Gửi Trang: Hành động “dạy dỗ” con chồng bằng roi mây, dù là dạy thật hay “dạy vờ” thì đều là cách giáo dục THẤT BẠI NHẤT!
“Roi, vọt” theo nghĩa đen là cách giải quyết thiếu bình tĩnh, thiếu làm chủ cảm xúc, và mang cả sự bất lực của những bậc cha mẹ thiếu bản lĩnh.
19h45 ngày 22/12, cơ quan chức năng nhận tin báo từ một bệnh viện ở phường 22, quận Bình Thạnh (TP.HCM) về ca cấp cứu một bé gái trong tình trạng hôn mê, ngưng tim, ngưng thở và đã tử vong trước khi đưa vào bệnh viện.
Bé gái xấu số đó là N.T.V.A (8 tuổi, ngụ quận 1). Võ Nguyễn Quỳnh Trang (người sống chung với bố con V.A, 26 tuổi, quê Gia Lai) bị nghi đã bạo hành khiến nạn nhân tử vong. Ngày 28/12, Quỳnh Trang bị khởi tố, bắt tạm giam 2 tháng về tội “hành hạ người khác”.
Tại cơ quan chức năng, Trang khai mình đã mua cây roi mây để “DẠY DỖ” cháu bé. Khi roi mây bị gẫy, Trang lại tiếp tục dùng gậy gỗ dài khoảng 90cm to bằng ngón chân cái để đánh cháu.
Vào cái ngày định mệnh 22/12 đó, cũng vì V.A làm bài tập sai mà Quỳnh Trang tiếp tục “DẠY DỖ” cháu bằng roi vọt. Để rồi, sự “dạy dỗ” đã cướp đi tính mạng của một thiên thần bé bỏng.
“Mẹ kế” Quỳnh Trang.
Sau những chuỗi ngày bị “dì ghẻ” đánh đòn, hứng chịu đủ vết lằn tím trên cơ thể, nơm nớp sợ hãi thì đứa trẻ 8 tuổi tội nghiệp đó giờ đã vĩnh viễn ngủ say. Mẹ ruột đau đớn thắt lòng, dư luận bàng hoàng, phẫn nộ. Còn bố ruột của V.A đang nghĩ gì?
Và Quỳnh Trang, cô nghĩ gì về phương pháp “dạy dỗ” của mình? Giây phút người mẹ kế vung roi lên để “dạy dỗ” con chồng, dù đó mang mục đích dạy thật hay dạy vờ, thì xin thưa rằng: Đó đều là cách giáo dục thất bại nhất!
ĐỪNG LẤY “YÊU CHO ROI, CHO VỌT” RA ĐỂ BAO BIỆN
Khi còn nhỏ, chúng ta từng đôi lần nghe người lớn bảo nhau: “Yêu cho roi cho vọt”, hay “Cứ phải đánh thì nó mới ngoan lên được”, “đánh cho chừa”,… Để rồi rất nhiều đứa trẻ từng ăn đòn tím lưng, lươn lằn khắp mông. Những trận đòn đó có thể khiến trẻ sợ hãi đấy, nhưng chúng chẳng biết mình sai ở đâu, chẳng học được điều gì.
Chỉ còn đó nỗi bất mãn với bố mẹ, nỗi tủi hờn ấm ức và những vết sẹo chẳng chịt cả thể xác lẫn tâm hồn.
Tôi còn nhớ hồi nhỏ, hàng xóm có cậu bạn tên Thắng. Vào cái tuổi dậy thì, Thắng nghịch ngợm lắm, suốt ngày bỏ học, tụ tập chơi bời với lũ du côn đầu xóm. Mới học lớp 10 nhưng Thắng đã phì phèo hút thuốc lá, mồm toàn văng “phụ khoa”. Tất nhiên mẹ Thắng trở thành khách mời thường xuyên của phòng Đạo đức nhà trường.
