Gỏi cuốn bà Phương có gì mà người Sài Gòn ăn hơn 1.000 cuốn/ngày
Nhắc tới gỏi cuốn, một thứ quà ăn chơi hay ăn chính đều hợp của dân Sài Gòn thì ai cũng có cho mình một quán “ruột”. Gỏi cuốn của bà Phương trở thành quán quen của nhiều thế hệ trong 15 năm qua.
Gỏi được cuốn sẵn và bảo quản trong từng khay. Để gỏi cuốn không bị khô bà Phương lấy miếng xốp thấm nước xoa lên bề mặt
Chủ quán tên Phan Ngọc Phương (49 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, tên gọi ở nhà là Oanh). Quán mở cửa vào 11 giờ mỗi ngày nhưng bà Phương và chồng đã tất bật từ 4 giờ sáng. “Gỏi cuốn nhìn đơn giản vậy chứ nó nhiều thứ lặt vặt lắm, chuẩn bị rất là lâu”, bà Phương cho biết.
Bà đi chợ, đến các mối quen lựa nguyên liệu chứ không chịu cho họ giao tới nhà. Vì các nguyên liệu tươi, mới thì gỏi mới ngon, mới giữ được chân khách hàng.
Cuốn nào cuốn nấy chắc nịch, tròn đều
Tôm, thịt mua về được làm sạch rồi đem luộc chín. Các loại rau được hai vợ chồng lựa, nhặt rất kỹ. “Rau rửa từng lá từng lá một. Mua rau thì phải lựa rau ngon, rau trồng nhà lồng không bị sâu, dập, còn nguyên lá. Dù rau lên 40 – 50 ngàn cũng phải mua”, ông Võ Hưng Cường (52 tuổi, chồng bà Phương) chia sẻ.
Bà Phương và hai đứa cháu gái tay cứ thoăn thoắt cuốn gỏi. Đầy khay này bà lại chuyển sang khay khác. Tôi thầm nghĩ cuốn nhiều thế này bán sao hết. Ấy thế mà trong tích tắc, mấy khay gỏi cuốn trống trơn, áng chừng cũng gần 500 cuốn.
Xà lách, rau thơm và bún được cuốn trước, sau đó chỉ cần đặt cuốn rau bún lên bánh tráng, xếp thêm tôm, thịt là xong. Đặc biệt, trước khi đặt tôm thịt, bà Phương đặt thêm một miếng bánh tráng nhỏ rồi mới cuốn lại. Làm như vậy gỏi cuốn vừa đẹp mà khi lấy cuốn không bị bể.
“Người ta gọi là phải có liền, ví như đặt 100 cuốn là phải có 100 cuốn đem đi liền chứ người ta không có đợi mình đâu”, ông Cường hào hứng kể. Ông Cường vừa phụ vợ cuốn gỏi vừa là chân giao hàng cho quán.
Video đang HOT
Bà Phan Ngọc Phương chủ quán gỏi cuốn Cô Oanh
Chủ yếu khách đến mua đem đi hoặc đặt giao hàng
Kinh doanh được 15 năm nên quán đã có lượng khách quen đông đảo. Ông Cường cho biết: “Khách người ta ăn quen rồi, 100 – 200 cuốn là chuyện bình thường”. Chủ quán còn cho biết thêm, nhiều khi ông phải từ chối đơn hàng vì khách ở xa hoặc trùng thời gian với các đơn hàng khác.
Quán có hai loại gỏi cuốn là tôm thịt và bì. Phần lớn khách hàng ưa chuộng món gỏi cuốn tôm thịt hơn. Trung bình quán bán hơn 1000 cuốn/ngày.
Công thức nước chấm không thể ‘bật mí’
Trong thời gian bà Phương đi chợ, ông Cường ở nhà tranh thủ bật nồi nước chấm. Quán gỏi cuốn Cô Oanh có tới 3 loại nước chấm: mắm nêm, nước mắm và tương. Mỗi loại nước chấm lại mang đến một hương vị riêng nhưng phải công nhận chấm loại nào cũng ngon và đậm đà.
Ba loại nước chấm đặc biệt của quán
Gặng hỏi hai vợ chồng chủ quán về công thức nấu nước chấm, cả hai đều cười khuẩy và từ chối trả lời. Bà Phương nói: “3 loại nước chấm là tự tay vợ chồng chuẩn bị theo công thức riêng, cho riêng mình thôi”. Ông Cường cũng chỉ tiết lộ món nước tương được xay từ tương bắc rồi kết hợp với các nguyên liệu khác theo công thức của ông bà.
Ngoài nước chấm, bánh tráng cũng là thành phần đặc biệt khiến nhiều thực khách lựa chọn địa chỉ này. Bà Phương cho biết bánh tráng được đặt mua tại Củ Chi. Là loại bánh lớn, dẻo vừa phải, đem về cắt đôi rồi cuốn. Nếu chọn bánh nhỏ khi cuốn sẽ không đẹp.
Bà Phạm Thị Diễm Xuân (ngụ Q.Tân Bình) chia sẻ: “Tôi ăn ở đây rất lâu rồi, lâu không nhớ nổi. Cái gì cũng ngon mà đặc biệt là bánh tráng. Tôi ăn nhiều chỗ lắm rồi mà chỉ có chị này ngon”.
Không gian quán khá nhỏ và đơn giản
Rau và bún được gói sẵn giúp tiết kiệm thời gian cuốn
Một số trang mạng xã hội đưa thông tin món gỏi cuốn của bà Phương được bán sang nước ngoài. Theo vợ chồng bà Phương thì thông tin này là không chính xác. Một số khách quen khi đi nước ngoài về nhớ tới quán nên ghé ăn hoặc gia đình ở Việt Nam sang thăm người thân ở nước ngoài mua mang theo làm quà nhưng chỉ có thể đến các quốc gia trong khu vực, thời gian đi lại trong ngày.
