Gỏi lươn trộn bắp chuối
So với các loài thủy sản nước ngọt, lươn là một trong những món ngon và bổ dưỡng nhất.
Gỏi lươn trộn bắp chuối – Ảnh: Hoài Vũ
Người miền Tây hầu như ai cũng thích lươn. Do đó các nhà hàng và quán ăn đặc sản đã không ngừng sáng tạo nhiều món ngon độc đáo để phục vụ du khách, trong đó có món gỏi lươn trộn bắp chuối (hoa chuối) vừa thơm ngon, vừa hấp dẫn, chỉ cần thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi mùi vị của hương đồng cỏ nội.
Muốn làm món này, người sành ăn thường chọn cho được những con lươn bụng vàng, còn sống, to khoảng 300-500gr/con đem về xát muối hoặc tro nhiều lần, rồi cạo rửa sạch nhớt bằng nước ấm (cũng có thể dùng nước chanh để vuột lươn). Sau đó mổ bụng, bỏ ruột, lấy bỏ chỉ lưng, cắt khúc rồi ướp thêm tỏi, ớt, muối độ 15 phút cho thấm đều trước khi đem nướng trên bếp than hồng.
Bắp chuối phải là bắp chuối xiêm, nếu có chuối hột càng tốt. Bắp chuối sau khi bào xong phải ngâm với nước chanh để giữ màu trắng trong. Xong vắt ráo, đem trộn với nước mắm, chanh, đường, hành phi, tỏi phi, ớt, rau răm, ngò gai. Kế đến xé nhỏ thịt lươn vừa nướng chín và sắp đều lên đĩa. Sau cùng rưới lên một lớp mỡ hành, rắc đậu phộng rang và trang trí thêm vài sợi ớt, rau răm cho bắt mắt.
Video đang HOT
Lươn vừa nướng chín – Ảnh: Hoài Vũ
Muốn cho hấp dẫn, người ta chăm chút món nước chấm sao cho vừa chua cay, vừa dịu ngọt để đĩa gỏi thêm phần đậm đà, thi vị.
Lươn nướng bao giờ cũng thơm ngon, ngọt đậm, mùi vị đặc trưng, hơi béo và có độ dai vừa phải. Không những thế, món gỏi lươn còn có sự hỗ trợ đắc lực của bắp chuối tuy dân dã, quê mùa nhưng mùi vị thật lạ, vừa giòn vừa ngọt pha chút chát, khác hẳn với gỏi đu đủ hoặc cải bắp mà nhiều người thường dùng.
Những ai từng thưởng thức món này đều phải ngợi khen bàn tay tài hoa, khéo léo của người nội trợ và sự phối hợp tinh tế giữa món lươn nướng nồng nàn cùng với các vị chua cay, mặn ngọt, thơm béo, hấp dẫn lạ kỳ. Gắp miếng lươn nướng vàng ươm đưa vào miệng, mùi thơm phức xen lẫn vị bùi, ngọt cứ quyện chặt vào nhau…
Vào các ngày cuối tuần, bạn bè rủ nhau đến các khu ẩm thực bình dân thưởng thức món gỏi lươn, vừa bồi dưỡng sức khỏe vừa thư giãn để xua tan mệt mỏi sau những ngày lao động vất vả, thật không gì thú vị bằng.
Theo tuổi trẻ
Bình dị bánh mì hấp ở Sài Gòn
Món ăn bình dị với một lát bánh mì, được phủ lên trên một ít mỡ hành, bì và thịt trộn... Bánh mì hấp cuốn với các loại rau và ăn kèm với nước mắm chua ngọt.
Bánh mì hấp là món ăn biến tấu rất độc đáo và đặc trưng của người dân miền Nam. Từ những ổ bánh mì không, bánh mì cũ người dân ở đây đã cho ra đời món bánh mì hấp giản dị nhưng rất ngon miệng.
Một đĩa bánh mì hấp gồm vài lát bánh mì được trét mỡ hành, bì, thịt trộn, củ sắn bằm nhỏ, hành tây... Món ăn được cuốn với các loại rau và ăn kèm với chén nước mắm pha hơi ngọt cùng ít đồ chua như: cà rốt, củ cải trắng. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ để những hàng bánh mì hấp đông khách vào giờ tan tầm.
Món ăn hấp dẫn thực khách bởi sự pha trộn khéo léo giữa các nguyên liệu với nhau. Ảnh: Khánh Hòa.
Làm bánh mì hấp không khó, nhưng vì có nhiều nguyên liệu trộn lẫn vào nhau nên đòi hỏi sự tỉ mỉ từ người đầu bếp. Bánh mì thường được bổ đôi, cắt thành từng đoạn nhỏ vừa ăn. Phần nhân của bánh mì được kết hợp nhiều nguyên liệu như bì, thịt bò hoặc thịt heo, củ sắn nước, hành lá, đậu phộng chín... Củ sắn được thái lát, bằm nhỏ. Thịt bò băm nhỏ, ướp gia vị vừa ăn. Khử dầu, cho củ sắn vào chảo, đảo đều, sau đó cho thịt bò vào, xào cho đến khi thịt bò săn lại là được.
Thịt heo rửa sạch, luộc chín và thái sợi, bì cũng thái sợi và để riêng. Lấy bánh mì xếp vào xửng hấp, để bánh mì không bị nát, vẫn giữ được độ dai và thơm ngon, người ta thường lót một lớp lá chuối trước khi xếp bánh mì lên trên. Khi hấp bạn nhớ canh thời gian vừa đủ, đừng để bánh mì chín quá, bị nhão, không ngon.
Các loại rau ăn kèm đem lại hương thơm cho món ăn và giúp thực khách không bị ngấy khi thưởng thức. Ảnh: Khánh Hòa.
Bánh mì hấp chín được bày ra đĩa, phết lên trên một ít mỡ hành, cho tiếp hỗn hợp củ sắn và thịt bò đã xào lên, tiếp sau đó là thịt heo thái sợi và bánh mì, rắc lên ít, đậu phộng, hành phi và thưởng thức. Món này phải ăn nóng mới cảm nhận được hết hương vị thơm ngon. Bánh mì hấp có cách ăn gần giống với bánh xèo của người miền Nam. Dùng một lá cải cay để trên lòng bàn tay, bên trên là xà lách, húng quế, húng thơm, diếp cá... sau cùng là một khúc bánh mì hấp, cuốn tròn lại chấm vào chén nước mắm và thưởng thức.
Chén nước chấm được pha hơi ngọt, cùng với ít đồ chua và ớt bằm. Ảnh: Khánh Hòa.
Cái vị bùi bùi, dẻo của bánh mì, cái beo béo của thịt, cái giòn giòn thơm thơm của các loại rau.. Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một hương vị thơm ngon rất đặc trưng. Trong cái lạnh của thời tiết ngày cuối năm như hiện nay, được thưởng thức hương vị thơm ngon, nóng hổi của những chiếc bánh mì hấp bốc khói thì thật là thú vị.
Khánh Hòa
Theo VNE
Sài Gòn: Lạ miệng với bánh ướt nem nướng Nem nướng không quá đặc biệt nhưng nhờ cái ngon của bánh ướt và nước mắm kết hợp nên đã tạo ra một món ăn khá tuyệt vời. Quán nhỏ lề đường bán ngay góc Lê Quý Đôn (gần nhà tang lễ) có một món khá đặc biệt là bánh ướt nem nướng giá bình dân. Bánh ướt thay vì được ăn chung...