Thuở đấy, cả xóm ghét Thắng nhưng cũng chẳng ai đồng tình với cách cô Nga – mẹ Thắng dạy con. Bởi cứ đến tối là cô đứng trước cửa nhà chửi con, rồi đánh. Cô bảo “phải đánh để cho nó khỏi lỳ cái mặt ra”, “phải đánh vì ức lắm”.
Có hôm hai mẹ con cô còn lôi nhau ra tận ngoài ngõ để đánh chửi. Ai cũng ngán ngẩm, lắc đầu, đóng vội cửa để con mình không nghe, không nhìn cảnh đó.
Cô Nga càng đánh, Thắng càng hư. Thế rồi, Thắng tự ý bỏ học. Thắng về nhà chỉ thẳng mặt mẹ: “Tao không học, tao bỏ đi cho vừa lòng mày”. Nhưng Thắng chỉ bỏ đi được 1 tháng lại mò về vì đói quá. Cô Nga cũng chẳng đuổi đi, vì mẹ nào mà chẳng thương con… Thế nhưng những trận đánh chửi vẫn cứ diễn ra. Cô Nga cố đánh để dạy con, còn con cô thì không ngừng phản kháng.
Video đang HOT
Ai cũng cho rằng thằng con cô thế là hỏng! “Ngữ đấy về già trông cậy sao được?”,… Ấy vậy mà vài năm sau, cô Nga lại sướng!
Đợt Tết năm 2017, cô chạy sang khoe với mẹ tôi: “Thằng Thắng đi làm được thưởng Tết, dúi cho em 10 triệu chị ạ, vừa mới đưa xong”. Lúc đó tôi chẳng nghe rõ cô kể con trai giờ làm ở đâu, chỉ nghe loáng thoáng làm ở công ty may nào đó. Bởi cô cứ vừa kể vừa cười, cười nắc nẻ. Thấy bảo Thắng giờ chăm chỉ, đi làm về là phụ mẹ cơm nước, tháng nào cũng đưa tiền.
Lạ thật, từ “cái ngữ không trông cậy được” mà giờ lột xác hẳn!
Sau này cô Nga mới kể: Có một đợt, cô chán chẳng đánh nữa, vì cô cũng già yếu rồi. Đánh con xong, cô mỏi nhừ cả xương khớp. Cô chuyển sang ngồi thủ thỉ tâm tình, kể cho con biết cô lo thế nào cho tương lai của con. Nỗi lo khiến cô bật khóc. Sau nhiều năm đánh chửi, giọt nước mắt đó lạ thay lại cảm hóa được cái lì lợm của Thắng…
Hóa ra, sự tâm tình đúng lúc của cha mẹ còn tác dụng hơn vạn lần đòn roi. “Biết thế hồi đó em chả đánh nó chị ạ”, cô Nga cười hì hì, kể với mẹ tôi!
Không phải chỉ riêng “dì ghẻ” Quỳnh Trang và cô Nga, thực tế từ rất lâu, nhiều cha mẹ thường vin vào câu “Yêu cho roi, cho vọt – Ghét cho ngọt, cho bùi” để dạy con. Họ cho rằng cha ông ta đúc kết bao năm, đã nói thế rồi thì sai sao được? Nhưng tôi tin rằng, cha ông ta thâm thúy và sâu xa lắm.
Chắc chắn cái ý “cho roi, cho vọt” của các cụ không thể bó hẹp quanh cái roi mây, cái gậy gỗ, hay đôi tông lào để cha mẹ cứ hễ giận là mất kiểm soát, thở phì phò rồi bạ đâu đánh đó với con, đánh cho “lên bờ xuống ruộng”, đánh để trở thành kẻ thù của nhau.
Cái “roi, vọt” của cha ông ta chắc chắn phải mang nghĩa thâm thúy hơn rất nhiều. Đó là tình thương yêu nhưng không nuông chiều, biết kết hợp với các phương pháp kỷ luật.
