Hà Nội được trao nhiều cơ chế đặc thù
Chiều qua (21-11), với tỉ lệ 75,70% đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thủ đô. Đây là tiền đề để Thủ đô Hà Nội phát triển tương xứng với tầm vóc của mình trong tương lai.
Về biểu tượng của Thủ đô, có ý kiến ĐBQH đề nghị cân nhắc làm rõ hơn tiêu chí lựa chọn và cần tổ chức cuộc thi để lựa chọn. Ngoài Khuê Văn Các còn có thể lựa chọn hồ Gươm, Chùa Một Cột hoặc Cột cờ Hà Nội, thậm chí là sông Hồng, núi Tản Viên… làm biểu tượng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, tất cả các hình ảnh này đều gắn với Thủ đô Hà Nội, tuy nhiên Khuê Văn Các- công trình văn hoá lịch sử có kiến trúc độc đáo, nổi bật trong quần thể Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, sẽ thể hiện được đồng thời truyền thống hiếu học của người Việt Nam và nền văn hiến lâu đời của đất nước. Nhiều năm qua hình ảnh Khuê Văn Các cũng đã được TP Hà Nội sử dụng và được nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế công nhận và trân trọng. Vì thế quy định trong Luật này Khuê Văn Các là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Nội dung này có 77,31% ĐBQH nhấn nút thông qua.
Với vị trí và vai trò là Thủ đô của cả nước, là trung tâm chính trị – hành chính Quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, nơi diễn ra các hoạt động quan trọng về đối nội và đối ngoại… nên đa số ý kiến các vị ĐBQH đều tán thành việc cần thiết phải ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội. Theo đó về tài chính, ngoài nguồn ngân sách nhà nước đầu tư thì Thủ đô Hà Nội được phép huy động các nguồn lực tài chính khác để đầu tư, xây dựng và phát triển trên tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Về xử phạt vi phạm hành chính: Luật Thủ đô cho phép HĐND TP Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá 2 lần đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong 3 lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng. Tuy nhiên tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH không quy định về vấn đề cho phép Hà Nội thu một số loại phí cao hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải trong Luật lần này. Các mức thu phí cụ thể sẽ được HĐND TP Hà Nội quy định trên cơ sở hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tài chính.
UBTVQH nhận thấy, để phát triển một Thủ đô văn minh, hiện đại thì quy hoạch là vấn đề đầu tiên và rất quan trọng. Quy hoạch vừa phải bảo đảm phù hợp thực tiễn đô thị Việt Nam, đồng thời đảm sự phát triển bền vững. Quy hoạch phải có sự quản lý khách quan, công khai, minh bạch của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cũng như sự giám sát chặt chẽ của người dân. Tiếp thu ý kiến đóng góp của ĐBQH, Luật Thủ đô đã được chỉnh lý theo hướng nhấn mạnh tầm quan trọng, vị trí trung tâm, ổn định, lâu dài của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt Quy hoạch này. Trong một loạt các vấn đề liên quan đến quy hoạch Thủ đô, Luật đã làm rõ và quy định chặt chẽ hơn đối với loại cơ sở phải di chuyển toàn bộ khỏi nội thành, loại cơ sở bị cấm xây dựng mới, mở rộng quy mô; Bổ sung quy định thiết lập không gian cảnh quan khu vực hai bên bờ sông Hồng trong việc xây dựng… Nội dung quy hoạch phát triển Thủ đô nhận được sự đồng thuận cao, thông qua của tổng số 407 ĐBQH (tỉ lệ 81,73%). Từ 1-7-2013 tới đây, Luật Thủ đô sẽ chính thức có hiệu lực.
Kinh nghiệm cho sự phát triển các đô thị
Với việc Luật Thủ đô được thông qua, tôi nghĩ từ nay Thủ đô Hà Nội sẽ chủ động hơn trong việc phát triển kinh tế – xã hội cũng như có những quyết sách phù hợp để giải quyết những vấn đề “ nóng” hiện nay như, thu hút vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng, sử dụng nhân tài, môi trường… Hiện Hà Nội đang chịu nhiều áp lực giữa tốc độ gia tăng dân số tự nhiên với hạ tầng xã hội, Luật Thủ đô đi vào cuộc sống sẽ giải tỏa được vấn đề này. Kết hợp với những biện pháp khác như đầu tư cho ngoại thành, phát triển vùng Thủ đô sẽ tạo được những chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chính những thực tiễn đó là kinh nghiệm quý báu cho sự phát triển các đô thị khác trên cả nước.
