Hà Anh Tuấn: “Một nửa con người của tôi thuộc về Hà Nội”
Cái tên Hà Anh Tuấn đã không còn quá xa lạ với những khán giả theo dõi về âm nhạc trong suốt năm qua.
Và ở giải thưởng Cống hiến năm nay, khán giả đã thấy được một Hà Anh Tuấn có những bước tiến rõ rệt trong âm nhạc. Là “kẻ ngoại đạo” nhưng sản phẩm âm nhạc của Hà Anh Tuấn luôn có sự đầu tư kĩ lưỡng và được giới chuyên môn đánh giá cao cũng như sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả.
Không ít người tiếc cho Hà Anh Tuấn khi giải thưởng nam ca sĩ của năm đã không thuộc về anh?
- Tôi thì không nghĩ vậy, tôi đang được ưu ái nhiều: Khán giả yêu mến mình, cuộc sống rất dễ chịu, những chương trình thực hiện đều thành công. Tôi không bao giờ mơ ước mình là người đứng ở chỗ sáng nhất trên sân khấu. Tôi luôn trong tâm thế, những gì mình làm được chưa là gì so với những người khác, nhất là với một “người ngoại đạo” như tôi.
Được biết tới từ Sao Mai Điểm Hẹn 2006 như một kẻ ngoại đạo may mắn, Tuấn đã làm thế nào để ngày càng chững chạc và tự tin hơn trên sân khấu?
- Rõ ràng giờ đây âm nhạc với tôi là đam mê, chứ không chỉ là một cuộc chơi nông nổi của tuổi trẻ. Về kỹ thuật thanh nhạc tôi cũng học hỏi thêm nhiều nhưng tôi cho rằng nó không quyết định được tất cả. Điều quan trọng nhất của người nghệ sỹ chính là biết lắng nghe. tôi quan tâm và lắng nghe sự đánh giá của mọi người, nhìn vào sự đánh giá ấy để biết mình được gì, còn thiếu gì.
Thời gian qua tôi có cơ hội cọ xát với sân khấu nhiều hơn nên tôi có bản lĩnh hơn khi biểu diễn trước khán giả. Sao Mai Điểm Hẹn quả là một cơ hội quá lớn đối với tôi và thực sự bây giờ con đường ca hát dù là chính hay phụ, dù để là kiếm tiền hay để thỏa mãn đam mê, thì tôi sẽ luôn trân trọng và sẽ hết mình với nó.
Và anh đã chứng minh bằng sự sáng tạo không ngừng, sau thành công của Café Sáng, Sài Gòn Radio, và giờ là “ Cock-tail – Hà Anh Tuấn” hoàn toàn bằng Anh ngữ, anh có nghĩ là mình khá liều lĩnh không?
- Nếu không có sự bắt đầu, sẽ không có những bước kế tiếp. Tôi vẫn biết rằng những người bắt đầu với những cái gì quá lạ thì sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi, bởi khán giả sẽ chưa thích ngay đâu. Nhưng theo thời gian, cái mới sẽ trở thành cái quen, và cái quen đôi khi nó sẽ trở thành những giá trị rất là lâu dài. Không mạo hiểm, sao thành công được?. Có những người luôn chọn cho mình những hệ số an toàn cao, nhưng tôi thì luôn muốn khám phá và thể nghiệm khả năng của mình bởi với tôi, hát trước hết là để thỏa mãn chính mình, và sau đó là phục vụ khán giả.
Phục vụ khán giả? Một món ăn ngoại cho người Việt, liệu có phù hợp không?
- Cái tôi mong muốn giới thiệu nhất với mọi người là âm nhạc. Vì thế mỗi sản phẩm, tôi luôn cố mang lại cái mới cho mọi người, gần đây nhất là Cock-tail – Hà Anh Tuấn hoàn toàn bằng tiếng Anh. Chúng ta phải phân biệt rõ ràng hai trường hợp: Một là những ca sĩ đang cố hát giống các ca sĩ quốc tế – hai là những ca sĩ Việt đang hát ca khúc tiếng Anh nhưng bằng nhạc Việt.