Cha mẹ phải kèm cặp, đồng hành với con trên bước đường trưởng thành, không khen thưởng bừa bãi. Chúng ta thấy con sai thì phải chỉ bảo, cho con chịu trách nhiệm với hành động của mình. Thấy con làm được gì thì phải để con tự lập, không vì yêu mà bao bọc thái quá. Yêu thương nhưng luôn đi kèm với kỷ luật, khuôn khổ.
Đó mới là “roi, vọt” đúng!
Còn “roi, vọt” theo nghĩa đen ấy à, chỉ khiến cho con tổn thương lòng tự trọng, trở nên hướng nội, hoặc ngày càng cứng đầu, lì lợm hơn mà thôi. Và có lẽ tôi cũng chẳng phải nói thêm quá nhiều về hậu quả của việc dạy con bằng đòn roi, mắng mỏ. Bởi những hậu quả này, các cuộc khảo sát thực tiễn của ti tỉ trường đại học nổi tiếng như Harvard, Oxford,… đã chỉ ra. Rồi các chuyên gia giáo dục, họ cũng nói ra rả đến khản họng.
Đánh mắng chưa bao giờ là biện pháp đúng đắn để giáo dục một đứa trẻ. Nó còn được coi là cách giáo dục thất bại nhất! Khi con hư, thay vì để cảm xúc lấn át, cha mẹ hãy bình tĩnh, phân tích nguyên nhân, chỉ ra lỗi sai cho con và cùng tìm cách giải quyết vấn đề. Tất nhiên, hình thức kỷ luật là cần thiết, tùy theo mức độ lỗi nặng nhẹ của con mà đưa ra mức kỷ luật hợp lý.
Suy cho cùng, “roi, vọt” theo nghĩa đen là cách giải quyết thiếu bình tĩnh, thiếu làm chủ cảm xúc, và mang cả sự bất lực của những bậc cha mẹ thiếu bản lĩnh. Còn cha mẹ thông minh, ta dùng “roi, vọt” theo nghĩa bóng.
Dùng “roi, vọt” mà con cảm thấy phục, cảm thấy được yêu thương, đó mới là đỉnh cao của giáo dục…
"Hồi bé tôi bị đánh suốt có sao đâu" và tội lỗi hồn nhiên của bố mẹ xem đòn roi là dạy dỗ
Giống như dì ghẻ bạo hành bé 8 tuổi, nhiều cha mẹ tự cho mình quyền đánh trẻ để ép chúng nghe lời, thể hiện mình "có quyền lực".
Câu chuyện dì ghẻ bạo hành bé 8 tuổi đến chết ở Sài Gòn đã khiến dư luận phẫn nộ và cảm thương. Dì ghẻ khai rằng, cô ta nhiều lần đánh bé V.A để "dạy dỗ". Đó rõ ràng là một câu chuyện đáng lên án, nhưng với những chuyên gia tâm lý, nhà giáo dục, câu chuyện đau lòng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Việc trẻ em bị cha mẹ, người nuôi dưỡng đánh đập với lý do rất nhân văn là "dạy dỗ" không phải là chuyện hiếm, thậm chí nhiều người còn cho là "bình thường". V.A đã mất, nhưng còn nhiều em bé khác bị âm thầm bạo hành, chịu đựng những tổn thương về thể chất và tâm lý vĩnh viễn thì sao?
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh.
Ông Lê Khanh, chuyên gia giáo dục, chuyên gia tâm lý, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Kidstime tại thành phố Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ với chúng tôi về vấn đề trên.
Nhiều cha mẹ coi con là tài sản để tùy ý "sử dụng"
PV: Xin chào chuyên gia. Ông nghĩ gì về việc có những phụ huynh quát mắng, đánh đập trẻ em như một cách dạy dỗ?