(Chị Nguyễn Thu Phương, 22 tuổi, ở Hà Huy Tập, Gia Lâm, Hà Nội)
Video đang HOT
Để Thủ đô chủ động bứt phá
Hà Nội là Thủ đô của 90 triệu người dân Việt Nam, ai cũng đều có một tâm nguyện, làm sao để cho Thủ đô phát triển hơn nữa. Và Luật Thủ đô được Quốc hội biểu quyết thông qua là niềm phấn khởi không chỉ của người dân Thủ đô mà còn cho sự phát triển chung của đất nước. Mong muốn lâu nay của người dân đã thành hiện thực với một cơ chế pháp luật để Hà Nội phát triển tương xứng với vị thế là Thủ đô của quốc gia. Đây là tiền đề quan trọng, tạo nên sự phát triển năng động, bền vững để Thủ đô chủ động bứt phá. Tôi mong rằng, khi đi vào cuộc sống Luật Thủ đô sẽ tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung để luôn phù hợp với thực tiễn. Như thế, chắc chắn Thủ đô ngày một phát triển vượt bậc.
(Anh Nguyễn Bảo Hoàng, 34 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội)
Theo ANTD
Sau tin vui, nghĩ đến việc phải làm
Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội chiều qua, 21-11, ngay sau khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua. Đồng chí Bí thư Thành ủy cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ không say sưa trong niềm hân hoan này, lập tức phải suy nghĩ, biến niềm vui thành hành động, đưa Luật đi vào đời sống với hiệu quả cao nhất.
Các đại biểu nhấn nút thông qua Luật Thủ đô
- PV: Đồng chí Bí thư có thể chia sẻ cảm xúc khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua?
- Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội: Là một công dân Thủ đô, đồng thời cũng là Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội, tôi thấy việc Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của Quốc hội đối với yêu cầu phát triển của Thủ đô, với nhiệm vụ xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại. Tôi cho rằng đây không chỉ là tin vui đối với tất cả công dân Thủ đô mà cũng là tin vui đối với người dân cả nước quan tâm, yêu quý Thủ đô Hà Nội.
- Đồng chí có thể cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội sẽ đón nhận Luật với tinh thần như thế nào?
- Tôi khẳng định rằng, Hà Nội đón nhận Luật Thủ đô với tinh thần, trách nhiệm cao nhất. Mục tiêu là phải làm sao để động viên được tất cả mọi người ở Hà Nội cũng như người dân trong cả nước, ngoài tình cảm với Thủ đô, đều có thể góp sức, góp phần xây dựng Thủ đô của chúng ta thật văn minh hiện đại, thực sự xứng đáng với truyền thống nghìn năm văn hiến.
Trước khi có Luật Thủ đô, công việc mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô phải giải quyết hàng ngày vốn dĩ đã hết sức to lớn và khó khăn. Sau khi có Luật Thủ đô, tất nhiên sẽ có những thuận lợi mới, nhưng đồng thời cũng giao cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội những trách nhiệm mới, hết sức nặng nề và cũng hết sức cao cả. Lâu nay, mọi người vẫn trông mong Thủ đô phải luôn xứng đáng với lòng mong đợi của cả nước, bây giờ niềm mong đợi đó còn lớn hơn nữa.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Thủ đô, tôi cũng như lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền Thủ đô đã nghĩ đến những việc sẽ phải làm, chứ không phải say sưa với niềm hân hoan này. Suy nghĩ của tôi cũng như lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội là phải có trách nhiệm cao nhất, phải làm sao để thực hiện tốt hơn những yêu cầu, đòi hỏi chính đáng của nhân dân cả nước về việc xây dựng, phát triển Thủ đô. Ví dụ, về quản lý quy hoạch đô thị phải làm tốt hơn, trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự phải tốt hơn...
Các đại biểu Quốc hội phấn khởi sau khi Luật Thủ đô được thông qua
- Hà Nội xác định đâu sẽ là khâu đột phá nhất trong việc thực hiện Luật, thưa Bí thư?
- Trong Luật Thủ đô thì trên mỗi lĩnh vực ít nhiều đều có những cơ chế, chính sách đặc thù, ví dụ vấn đề về giáo dục, văn hóa, vấn đề về đầu tư ngân sách... Nhưng tổng hợp lại, cái chung nhất và lớn nhất, đó là Luật tạo ra vị thế cho Thủ đô của đất nước. Nó khẳng định vị trí và tầm quan trọng rằng nơi đây là Thủ đô của đất nước ta, là nơi đặt trụ sở của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, nơi đặt các cơ quan ngoại giao và nơi diễn ra những sự kiện lớn trong nước cũng như quốc tế, một vị thế riêng biệt của Thủ đô với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.
Tôi cho rằng khâu cần phải làm ngay chính là chấn chỉnh lại kỷ cương xã hội. Trước kia chưa có Luật Thủ đô, chúng ta đã cố gắng để làm tốt những điều này. Khi có Luật chắc chắn sẽ thực hiện tốt hơn, ví dụ trong Luật Thủ đô quy định mức phạt vi phạm hành chính ở nội thành trong 3 lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng cao tăng gấp đôi, nên tính răn đe cao hơn. Nhưng giải pháp dài hơi vẫn phải là tuyên truyền, nâng cao ý thức của mỗi người, cùng với đó phải tăng cường các chế tài, biện pháp xử phạt.
