Hà Nội: Đề xuất miễn bảo hiểm xã hội, y tế với toàn bộ giáo viên ngoài công lập
Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất miễn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý các trường ngoài công lập do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ảnh minh họa
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện có 3.225 cơ sở giáo dục ngoài công lập, với 45.642 giáo viên và nhân viên.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trên 120 trường ngoài công lập đang phải hỗ trợ 100% lương cho giáo viên nhân viên. Trong số này có 83 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 6 trường THCS và 20 trường THPT.
Có gần 160 trường từ mầm non đến THPT thuộc khối ngoài công lập đang cố gắng để hỗ trợ 50% lương cho giáo viên, nhân viên. Nhưng vẫn có gần 50 trường không có kinh phí để hỗ trợ lương cho giáo viên, nhân viên. Một số trường chỉ có thể hỗ trợ một phần.
Lãnh đạo sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đã có văn bản kiến nghị với thành phố hỗ trợ lương cơ bản hoặc trợ cấp cho giáo viên, đặc biệt cho những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn phải thuê nhà, con nhỏ, sức khỏe yếu.
Video đang HOT
Đồng thời đề xuất miễn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý các trường ngoài công lập đã tham gia đóng bảo hiểm trong quý 1 và 2-2020.
Ngoài ra, văn bản đề xuất này cũng đề nghị có giải pháp hỗ trợ để giảm chi phí thuê nhà ở cho giáo viên, hỗ trợ để các trường ngoài công lập được vay ưu đãi với lãi suất 0% để duy trì hoạt động thường xuyên, bao gồm các chi trả lương, chi phí thuê mặt bằng, điện, nước, chi phí vận hành khác.
Cát Cát
Giáo viên trường tư có lĩnh lương khi học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19?
Những ảnh hưởng do học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19 còn là vấn đề thu nhập của giáo viên, đặc biệt là giáo viên ở các trường ngoài công lập.
Một giáo viên trường tư tại Hà Nội dạy học trong những ngày đầu mùa dịch Covid-19, khi học sinh còn đến lớp - Ảnh: Tuyết Mai
Giáo viên có được trả lương hay không trong thời gian này rất khác nhau, phụ thuộc vào "nội lực" và quan điểm của mỗi trường.
Trường trả nguyên lương, trường không
Nhiều giáo viên (GV) Trường phổ thông liên cấp Marie Curie (Hà Nội) cho biết trong tháng 2 toàn bộ cán bộ, GV, nhân viên của trường vẫn được hưởng nguyên lương và được nhận sớm hơn mọi tháng trước. "Điều này khiến chúng tôi rất cảm động trong khi biết rằng đồng nghiệp của mình ở một số trường tư không được nhận lương", cô Lệ Anh, GV cấp THPT của trường, nói.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường phổ thông liên cấp Marie Curie, giải thích: "Tháng 2 là sau tết, các thầy cô chắc cũng phải chi tiêu nhiều, nên tôi yêu cầu bộ phận tài vụ tháng này chuyển lương sớm hơn để các thầy cô yên tâm. Giữ cho cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi tập thể không bị ảnh hưởng đã là cách để chúng ta góp phần "chiến thắng" dịch bệnh".
Thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cũng chia sẻ: "Học sinh (HS) nghỉ học cả tháng 2 thì nhà trường vẫn trả đủ lương 12 tháng cho cán bộ, GV. Chúng tôi tạm "vay" của phụ huynh HS học phí của tháng 2 để trả lương cho GV và dạy bù vào tháng 6 mà không thu thêm khoản phí nào nữa".
Tương tự, cô Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch hội đồng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), khẳng định GV của trường vẫn nhận nguyên lương. "Tôi cho rằng, việc HS không đến trường là do thiên tai, do yếu tố khách quan mang lại. Không thể đi rút lương của GV khiến cuộc sống của họ thêm khó khăn. Tôi là nhà giáo, tôi không thể làm như thế. GV vẫn phải làm việc, vẫn chuẩn bị bài cho HS, vẫn nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa mới, cùng các em ôn tập qua internet...", cô Hiền nói.
Trong khi đó, GV Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) tỏ ra khá tâm tư khi cho biết nhà trường sẽ không trả lương khi HS nghỉ phòng dịch. "Nghỉ tết nhà trường không trả lương cho GV nên chúng tôi cũng không hy vọng gì", một GV trường này nói.
Chấm dứt hợp đồng 1/3 nhân sự
Chủ Trường mầm mon Đôrêmi (TX.Dĩ An, Bình Dương) buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với 1/3 GV và các nhân viên khác của trường vì không thể "kham" nổi cả bộ máy, khi không có nguồn thu từ học sinh trong thời gian trường đóng cửa phòng dịch Covid-19.
Bà Lê Thị Bé Tuyết, chủ trường, đã viết một bức tâm thư rất dài gửi tới GV của trường về việc này. Trước đó, để đưa ra quyết định, bà Tuyết cũng đã tham khảo cách giải quyết khó khăn của những trường khác. Nhưng thay vì im lặng, chọn cách không trả lương cho nhân viên trong thời điểm này, bà đã thanh toán đủ lương tháng 1 vào ngày 5.2.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, bà Tuyết cho biết: "Quỹ lương riêng trường là 350 triệu đồng/tháng. Thời gian chờ việc (khi học sinh nghỉ học) lương sẽ được trả theo thỏa thuận nhưng không được dưới mức lương tối thiểu vùng (là 4,42 triệu đồng) cùng chi phí bảo hiểm trường vẫn phải chi khoảng 240 triệu đồng/tháng cho hơn 40 nhân sự". Tuy nhiên, do không biết trường bao giờ có thể trở lại hoạt động nên bà Tuyết quyết định cắt giảm nhân sự.
"Mọi người cho rằng mình ác, nhưng thâm tâm là đang bảo vệ người lao động của mình, vì trước khi cho nghỉ mình đã thông báo cho nhân viên trước 30 ngày, nếu thời gian tới họ chưa xin được việc thì họ vẫn có thể nhận được bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc. Nếu trường hoạt động trở lại, mình sẵn sàng chào đón mọi người quay trở lại", cô Tuyết nói.
Còn bà Nguyễn Thị Sơn, Chủ tịch HĐQT Trường THCS-THPT Duy Tân (Q.10, TP.HCM), cho biết để giải quyết khó khăn khi không có nguồn thu, trường đã họp với toàn bộ GV và 80% GV của trường đã đồng ý nghỉ việc không lương trong thời gian này. Tương tự, một trường mầm non tư thục ở Q.Tân Bình (TP.HCM) cũng quyết định cắt giảm hơn 10 nhân sự trong đợt này vì không có nguồn thu khi học sinh nghỉ học.
Nguyễn Loan
Theo Thanh niên
Dịch Covid-19: Trường vừa mở chưa kịp đón học sinh đã bị đóng cửa, cô giáo nghỉ dạy bán hàng online và về quê làm ruộng Những diễn biến của dịch Covid-19 đã gây thiệt hại không hề nhỏ cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập và giáo viên tại đây. Nếu như nhiều ngành nghề khác đến cuối tháng 3 mới bắt đầu phải đóng cửa thì các trường học đã rục rịch ngừng hoạt động từ đầu tháng 2 do ảnh hưởng của dịch Covid-19....