Hà Nội cấm xe máy, người dân đi bộ ở đâu?
Nhiều ngày nay, câu chuyện về dự thảo thí điểm cấm xe máy lưu thông trên một vài con đường ở Hà Nội trở thành đề tài nóng bỏng được nhiều người dân tranh luận từ quán nước ven đường cho đến mạng xã hội…
Hai quan điểm: Cấm và không nên cấm xe máy lưu thông dường như đang ngang bằng nhau, bởi lẽ mỗi bên đều đưa ra những quan điểm thiết thực nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của họ.
Với lý lẽ, gần như mỗi người trưởng thành đều sở hữu một chiếc xe máy để tham gia giao thông phục vụ mục đích mưu sinh và giá thành mỗi chiếc xe máy lại tương đối tiệm cận với mức thu nhập của đa số người dân thì có lẽ quan điểm không nên cấm xe máy rất hợp lý.
Hà Nội có nên nên cấm xe máy không nếu phương tiện công cộng chưa phát triển ?
Anh Nguyễn Ngọc Đức (Hoàng Mai – Hà Nội) băn khoăn: “Nếu cấm xe máy thì tôi không biết phải di chuyển bằng phương tiện gì, bởi tôi chưa có điều kiện để sở hữu một chiếc xe hơi. Đi bằng phương tiện công cộng cũng rất khó khăn, bởi lẽ công việc của tôi phải đi lại thường xuyên và nhiều tuyến đường không có tuyến xe buýt đi qua”.
Nhiều người dân Thủ đô có suy nghĩ như anh Đức.
Tuy nhiên, những người có quan điểm nên cấm xe máy thì lý lẽ đưa ra cũng không phải không hợp lý. Bởi lẽ, đa số vụ tai nạn chết người là người đi xe máy (đi xe máy có nguy cơ tử vong cao hơn đi ô tô). Xe máy là phương tiện cơ động, dễ luồn lách, khi tắc đường thì bất kể chỗ nào còn trống là người điều khiển xe máy có thể đi vào, khiến tình trạng ùn tắc giao thông càng trở lên phức tạp hơn. Ở một góc độ nào đó thì việc vi phạm luật giao thông khi điều khiển phương tiện xe máy cũng sẽ dễ dàng hơn là điều khiển ô tô.
Trên đây, chỉ là một vài quan điểm trái chiều lượm lặt từ những người dân mong muốn xã hội phát triển và lợi ích của người dân được đặt lên hàng đầu. Chỉ vậy thôi, nhưng cũng có thể thấy rằng việc thực hiện việc cấm phương tiện cá nhân nói chung và cấm xe máy nói riêng là một việc hết sức khó khăn và nan giải, khi mà các cơ quan chức năng cần phải đảm bảo cân bằng được lợi ích của nhân dân và hạn chế được ùn tắc giao thông.
Video đang HOT
Thế nhưng, nói đi thì phải nói lại rằng: Cấm xe máy thì đường đi bộ ở đâu, khi hàng loạt vỉa hè ở các tuyến phố đang được các cơ sở kinh doanh tận dụng để phục vụ lợi ích cá nhân của họ như: để xe, bán hàng, dựng biển quảng cáo…
Nhiều vỉa hè tại Hà Nội bị các cơ sở kinh doanh chiếm dụng
Giả sử, người dân đồng tình sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển và đi bộ thì người dân sẽ đi bộ ở đâu, khi mà thậm chí cả cầu dành cho người đi bộ ở một số khu vực nội thành đang bị chiếm dụng thành nơi kinh doanh?.
Đi bộ có an toàn không?. Có bị cướp không?. Mưa, nắng thì đi bộ có ổn không?…, là hàng loạt câu hỏi mà người dân đang tự hỏi.
Cầu vượt dành cho người đi bộ cũng bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh
Chắc chắn rằng, những băn khoăn, thắc mắc của người dân các nhà quản lý về giao thông đều biết và để hạn chế phương tiện cá nhân có lẽ sẽ là một câu chuyện trong tương lai không xa, bởi hệ thống đường giao thông của nước ta đang phải chịu một áp lực vô cùng lớn từ lượng phương tiện cá nhân.
Hi vọng rằng, nếu cơ quan chức năng quyết định việc cấm phương tiện cá nhân là xe máy thì không để người dân phải than rằng: Ai cho tôi làm người đi bộ?.
Ngọc Bảo
Theo PLVN
Chống ùn tắc tại Hà Nội: Dời cây, xén dải phân cách hàng loạt tuyến đường
Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết từ nay đến Tết Nguyên đán 2019 sẽ hoàn thiện việc xén dải phân cách giữa đường và vỉa hè để mở rộng 4 tuyến đường nhằm giải quyết ùn tắc giao thông với tổng kinh phí hơn 125 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng dự kiến xén dải phân cách hơn 8 km với chi phí khoảng 100 tỷ đồng và hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2019
Nỗ lực giảm ùn tắc giao thông
Trao đổi với Báo GD&TĐ, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có xén dải phân cách, mở rộng mặt đường trên một số tuyến phố như Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh. Kết quả bước đầu đã khắc phục được tình trạng ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm. Mới đây, UBND thành phố đã cho phép triển khai thực hiện xén dải phân cách trên nhiều tuyến phố, trong đó có tuyến đường vành đai 2 và 3.
Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội sẽ cho xén dải phân cách, mở rộng mặt đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm và quận Cầu Giấy). Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 3,22 km, điểm đầu tại nút giao Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến; điểm cuối tại nút giao Mai Dịch. Trên cơ sở mặt bằng hiện trạng, xén dải phân cách giữa mở rộng mặt đường, đảm bảo phần xe chạy mỗi hướng chiều rộng khoảng 17 m với tổng mức đầu tư hơn 24 tỷ đồng.
Dự án xén dải phân cách mở rộng mặt đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân có chiều dài 1,895km, điểm đầu tuyến tại nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi; điểm cuối tuyến tại nút giao Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng. Theo đó, dải phân cách giữa sẽ bị xén đều mỗi bên từ 1 - 5 m để bảo đảm bề rộng phần xe chạy mỗi hướng rộng từ 12 - 20 m.
Cùng với đó, dự án xén dải phân cách mở rộng mặt đường Nghiêm Xuân Yên - Nguyễn Xiển, huyện Thanh Trì, quận Thanh Xuân có tổng chiều dài hơn 3,16km; điểm đầu tuyến thuộc Cầu Dậu, điểm cuối tuyến thuộc nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi. Tổng mức đầu tư hơn 27 tỷ đồng. Sau khi xén, bề rộng phần xe chạy mỗi hướng sẽ rộng khoảng 17m, chiều rộng dải phân cách là 18m.
Dự án xén hè mở rộng mặt đường trên tuyến đường vành đai 2 đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở, tổng chiều dài là 4km; điểm đầu tuyến là Cầu Giấy; điểm cuối tuyến là Ngã Tư Sở. Hè bên phải tuyến từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở sẽ được xén để mở rộng mặt đường thêm trung bình 3,5m; xây mới mặt đường bê tông nhựa rộng 4m cho người đi bộ, đi xe đạp kết hợp với lan can đặt trực tiếp trên tường chắn bê tông cốt thép sát mép bờ sông Tô Lịch.
Để thực hiện dự án này, sẽ phải di chuyển 476 cây xanh các loại, trong đó dịch chuyển 371 cây, chặt hạ 105 cây (cây chặt hạ là những cây sâu, rỗng thân, nghiêng, cong queo phát triển không bình thường hoặc cây đã chết), với tổng mức đầu tư hơn 64 tỷ đồng.
Hiện tại, cả 4 dự án xén dải phân cách, vỉa hè để mở rộng đường vành đai 2, vành đai 3 đều đã được thi công đồng loạt.
Việc xén dải phân cách giữa đường Nguyễn Chí Thanh trước đó đã đem lại hiệu quả trong việc chống ùn tắc
Bảo đảm cảnh quan
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, một trong những vấn đề nóng của Hà Nội là ùn tắc giao thông trong đó có một số nguyên nhân như phương tiện giao thông tăng quá nhanh, ý thức người tham gia giao thông, thiếu hệ thống mạng lưới đường. Thông thường một đô thị phải dành 20 đến 25% diện tích đất tự nhiên cho giao thông nhưng tỉ lệ này của Hà Nội chỉ đạt được khoảng 10%.
Mặc dù Hà Nội đã rất cố gắng trong việc giải tỏa áp lực giao thông như mở đường trên cao, hoàn thiện các mạng đường... nhưng ùn tắc vẫn xảy ra thường xuyên và có dấu hiệu ngày càng trầm trọng. Một trong số giải pháp cho tình trạng này là cải tạo lại các trục đường cũ trong đó có việc tổ chức lại luồng giao thông trên các trục đường chính, các trục xuyên tâm nối vào trung tâm thành phố. Đây là một yêu cầu, thực tiễn mà có khả năng giải quyết được.
Bà Trần Thị Lan trú tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) cho rằng, việc mở rộng đường vành đai 3 là cần thiết, bởi thời gian qua tình trạng ùn tắc triền miên không kể giờ cao điểm diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Hoan nghênh giải pháp cắt xén dải phân cách để giải quyết "vấn nạn" ùn tắc giao thông, song nhiều người cũng cho rằng, việc duy trì dải phân cách một cách hợp lý không chỉ tạo luồng giao thông thuận lợi, mà còn liên quan đến cảnh quan môi trường, nhất là việc trồng cây xanh, thảm cỏ, bù đắp cho những khu vực đã bị giải tỏa phục vụ giao thông.
Đăng Chung
Theo GD&TĐ
Đề xuất cấm xe máy: Tắc nghẽn giao thông vì tư duy quản lý Xe máy không phải là yếu tố gây tắc nghẽn giao thông Hà Nội, mà tư duy của các nhà quản lý giao thông mới là điểm nghẽn lớn nhất. Dư luận thủ đô sục sôi ngay sau khi Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện trao đổi với báo chí: Hà Nội sẽ thí điểm việc dừng xe máy trên...