùng nói.
Khi được hỏi, với những trường hợp đã ký cam kết nhưng cố tình vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lực lượng công an có thực hiện các biện pháp quyết liệt giống TP.HCM là cưỡng chế tài sản vi phạm? Ông Hùng cho biết: "Quan điểm thì vẫn phải xử lý. Tuy nhiên, qua kiểm ra, tôi thấy hầu hết các hàng quán cũng không bày ra khỏi vạch cho phép trên vỉa hè".
Về câu hỏi, công an quận có tăng cường lực lượng khi toàn thành phố sẽ ra quân lập lại trật tự đô thị hay không? ông Hùng cũng cho biết, việc thực hiện lập lại trật tự vỉa hè được công an quận thực hiện từ sau Tết Nguyên đán nên vẫn sẽ tiếp tục làm việc bình thường.
Trước đó, để thực hiện hiệu quả phương châm "giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ", Ban Chỉ đạo 197 Hà Nội đã yêu cầu các quận nội thành Hà Nội thực hiện lần lượt 3 bước. Cụ thể:
Đầu tiên, các quận đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân việc chấp hành pháp luật về văn minh đô thị. Trong đó, nêu rõ chủ trương, kế hoạch xử lý của thành phố. Đồng thời yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết tự nguyện trả lại nguyên trạng hè phố lòng đường, chấp hành các quy định về đô thị, vệ sinh môi trường, không chiếm dụng lòng đường, hè phố kinh doanh, để xe trái quy định, kèm theo đó là thông báo hình thức xử lý nếu cố tình vi phạm.
Ban Chỉ đạo 197 Hà Nội cũng yêu cầu các quận, phường làm việc với cơ quan Nhà nước, đơn vị doanh nghiệp có trụ sở, dự án, công trình đang xây dựng trên địa bàn để thông báo chủ trương, kế hoạch thành phố, yêu cầu các cơ quan tổ chức "làm gương" cho người dân trong việc chấp hành việc giải tỏa hè phố xung quanh nơi làm việc và hạn chế tối đa việc phải cưỡng chế.
Tiếp theo, các quận sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm công an, thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng, phòng quản lý đô thị, phòng tài chính do một lãnh đạo UBND quận làm trường đoàn để điều tra xác định các tuyến phố có vi phạm trật tự nơi công cộng, trật tự đô thị.
Bắt đầu từ 10.3, các quận sẽ đồng loạt ra quận kiểm tra xử lý. Các đoàn liên ngành Ban chỉ đạo 197 các quận sẽ tập trung xử lý vi phạm theo hình thức "cuốn chiếu", làm từng tuyến phố, từng khu vực, không bỏ sót vi phạm. Kiên quyết cưỡng chế các trường hợp chống đối, lập biên bản vi phạm hành chính thu giữ phương tiện đồ vật vi phạm, tháo dỡ các biển quảng cáo, mái che, mái vẩy vi phạm chiếm dụng hè phố, lòng đường gây mất mỹ quan đô thị theo đúng quy định của pháp luật.
Cuối cùng, Ban Chỉ đạo 197 Hà Nội các quận huyện tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra, xử lý, duy trì trật tự đô thị theo tuyến phố, khu vực quản lý, kiên quyết không để vi phạm tái diễn.
Chủ tịch TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu kiên trì Ngày 4.3, phát biểu Hội nghị quán triệt, triển khai kế hoạch về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị của Ban chỉ đạo 197 thành phố ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu lãnh đạo các địa phương cùng các Sở ngành liên quan phải quyết liệt, làm nghiêm túc không để lập lại trật tự giao thông, trật tự đô thị ở Thủ đô. Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch lập lại trật tự giao thông vỉa hè, ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu các địa phương, sở ban ngành thành phố thực hiện theo đúng 3 bước nhưng "không làm ồn ào, phải kiên trì và bài bản". Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu việc thực hiện phải "có tình có lý" để người dân tự giác. Cuối cùng, sau hai bước trên nếu hộ kinh doanh, người dân vẫn tiếp tục vi phạm cần cưỡng chế và xử lý phạt.
Theo Danviet
Đến lượt Cần Thơ ra quân 'giành lại' vỉa hè Lực lượng chức năng kiểm tra các hộ kinh doanh trên địa bàn quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) để nhắc nhở, lập lại trật tự vỉa vè, lòng đường. Sáng 10/3, các phường trên địa bàn quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đồng loạt ra quân thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự đô thị (TTĐT), trật tự công cộng...