Hà Nam: Điểm đến văn hóa hấp dẫn trong mắt du khách quốc tế
Tỉnh Hà Nam được đề cử là điểm đến du lịch mới nổi, điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu châu Á 2024 của World Travel Awards, giải thưởng được mệnh danh là Oscar của ngành du lịch thế giới.
Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự, chốn thanh tịnh của mảnh đất Hà Nam. (Ảnh: Diệu Linh)
Mới đây, tỉnh Hà Nam vừa lọt vào danh sách đề cử tại 2 hạng mục “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” và “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu châu Á” của World Travel Awards, giải thưởng được mệnh danh là Oscar của ngành du lịch thế giới.
Đây là lần thứ 31 Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards – WTA) khu vực châu Á và châu Đại Dương được tổ chức. Giải thưởng WTA là một trong những giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực du lịch, được thành lập từ năm 1993 để ghi nhận, khen thưởng và tôn vinh những tên tuổi xuất sắc nhất trong ngành du lịch toàn cầu.
Năm 2023, Hà Nam đã vượt qua nhiều đối thủ nặng ký để được vinh danh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới”.
Nằm ở cửa ngõ phía Nam Hà Nội, cách thủ đô khoảng 65 km, tỉnh Hà Nam là mảnh đất giàu tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, văn hóa, sinh thái và ẩm thực khi sở hữu hệ thống di tích lịch sử, thắng cảnh và làng nghề vô cùng đa dạng, phong phú và giàu bản sắc.
Hà Nam sở hữu rất nhiều ngôi chùa cổ mang vẻ đẹp thanh bình, an yên, với tuổi đời hàng nghìn năm khắc họa hồn cốt trong đời sống văn hóa tâm linh của miền Bắc bộ, thu hút hàng triệu du khách đến hành hương chiêm bái mỗi năm.
Trong đó, Quần thể di tích chùa Long Đọi Sơn (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên) là một trong số những thắng cảnh nổi tiếng của trấn Sơn Nam xưa, có lịch sử lâu đời và phản ánh một thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo trong lịch sử dân tộc.
Chùa Địa Tạng Phi Lai (hay chùa Đùng) với tuổi đời gần 1.000 năm hiện trở thành điểm đến hot bậc nhất tại Hà Nam sau khi được trùng tu với vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa nên thơ.
Điểm đến tâm linh nổi tiếng khác của Hà Nam phải kể đến là khu du lịch Tam Chúc với vẻ đẹp được ví von như vịnh Hạ Long trên cạn, với lối kiến trúc cổ kính, thanh tịnh giữa không gian núi non hùng vĩ, hồ nước trong xanh.
Video đang HOT
Một điểm đến văn hóa tâm linh không thể bỏ qua khi đến Hà Nam là Vương cung thánh đường Sở Kiện hơn 140 năm tuổi. Đây là một trong 4 nhà thờ được sắc phong danh hiệu tiểu Vương cung thánh đường – danh hiệu được Giáo hoàng tôn vinh đặc biệt dành cho những nhà thờ có kiến trúc to lớn, cổ kính, mang ý nghĩa lịch sử và tâm linh quan trọng.
Ngoài ra, Hà Nam còn có nhiều danh lam thắng cảnh khác như nhà Bá Kiến – nguyên mẫu làng Vũ Đại, khu du lịch Kẽm Trống, chùa Bà Đanh, đền Trần Thương, làng kho cá Vũ Đại, làng trống Đọi Tam, làng nghề dệt lụa tơ tằm Nha Xá, và Khu du lịch Đền Trúc – Ngũ Động Sơn…
Bên cạnh các điểm đến văn hóa tâm linh, Hà Nam còn nổi tiếng với những thắng cảnh hoang sơ, kết tinh vẻ đẹp của núi rừng, sông hồ gồm: Ao Dong với bức tranh thiên nhiên hùng vĩ được tạo nên bởi những dãy núi cao và rừng cây; hang Luồn là nơi du khách có thể lênh đênh trên thuyền để chiêm ngưỡng hình thù lạ mắt của thạch nhũ…
Tại mùa giải World Travel Awards lần thứ 31 khu vực châu Á và châu Đại Dương năm nay, ở tầm quốc gia, Việt Nam được đề cử tại nhiều hạng mục quan trọng. Đó là các hạng mục: “Điểm đến du lịch biển hàng đầu châu Á”; “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á”; “Điểm đến hàng đầu châu Á”; “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á”; “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”; “Điểm đến hàng đầu châu Á dành cho giới trẻ”.
