Hạ lãi suất: Giúp giảm áp lực trả nợ
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, với mức giảm khoảng 1,5-2%/năm. Động thái này được kỳ vọng sẽ tạo nguồn vốn rẻ cho các ngân hàng thương mại, giúp tăng dòng chảy tín dụng, từ đó lan tỏa tích cực đến tình hình kinh tế.
Lãi suất tiền gửi tại nhiều ngân hàng đã giảm. Ảnh: ST
“Khơi” dòng vốn
Theo NHNN, từ năm 2016 đến nay đã điều chỉnh giảm 2-2,5%/năm các mức lãi suất điều hành, giảm 0,8-1,5%/năm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng, giảm 2,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Đặc biệt, dưới tác động của đại dịch Covid-19, chỉ riêng năm 2020, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô cắt giảm tương đối mạnh. Nhờ đó, so với các nước trong khu vực, mức giảm lãi suất điều hành của Việt Nam hiện là một trong các mức giảm mạnh nhất. Cụ thể là Trung Quốc giảm 0,3%, Malaysia giảm 1,25%, Thái Lan giảm 0,75%, Indonesia giảm 1%, Ấn Độ giảm 1,15%…
NHNN cho rằng, cùng với các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ nền kinh tế, việc giảm mạnh các mức lãi suất điều hành của NHNN góp phần tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Theo Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, vấn đề hỗ trợ thông qua hạ lãi suất, kể cả việc cho vay mới hay các khoản vay cũ, đều tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Vì thế, việc hạ lãi suất là giải pháp cơ bản, quan trọng cho tín dụng mở rộng.
Trên thực tế, làn sóng giảm lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại đã diễn ra mạnh kể từ đầu tháng 9 đến nay, kéo theo lãi suất cho vay cũng giảm cùng hàng loạt gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh đó, NHNN cũng quyết định hoãn siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thêm 1 năm để các ngân hàng không bị chịu áp lực cơ cấu lại nguồn vốn, trong bối cảnh các ngân hàng thương mại đã phải hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn về mặt thanh khoản, thông qua việc giảm lãi suất cho vay, giãn nợ và cơ cấu lại nợ. Đây có thể nói là những động thái hết sức cần thiết khi nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ và các cơ quan quản lý cần những chính sách, giải pháp khác quyết liệt hơn để hỗ trợ nền kinh tế. Bởi trên thế giới, nhiều nước đã ban hành các giải pháp rất mạnh, nới lỏng chính sách tiền tệ để tăng dòng vốn, cứu nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch.
Giúp giảm áp lực trả nợ
Video đang HOT
Mặc dù thị trường đón nhận khá tích cực trước các quyết định hạ lãi suất của NHNN, nhưng tác động thực tế đến toàn bộ nền kinh tế lại không quá lớn như kỳ vọng. Bộ phận phân tích – Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN phần nhiều phản ánh nỗ lực đồng hành, hỗ trợ nền kinh tế của NHNN nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý cuối năm. Bởi hiện nay, đối với trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, lãi suất huy động thực tế của các ngân hàng thương mại trên thị trường tại các kỳ hạn này hiện cũng đều dưới 4%/năm, tức dưới mức trần mới mà NHNN ban hành.
Hơn nữa, theo phân tích của các chuyên gia Công ty Chứng khoán KB (KBSV), lãi suất huy động ở mức thấp và trong xu hướng giảm xuất phát từ hai nguyên nhân. Thứ nhất là thanh khoản hệ thống duy trì ở trạng thái dư thừa khi nguồn cung dồi dào, trong khi phía cầu chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc (tín dụng đến 30/9/2020 mới tăng 6,09% so với cuối năm 2019, cùng kỳ năm trước tăng 9,4% – NHNN). Thứ hai, áp lực giảm lãi suất huy động để duy trì tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) phù hợp trong bối cảnh các ngân hàng phải cắt giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng trong dịch Covid-19.