Chuyên gia Lê Khanh: Trong việc giáo dục con, việc trừng phạt bằng đòn roi và một số hành vi mang tính bạo lực khác (quát mắng, đe dọa, mỉa mai và sỉ nhục) luôn tạo ra hai quan điểm trái chiều: Một là ủng hộ, với dẫn chứng là chính nhờ các hành vi bạo lực đó mà bản thân họ được rèn luyện, trở nên ngoan ngoãn và lớn lên sẽ là những người biết tôn trọng kỷ luật.
Còn quan điểm ngược lại thì cho rằng các hành vi trừng phạt thể xác hay tinh thần, chỉ để lại những sang chấn tâm lý, lệch lạc về nhân cách như ích kỷ, độc tài hoặc nhu nhược, cam chịu và chấp nhận lối suy nghĩ: Chân lý thuộc về kẻ mạnh.
Chính sự "quen thuộc" trong việc đánh đập trẻ có thể tạo ra những con người độc ác, vô cảm trước nỗi đau của người khác. Về thể chất, trẻ có thể sẽ bình phục, nhưng về tinh thần, việc bạo hành sẽ để lại hậu quả lâu dài, "di truyền" đến cách dạy dỗ thế hệ sau.
Dì ghẻ đã đánh đập bé V.A nhiều lần, cha ruột bé biết nhưng không can thiệp.
PV: Điều phi lý là nhiều bố mẹ cho rằng họ được phép đánh con; ngược lại, người ngoài mà đánh trẻ sẽ bị phản ứng mạnh?
Chuyên gia Lê Khanh: Với phần lớn người Việt, con cái được xem là "tài sản quý báu". Các bà mẹ thì xem đứa con là một phần máu mủ, ôm ấp chiều chuộng và bao bọc ngay cả khi con đã lớn. Các ông bố thì lại xem trẻ như một "ước mơ nối dài", những gì mà họ chưa đạt được thì con cái sẽ phải làm được.
Chính cái tư tưởng con cái là tài sản quý báu hay là ước mơ của bố mẹ đó khiến họ cho rằng họ có quyền "xử lý" một cách toàn diện trên con. Khái niệm tôn trọng con như một nhân vị còn khá xa lạ với nhiều người. Từ đó, dẫn đến quan niệm "con của tôi thì tôi có quyền đánh mắng", thậm chí là nhục mạ hay hành hạ mà không cho phép trẻ có phản ứng.
Ngược lại, khi con mình bị người khác hành hạ, cha mẹ lại có những phản ứng bênh con thái quá, có khi không phân biệt đúng sai, dẫn đến hành động hay phản ứng đôi khi giẫm trên cả luật pháp.
Ai cũng nghĩ là vì con, nhưng thực ra là do sĩ diện hay tự ái bản thân chứ không phải là lo lắng hay quan tâm gì đến con. Nếu thực sự yêu thương, họ sẽ không cho phép ai làm tổn hại đến trẻ, kể cả bản thân mình.
Bé V.A đã ra đi tức tưởi dưới đòn roi mang tên "dạy dỗ".
PV: Lý lẽ của họ là đánh không làm con chết được; còn chiều chuộng thì con sẽ hư hỏng, thế còn nguy hiểm hơn?
Chuyên gia Lê Khanh: Đúng như vậy, ngược lại với việc hành hạ con, nhiều người lại chiều chuộng con một cách thái quá. Nghịch lý là có khi chính họ cũng là người đã từng cho con những trận đòn vô tội vạ nếu làm trái ý mình.
Việc chiều chuộng con ở đây là hoàn toàn sai vì nó khác hẳn với việc quan tâm, chăm sóc, yêu thương và tạo những điều kiện thuận lợi cho con phát triển. Chớ nhầm lẫn giữa tình yêu thương đúng cách dành cho con với sự cưng chiều, không dám đánh đòn một cách mù quáng.
Đứa con được cưng chiều thái quá sẽ có thể bị xã hội làm hư, thậm chí có thể hư mà không cần đến tác động xã hội; nhưng đứa con được yêu thương và tôn trọng thì sẽ đủ tự tin mà không bị tác động bởi xã hội.
