Grab bổ nhiệm nữ giám đốc điều hành người Việt
Tân Giám đốc điều hành của Grab có 17 năm làm việc tại Unilever Việt Nam và hiện là đồng Chủ tịch Hiệp hội Tiếp thị di động Việt Nam.
Grab vừa chính thức công bố bà Nguyễn Thái Hải Vân sẽ đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành của Grab tại Việt Nam, bắt đầu từ ngày 1/2. Trên cương vị mới, bà Nguyễn Thái Hải Vân sẽ tập trung vào việc hoạch định chiến lược phát triển cho tất cả hoạt động kinh doanh của Grab tại Việt Nam.
Bà Hải Vân đã gia nhập Grab Việt Nam từ ngày 1/11/2019, sau thời gian 17 năm làm việc tại Unilever Việt Nam. Bà từng là Phó chủ tịch phụ trách ngành hàng chăm sóc cá nhân và điều phối hoạt động kinh doanh tiếp thị của hàng loạt ngành hàng của Unilever Việt Nam và Unilever Đông Nam Á. Bà Vân cũng đang là Đồng Chủ tịch Hiệp hội Tiếp thị di động Việt Nam.
Tân Giám đốc điều hành của Grab tại Việt Nam Nguyễn Thái Hải Vân.
“Đã từ lâu, chúng tôi luôn muốn tìm kiếm nhân sự người Việt để dẫn dắt Grab Việt Nam. Chúng tôi tin chắc rằng bà Hải Vân, với nền tảng kinh nghiệm vững chắc, niềm đam mê công nghệ, và đặc biệt cùng tình yêu, sự gắn bó sâu sắc đối với đất nước và văn hóa Việt Nam của một người Việt, sẽ thúc đẩy sứ mệnh thông qua công nghệ để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam mà Grab luôn theo đuổi”, ông Russell Cohen, Giám đốc Vận hành khu vực Đông Nam Á của Grab, cho biết.
Bà Hải Vân kế nhiệm ông Jerry Lim, người sẽ trở lại Singapore để đảm nhiệm vị trí Giám đốc Vùng, quản lý bộ phận Trải nghiệm Khách hàng khu vực Đông Nam Á.
Video đang HOT
“Trong suốt 2 tháng qua, bà Hải Vân đã sâu sát tình hình hoạt động của công ty, điều phối các buổi thảo luận nhằm mục tiêu phục vụ khách hàng, đối tác tài xế và đối tác nhà hàng tốt hơn nữa. Với sự am hiểu sâu sắc về thị trường và người tiêu dùng Việt Nam, tôi tin rằng bà Hải Vân sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các quan hệ hợp tác với các đối tác trong nước, từ đó mang đến những lợi ích kinh tế – xã hội lớn hơn cho cộng đồng”, ông Jerry Lim nhận xét.
Trao đổi với VnExpress trên cương vị mới sáng ngày 13/1, bà Hải Vân cho biết quyết định nhận lời đầu quân cho Grab bởi công việc cũ và công việc mới có cùng điểm chung là đều hướng đến nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống người tiêu dùng.
Bà Hải Vân ngồi vào “ghế nóng” trong bối cảnh người tiền nhiệm Jerry Lim đã xây dựng một nền tảng phát triển mạnh mẽ, đi trước các đối thủ trên thị trường là lời hứa rót thêm 500 triệu USD của Grab vào thị trường Việt Nam.
Bà nói sẽ nắm bắt và khai phá những cơ hội mới trong các lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), công nghệ di động (mobility) và logistics, với mục tiêu biến Grab “thành người bạn đồng hành với mọi người từ sáng thức giấc đến tối khi về nhà”.
“Thứ nhất, trong ngắn hạn, tôi hướng đến mở rộng các dịch vụ trong hệ sinh thái hơn nữa và bền vững để đạt hiệu quả lâu dài. Thứ hai, tiến tới đưa Grab hiện diện đủ ở tất cả tỉnh thành. Thứ ba, Grab vừa rồi đã công bố chương trình ‘Grab vì cộng đồng’ và sẽ công bố cụ thể hơn chương trình này, tạo điều kiện tăng thu nhập và mở rộng kinh doanh hơn cho các đối tác. Ngoài ra, ở mảng thanh toán không dùng tiền mặt, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hợp tác với Moca để giới thiệu đến người dân nhiều dịch vụ tài chính toàn diện hơn”, bà Vân chia sẻ mục tiêu của mình.
Sau hai tháng làm việc tại Grab, bà Vân đánh giá cao môi trường làm việc trẻ, năng động và mức độ am hiểu, theo sát nhu cầu thị trường nhờ vào nguồn dữ liệu lớn và công nghệ phân tích của Grab. Đặc biệt, bà nói rằng mình cảm thấy may mắn vì tiếp quản “di sản” thành công của ông Jerry Lim.