Nhiều trọng điểm du lịch của nước ta cũng được đề cử ở các hạng mục khác nhau và Hà Nam đang vượt qua nhiều đối thủ để lọt danh sách đề cử 2 hạng mục quan trọng trên.
Hiện tại, cổng bình chọn đang mở tại địa chỉ www.worldtravelawards.com.
Bạc Liêu: Đưa Di tích Quốc gia Đặc biệt Tháp Vĩnh Hưng thành điểm đến hấp dẫn
Việc Tháp Vĩnh Hưng được xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt là cơ sở quan trọng để tỉnh Bạc Liêu bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, kết hợp khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch.
Tháp Vĩnh Hưng hay còn gọi tháp Trà Long, tháp Lục Hiền nằm cách thành phố Bạc Liêu về phía Tây Bắc trên 20km, thuộc địa phận ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)
Việc Tháp Vĩnh Hưng được xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt là dấu mốc quan trọng trong việc công nhận các giá trị văn hóa lịch sử mà di tích mang lại.
Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh Bạc Liêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, kết hợp khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch.
Tỉnh Bạc Liêu xác định tháp Vĩnh Hưng là di tích trọng điểm để xây dựng thành điểm du lịch văn hóa, lịch sử hấp dẫn, vừa để phổ biến, giáo dục truyền thống, vừa để du khách tham quan, thưởng ngoạn danh thắng của Di tích Quốc gia Đặc biệt Tháp Vĩnh Hưng.
Cùng với việc trùng tu, tôn tạo, mở rộng xứng tầm Di tích cấp Quốc gia Đặc biệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Lợi đầu tư nâng cấp tuyến đường vào tháp để đảm bảo lưu thông thuận lợi.
Cùng với đó, Sở phát huy giá trị di tích đặc biệt, tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Phát triển du lịch di tích Tháp Vĩnh Hưng không chỉ đơn thuần là thăm thú cảnh quan mà giá trị hơn cả nằm ở ý nghĩa ẩn sâu trong kiến trúc vật chất, giúp du khách khám phá, hiểu được nét độc đáo của truyền thống văn hóa, lịch sử.
Tháp Vĩnh Hưng (thuộc địa phận ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) là ngôi tháp có bề dày lịch sử lâu đời nhưng mãi đến những năm đầu thập niên của thế kỷ XX, các nhà khoa học mới biết đến và bắt đầu nghiên cứu tìm hiểu.
Hiện vật của tháp cổ Vĩnh Hưng (Bạc Liêu) bên trong nhà trưng bày. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)
Tại đây, các nhà khảo cổ học đã khai quật được nhiều hiện vật hết sức quý giá với nhiều tượng đá, đồng, gốm, đá quý... đánh dấu một giai đoạn tồn tại và phát triển khá dài (từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 13 sau Công nguyên).
Từ giá trị kiến trúc này, năm 1992 Bộ Văn hóa-Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định xếp hạng Tháp Vĩnh Hưng là Di tích cấp Quốc gia.
Gần đây nhất, ngày 18/7/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 694/QĐ-TTg xếp hạng Tháp Vĩnh Hưng là Di tích Quốc gia Đặc biệt.
Giữa mênh mông tứ bề cánh đồng lúa ngút ngàn tầm mắt, Tháp Vĩnh Hưng nổi bật trên nền màu xanh của cây cỏ và hoa lá. Tháp là một quần thể kiến trúc mang vẻ ngoài dung dị nhưng vẫn giữ vẻ uy nghiêm của một công trình văn hóa tín ngưỡng độc đáo. Trong không gian thanh bình yên ả, Tháp Vĩnh Hưng khơi gợi về thời đại lịch sử xa xưa.
Theo các tài liệu ghi chép, các nhà khảo cổ học cho rằng, người đầu tiên phát hiện ra Tháp Vĩnh Hưng và công bố với tên gọi Tháp Trà Long vào năm 1911 là ông Lunet de Lajonquìere, một học giả người Pháp. Tiếp theo vào năm 1917, Henri Parmentier (nhà khảo cổ học người Pháp) đến khảo sát khu vực này và công bố kết quả trong tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (BEFEO) với tên gọi mới - Tháp Lục Hiền.
