Gói 2.000 tỷ đồng cho người nghèo mua nhà xã hội hiện nay thế nào?
Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, gói 2.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội mới có Nghị quyết chứ chưa có vốn.
Kể từ khi gói tín dụng 30.000 tỷ kết thúc vào tháng 6 năm 2016, hàng loạt dự án nhà ở xã hội thiếu vốn nên chậm trễ tiến độ, người dân vay mua nhà ở xã hội nhưng chưa được nhận nhà trong năm 2016 cũng không còn được tiếp tục vay ưu đãi, mà phải chuyển sang vay thương mại nên cả chủ đầu tư dự án và người vay mua nhà ở xã hội gặp rất nhiều khó khăn.
Mới đây, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14; Đồng thời bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.
Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100 để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV năm 2020 theo trình tự thủ tục rút gọn; đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.
Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thất, nhất là công nhân.
Tuy nhiên, mới đây trả lời về vấn đề này ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lí nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết: “Hiện mới có Nghị quyết chứ chưa có vốn. Giờ phải chờ quyết định của Thủ tướng phân bổ nguồn vốn cho các lĩnh vực kinh tế, trong đó nhà ở xã hội là một phần nhỏ”.
Ông Ninh cho biết thêm, gói 2.000 tỉ đồng theo Nghị Quyết là cấp bù lãi suất. Ví dụ ngân hàng thương mại cho vay 8%, nhà nước cấp bù lãi suất 3%, còn 5% người dân trả cho ngân hàng. Để có nguồn vốn lớn như vậy, ngân hàng phải có kế hoạch cụ thể.
“Sắp tới, Bộ Xây dựng chủ trì qui chuẩn, tiêu chuẩn đối tượng được vay. Bởi lẽ, trước đây, gói 30.000 tỉ đồng là tái cấp vốn và cho cả nhà ở thương mại giá rẻ dưới 15 triệu đồng/m2. Gói lần này chỉ dành riêng cho nhà ở xã hội nên đối tượng cũng khác”, ông Ninh nói.
Ông Ninh cũng cho biết, Bộ Xây dựng sẽ sửa Nghị định 100 về nhà ở xã hội vì có nhiều bất cập. Theo đó, Bộ sẽ kiến nghị sửa những vấn đề về trình tự thủ tục, đất chưa hợp lí.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội, kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đề xuất tăng cường hỗ trợ nguồn vốn cho người dân thu nhập thấp mua nhà ở xã hội.
Video đang HOT
Theo đó, một trong những vấn đề trọng tâm được hiệp hội đề xuất tại kiến nghị lần này là vấn đề nguồn vốn cho nhà ở xã hội. Căn cứ Luật Nhà ở, hàng năm,nhà nước cấp 50% vốn cho ngân hàng chính sách xã hội, 50% huy động thêm từ các kênh khác nhau để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, 4 ngân hàng thương mại như Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank do nhà nước chi phối được cấp bù lãi suất vay 3% – 4%, còn lại tự huy động 100% để cho vay.
Như vậy, nếu cấp 1.000 tỷ với tỷ lệ bù lãi suất vay 3% – 4% thì mỗi năm có thể huy động thêm được 25.000 – 30.000 tỷ cho người vay mua, tạo tính thanh khoản lớn cho nhà ở xã hội tuy nhiên thực tế 2019 vẫn chưa có nguồn kinh phí này hỗ trợ cho người mua và doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội.
Đây là biện pháp cần thiết hỗ trợ cho thị trường bất động sản phân khúc nhà ở xã hội vì hiện tại nhiều chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khó bán do người mua không được hỗ trợ vốn vay trong khi nhu cầu nhà ở xã hội là rất lớn.
“Hiệp hội kiến nghị Chủ tịch Quốc hội có ý kiến để tăng cường hỗ trợ nguồn vốn cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội theo 2 kênh: Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng thương mại do Nhà nước chi phối”, văn bản nêu.
Lan Nhi
Thừa nhà cao cấp, thiếu nhà ở xã hội: Nghịch lý do đâu?
Bộ Xây dựng nhận định thị trường bất động sản năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn và tiếp tục sụt giảm cả về lượng giao dịch lẫn nguồn cung sản phẩm, nhất là nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp...
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam )
Theo báo cáo hoạt động chất vấn chuyên đề gửi tới Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng cho biết thị trường bất động sản đầu năm 2020 đang có xu hướng giảm do hưởng của tốc độ phát triển kinh tế vĩ mô, tín dụng bất động sản bị siết chặt và sự suy giảm của các ngành dịch vụ-du lịch bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Với tình hình hiện nay, dự báo thị trường bất động sản năm nay sẽ thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp; dư thừa nguồn cung nhà ở trung, cao cấp.
