Google hoàn thiện công nghệ trò chuyện qua video thế hệ mới
Starline, một dạng dịch vụ hội nghị truyền hình phức tạp của Google, tạo cảm giác như đang ngồi đối diện với người còn lại trong cuộc hội thoại, khiến cho các tương tác giữa hai bên trở nên rất thật.
Hiện công nghệ Starline mới chỉ được Google thử nghiệm trong nội bộ công ty. (Nguồn: Google)
Dự án Starline của Google sắp trở nên phổ biến hơn. Đây là tin tức đáng chú ý với những người đã chán việc phải gọi điện video với người khác qua phần mềm Zoom, nhưng cũng không thích các cuộc đối thoại trực tiếp.
Google đã giới thiệu Starline vào năm 2021 với mục tiêu làm cho các cuộc gọi điện video trở nên thân thiện với người dùng hơn, bớt cảm giác kỳ lạ và khó chịu.
Về cơ bản, đây là một dạng dịch vụ hội nghị truyền hình phức tạp, sử dụng kết hợp máy ảnh, các cảm biến độ sâu và hình ảnh ba chiều để giả lập các cuộc trò chuyện trực tiếp giữa hai con người thực tế đang ở cách nhau rất xa.
Một bộ camera do Google cung cấp thậm chí còn theo dõi chuyển động mắt của cả hai người tham gia cuộc trò chuyện và tự động điều chỉnh chế độ xem ở cả hai phía, để các bên có thể giao tiếp bằng mắt trên Starline.
Phóng viên trang tin Wired đã có cơ hội thử nghiệm Starline và thấy rằng nó hoạt động rất tốt, tạo được cảm giác như đang ngồi đối diện với người còn lại trong cuộc hội thoại, khiến cho các tương tác giữa hai bên trở nên rất thật.
Google đã thử nghiệm Starline trong nội bộ công ty và đã có kế hoạch lập hàng loạt điểm sử dụng dịch vụ Starline tại các văn phòng bên ngoài công ty. Vì lý do này, người dùng hiện chưa thể sử dụng Starline, trừ khi họ tình cờ làm việc với một trong những công ty mà Google đang hợp tác tại Mỹ.
Theo Wired, chưa rõ Google có kế hoạch gì với công nghệ mới này. Công ty mới chỉ định nghĩa nó như một cách để những người thân hoặc đồng nghiệp ở xa kết nối với nhau.
Video đang HOT
Khả năng tạo ra sự tương tác giống ngoài đời thật của công nghệ mới sẽ giúp những người phải làm việc từ xa trong thời gian dài thực hiện những cuộc trò chuyện liên tục và ít bị gián đoạn hơn./.
Các ký hiệu trên thẻ nhớ SD có ý nghĩa gì
Các thông tin ghi trên thẻ nhớ thường khiến người dùng cảm thấy hoang mang khi chọn mua vì có quá nhiều con số và ký hiệu khó hiểu.
Thẻ nhớ là một trong những phụ kiện quan trọng với người dùng sử dụng các thiết bị công nghệ hiện nay từ smartphone, laptop, máy tính bảng hay máy ảnh...
Thế nhưng, tốc độ của thẻ nhớ SD lại là một trong những tiêu chí người dùng thường bỏ sót khi lựa chọn các thiết bị công nghệ.
Lợi ích của một chiếc thẻ nhớ nhanh
Trên thực tế, việc chọn đúng thẻ nhớ sẽ cải thiện đáng kể trải nghiệm chơi game, chụp ảnh hay thậm chí giúp người dùng quay những thước phim có độ phân giải cao.
Nếu sử dụng máy chơi game Nintendo Switch bị giới hạn về bộ nhớ, mua thêm thẻ nhớ SD chính là giải pháp. Vào lúc này, bất cứ loại thẻ nhớ nào cũng có thể hoạt động tốt, nhưng nên nhớ tốc độ càng nhanh thì người dùng sẽ càng tiết kiệm thời gian tải game. Do đó, nếu không có kiên nhẫn chờ đợi mỗi khi mở trò chơi, người dùng nên mua thẻ SD tốc độ cao.
Bên cạnh đó, thẻ nhớ chậm cũng bộc lộ nhiều khuyết điểm trong trải nghiệm sử dụng hàng ngày. Cụ thể, các nhiếp ảnh gia chuyên chụp chế độ chụp ảnh liên tiếp sẽ cần mua những chiếc thẻ nhớ tốt để lưu trữ nhanh các tấm ảnh ngay tức thì. Đây là điều thẻ SD chậm không thể làm được.
Tương tự, các camera theo dõi chất lượng 4K hoặc 6K sẽ trở nên vô dụng nếu không có thẻ nhớ có tốc độ nhanh, lưu trữ video có dung lượng lớn.
Thẻ nhớ SD là một phụ kiện cần thiết cho các thiết bị công nghệ hiện nay như smartphone, máy tính bảng... Ảnh: SanDisk.
Tuy nhiên, các nhãn tên trên thẻ nhớ có thể khiến người dùng cảm thấy khó hiểu với nhiều con số và ký hiệu khác nhau. Nhưng nếu quan tâm đến tốc độ, người dùng chỉ cần để ý đến một vài thông tin trên tấm thẻ mỗi khi chọn mua.