Đến năm 1990, các nhà khảo cổ thuộc Viện Khoa học Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ) phối hợp với Bảo tàng tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau) đến khảo sát và đào một hố thám sát, phát hiện một số hiện vật như đầu tượng thần, bàn nghiền, Linga-Yoni... Trên cơ sở đó, di tích tháp bước đầu được xác định có niên đại từ thế kỷ 7-8 sau Công nguyên, thuộc giai đoạn phát triển cuối của nền văn hóa Óc Eo.
Dựa vào quan sát, các nhà nghiên cứu cho rằng kiến trúc Tháp Vĩnh Hưng không giống như các tháp Champa ở miền Trung Việt Nam. Tháp Vĩnh Hưng không xây giật cấp, xây trụ, cột giả, không có vết tích của các đồ án trang trí hoa văn bên ngoài cũng như trước cửa tháp, lại không có cửa giả ở các mặt lưng và mặt hông.
Điều đặc biệt hiếm thấy trong các kiến trúc tôn giáo của các nền văn hóa cổ có ảnh hưởng văn minh Ấn Độ là cửa tháp không xây về hướng Đông mà quay về hướng Tây Nam.
Về kết cấu, móng Tháp Vĩnh Hưng sử dụng xen kẽ đá, gạch để chống sụp lún. Kiến trúc tháp có hình vuông, có bẻ góc phía trước và phía sau, có 3 lần bẻ góc đối xứng nhau cả phía trước lẫn phía sau.
Hiện vật của tháp cổ Vĩnh Hưng (Bạc Liêu) bên trong nhà trưng bày. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)
Bình đồ và vật liệu kiến trúc cùng những tàn tích trong sinh hoạt, cho thấy các vết tích văn hóa vật chất tìm được ở Tháp Vĩnh Hưng mang đậm sắc thái văn hóa, kỹ thuật ở vùng Đồng bằng Nam Bộ trong cùng một bình tuyến và truyền thống phát triển.
Tháp Vĩnh Hưng có diện tích bình diện khá lớn (chiều Đông-Tây rộng 191m; chiều Bắc-Nam dài 6,9m) và được xây cao hơn 10m, với các bức tường gạch khá dày, tạo ra một tải trọng hàng vạn tấn sau khi xây dựng xong.
Tháp được xây dựng trên nền đất yếu và việc sử dụng móng dàn trải trên một không gian rộng để chống sụp lún là giải pháp hết sức thông minh của cư dân xưa. Hiệu quả là sau hơn một ngàn năm tồn tại, độ lún của tháp không đáng kể.
Phía bên trong lòng Tháp Vĩnh Hưng thờ biểu tượng Linga-Yoni, đây là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo trong tín ngưỡng phồn thực của cư dân Óc Eo.
Tương truyền, trước khi hành lễ tế thần, chủ lễ sẽ tắm nước thơm lên biểu tượng Linga-Yoni. Nước thơm theo hệ thống đường dẫn ra bên hông tháp chứa tại hai giếng thiêng. Cư dân Óc Eo lấy nước thiêng khoác lên người để mong đạt nhiều sức khỏe, vạn vật sinh sôi, thịnh vượng, con cháu đầy đàn.
Vào các năm 2002 và 2011, Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu tiến hành khai quật xung quanh tháp. Quá trình khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện được nhiều hiện vật trong đó có tượng đồng, linga bằng đá, những mảnh ngói hoặc những viên gạch của thời xưa.
Hiện có 5 hiện vật là bảo vật quốc gia được tìm thấy trong các đợt khai quật khảo cổ ở tháp Vĩnh Hưng gồm tượng Nữ thần Laksmi, tượng Thần Sada Shiva, đầu tượng Thần Shiva, tượng Nam thần và phù điêu Nữ thần Uma.
Điểm đến của vùng đất Trà Vinh Trà Vinh là một tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa Sông Tiền và Sông Hậu. Trà Vinh, xứ sở của những ngôi chùa Khmer cổ kính, những cung đường rợp bóng cây xanh, danh lam thắng cảnh làm nao lòng du khách, lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer... và có lẽ sự hiếu...