Có thể thấy, lãi suất trên thị trường giảm đến từ quyết định của NHNN không nhiều. Chưa kể, quyết định giảm lãi suất đến lần thứ 3 trong năm của NHNN không phải quá bất ngờ, mà phù hợp với xu hướng cắt giảm lãi suất điều hành của nhiều ngân hàng trung ương các nước trên thế giới trước những lo ngại rủi ro kinh tế toàn cầu suy giảm. Đánh giá thêm về vấn đề này, ông Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế Vĩ mô, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, sự mở rộng tiền tệ chủ yếu chỉ giúp tạo niềm tin, giảm nghĩa vụ nợ và ổn định tài chính, ít có khả năng khôi phục cầu nội địa. Lãi suất không phải là rào cản của việc vay vốn, nên động thái hạ lãi suất dù không giúp tăng trưởng tín dụng nhưng giúp giảm áp lực trả nợ rất nhiều, nếu Việt Nam kiểm soát tốt lạm phát trong thời gian tới thì dư địa hạ lãi suất sẽ còn rất nhiều.
Theo các chuyên gia, xét về tổng thể, các chính sách tiền tệ nhằm đối phó với dịch Covid-19 của NHNN chủ yếu sử dụng nguồn lực từ các ngân hàng thương mại, do vậy mức tác động đến cung tiền là không quá lớn so với các công cụ bơm tiền trực tiếp thông qua việc mua trái phiếu của các ngân hàng trung ương khác. Do đó, chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất tại Việt Nam phải ở mức trung bình cao so với quốc tế và khu vực do thuế giá trị gia tăng (VAT) của Việt Nam cao, rủi ro doanh nghiệp cao xếp hạng tín nhiệm BB – hạng đầu cơ, thì lãi suất 5-7% là hợp lý. Hơn nữa, lãi suất đầu vào phải duy trì hấp dẫn để thu hút nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng. Vì thế, việc hỗ trợ nền kinh tế thông qua lãi suất cần có sự chọn lọc, hơn nữa, chính sách tài khóa có hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn sự suy giảm của nền kinh tế, nên cần đẩy mạnh hơn các giải pháp về giải ngân đầu tư công… sẽ giúp kích thích chi tiêu, kích cầu đầu tư…
Gần 224.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh được hỗ trợ sau dịch COVID-19
Các ngân hàng TP.HCM miễn giảm lãi cho 17.758 khách hàng với dư nợ đạt 48.771 tỷ đồng và cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 cho 43.487 khách hàng với doanh số đạt 190.003 tỷ đồng.
Các ngân hàng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)
Gần 224.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được các ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu nợ cho vay và cho vay mới lãi suất thấp với tổng số tiền 290.577 tỷ đồng.
Đây là nội dung được Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh thông tin tại "Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh" do Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 29/5.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19, đến cuối tháng 4/2020, các ngân hàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 162.745 khách hàng với dư nợ đạt 51.803 tỷ đồng.
Các ngân hàng miễn giảm lãi cho 17.758 khách hàng với dư nợ đạt 48.771 tỷ đồng và cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 cho 43.487 khách hàng với doanh số đạt 190.003 tỷ đồng.
Về cho vay ưu đãi ngắn hạn (lãi suất không quá 5%) đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên, đến cuối tháng 4/2020, dư nợ đạt 164.966 tỷ đồng với 31.538 khách hàng; trong đó cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 117.035 tỷ đồng, chiếm 71% tổng dư nợ cho vay ngắn hạn đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực này.
Ngoài ra, các chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp cũng được tổ chức liên tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận vốn ngân hàng và các chính sách tín dụng, lãi suất thấp của ngân hàng trung ương.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại bởi dịch COVID-19 cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Theo phản ánh của các tổ chức tài chính, khó khăn chủ yếu hiện nay là việc đảm bảo đủ hồ sơ pháp lý để hỗ trợ cho doanh nghiệp, với các nội dung về chứng minh thiệt hại, xác định đúng đối tượng và các điều kiện để hỗ trợ, đặc biệt là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Báo cáo tài chính và số liệu của các doanh nghiệp thường cung cấp chậm hoặc không đầy đủ.