“Từ kinh nghiệm của tôi, với tần suất sử dụng và độ trung thành của người dùng Grab thì với thương hiệu khác thường phải cần đến mười mấy năm. Tuy nhiên, Grab làm được điều đó chỉ với 6 năm tuổi tại Việt Nam. Tôi cảm thấy rất vững tin vào tương lai và có nhiều điều có thể làm nữa tại thị trường này”, bà Vân nói.
Bà Vân cũng có cái nhìn lạc quan về định hướng của Nghị định 86 sau nhiều lần dự thảo. Bà tin rằng nghị định này sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các mô hình kinh doanh mới, cụ thể như kết nối việc di chuyển để phục vụ nhu cầu người dân hợp thời và tốt nhất.
“Những loại hình này hiện đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống. Do đó, nghị định này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích phát triển nền kinh tế số, đảm bảo những nguồn lực đầu tư kinh doanh trong xã hội được hiệu quả hơn”, Tân Giám đốc điều hành của Grab nhận định.
Theo vnexpress
Người Việt mất 20 nghìn tỷ đồng vì virus máy tính
Trong năm 2019, Việt Nam có 85,2 triệu lượt máy tính nhiễm mã độc, gây thiệt hại 20.892 tỷ đồng.
Theo báo cáo tổng kết an ninh mạng của Bkav, tình hình an toàn thông tin tại Việt Nam trong năm 2019 có nhiều biến chuyển tích cực, tuy nhiên, số trường hợp nhiễm mã độc, bị virus tấn công vẫn còn nhiều, gây thiệt hại trên quy mô lớn. Số lượt máy tính nhiễm mã độc trong năm 2019 tăng 3,5% so với năm 2018. Thiệt hại do virus máy tính gây ra cho người dùng Việt cũng tăng từ 14.900 tỷ đồng năm 2018 lên 20.892 tỷ đồng năm 2019.
Năm 2019, người Việt thiệt hại gần 1 tỷ USD vì virus máy tính.
Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc virus máy tính lây lan tại Việt Nam là thói quen tải phần mềm trên mạng. Theo báo cáo từ Bkav, cứ 10 máy tính tải các phần mềm từ Internet về cài đặt thì có 8 máy nhiễm virus. Ngoài ra, email cũng là những con đường lây lan khi số trường hợp nhiễm virus qua thư điện tử tăng 4% so với năm trước, trong khi tỷ lệ lây nhiễm qua đường USB đã giảm 22% trong năm 2019, xuống mức 55%.
Hiện vẫn còn 41,04% máy tính chứa lỗ hổng SMB, từng bị virus Wanna Cry khai thác. Ransomware cũng khiến 1,8 triệu lượt máy tính bị mất dữ liệu trong năm 2019, tăng 12% so với năm 2018. Trong số này có rất nhiều máy chủ chứa dữ liệu của các cơ quan, doanh nghiệp, gây đình trệ hoạt động của các đơn vị này trong nhiều ngày.
Đã có một chiến dịch quy mô lớn của hacker nước ngoài tấn công vào các máy chủ có mật khẩu yếu tại Việt Nam trong năm 2019. Không lây nhiễm mã độc, hacker còn dò tìm các server có mật khẩu yếu, từ đó, thực hiện truy cập trái phép từ xa nhằm cài mã độc mã hóa dữ liệu. Kiểu tấn công này khiến phần mềm diệt virus sẽ bị vô hiệu hóa do hacker đã chiếm được toàn quyền điều khiển máy chủ.
Theo tổng kết của Bkav, 420.000 máy tính tại Việt Nam đã bị nhiễm loại mã độc tấn công APT có tên W32.Fileless. "Kỹ thuật mà W32.Fileless sử dụng rất tinh vi và có thể nói đã đạt đến mức "tàng hình". Mã độc này không để lại bất cứ dấu hiệu gì về sự tồn tại của chúng dưới dạng file nhị phân trên ổ cứng máy tính như các loại mã độc thông thường. Mã độc này phát tán thông qua USB hay qua khai thác lỗ hổng hệ điều hành", Bkav cho biết.
Các cuộc tấn công có chủ đích (APT) nhằm vào hàng trăm nghìn máy tính tại Việt Nam năm 2019.
Để tăng cường khả năng bảo vệ trước các cuộc tấn công mạng, Bkav khuyên người dùng nên thực hiện các biện pháp, như chỉ tải phần mềm có nguồn gốc rõ ràng, quét virus cho USB trước khi sử dụng, mở các file nhận được từ Internet trong môi trường cách ly an toàn, thường xuyên cập nhật bản vá lỗ hổng, đặt mật khẩu mạnh cho máy tính.
Theo vnexpress
Tài xế Grab, Be 'méo mặt' với mức phạt lỗi đeo tai nghe mới Theo nghị định mới, lỗi đeo tai nghe khi tham gia giao thông đã được tăng mức phạt lên nhiều lần. Điều này khiến cánh tài xế công nghệ buộc phải tuân thủ luật hơn. Theo luật sư Trần Minh Quang, việc sử dụng tai nghe để nghe nhạc khi đang điều khiển xe máy là vi phạm pháp luật Việt Nam. Trước...