Nghịch lý nguồn cung
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết sau giai đoạn tăng trưởng liên tục (từ năm 2014 đến 2018), thị trường bất động sản năm 2019 và những tháng đầu năm 2020 có xu hướng giảm thể hiện qua một số chỉ tiêu như: Lượng giao dịch giảm hơn 40%, nguồn cung dự án bất động sản giảm 10% so với năm 2018.
Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2019 (giai đoạn quý III, quý IV), các chỉ tiêu của thị trường đều giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước; trong đó lượng giao dịch bất động sản giảm hơn 70%, nguồn cung dự án mới giảm hơn 40% so với cùng kỳ 2018.
Dự báo thị trường bất động sản năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn và tiếp tục sụt giảm cả về lượng giao dịch lẫn nguồn cung sản phẩm so với những năm trước. Thậm chí, có sự chênh lệch khi nguồn cung nhà ở trung, cao cấp dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.
Hiện nay, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm khoảng từ 20-30% và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Trong khi đó, nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70-80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại đang thiếu.
Bộ Xây dựng cho rằng cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp với nhu cầu thị trường theo hướng dư thừa nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.
Không những thế, thời gian qua còn có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng, dự án đa năng kết hợp lưu trú và nghỉ dưỡng được cấp phép nên nguồn cung các loại hình bất động sản này tương đối lớn và đa dạng.
Trong khi đó, hệ thống pháp luật liên quan đến các loại hình bất động sản mới (condotel, officetel) chưa đầy đủ; các điều kiện của hợp đồng không chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và người mua.
Về vấn đề giá, tính đến hết quý 1/2020, giá bất động sản tại một số địa phương thị trường phát triển có biến động, nhưng mức độ không lớn.
Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1,02% so với cùng kỳ năm 2019; đối với nhà ở riêng lẻ, giá tăng khoảng 3,82% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, giá căn hộ chung cư tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019, giá nhà ở riêng lẻ cũng tăng khoảng 8,36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ Xây dựng, giá bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản hay phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân.
Thậm chí, giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao, thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam )
Bên cạnh đó, hệ thống thông tin về thị trường bất động sản hiện nay cũng chưa hoàn toàn đầy đủ và đồng bộ để đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương về lĩnh vực bất động sản.
Siết đầu tư dự án trung, cao cấp
Cũng theo Bộ Xây dựng, công tác thanh tra và kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản cùng với việc quản lý sử dụng đất đai, giao dịch bất động sản chưa được thường xuyên, liên tục. Bộ thừa nhận việc kiểm soát thị trường bất động sản của các cơ quan nhà nước chưa hiệu quả, nhất là tại các địa phương.
Nhiều địa phương khi phát hiện vi phạm vẫn chưa kiên quyết xử lý, còn thiếu quyết liệt trong việc thu hồi các dự án chậm tiến độ, các dự án vi phạm quy định của pháp luật.
Từ những tồn tại nêu trên, Bộ Xây dựng kiến nghị cần tăng cường kiểm tra, giám sát các địa phương trọng điểm trong việc triển khai các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị, dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng có quy mô lớn, sử dụng nhiều diện tích đất để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm quy định của pháp luật.
Các địa phương cần tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản chậm triển khai, để đất hoang hóa, chủ đầu tư yếu kém không còn khả năng triển khai dự án để quyết định việc cho giãn tiến độ, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với nhu cầu thị trường hoặc thu hồi dự án.
Mặt khác, các địa phương cũng cần kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp nhằm đảm bảo cân đối cung-cầu; tránh để tình trạng dư thừa tồn kho, gây bất ổn cho thị trường bất động sản, bảo đảm tuân thủ pháp luật, hiệu quả đầu tư, ngăn chặn các hành vi trục lợi, tham nhũng...
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Đặc biệt là các cuộc thanh tra, kiểm tra và công bố công khai các dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng; không thực hiện bảo lãnh; chưa nộp tiền sử dụng đất; chậm tiến độ; chưa nghiệm thu chất lượng công trình, chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng; các chủ đầu tư chậm trễ làm thủ tục cấp sổ đỏ cho dân./.
Hùng Võ
Bộ Xây dựng bàn cách 'cứu' thị trường bất động sản lao đao bởi dịch Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, đại dịch COVID - 19 đối với các hoạt động của các doanh nghiệp và giao dịch thị trường bất động sản (BĐS) đã gây ra những thiệt hại đối với lĩnh vực này khi số lượng sàn giao dịch đóng cửa chiếm khoảng 80%, còn lại đều hoạt động cầm chừng. 80% sàn giao dịch BĐS...