Google mở rộng chương trình thưởng tiền sang cả Chromium OS
Google cho biết, cả chương trình thưởng tiền phát hiện lỗi bảo mật web và trình duyệt Chromium của mình đều thành công lớn.
Được cổ vũ bởi sự thành công từ các chương trình thưởng tiền phát hiện lỗi bảo mật web và trình duyệt Chromium của mình, Google đã quyết định mở rộng phạm vi của chúng để bao gồm cả các vấn đề bảo mật trong hệ điều hành Chromium OS.
Kể từ khi ra mắt hồi tháng 11/2010, chương trình thưởng tiền phát hiện lỗi bảo mật web của Google đã tạo ra các báo cáo về khoảng 1.100 vấn đề bảo mật hợp pháp, ảnh hưởng đến hàng trăm dịch vụ và ứng dụng web của Google.
Google đã chi tổng cộng 410.000 USD cho hơn 200 nhà nghiên cứu vì đã báo cáo 730 lỗ hổng có đủ điều kiện khen thưởng. Tuy nhiên, 410.000 USD có thể chỉ là một phần nhỏ của khoản tiền Google sẽ phải trả để tìm ra số lỗ hổng bằng vậy thông qua những công ty bảo mật chuyên nghiệp.
Theo kĩ sư Chris Evans, một chương trình thưởng tiền phát hiện lỗi bảo mật khác của công ty – Chromium Security Rewards Program (CSRP) – trả tiền cho các nhà nghiên cứu vì đã tìm ra lỗ hổng trong trình duyệt nguồn mở Chromium – cơ sở cho Google Chrome – cũng thành công lớn.
Video đang HOT
Sau hơn 2 năm thực hiện, thông qua CSRP, Google đã trả hơn 300.000 USD cho các nhà nghiên cứu bảo mật vì đã tìm ra lỗi trong phần mềm hệ thống (nhân Windows/thư viện đồ họa Mac OS X/GNU libc), mã Chromium/WebKit và những thư viện nguồn mở phổ biến (libxml, ffmpeg).
Giờ đây, Google đã quyết định mở rộng phạm vi của chương trình thưởng tiền phát hiện lỗi bảo mật Chromium của mình để cũng trao thưởng cho những nhà nghiên cứu đã khám phá ra các lỗ hổng có mức độ nghiêm trọng cao trong Chromium OS – hệ điều hành dựa trên Linux được xây dựng xung quanh trình duyệt Chromium.
Đây là một quyết định quan trọng đối với công ty, bởi vì Chromium OS có một cơ sở mã lớn và nhiều mã của nó được vay mượn từ các dự án nguồn mở và Linux.
Theo PCWorld VN
Mỹ thưởng tiền cho người tố cáo tham nhũng
Ủy ban chứng khoán Mỹ vừa ra báo cáo hàng năm về Chương trình tặng thưởng người tố cáo tham nhũng Dodd-Frank năm tài khóa 2011. Theo Đạo luật Dodd-Frank, Ủy ban có những phần thưởng bằng tiền cho các cá nhân ở bất kỳ nơi nào trên thế giới cung cấp thông tin cho nhà chức trách điều tra và khởi tố các vụ tham nhũng liên quan tới doanh nghiệp Mỹ.
Từ khi các quy định chính thức có hiệu lực từ ngày 12/8/2011 tới khi kết thúc năm tài khóa 2011, nhà chức trách Mỹ đã nhận được 334 thông tin tố cáo tham nhũng từ 37 quốc gia, trong đó có Trung Quốc (10 đơn thư) và Anh (9 đơn thư), bên cạnh các nước như Australia, Italia, Na Uy...
Các phần thưởng giá trị khoảng 10% - 30% số tiền tham nhũng thu hồi được, lấy từ Quỹ bảo vệ nhà đầu tư của Ủy ban. Hàng năm, chương trình tặng thưởng này phải báo cáo cho Quốc hội về hoạt động, về đơn thư khiếu nại của người tố cáo, và các hồi đáp của Ủy ban với những đơn thư đó.
Ông Lưu Hoàng Hà, luật sư chuyên tư vấn các vấn đề tuân thủ và bảo vệ cho doanh nghiệp thuộc công ty Luật LDV Lawyers, nhận định, đạo luật này của Mỹ không được thiết kế để nhằm đến bất kỳ một quốc gia cụ thể, mà nhằm vào các công dân, công ty Mỹ chịu sự điều chỉnh của luật khi làm ăn ở nước ngoài. Luật sư Hà gọi phần thưởng mà Mỹ đưa ra là khoản "khuyến khích" tài chính khổng lồ, tạo thêm một động lực rất lớn cho người tố cáo ở bất kỳ quốc gia nào.
Vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra nhận định về ảnh hưởng của chương trình tặng thưởng người tố cáo tham nhũng Dodd-Frank đối với Việt Nam. "Trước mắt, chắc chắn các công ty Mỹ, công dân Mỹ, hoặc các công ty khác chịu sự ảnh hưởng của đạo luật này sẽ tiếp tục tăng cường sự tuân thủ luật pháp trong hoạt động của mình tại các nước có rủi ro cao về tham nhũng", ông Hà nói.
Đến nay, sau 10 năm hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ ra đời, giá trị thương mại hai nước đã có giá trị hơn 20 tỉ USD. Sự có mặt của các doanh nghiệp Mỹ ở Việt Nam được xem là cơ hội lớn về kinh tế cho cả hai nước, nhưng cũng như bất kỳ nơi nào khác, các doanh nghiệp Mỹ cũng đối mặt với nguy cơ bị điều tra và bị phạt nặng nếu có hành vi hối lộ ở Việt Nam. Người có thông tin muốn tố cáo có thể liên hệ với Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) hoặc Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ), hoặc thông qua luật sư đại diện.
Từ năm 2004 - 2007, DOJ và SEC đã phạt gần 350 triệu USD trong các vụ án liên quan tới Luật chống hối lộ ở nước ngoài (FCPA). Tính tới giữa tháng 11/2010, tổng số tiền phạt là gần 1,7 tỉ USD, gấp đôi năm 2009. Năm 2009, SEC và DOJ đã khởi tố 42 cá nhân vì các vi phạm FCPA, tăng so với 16 cá nhân năm 2008.
Aon phải trả 16,26 triệu USD để giải quyết vụ hối lộ
Trụ sở của Aon ở Chicago. Ảnh: Chicago Tribune
Tờ Wall Street Journal ngày 20/12 cho biết, tập đoàn Aon, một trong những nhà môi giới bảo hiểm, quản lý tài chính lớn trên thế giới đã phải đồng ý trả hơn 16 triệu USD để giải quyết vụ việc bị cho là vi phạm luật hối lộ của Mỹ. Aon đã trả các khoản "không phù hợp" trị giá hơn 3,6 triệu USD từ năm 1983 - 2007 cho nhiều quan chức chính phủ ở Costa Rica, Ai Cập, Bangladesh...
Theo đơn kiện lên Ủy ban chứng khoán Mỹ, bên kiện cho rằng số tiền này đã không được thể hiện đúng trong sổ sách chứng từ và Aon đã thu về hơn 11,4 triệu USD lợi nhuận từ các khoản chi trả "không phù hợp" đó.
Aon đã đồng ý trả 14,5 triệu USD mà không đồng ý hay phản đối đơn kiện, và trả 1,76 triệu USD tiền phạt cho Bộ Tư pháp Mỹ, nơi ký một thỏa thuận không khởi tố đối với công ty.
Theo VietNamNet