Gỏi da cá lạc
Ở vùng ven biển, cá lạc được ưa chuộng vì bổ dưỡng. Cá lạc được chế biến thành nhiều món ngon như canh chua, um với gừng, nghệ, sả… Đặc biệt, món gỏi da cá lạc luôn hấp dẫn thực khách.
Cá lạc mình dài, da trơn dày, thân to tròn. Cá to bằng cổ chân người lớn, dài cả thước. Cá lạc lạng lấy da phơi vài nắng, rồi đem trộn gỏi thì ngon phải biết!
Món gỏi da cá lạc thơm ngon. Ảnh: Cao Duyên
Trước khi làm gỏi, da cá lạc được ngâm vào nước lạnh vài chục phút cho mềm và sạch bụi bám trong quá trình phơi. Vớt da cá lên để vào rổ lưới cho ráo nước rồi xắt từng miếng vuông nhỏ vừa ăn. Cho da cá vào chảo dầu đã phi thơm với hành tím. Chú ý lửa vừa phải để dầu không quá nóng, da cá phồng đều. Chiên đến khi màu da cá vàng đượm. Vớt da cá đã chiên đặt lên giấy thấm để chất dầu trong da được rút bớt. Làm vậy để miếng da cá không mềm nhũn khi ăn và cũng không có cảm giác ngán vì quá béo.
Da cá lạc là nguyên liệu chính làm nên món gỏi độc đáo. Để món gỏi da cá lạc thơm ngon, không thể thiếu rau diếp cá, nước mắm trộn gỏi, một ít tóp mỡ và đậu phụng rang. Rau diếp cá ngâm nước muối khoảng 10 phút rồi rửa bằng nước lạnh để rau tươi giòn. Thêm một ít rau húng, rau thơm trộn cùng với rau diếp làm cho mùi vị của món ăn thêm phong phú. Nước mắm trộn gỏi cho thêm tỏi, ớt giã nhuyễn, pha với một ít đường và bột ngọt. Thêm vị chua của nước cốt chanh để nước trộn gỏi có đầy đủ vị mặn, ngọt, chua, cay.
Sau khi đã chuẩn bị xong các nguyên liệu, đợi đến trước khi ăn khoảng 10 phút thì bắt đầu trộn gỏi, như vậy món gỏi mới ngon và hấp dẫn. Da cá lạc giòn rụm với mùi vị đặc trưng. Hương thơm các loại rau nhẹ nhàng lan tỏa. Món gỏi da cá lạc với vị mặn, ngọt, chua, cay, vị beo béo của tóp mỡ và đậu phụng hấp dẫn thực khách. Những chiều hè oi ả, còn gì bằng khi ngồi với anh em thưởng thức món gỏi da cá lạc thơm ngon!
Hương vị quê hương: Mùa hè rộn ràng trên đĩa gỏi da cá
Bình Định là vùng đất nổi tiếng với đặc sản da cá trộn gỏi. Theo các ngư dân lâu năm, vùng biển Bình Định có nhiều cá nhám, thường được gọi là cá mập con.
Những con cá mẹ theo thói quen từ xưa hay vào những vũng vịnh sâu của biển miền Trung để đẻ cá con. Người dân địa phương vẫn sử dụng loại cá này để nấu canh chua, kho. Phần da cá hơi dày và chắc, được lọc ra, phơi khô để làm món đặc trưng: gỏi da cá nhám trộn rau diếp cá.
Với những người có thể ăn được rau diếp cá thì đây là món lý tưởng giúp giải nhiệt mùa hè. Sự cân bằng về vị giác của loại rau này với da cá nhám là điều tuyệt vời nhất của món gỏi. Theo đông y, diếp cá có vị cay chua, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, trị táo bón, sát trùng... Từ những dược tính đó mà rau diếp cá được người dân vùng biển chọn để tạo thành món ăn vừa ngon vừa mát vừa bổ.
Nguyên liệu cho món gỏi da cá khá đơn giản, gồm da cá khô, rau diếp cá, cà rốt và đu đủ sống bào sợi, đậu phộng, nước mắm và gia vị. Da cá khô được ngâm trong nước lạnh khoảng 30 phút để nở và mềm. Sau đó, để ráo nước rồi chiên giòn. Phần chiên da cá này là một kỹ thuật công phu bởi phải chiên sao cho phần da nở bung lên, vàng đều và giòn. Sau đó, da cá đã chiên phải được thấm giấy ngay để hút bớt phần dầu ăn đọng bên trong.
Rau diếp cá thì ngắt lá, rửa sạch và để ráo. Công đoạn làm chén mắm trộn sẽ quyết định món ăn có ngon hay không. Mắm trộn gỏi phải đủ vị chua, cay, mặn, ngọt sao cho cân bằng. Tất nhiên, mắm không thể thiếu ớt tỏi giã nhuyễn và cay nồng. Khi đã chuẩn bị xong hết các nguyên liệu, chỉ cần trộn đều, thêm đậu phộng rang để món ăn được hoàn chỉnh.
Gỏi da cá trộn rau diếp cá sẽ giòn rụm trong miệng với miếng da chiên phồng, có vị béo béo, nồng nàn. Sự "xoa dịu" nhẹ nhàng của rau diếp cá vừa cân bằng vừa kích thích vị giác. Mùa hè, hãy đến Bình Định và ăn gỏi da cá để thưởng thức những rộn ràng đậm tính địa phương độc đáo.
Cách pha nước mắm trộn gỏi chuẩn vị Gỏi hay salad là món ăn quen thuộc trong mâm cơm gia đình hay các bữa tiệc lớn nhỏ. Để có đĩa gỏi ngon, người nội trợ nên nắm được cách pha nước mắm sao cho thơm và dậy mùi.