Là người gốc Sài Gòn, bà Phương đã ăn qua không biết bao nhiêu quán gỏi cuốn từ thời con gái. Thích ăn gỏi cuốn cộng thêm sự thích thú khi nhìn người ta cuốn gỏi nên bà Phương đã quyết định làm nghề này. Qua 15 năm buôn bán, bà Phương cho rằng nghề này nó chọn mình, thích là một chuyện mà theo đuổi nó tới giờ cũng không phải dễ dàng gì.
Theo Thanhnien
Từ gánh rong đến quán phở Minh nổi tiếng 70 năm ở Sài Gòn
Không quảng cáo, không mở rộng kinh doanh, phở Minh qua 3 thế hệ vẫn ngày ngày đón chào những vị khách thân thuộc trong con hẻm nhỏ trên đường Pasteur (quận 1, TP.HCM).
Không gian phục vụ ở phở Minh chỉ có 2 gian nhỏ với vỏn vẹn 9 bộ bàn ghế, trái ngược hẳn với cách chúng tôi nghĩ về một quán phở có tiếng ở Sài Gòn. Nằm sâu trong con hẻm ở đường Pasteur đông đúc ngay trung tâm quận 1, chúng tôi đã cảm nhận được không khí yên tĩnh, thân tình ở đây.
Nhiều vị khách mới đến tò mò, "sao quán không cất tấm phản lớn rồi đặt thêm bàn ghế" hay "sao không nấu nhiều phở hơn cho khách đến ăn". Đáp lại, chị Dung, chủ quán phở Minh, cho biết không có ý định mở rộng quán. Chị tâm sự: "Chúng tôi đang phục vụ chừng này khách, đa phần đều là khách quen qua nhiều đời và người ta thích không gian như vậy, cớ sao chúng tôi lại phải mở rộng rồi thương mại hóa?".
Từ một xe đẩy nhỏ năm 1942, phở Minh bắt đầu dựng quán khoảng những năm 1950. Đến nay, biển hiệu "phở Minh" và các vật trang trí khi xưa vẫn còn được giữ nguyên như một cách để gia đình tự hào vì qua bao năm, hương vị phở không có gì đổi khác.
Đứng bếp chính hiện nay là bà Sáu, con gái út ông chủ đầu tiên của phở Minh. Nồi nước dùng ở phở Minh được hầm trong nhiều tiếng đồng hồ, trước giờ chỉ sử dụng gừng, sả chứ không phải hồi, quế hay đinh hương nên có vị thanh và ngọt riêng.
Phở Minh có đủ các loại tái, nạm, gân, gầu, vè. Thịt thường được luộc kỹ và thái miếng dày hơn nhiều quán khác, nhưng điều đặc biệt là vẫn rất mềm và có vị ngọt đặc trưng.
Dù là phở gốc Bắc nhưng phở Minh đã dần dà chiều ý thực khách Sài Gòn. Quán vẫn bày thêm rau, giá đỗ và các loại tương ớt, tương đen để ăn kèm. Các loại tương này do gia đình chế biến lại nên mang nhiều nét khác biệt. Ngoài phở, quán cũng phục vụ món bánh pate chaud, yaourt và nhiều thức uống "nhà làm" khác.
"Australia có nhiều quán phở Việt Nam, nhưng đúng là phải ăn ở đây thì mới cảm nhận đúng hương vị được. Vị phở thơm, miếng thịt mềm, ngọt và các loại rau ăn kèm cũng rất thú vị. Nhưng có lẽ tôi cần suất ăn lớn hơn", anh Ian, một du khách người Australia lần đầu đến phở Minh nhận xét. Thực tế, phở ở đây được bán theo các kích cỡ nhỏ, trung bình và lớn với giá từ 55.000-75.000 đồng. Tuy vậy, lượng phở và thịt khá ít, không phù hợp với những thực khách có sức ăn khỏe.
Khách lâu năm thường sẽ gọi thêm chén tiết hoặc chén trứng, vị chi hơn 100.000 đồng cho một bữa sáng tại đây. Nó được coi là mức giá khá đắt đỏ đối với đa số người dân.
"Nếu phải nói lên một điều tôi tự hào về phở Minh, đó chính là cách chúng tôi giữ nguyên hương vị từ thời ông nội. Trải qua nhiều năm, nguyên liệu không còn như xưa nhưng gia đình những vị khách ghé ăn vẫn đến ủng hộ đến đời thứ 3, thứ 4 dù sống trong nước hay nước ngoài", chị Dung tâm sự.
Ở đây trong cả buổi sáng, chúng tôi bắt gặp không ít bạn trẻ cùng bố mẹ đến ăn và trò chuyện thân tình cùng gia đình chủ quán. Họ chia sẻ: "Người mới ăn vài lần có thể thấy bình thường, nhưng chúng tôi ăn mấy chục năm ở đây đã quen, lâu không ăn sẽ nhớ".
Theo Zing
Món ngon dễ làm: Cơm tấm sườn nướng ngon chuẩn vị Sài Gòn Dù bạn đang ở đâu, Hà Nội, Đà Nẵng hay đang ở nước ngoài, vẫn có thể thưởng thức món cơm tấm Sài Gòn ngon chuẩn vị với công thức mà chị Bích Kiều (TP.HCM) cung cấp cho chuyên mục "Món ngon dễ làm". Để làm thành công món cơm tấm sườn nướng, cần chú ý ngay bước chọn thịt sườn. Sườn có...