Gỏi cá trứ danh ở làng chài Nam Ô
Người địa phương dùng cá trích đánh bắt tại làng chài Nam Ô làm nên món gỏi cá ướt và gỏi cá khô, đặc sản không thể bỏ qua khi đến Đà Nẵng.
Món gỏi cá Nam Ô được gọi tên theo nơi khởi nguồn của món ăn là làng chài Nam Ô có tuổi đời hàng trăm năm, nằm ở cửa sông Cu Đê, dưới chân đèo Hải Vân thuộc quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Cách trung tâm thành phố khoảng 15 km, du khách đi dọc theo QL 1A hướng Nam – Bắc đến khu vực làng chài Nam Ô có thể dừng chân thưởng thức món gỏi cá trứ danh này.
Làng chài Nam Ô ở Đà Nẵng nổi tiếng với cụm di tích lịch sử Nam Ô, làng nghề làm nước mắm lâu đời, bãi đá rạn hoang sơ ven biển hút khách và món gỏi cá trứ danh. Ảnh: @van0503/Instagram
Ngày trước, gỏi cá Nam Ô chỉ dành cho người đi biển tại Đà Nẵng, người dân làng chài tự chế biến rồi dùng trong gia đình với nhau. Sau này món ăn được thương mại hóa và trở thành đặc sản với hai loại gỏi ướt và gỏi khô. Cá để làm món gỏi có thể dùng cá mòi, cá tớp, cá cơm… nhưng thích hợp nhất vẫn là cá trích có thịt ngọt, săn chắc. Cá trích ở vùng biển Nam Ô có quanh năm và được đánh bắt tươi mới mỗi ngày. Cá trích lớn cỡ 2 ngón tay được làm sạch, bỏ đầu, phi lê lấy phần thịt cắt thành từng miếng nhỏ.
Với món gỏi cá khô, thịt cá trích sau khi phi lê được tái chín với dấm, chanh sau đó ép ráo nước trước khi trộn với thính và gia vị. Phần nước ép cá được nấu sôi, cho thêm nước mắm ngon của làng chài Nam Ô, thêm ớt bột, bột năng và bột ngọt, đậu phộng giã nhuyễn để có món nước chấm gỏi sền sệt, chua ngọt và bùi bùi rất dễ ăn. Phần thịt sau khi ép ráo nước được trộn với các gia vị cay nóng như ớt, gừng để khử mùi tanh và trộn thêm thính để có màu sắc bắt mắt, chút mè rang vàng để dậy mùi thơm của món gỏi.
Video đang HOT
Khi ăn, món gỏi khô dùng kèm với bánh tráng cuốn tròn chắc tay, bên trong là gỏi cá, các loại rau giá tươi ngon chấm với nước chấm hấp dẫn. Ảnh: @trungbuii/Instagram
Món gỏi ướt cũng được chế biến tương tự như gỏi khô, tuy nhiên thịt cá không trộn với thính mà trộn với nước dùng có vị cay được pha chế từ nước mắm ngon của làng chài Nam Ô, ít gừng, tỏi, ớt, và đường để dịu vị. Cá trích có thịt ngọt mát, khi trộn đều với nước dùng cay lại càng thấm vị trong từng thớ thịt.
Món ăn thưởng thức đơn giản với bánh đa nướng cùng các loại rau sống. Ngoài các loại rau thông thường như xà lách, rau giá, bắp chuối bào, người dân Nam Ô còn dùng các loại rau rừng như rau trâm, đinh lăng… kèm theo các loại quả như chuối rừng, xoài sống, dưa leo, khế… thái lát mỏng.
Khi ăn, thực khách cho gỏi cá và nước dùng vào chén, sau đó cho bánh đa nướng, rau sống đủ loại rồi trộn đều và thưởng thức. Vị ngọt của thịt cá trích, nước dùng cay đậm đà thơm mùi riềng ớt, miếng chuối xanh chan chát, khế xoài chua, vị giòn ngọt của các loại rau hòa quyện vào nhau tạo nên món ăn ấn tượng đất Đà thành.
Gỏi cá ướt hấp dẫn với thịt cá tươi ngọt thấm vị trong nước dùng cay đậm đà, pha chế từ nước mắm thơm ngon của làng chài Nam Ô. Ảnh: @quemidang/Instagram
Bản đồ ẩm thực: Gỏi cá Nam Ô Đà Nẵng
Nằm khép mình dưới chân đèo Hải Vân, Nam Ô là một làng chài ven biển có nghề sản xuất nước mắm. Nơi đây cũng có món gỏi cá Nam Ô nổi tiếng không chỉ trong làng chài mà nó còn là đặc sản, niềm tự hào của người dân Đà Nẵng.
Gỏi cá thì nơi đâu cũng có nhưng gỏi cá Nam Ô lại có hương vị rất đặc trưng nên những ai đã thưởng thức qua rồi cứ mãi còn lưu luyến. Nhiều tín đồ ẩm thực Nhật Bản còn gọi vui rằng đây là món sashimi (*) của Việt Nam mà mọi người nên tìm thử.
Điều này cũng có phần đúng bởi gỏi cá Nam Ô dùng hoàn toàn cá tươi vừa mới đánh bắt. Thế nên, điều tiên quyết khi làm gỏi cá Nam Ô là không dùng cá để lâu bởi có thể ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng món ăn.
Ngoài cá trích là phổ biến thì người dân nơi đây còn thay thế bằng cá cơm hay cá mòi tùy theo mùa đánh bắt. Sau khi sơ chế sạch bằng cách loại bỏ đầu, ruột và các bộ phận dư thừa thì dùng ít muối, giấm rửa dưới nước lọc liên tục đến khi hết hẳn mùi tanh của cá. Cá tiếp tục được lau sạch, lọc lấy phần thịt ở lưng và cắt theo từng lát mỏng.
Tiếp đến, ướp cá với hỗn hợp gia vi gồm gừng, riêng, tỏi bằm nhuyễn cùng ít nước mắm, chanh và giấm. Sau khoảng 30 phút đến 1 giờ, khi thấy thịt cá săn lại, thấm gia vị thì vớt ra và bóp cho thật khô. Cách chế biến của gỏi cá Nam Ô cũng chia thành hai trường phái: gỏi cá ướt và gỏi cá khô.
Nếu như phiên bản gỏi cá ướt chỉ cần thêm một lần hỗn hợp nước dùng pha bằng chanh, tỏi ớt, gừng, giấm thì phiên bản cá khô kỳ công hơn. Cụ thể, thay vì dùng gia vị thì phiên bản này chỉ dùng thêm bánh tráng, đậu phộng, mè giã nhuyễn áo đều lớp thịt cá. Qua đó, tạo sự dễ chịu hơn cho những ai lần đầu dùng qua gỏi cá Nam Ô.
Ngoài điểm nhấn thịt cá tươi ngon, ướp gia vị đặc trưng thì phần rau sống là yếu tố quyết định nên thương hiệu gỏi cá Nam Ô. Cụ thể, rau ăn kèm ngoài những loại phổ biến như ngò gai, đinh lăng, tía tô, xà lách hay chuối chát thì cần có những loại rau được hái từ vùng rừng núi Hải Vân như lá trâm, lá xuân, kim lam... Có như thế, gỏi cá Nam Ô mới thật sự khác biệt so với các loại gỏi cá khác.
Trong chuyến hành trình rong ruổi Đà Nẵng, du khách có thể thử qua gỏi cá Nam Ô tại những hàng quán nằm dọc hai bên đường quốc lộ 1A (đoạn từ Huế vào Đà Nẵng). Qua đó, sẽ sưu tập thêm một món ăn độc đáo của Đà Nẵng vào "bản đồ ẩm thực" của riêng mình.
(*) Sashimi cách gọi của những món ăn làm từ hải sản tươi sống. Người Nhật quan niệm, sashimi là món ăn trang trọng dùng để thiết đãi khách quý.
Đặc sản gỏi cá dân tộc Thái Lai Châu Gỏi cá được đánh giá là món ăn ngon, chủ đạo để thết đãi khách quý của đồng bào dân tộc Thái, thể hiện sự hiếu khách của gia chủ. Từ xưa người Thái đã có câu "Xép pa cin pa cỏi", nghĩa là "Thèm cá thì ăn cá gỏi". Gỏi cá hồi. https://dulich.petrotimes.vn/ Gỏi cá dân tộc Thái được chế biến từ...