Giải mã các con số trên thẻ nhớ
Theo Wired, trước khi mua thẻ nhớ, người dùng cần xem cấp độ của tốc độ thẻ nhớ (Speed Class). Tiêu chí này thường được thể hiện bằng các con số có biểu tượng chữ "C" hình tròn, biểu tượng chữ "U" hoặc biểu tượng chữ "V" nằm bên cạnh hoặc bao quanh.
Với biểu tượng hình chữ "C", đây là cấp tốc độ ban đầu. Trên các thẻ SD mới hiện nay, con số thường thấy là số 10, tương đương với tốc độ ghi cao nhất trên thẻ nhớ.
Theo lý thuyết, chữ số này sẽ biểu thị cho tốc độ ghi dữ liệu tối thiểu của thẻ nhớ như thẻ Class 2 sẽ có tốc độ 2 MB/s, tương tự Class 4,6,10 lần lượt là 4 MB/s, 6 MB/s và 10 MB/s. Sau này dù các thẻ nhớ đã có tốc độ vượt xa 10 MB/s nhưng các nhà sản xuất vẫn chỉ ký hiệu C10 hoặc Class 10. Do đó, lời khuyên người dùng nên chọn các thẻ nhớ có số càng lớn càng tốt.
Tiếp theo, một cấp tốc độ khác là UHS Speed Class bao gồm U1, U3. Tương tự cấp C, cấp tốc độ UHS cũng biểu thị tốc độ ghi tối thiểu như U1 có nghĩa là tốc độ ghi tối thiểu 10 MB/s, U3 tương ứng với 30 MB/s.
Nhưng điều rắc rối là một số thẻ nhớ tốc độ siêu nhanh (ultra-fast SD card) còn được gắn nhãn loại UHS bus được biểu thị bằng ký hiệu chữ số La mã "I" hoặc "II". Cụ thể, chuẩn UHS-II cho tốc độ đọc tối đa là 104 MB/s, trong khi UHS-II có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 312 MB/s.
Đây đều là những tốc độ hàng đầu trong các loại thẻ nhớ nhưng chúng không biểu thị tốc độ đọc thông thường của thẻ. Nếu cần sử dụng thẻ SD cho những tác vụ nặng như quay video 6K, 8K, người dùng nên chọn mua những thẻ có nhãn UHS-II, Wired khuyến cáo.
Cuối cùng, cấp tốc độ video cũng là một tiêu chí người dùng cần quan tâm khi mua thẻ nhớ. Cấp tốc độ video thường được ký hiệu bằng biểu tượng chữ "V" bao gồm 5 loại V6, V10, V30, V60 và V90 tương ứng với tốc độ ghi tối thiểu là 6 MB/s, 10 MB/s, 30 MB/s, 60 MB/s và 90 MB/s.
Tốc độ chưa phải là tất cả
Theo Wired, những biểu tượng này chỉ biểu thị thông tin cơ bản nhất. Thay vì nằm trên thẻ, người dùng hoàn toàn có thể tìm thấy tốc độ thật của thẻ nhớ trên website của nhà sản xuất hoặc bao bì bên ngoài. Do đó, họ cần kiểm tra kỹ các thông số này vì con số trên lý thuyết và trải nghiệm thực tế có thể sẽ rất khác nhau.
Tốc độ càng cao không có nghĩa là thẻ nhớ sẽ càng tốt. Ảnh: The New York Times.
Bên cạnh đó, nên nhớ rằng tốc độ đọc và viết trên thẻ SD là hoàn toàn khác nhau. Nếu muốn chụp nhiều tấm ảnh cùng một lúc, thẻ nhớ không chỉ cần tốc độ đọc nhanh mà tốc độ ghi cũng phải đủ để lưu trữ nhanh dữ liệu.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc những số liệu ghi trên thẻ nhớ vẫn chưa đủ để xác định xem thiết bị này có phù hợp với người dùng hay không, buộc người dùng phải trải nghiệm trong điều kiện thực tế, Wired nhận định.
Bên cạnh đó, một câu hỏi được đặt ra là liệu người dùng có cần mua thẻ nhớ nhanh nhất hay không. Thẻ nhớ có tốc độ càng nhanh sẽ càng đắt tiền dù có dung lượng bộ nhớ tương đương với các mẫu khác.
Do đó, những thiết bị này sẽ phù hợp với những người cần lưu trữ hoặc di chuyển lượng dữ liệu lớn cùng một lúc. Còn với những người dùng thông thường, cần bộ nhớ trong lớn, một chiếc thẻ nhớ có tốc độ chậm vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của họ.
Ngoài ra, người dùng cũng nên cân nhắc về khả năng tương thích của thẻ nhớ với thiết bị. Đơn cử như tay cầm Nintendo Switch chỉ có thể truyền tải dữ liệu với tốc độ tối đa là 95 MB/s nên những thẻ nhớ có tốc độ nhanh hơn sẽ trở nên vô dụng, Wired nhận định.
Mẹo nhỏ giúp chặn hoàn toàn việc Google Chrome 'ngốn' pin Trình duyệt Google Chrome từ lâu đã nổi tiếng về mức độ 'ngốn' RAM và hao pin, tuy nhiên, danh hiệu này có thể sẽ biến mất nhờ chế độ tiết kiệm pin mới. Google Chrome nổi tiếng về độ ngốn pin và ngốn RAM. Ảnh: Pexels Trong phiên bản Chrome Canary 108, Google đã bổ sung thêm chế độ tiết kiệm pin...