Thêm vào đó, tính minh bạch, chính xác của thông tin, cũng như cơ sở để đối chiếu, thẩm định không được rõ ràng do các tài liệu chứng minh thông thường được cung cấp từ một phía, rất khó để có các tài liệu xác nhận của cơ quan Nhà nước, của kiểm toán, khách hàng đối tác của doanh nghiệp. Điều này cũng ảnh hưởng đến quá trình xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua.
Trong khi đó, nhu cầu về tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp là cấp bách, nhất là các lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19 như du lịch, nhà hàng, dịch vụ và hộ kinh doanh.
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu thiệt hại trong đại dịch COVID-19. Mặc dù ngành ngân hàng cũng gặp khó khăn khi đứng trước nguy cơ gia tăng nợ xấu, giảm doanh thu, lợi nhuận nhưng vẫn sẵn sàng chia sẻ những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Trần Việt Anh cho rằng chính sách đã rất rõ ràng nhưng việc triển khai vẫn còn nhiều hạn chế. Kết quả khảo sát nhanh qua hình thức online của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tại thời điểm sau khi Thông tư 01 ban hành, có 53% doanh nghiệp biết đến chính sách ngân hàng cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay và mới có 28% doanh nghiệp đã tiếp cận được chính sách này.
"Việc hỗ trợ cần kịp thời, đúng đối tượng và đủ lực để doanh nghiệp có thể tiếp tục kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Thêm vào đó, các ngân hàng phải minh bạch và rút ngắn, đơn giản thủ tục vì nếu thủ tục rườm rà thì doanh nghiệp sẽ "chết" trước khi được cứu. Ngoài doanh nghiệp bị thiệt hại nặng, cũng cần chính sách dành cho doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vai trò dẫn có thể dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ phát triển trong tương lai," ông Trần Việt Anh nêu kiến nghị.
Trong khi đó, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ trong thời gian xảy ra dịch, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn, thậm chí có doanh nghiệp còn phản ánh điều kiện vay vốn còn khắt khe hơn trước dịch. Số doanh nghiệp trong ngành lương thực thực phẩm tiếp cận được các gói hỗ trợ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam )
Theo bà Lý Kim Chi, do tính mùa vụ, doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm dịp Tết thường cao hơn ngày thường 30%. Trùng hợp là ngay sau Tết thì xảy ra dịch COVID-19 nên nếu ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp chứng minh giảm doanh thu, giảm lợi nhuận thì rất khó.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong ngành phải đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa, thực phẩm thiết yếu cho người dân thành phố và tiếp ứng cho các địa phương khác. Đến nay, nguồn nguyên liệu dự trữ sản xuất đã cạn nhưng doanh nghiệp không còn vốn thu mua tiếp.
Do đó, các doanh nghiệp mong muốn ngân hàng và các tổ chức tín dụng mở rộng diện hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm tiếp cận vay mới, giảm lãi suất vay và đơn giản hóa thủ tục để có thể đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế của thành phố.
Sau khi ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng nhanh chóng phân loại đối tượng khách hàng, doanh nghiệp để có hướng dẫn hỗ trợ phù hợp, doanh nghiệp ngành hàng nào thiệt hại nhiều thì hỗ trợ nhiều và ngược lại, không dùng cơ chế cào bằng.
Đồng thời, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngân hàng để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt đồng đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh để đảm bảo chính sách hỗ trợ đến đúng đối tượng và kiểm soát nợ xấu, các ngân hàng kiên quyết không hạ điều kiện tín dụng, không giấu nợ xấu.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp phải phối hợp và chia sẻ cùng ngân hàng thông qua việc công khai minh bạch tài chính, dòng tiền của mình, đồng thời chủ động cơ cấu lại khoản vay, hoạch định kế hoạch kinh doanh và lộ trình trả nợ cụ thể để làm cơ sở cho ngân hàng thẩm định, hỗ trợ kịp thời./.
Đã miễn giảm, hạ lãi suất với hơn 1,08 triệu tỷ đồng Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260.000 khách hàng với dư nợ trên 1,08 triệu tỷ đồng. Số liệu được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin tại Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh...