Gói 3.000 tỷ hỗ trợ NOXH: Cả người mua nhà lẫn doanh nghiệp đều mong ngóng
Không chỉ người dân có thu nhập thấp mong mỏi gói 3.000 tỷ đồng sớm được triển khai mà ngay cả các doanh nghiệp đã và đang phát triển các dự án nhà xã hội cũng đang rất kỳ vọng sẽ tháo được “nút thắt” bấy lâu nay.
Việc khuyến khích các chủ đầu tư tham gia phát triển dự án nhà ở xã hội (NOXH) gặp rất nhiều khó khăn khi gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc vào cuối năm 2016. Còn người dân có thu nhập thấp thì không vay được vốn lãi suất ưu đãi để mua, thuê mua NOXH.
Mới đây, thông tin Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ cho vay mua NOXH thực sự là tin mừng với nhiều người dân có thu nhập thấp muốn có chốn an cư.
Cả người mua nhà lẫn doanh nghiệp đều mong ngóng gói 3.000 tỷ đồng hỗ trợ để dự án nhà ở xã hội sớm được triển khai.
Đang nhắm nộp hồ sơ mua nhà tại một dự án NOXH thuộc địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội), vợ chồng chị Nguyễn Thị Thoa tạm trú ở quận Thanh Xuân đang rất mừng khi hay tin Chính phủ sẽ có gói tín dụng 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ vay mua nhà tại dự án NOXH.
Chị Thoa cho biết, vợ chồng chị mới chỉ tiết kiệm được số tiền hơn 200 triệu đồng và nếu gói tín dụng cho vay ưu đãi sớm được triển khai thì vợ chồng chị chắc chắn sẽ có cơ hội mua được một căn hộ chung cư dành cho người thu nhập thấp.
“Thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng tôi chỉ hơn 14 triệu đồng, nếu mua căn hộ hơn 60m2, có giá khoảng 1 tỷ đồng thì chúng tôi chỉ đủ tiền để đóng đợt đầu tiên, số còn lại 70% giá trị căn hộ sẽ phải vay ngân hàng. Vì thế, chúng tôi mong mỏi Chính phủ sẽ sớm triển khai gói 3.000 tỷ đồng này để gia đình tôi có cơ hội mua được nhà, chứ nếu vay ngân hàng với mức lãi suất cao 9-10%, thậm chí hơn 11% thì vợ chồng tôi không đủ sức”, chị Thoa cho hay.
Không chỉ người dân có thu nhập thấp mong mỏi gói 3.000 tỷ sớm được triển khai mà ngay cả các doanh nghiệp đã và đang phát triển các dự án NOXH cũng đang rất kỳ vọng sẽ tháo được “nút thắt” bấy lâu nay.
Trao đổi với PV, ông Vũ Kim Giang – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Hải Phát – đơn vị có dự án NOXH bị “mắc kẹt” khi dự án đang bán thì hết hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng phấn khởi cho biết, Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ 3.000 tỷ mới này sẽ là tín hiệu rất tốt đối với cả các đơn vị phát triển dự án NOXH và các khách hàng mua sản phẩm NOXH khi nhu cầu về NOXH rất lớn.
Video đang HOT
Ông Giang cho rằng, với gói tín dụng mới này sẽ giải quyết được “nút thắt” rất lớn cho câu chuyện phát triển NOXH.
“Gói hỗ trợ cho vay 3.000 tỷ đồng có 2.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất đối với ngân hàng thương mại thì câu chuyện sẽ không chỉ dừng ở 3.000 tỷ đồng mà lúc ấy gói hỗ trợ tín dụng này sẽ lớn hơn rất nhiều, có thể tương đương với gói 30.000 tỷ trước đây”, ông Giang nói.
Vị Tổng giám đốc này cũng mong muốn gói tín dụng hỗ trợ mới ra đời, khi đưa vào triển khai đến doanh nghiệp và người dân làm sao vừa đảm bảo được quy định, cũng vừa thuận lợi nhất với người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận.
“Thông thường, với những khách hàng mua NOXH, chủ đầu tư cùng Sở Xây dựng đã xét duyệt các đối tượng rất kỹ để đủ điều kiện được mua thì phía ngân hàng làm sao để tạo điều kiện cho họ tiếp cận gói vay thuận lợi nhất, tốt nhất. Tôi mong rằng sẽ có sự liên thông giữa các cơ quan để giảm thiểu được các thủ tục hành chính cho khách hàng”, ông Giang nói thêm.
Cũng trao đổi với PV, ông Lê Anh Vũ – Phó Giám đốc Marketing Công ty CP BIC Việt Nam cho biết, sau chuỗi dự án NOXH Rice City, công ty ông sẽ tiếp tục thực hiện nhiều dự án NOXH chất lượng, thông minh không thua kém so với dự án nhà thương mại bằng những kinh nghiệm đã đúc kết. Và ông thấy rằng, những người thu nhập thấp rất cần có nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước thì mới có thể hiện thực hóa giấc mơ mua nhà.
Theo ông Vũ, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí 3.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ nguồn vốn đối với các dự án NOXH là quyết sách của Chính phủ đưa ra sau khi các doanh nghiệp, hiệp hội đề xuất cần có thêm gói vay ưu đãi dành cho người mua nhà xã hội do thị trường gặp khó khăn sau khi gói vay mua nhà 30.000 tỷ đồng kết thúc. Điều này sẽ có tác động tích cực tới phân khúc NOXH.
Ông Vũ cho rằng, gói vay 3.000 tỷ đồng nếu sớm được “bung” ra giai đoạn này thì thực sự rất hợp lý và phù hợp với yêu cầu cấp bách của thị trường.
“Thực tế nhu cầu cần vay mua nhà của các cá nhân có thu nhập thấp hiện vẫn rất nhiều. Chỉ tính riêng khu vực Hà Nội có khoảng 2,22 triệu hộ dân cư. Và chỉ tính riêng các dự án trong năm 2020 tại khu vực Hà Nội đã có khoảng hơn 5.000 căn hộ NOXH được tung ra thị trường. Hầu hết ở mỗi dự án nhu cầu vay đều đạt đến con số trên 60%… nên con số 3.000 tỷ đồng có lẽ cũng là chưa nhiều đối với nhu cầu của người dân”, ông Vũ cho hay.
Ngoài ra để thúc đẩy các chủ đầu tư tích cực hơn trong việc xây dựng quỹ NOXH, ông Vũ mong muốn Chính phủ có thêm nguồn vốn vay ưu đãi cho các chủ đầu tư xây dựng dòng sản phẩm này, bởi hiện nay cung – cầu còn quá chênh lệch, các dự án NOXH ít trong khi nhu cầu nhiều.
Bên cạnh đó, ông Vũ đề xuất mức lãi suất đối với gói vay ưu đãi mới này cũng cần nghiên cứu xem xét khi nhiều ngành nghề đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong giai đoạn 2020-2021, lãi suất cho vay ưu đãi của gói 3.000 tỷ đồng này theo ông chỉ nên khoảng 3% sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho người dân vay mua nhà.
Minh Thư
Chuyên gia địa ốc dự báo bất ngờ về thị trường bất động sản
Theo một số chuyên gia, nếu dịch Covid-19 kết thúc vào cuối tháng 4 hoặc tháng 5 thì không có vấn đề gì quá lớn với BĐS, nhưng nếu dịch đến hết tháng 7 thì có thể sức lực của doanh nghiệp chỉ còn khoảng 50%.
Tuy vậy, có những dự báo về kịch bản xấu nhất có thể xảy ra, đó là nếu dịch diễn ra đến gần cuối năm (khoảng tháng 9,10 hoặc sang đầu năm sau) thì có thể BĐS sẽ nằm im, "không nhúc nhích".
Trong báo cáo thị trường quý 1/2020 mới đây, đại diện CBRE Việt Nam đã đưa ra các kịch bản xảy ra đối với từng phân khúc BĐS. Trong đó, với thị trường căn hộ, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát trước tháng 6/2020, nguồn cung mới ra thị trường có thể đạt khoảng 28.000 căn, tăng 5% so với năm 2019.
Giá chào bán trung bình tăng 5%. Tuy vậy, kịch bản 2 nếu dịch Covid-19 được kiểm soát muộn nhất vào tháng 9/2020, nguồn cung mới sẽ giảm, chỉ đạt khoảng 15.000 căn, bằng 40% so với năm 2019, trong đó giá chào bán trung bình giảm 5%, số lượng căn tiêu thụ trên thị trường có thể giảm 55% so với 2019.
Còn theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, dự đoán dịch Covid-19 có thể xảy ra các kịch bản đối với thị trường BĐS ở các trường hợp. Nếu dịch kéo dài đến hết tháng 4 hoặc tháng 5 thì không có vấn đề gì nhiều với BĐS. Tuy nhiên, các công ty BĐS, các môi giới BĐS cần chuẩn bị tinh thần là dịch có thể kéo dài đến tháng 9 hoặc tháng 10, thậm chí có thể kéo dài qua đầu năm 2021. Vì thế, dự đoán thị trường, nhà đầu tư sẽ tiếp tục khó khăn, giảm giá.
Nếu dịch Covid-19 kéo dài đến tháng 7 thì sức lực của các doanh nghiệp chỉ còn khoảng 50%, vì phải chịu đựng trong vòng 6 tháng. Còn nếu dịch kéo dài đến cuối năm thì kịch bản là sẽ rất nhiều doanh nghiệp BĐS "chết", hoặc còn lại là nằm im, "không nhúc nhích".
"Với bối cảnh như hiện nay, các doanh nghiệp phải nghĩ đến phương án xấu nhất thì mới làm tốt được. Chúng ta phải hiểu rằng, thị trường sẽ tiếp tục khó khăn dù dịch kết thúc sớm hay muộn, từ đó mỗi người có phương án phòng ngừa. Chúng ta cũng đừng hi vọng giá BĐS sẽ giảm sâu sau dịch, cũng đừng hi vọng thị trường BĐS sẽ trở lại nhanh mà điều quan trọng nhất là với tình hình hiện nay cần chuẩn bị sẵn một kế hoạch chi tiết để ứng phó với dịch một cách tốt nhất", ông Quang nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, nếu tình huống xấu là dịch kéo dài thì các doanh nghiệp BĐS cần phải hành động bằng cách: Tinh giảm bộ máy, giữ lại khoảng 50% nhân sự, thậm chí còn 30%. Nếu dịch kéo dài đến tháng 7 thì còn 50% nhân sự nhưng dịch kéo dài đến cuối năm thì còn khoảng 30%, đồng thời những chi phí không cần thiết thì bỏ qua.
Đối với sales BĐS, cần làm việc trên 2 nguyên tắc: Một là "sống chết cùng công ty" , hai là chấp nhận làm nhiều, giảm thu nhập. Những môi giới đi cùng công ty lúc khó khăn nhất thì khi công ty "lọt" qua dịch thì đây sẽ là doanh nghiệp "sáng" trên thị trường. Khi đó, nếu thị trường trở lại sớm thì bản thân sales đó sẽ có thuận lợi rất lớn, trường hợp thị trường trở lại chậm thì sales được hưởng lợi từ uy tín của doanh nghiệp.
Theo ông Quang, bản thân sales BĐS phải tồn tại được 12 tháng. Trong khoảng thời gian này phải có lượng tiền mặt để tồn tại. Đồng thời, cũng phải nghĩ đến phương án xấu, không hi vọng dịch kết thúc trong ngắn hạn là nhằm có một phương án tốt nhất để đối phó. Bởi vì, đặt mình trong trường hợp xấu để khi thị trường trở lại sớm hơn dự đoán thì khả năng "bật dậy" với thị trường sẽ dễ dàng hơn, nhanh hơn. Chẳng hạn, sales BĐS phòng ngừa phương án, khoảng tháng 10 dịch mới hết, thị trường mới trở lại nhưng nếu khoảng tháng 4 là thị trường đã trở lại thì khi đó môi giới đến với thị trường sẽ nhanh hơn.
Trong báo cáo thị trường mới đây, Hội môi giới BĐS Việt Nam cũng đưa ra các biện pháp ứng phó của doanh nghiệp BĐS lẫn môi giới BĐS trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp.
Cụ thể, đối với doanh nghiệp, cần thiết phải nghiên cứu để tìm ra phương án tái cấu trúc lại bộ máy, nhân sự và các giải pháp kinh doanh theo hướng tinh gọn, công nghệ hoá và chuyên nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và giảm chi phí sản xuất, vừa tăng chất lượng vừa giảm giá sản phẩm.
Bên canh đó, doanh nghiệp nên chú trọng nhiều hơn đến phân khúc nhà ở giá thấp và nhà ở xã hội. Đây là phân khúc luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhu cầu của khách hàng và chắc chắn luôn có tỷ lệ hấp thụ cao cho dù hậu quả của dịch bệnh làm cho tình hình kinh tế suy giảm.
Ngoài ra, các Sàn giao dịch BĐS nên thực hiện các biện pháp như nâng cấp hệ thống công nghệ để tăng hiệu quả kinh doanh; Cấu trúc lại bộ máy, hệ thống quản trị nhằm giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh cho Doanh nghiệp; đồng thời, tổ chức các hoạt động đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và chuẩn hóa theo hướng chuyên nghiệp đội ngũ nhân viên môi giới; Duy trì các hoạt động marketing để giữ vững khách hàng tại thị trường truyền thống và tiếp tục mở rộng phát triển; Có giải pháp để chăm lo và hỗ trợ đội ngũ nhân viên của Công ty, không nên bỏ mặc họ trong bối cảnh khó khăn chung của toàn xã hội.
Đối với môi giới BĐS, theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, môi giới nên tranh thủ trong khoảng thời gian nghỉ do dịch bệnh để hoàn thiện kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao chất lượng nghề nghiệp, nâng cao giá trị bản thân. Song song đó, hỗ trợ, chung tay cùng Doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Hạ Vy
Ngân hàng ưu tiên dành mọi nguồn lực hỗ trợ giảm lãi suất Lãi suất là yếu tố đang được cân nhắc nhiều nhất khi nhiều hướng dẫn của NHNN đều hướng tới việc ưu tiên dành mọi nguồn lực để các ngân hàng có thể miễn giảm lãi suất cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Để hỗ trợ cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng trong...