Khuê Văn Các là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội -
Nội dung này trong Luật Thủ đô có 77,31% ĐBQH nhấn nút thông qua
- Một trong những nội dung được thảo luận nhiều nhất cho đến trước khi Luật Thủ đô được thông qua, đó là quy định siết chặt nhập cư vào nội thành Hà Nội. Bí thư có thể chia sẻ, Hà Nội sẽ thực hiện quy định này trong Luật như thế nào để tạo chuyển biến tích cực nhất?
- Ước tính, nếu thực hiện hạn chế nhập cư như quy định của Luật, mỗi năm chúng ta sẽ hạn chế được vài trăm nghìn người nhập cư vào nội thành so với khi chưa có quy định này. Như vậy, trong vòng 4-5 năm tới, sẽ giảm bớt được khoảng 1 triệu người cho nội thành Hà Nội. Điều này sẽ tạo ra một chuyển biến rất lớn, rất tích cực. Thử nghĩ, lo cho 1 triệu người ăn ở, học hành, khám chữa bệnh, đi lại, an ninh trật tự... quả là vấn đề không nhỏ.
Tôi nghĩ với những người dân mong muốn sự dễ dàng hơn trong nhập cư vào Thủ đô, thì bản thân họ cũng là những người yêu quý Thủ đô, muốn sinh sống và cống hiến cho Thủ đô, muốn chung tay góp sức xây dựng Thủ đô. Tuy nhiên, từ góc độ quản lý, xây dựng Thủ đô, chúng ta phải tìm ra bài giải như thế nào cho tốt nhất, hiệu quả nhất. Tôi nhấn mạnh lại, những quy định chặt chẽ về nhập cư chính là nhằm đảm bảo đời sống cho những người sau khi nhập cư tốt hơn. Ít nhất cũng phải đảm bảo cho người dân sống được với những điều kiện trung bình, tối thiểu, chứ không phải chấp nhận cho nhập cư rồi mặc cho họ tự bươn chải...
- Luật Thủ đô đi vào đời sống, Hà Nội sẽ có được một diện mạo mới, xứng tầm hơn như kỳ vọng, thưa Bí thư?
- Tôi nghĩ Luật Thủ đô không phải đem lại cho Hà Nội một đôi đũa thần, vung một cái là ngày mai thay đổi ngay mà sự thay đổi phải có quá trình. Việc chuyển biến trong thực tế phải có thời gian. Tuy nhiên, đây sẽ là nhân tố quan trọng để đẩy nhanh quá trình này.
- Xin cảm ơn đồng chí Bí thư!
Không phải mình an cư lạc nghiệp rồi mà làm khó người khác
Quy định chặt chẽ về nhập cư xét cho cùng cũng là để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho những người đang thường trú và những người đủ điều kiện thường trú ở nội thành Hà Nội, chứ không phải vì mình an cư lạc nghiệp rồi mà đặt điều kiện làm khó người khác. Quận Hoàn Kiếm có diện tích 4,5km2, chỉ lớn hơn công viên Đại Nam ở Bình Dương 0,5km2, mà đến 22 vạn dân ở đó. Tôi đến phố cổ thấy tình trạng 7-8 hộ dân sống chung trong một số nhà. Hà Nội đang phải di dời bớt trường học, bệnh viện, ngay cả bộ, ngành Trung ương cũng phải chuyển ra khỏi những khu vực quá tải. Dự án giãn dân phố cổ cũng đang phải đầu tư với số vốn lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Đã quá tải rồi mà lại dễ dàng tiếp nhận một bộ phận mới vào thì rõ ràng là gây thêm khó khăn.
Hành vi vi phạm ở Hà Nội có hậu quả rất khác
Xử phạt về đất đai, môi trường, xây dựng ở một nơi mà giá đất 200-300 triệu đồng/m2, họ chỉ lấn 1m2 ở hồ Tây là có 300-400 triệu đồng, nếu cứ áp dụng phạt mức chung của cả nước thì họ vui lòng nộp phạt ngay. Hậu quả của hành vi vi phạm ở Hà Nội chắc chắn gây ra cho cộng đồng hơn nơi khác rất nhiều, một xe đổ phế thải ra giữa đường phố ở Hà Nội hậu quả rất khác ở miền núi... Mọi người vẫn lẫn lộn giữa TP Hà Nội với tư cách một đô thị với Hà Nội với tư cách của thủ đô. Tới đây có xây dựng Luật Đô thị thì cũng không thể quy định bao quát được những đặc thù của thủ đô Hà Nội. Thủ đô thì nước nào cũng chỉ có một.
(Trích nội dung một số ý kiến phân tích của ĐBQH Phạm Quang Nghị với những ví dụ hiển hiện, đầy sức thuyết phục khi đoàn Hà Nội thảo luận ở tổ về Luật Thủ đô ngày 27-10-2012)
Theo ANTD
'Nhiều người chưa xứng đáng là công dân Thủ đô' Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trả lời báo giới ngay sau khi luật Thủ đô được Quốc hội ấn nút thông qua chiều 21/11. Ông Phạm Quang Nghị: Luật Thủ đô không phải cây đũa thần. Ảnh: Minh Thăng "Trước khi có luật Thủ đô, những công việc mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô phải...