Vấn đề không phải đánh hay không, mà là giáo dục thế nào
PV: Nhiều cha mẹ khẳng định, họ cũng bị đánh, mắng trong suốt những năm tháng tuổi thơ nhưng vẫn lớn lên bình thường và trở thành người tốt. Nên đánh con cũng là một cách dạy?
Chuyên gia Lê Khanh: Điều quan trọng ở đây không phải là đánh hay không đánh mà là cách nhìn nhận bản chất của vấn đề. Chúng ta cần nghiêm khắc trong việc dạy con, và điều này không có nghĩa là phải dùng đến roi, hay chửi bới, nhục mạ, mà là thái độ kiên quyết trong các biện pháp kỷ luật không bạo lực.
Ngoài ra, việc đánh con một, hai roi, nếu đúng cách thì vẫn có những giá trị nhất định. Nhưng đó chỉ có thể là một trong những biện pháp kỷ luật và phải được vận dụng phù hợp, chứ không phải lúc nào cũng dựa vào cái roi.
Khi đứng trước một hành vi sai trái của con, tùy theo vấn đề mà sẽ có những biện pháp kỷ luật khác nhau từ nặng đến nhẹ. Điều quan trọng là mức độ nặng nhẹ này tùy vào tính cách và nhu cầu của trẻ, chứ không phải tùy vào cảm xúc của bố mẹ.
Nếu vui vẻ thì xử nhẹ còn cáu giận thì xử nặng, cảm thấy mất mặt với mọi người thì "ra tay" không thương tiếc, đó là chúng ta "xử" đứa trẻ theo nhu cầu của chính mình, chứ không phải là dạy bảo đứa trẻ.
Chiếc gậy gỗ mà dì ghẻ dùng để đánh bé V.A.
PV: Vậy thì phải làm sao để có thể dạy trẻ ngoan nếu không sử dụng đòn roi, thưa ông?
Chuyên gia Lê Khanh: Đi học một vài khóa "Kỷ luật không nước mắt" chăng? Không hẳn. Việc "học nghề làm cha mẹ" là điều cần thiết, nhưng ta có thể học ở nhiều nguồn khác nhau, mà nguồn tốt nhất chính là sự làm gương và khả năng tự học.
Điều đầu tiên trong việc dạy con, chính là việc phải hiểu con, hiểu về tính cách, năng lực, nhu cầu và sở thích của con. Điều thứ hai là cần tôn trọng sự khác biệt, đừng suy nghĩ con tôi phải giống tính tôi để rồi ép con vào khuôn khổ bằng sự áp đặt và chiều chuộng, thậm chí là mua chuộc. Điều thứ ba là phải biết cách chọn cho con môi trường giáo dục phù hợp.
Sự rõ ràng, nghiêm khắc và yêu thương, tôn trọng sự khác biệt để giúp trẻ rút ra những bài học cho chính mình là điều cần thiết cho sự phát triển. Điều này thì đòn roi hay những biện pháp trừng phạt không bao giờ có thể đem lại cho đứa trẻ. Chỉ có sự làm gương cùng những biện pháp giáo dục phù hợp mới có thể giúp cho trẻ trở nên những con người trưởng thành một cách lành mạnh.
Xin trân trọng cảm ơn chuyên gia!
Tranh cãi nảy lửa dì ghẻ có tội cố ý giết người hay hành hạ người khác, luật sư phân tích Dư luận dậy sóng vì cho rằng, tội của dì ghẻ Quỳnh Trang rất lớn. Vai trò của người bố trong vụ việc bạo hành dẫn đến cái chết của bé V.A cũng cần xem xét. Dân mạng "luận tội" dì ghẻ Vụ việc dì ghẻ bạo hành bé 8 tuổi đã được Công an quận Bình Thạnh khởi tố vụ án với...