Video đang HOT
Cock-tail – Hà Anh Tuấn thuộc về trường hợp thứ hai. Nó có một lợi thế là không có sự so sánh bởi đây là những bài hát được sáng tác riêng, lần đầu tiên được hát. Như vậy chỉ có một cái nhìn duy nhất từ khán giả là hay hoặc không hay chứ không phải là dở so với người này, người kia. Có thể ban đầu khán giả chưa thích ngay nhưng với tôi, chỉ cần họ nói: “Cái này rất lạ và thú vị” – thế đã là thành công.
Nhưng không ít người cho rằng anh đang muốn vươn ra tầm thế giới?
- Nhiều ca sĩ Việt Nam kỳ vọng album của họ phát hành ở thị trường quốc tế. Mơ ước thì không ai cấm nhưng chúng ta phải thực tế rằng mình đang ở đâu. Chúng ta đi giao lưu văn hóa, chúng ta hát cho những người nước ngoài nghe thì được, nhưng không có chuyện họ tìm mua đĩa của chúng ta đâu. Vì vậy, thực sự tôi chưa bao giờ kỳ vọng CD này đi ra ngoài biên giới.
Đối tượng khán giả mà Hà Anh Tuấn hướng đến là…?
- Không thể gọi tên lứa tuổi nào sẽ yêu thích nhạc của mình nhưng tôi vẫn nói những ai thích nhạc của tôi là những người có tâm hồn trẻ, bởi nhạc của tôi có tính năng động. Tôi cũng rất thích biểu diễn cho những bạn sinh viên. Với tôi, đó là những khán giả văn minh nhất, bởi khi thưởng thức, họ luôn tặng cho ca sỹ những tràng pháo tay cổ vũ nồng nhiệt nhất. Hát cho sinh viên nghe tôi cảm thấy rất sung sướng, bởi thấy những lao động nghệ thuật của mình được trân trọng.
Có rất nhiều bài hát mang thương hiệu Hà Anh Tuấn nhưng khán giả vẫn ghi dấu ấn một Hà Anh Tuấn của Mong Về Hà Nội (nhạc sỹ Dương Thụ) đầy da diết, chắc hẳn anh phải có thật nhiều cảm xúc với nơi này?
- Tôi không lớn lên ở Hà Nội, nhưng một nửa con người của tôi thuộc về Hà Nội. Chất Hà Nội trong tôi thể hiện từ trong giọng nói, từ thói quen sinh hoạt của một gia đình gốc Bắc, và có lẽ ở cả tính cách điềm đạm, không cởi mở ngay với những người lần đầu tiếp xúc. Trong tất cả những địa danh của Việt Nam, Hà Nội là mảnh đất có nhiều bài hát hay nhất. Không gian nơi đây, văn hóa nơi đây là nguồn cảm hứng vô tận cho những nhạc sỹ sáng tác, nên dẫu có không phải là người Hà Nội, hát về Hà Nội cũng rất hay.
Khi cất tiếng hát, tôi thấy mong manh hiện về một Hà Nội cổ kính ưu tư hiện lên bên kia mặt hồ một buổi sớm sương giăng, với tiếng chuông chùa trầm mặc, với làn hơi nhẹ nhàng mỗi bước chân người Tràng An khe khẽ…
Khi hát trên sân khấu Hà Nội, Tuấn thấy có khác biệt gì với sân khấu Sài Gòn?
- Hát trên hai miền đất với hai nền văn hóa khác nhau, nên cảm xúc và cách biểu diễn cũng khác. Vì dòng nhạc của tôi là dòng nhạc có tiết tấu hiện đại nên khi hát tôi thường kết hợp biểu diễn với vũ đoàn Hoàng Thông để tôn bài hát của mình lên, nhưng khi ra Hà Nội, tôi không có điều kiện để mang vũ đoàn ra, điều đó cũng làm tôi phải điều chỉnh phong cách biểu diễn sao cho phù hợp.
