Google, Facebook liên minh giảm giá Internet
Một số tên tuổi lớn nhất giới công nghệ cùng nhau kí vào sáng kiến nhằm giảm giá Internet tại các quốc gia đang phát triển.
Google hợp tác với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ và Phòng Phát triển quốc tế Anh để thành lập liên minh mới có tên Liên minh vì Internet giá rẻ. Tổ chức chính thức ra mắt hôm 7/10 với hơn 30 thành viên, bao gồm Facebook, Microsoft, Yahoo và Tim Berners-Lee, người phát minh ra World Wide Web.
Tại thời điểm này, tổ chức cho biết có 91% của 1,1 tỉ hộ gia đình trên thế giới chưa có kết nối Internet tại các nước đang phát triển. Vì thế, một số lĩnh vực quan trọng như sức khỏe, giáo dục, y tế cũng bị ảnh hưởng.
Video đang HOT
Lí do là vì mức giá băng rộng vẫn còn đắt đỏ. Tại các nước phát triển, chi phí băng rộng chỉ bằng khoảng 1,7% thu nhập trung bình tháng còn tại khu vực đang phát triển, nó chiếm tới 30,1%. Để thay đổi điều đó, liên minh lên kế hoạch đẩy chi phí truy cập Internet xuống chỉ chiếm 5% thu nhập tháng.
Trong một phát biểu, ông Berners-Lee cho rằng với sự phát triển của smartphone giá rẻ, cáp quang biển và tiến bộ trong việc sử dụng phổ không dây, không có lí do nào để sự chênh lệch kĩ thuật số được tiếp diễn.
Hilary Clinton, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, là người đầu tiên đề cập đến kế hoạch hình thành liên minh Internet giữa các cơ sở công và doanh nghiệp tư nhân trước khi bà từ chức vào tháng 2 năm nay. Khi đó, bà từng mong muốn “giúp đỡ thêm một tỉ người lên mạng”.
Theo ICTnews/Mashable
Cha đẻ Internet cáo buộc Chính phủ Anh kiểm duyệt Internet quá gay gắt
Nhà phát minh World Wide Web - người đặt nền móng cho mạng thông tin toàn cầu Internet ngày nay, Ông Tim Berners-Lee đã lên tiếng cáo buộc chính phủ Anh đang vi phạm quá mức quyền riêng tư trên Internet của người dùng thông qua việc giám sát hoạt động của họ trên mạng thông tin toàn cầu quá chặt chẽ.
Tim cũng cảnh báo rằng, các kế hoạch giám sát việc sử dụng Internet của cá nhân người dùng sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của Anh, khi mà quốc gia này được coi là một trong những nước có tính tự do truy cập Internet cao nhất. Những điều luật rất có thể sẽ bị cáo buộc xâm phạm đến quyền riêng tư của người dân. Dự luật được đề xuất bởi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Theresa May, bắt buộc các nhà cung cấp dịch vụ phải lưu trữ hồ sơ về mọi cuộc gọi điện thoại, e-mail và việc truy cập Internet của người dùng tại Anh.
Trả lời phỏng vấn của Times, Tim cho biết "Tại Anh, cũng tương tự Mỹ, đã có hàng loạt đạo luật, dự luật mang tới cho Chính phủ quyền can thiệp vào Internet rất mạnh mẽ chẳng hạn như được thu thập dữ liệu trực tuyến của người dùng. Tôi rất lo ngại về điều đó".
Vào ngày 5/9 vừa qua, bảng xếp hạng World Wide Web Foundation Index Web toàn cầu - phân tích tác động của việc kết nối và truy cập mạng đến các chỉ số như chính trị, kinh tế và xã hội để xếp hạng cho 61 quốc gia đã ra mắt.Theo bảng xếp hạng này, Anh là quốc gia đứng ở vị trí thứ ba trong khi đứng đầu là Thụy Điển và Mỹ ở vị trí thứ hai. Phát biểu tại buổi ra mắt, Tim nói rằng nước Anh sẽ sớm tụt hạng nếu dự thảo Luật Dữ liệu Truyền thông được áp dụng vào thực tế. Bà May đã chứng minh sự cần thiết của Đạo luật này thông qua việc phân tích rằng nó rất cần thiết để chống lại tội phạm có tổ chức và quân khủng bố.
Dự luật mới này yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải lưu trữ các dữ liệu mà họ thu thập được từ người dùng trong khoảng thời gian ít nhất 12 tháng. Đồng thời, nhà cung cấp cũng phải lưu thông tin chi tiết của một tập hợp dữ liệu lớn hơn, bao gồm cả việc sử dụng các trang mạng xã hội, webmail và các cuộc gọi thoại qua Internet của người dùng.
Theo Genk