Khán giả Sài Gòn dễ tính hơn, họ luôn đồng nhịp với ca sỹ bài hát mà họ thích. Còn tại Hà Nội, khán giả khó tính hơn, khắt khe hơn, nhưng đây cũng chính là cái nôi nuôi dưỡng và phát triển những ý tưởng sáng tạo, nên nếu ca khúc đã được yêu thích tại Hà Nội, có nghĩa là sẽ được yêu thích ở mọi nơi khác.
Cảm ơn Hà Anh Tuấn và chúc anh luôn thành công.
Theo 2Sao
Quá ít dấu ấn ở hạng mục Album của năm
Nếu như những năm trước, ở hạng mục giải thưởng album của năm giải Cống hiến đã tôn vinh những album thực sự có những dấu ấn mới mẻ cho làng nhạc Việt trong năm đó thì đến năm nay, mọi chuyện dường như không được như thế!
"Yêu mười cưới một"
Hằng năm, với số lượng album phát hành "khủng" của làng nhạc Việt, việc chọn ra một album có những phá cách mới mẻ, thu hút khán giả và có cống hiến cho nền âm nhạc đại chúng để trao giải album của năm (Giải thưởng Cống hiến) có vẻ như khó. Mỗi ca sĩ đều có một lượng khán giả riêng và sẽ được chào đón khi album của họ ra đời. Thật khó để chọn ra được một album xứng đáng được tôn vinh nhất trong năm, câu chuyện "yêu mười cưới một" dường như đang làm khó giải thưởng.
Album "Những tình khúc Phú Quang" của Tấn Minh có mặt trong đề cử.
Nhưng chuyện khó ấy thực ra lại là dễ, đối với giới chuyên môn và những người làm nghề. Bởi sẽ không khó nếu trong "đống" tràn lan album ấy, có album nổi lên với những nét chuyên nghiệp và vượt trội với chất lượng. Vì thế mà những năm trước, giải thưởng album của năm giải Cống hiến cũng đã lựa chọn được những sản phẩm đủ sức thuyết phục công chúng.
Từ 2005, "Chat với Mozart" của Mỹ Linh đã đánh dấu một hướng đi mới của Diva "tóc ngắn" - đó là việc đưa những giai điệu của dòng nhạc cổ điển thế giới hòa hợp với nhạc Việt và đặc biệt là với những thể loại R&B, jazz... vốn khá mới mẻ ở Việt Nam lúc bấy giờ. Năm 2006, "Đối thoại &'06" của Hà Trần cũng hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng album của năm khi có những nỗ lực tìm kiếm những hợp tác mới cho nhạc Việt, cụ thể hơn ở đây là sự kết hợp các ca khúc Việt Nam với phong cách trip-hop ambient đang thịnh hành ở các nước Âu - Mỹ.
Đến 2007 thì cái mới lạ và chất "quái" trong album "Những ô màu khối lập phương" của Tùng Dương - Đỗ Bảo cũng đã tốn khá nhiều giấy mực của báo giới, nhưng việc tôn vinh những sản phẩm dám chọn hướng đi khác biệt cũng là điều nên làm cho một sự phát triển chung - và âm nhạc, càng cần hơn những hướng đi mới đó. Một năm sau đó, Đỗ Bảo lại tiếp tục nhận được giải thưởng album của năm với "Cánh cung 2 - Thời gian để yêu" - nơi phô diễn được một phong cách toàn diện và giọng điệu pop rất riêng biệt, giàu cá tính của nhạc sĩ này.
Nhưng, đó chỉ là câu chuyện của những năm về trước...
Đức Tuấn lần 2 có mặt trong đề cử với "Bây giờ... biển mùa đông"
Album dần mất dấu ấn
Ở mùa giải Cống hiến 2009, một cuộc cạnh tranh album kịch tính đã diễn ra khi "Music of the night" (Đức Tuấn) và "Saigon Radio" (Hà Anh Tuấn) cùng vào đề cử. Album của Đức Tuấn có thuận lợi khi 11 bài đều được trích từ các nhạc kịch nổi tiếng trên thế giới, biên tập và hòa âm là nhạc sĩ nước ngoài, thu âm tại Canada nên chất lượng album được đánh giá tốt. Còn Hà Anh Tuấn với album thứ hai của mình phát hành từ đầu năm vẫn có chỗ đứng vì các bài hát đều mang phong cách R&B tươi mới, nhiều đột phá, hấp dẫn một bộ phận không nhỏ công chúng. Nhưng xét cho cùng, nhạc trong "Saigon Radio" cũng không mấy nhiều cái mới, thành thử, "Music of the night" của Đức Tuấn được đánh giá là "đưa" được âm nhạc broadway về Việt Nam đạt giải cũng là xứng đáng hơn.
Vậy nhìn về danh sách đề cử năm nay, 5 album lọt vào danh sách đã đưa được cái gì mới vào và về được cho làng nhạc Việt. Câu trả lời cũng là một câu cảm thán: Ít quá!
Ít ở đây không phải là ít về số lượng, mà là chất lượng, là dấu ấn từng album để lại.
Hà Anh Tuấn chưa thể hiện được gì mới trong "Cock-tail"
"Bây giờ biển mùa Đông" của Đức Tuấn vẫn lựa chọn chất cổ điện, tưởng như được khai thác sâu hơn trong màu sắc giao hưởng cùng tiếng piano và những câu intro mượt mà nhưng lại thấy không bằng được "Music of the night" của năm ngoái. Năm nay, xếp ngang với Đức Tuấn lại có Hà Anh Tuấn với album "Cock-tail". Nhưng cũng giống như người động nghiệp tên Tuấn còn lại, Hà Anh Tuấn bước có vẻ không được xa hơn, về mặt âm nhạc ngoài những điều khá mới mẻ về kịch bản album - và nếu trao giải về hình ảnh, biên tập thì có lẽ đừng xếp album vào giải Cống hiến.
"Li ti" của Tùng Dương được coi là bước "chững"
"Li ti" của Tùng Dương được coi là dễ nghe hơn so với "Những ô màu khối lập phương" trước đó. Và vô hình trung, Tùng Dương lại làm khán giả "chững" lại với những phá cách, cách tân của anh trước đó - khi album "Li ti" được đánh giá là không có gì mới mẻ. Tấn Minh cũng được coi là một gương mặt ca sĩ cũ khi đã có trên dưới 20 năm cầm mic, âm nhạc của Phú Quang cũng không còn mới với công chúng Việt Nam, vì thế, thật khó để một sự kết hợp này trong "Những tình khúc Phú Quang" của Tấn Minh có thể thuyết phục được công chúng, dù có phối mới đến đâu đi nữa.
Album của nữ ca sĩ duy nhất có mặt trong đề cử "Bộ đội" của Thái Thùy Linh. Hát lại những bài hát cách mạng, những "bài ca không quên" nhưng Thái Thùy Linh lại hát theo phong cách rock. Tuy phá cách thật, nhưng với những ai không quen nghe, đặc biệt là lượng công chúng đã không còn trẻ sẽ dễ coi đó là sự "phá phách"!
"Bộ đội" của Thái Thùy Linh: Phá cách hay "phá phách"?
Điểm lại 5 album được đề cử vào giải thưởng album của năm, giải thưởng Cống hiến 2010, có thể thấy rằng, có quá ít dấu ấn của ca sĩ đối với âm nhạc trong từng album, khi họ hoặc dẫm lên chân mình, hoặc có chỉ bước tách ra chứ không tiến! Và trở lại với câu chuyện "yêu mười cưới một" - giờ cũng thành khó, dù với chuyên môn hay với ai đi chăng nữa!
Theo 2Sao
Uyên Linh bất ngờ được đề cử giải Cống hiến Thần tượng Âm nhạc Việt Nam 2010 gây bất ngờ cho nhiều phóng viên khi lọt vào danh sách đề cử "Cống hiến" ở hạng mục "Ca sĩ của năm". Nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác, trong đó có cố NSND Y Moan cũng được ghi nhận ở giải thưởng năm nay. Sức hút từ sân chơi Vietnam Idol, giúp Uyên Linh trở...