Góc nhìn tài chính đa chiều: Ngân hàng giảm lãi vay, doanh nghiệp vẫn khó lách khe cửa vốn
Theo IMF, lãi vay bình quân của Việt Nam đã về mức 7,7%/năm, gần tương đương với lãi vay của Philippines (7,13%) và thấp hơn một số nước có trình độ phát triển tương đồng trong khu vực…
Đây là một trong những nội dung báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tại Hội nghị Thủ tướng gặp Doanh nghiệp diễn ra ngày 9/5/2020.
Theo báo cáo, hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động của tổ chức tín dụng (TCTD) đã liên tiếp giảm ở cả ngắn, trung, dài hạn. Mặt bằng lãi suất cho vay cũng theo xu hướng giảm, riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên đã giảm khoảng 0,5%/năm so với cuối năm 2019. Quốc gia mà Việt Nam có lãi suất cho vay bình quân tương đương được dẫn ra theo số liệu IMF ở tháng 2/2020 là Philippines (7,13%). Còn một số nước có trình độ phát triển tương đồng trong khu vực mà Việt Nam lại đang có lãi suất cho vay thấp hơn là: Indonesia (10,01%), Mông Cổ (16,81%) và Bangladesh (9,62%), Ấn Độ (9,4%), Myanmar (16%).
Giảm lãi nhưng không cào bằng
NHNN cho biết theo 3 đợt điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất từ cuối năm 2019 và sau đợt các mức lãi suất điều hành từ ngày 17/3/2020, các NHTM đã đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất cho vay tối đa đến 2% so với thời điểm trước dịch đối với các khoản vay cũ và khoản cho vay mới.
Việc miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cũng được đề cập và một số TCTD thậm chí còn được NHNN nêu tên với việc đã hạ lãi suất từ 2,5- 4% cho khách hàng như: Vietinbank, ACB, VCB, MB, ViettABank, LienVietPostBank, SCB, SeaBank,…
Có thể nói hạ lãi suất là một trong những nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng để có giá vốn rẻ hơn, giúp giảm áp lực chi phí tài chính cho một số doanh nghiệp trên dư nợ cũ và vay mới trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu rộng đến các ngành trong nền kinh tế.
Nhưng như vậy chưa đủ. Bởi nhìn vào một số khoản vay thực tế được nêu cụ thể trong BCTC quý I/2020 của một số doanh nghiệp niêm yết, lãi vay của nhiều khoản neo cao hơn bình quân thống kê. Đại diện lãnh đạo một nhà băng thừa nhận mức giảm lãi vay mà nhiều TCTD công bố, được thực hiện từ mức rất cao trước đó. Ví dụ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp bất động sản từ 11,8% đến trên 12%/năm, nếu giảm khoảng 3%, thì doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi trên 9%.
“Ngay một số khoản vay với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đáp ứng cấp tốc bổ sung vốn, chi lương…, nhiều nơi vẫn phải neo lãi vay trên 8%/năm. Vốn giá rẻ với TCTD thực tế không phải nơi nào cũng rẻ. Nhiều nhà băng đã phát hành trái phiếu trước đó với lãi suất 9-10%/năm. Và nay các nhà băng này vẫn còn phải tiếp tục ưu đãi huy động kỳ hạn từ trên 6 tháng với lãi suất trên 8,5%/năm. Không thể phủ nhận nỗ lực tổng quan chung là lãi suất thực giảm, nhưng chỉ có điều giảm đến đâu, với doanh nghiệp nào, chúng tôi không thể cào bằng”, đại diện nhà băng này nói.
Hỗ trợ nhưng không mở toang cửa
Video đang HOT
Vẫn theo báo cáo của NHNN, về hỗ trợ tín dụng, các TCTD vẫn tập trung tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với dư nợ tín dụng đến 31/3/2020 đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm 2019 (tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế 1,13%), chiếm 53,7% dư nợ nền kinh tế.
Các TCTD đã triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng: (i) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 170.746 khách hàng với dư nợ 128.210 tỷ đồng; (ii) Miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 14.372 khách hàng với dư nợ 28.441 tỷ đồng; (iii) Hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho 318.528 khách hàng với dư nợ là 980.163 tỷ đồng; (iv) Cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch khoảng 1%-2% cho 147.637 khách với doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 đạt 533.122 tỷ đồng.
Theo đó, tín dụng từ gói 300.000 tỷ đồng đã phần nào có sự vận động đáng kể. Song sự vận động đó vẫn khó khớp với kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp SME.
TS. Vũ Thành Tự Anh, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, đánh giá rằng trong số các gói hỗ trợ mà Chính phủ đã chỉ đạo triển khai, đáng kể nhất chính là gói hỗ trợ tín dụng 300.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh không thể tiếp cận được vốn vay từ gói này. Do đó, vấn đề không phải nằm ở chỗ lãi suất giảm mà là doanh nghiệp có lách qua khe cửa vốn hỗ trợ hay không. “Lãi suất cho vay giảm có lẽ không quan trọng bằng việc doanh nghiệp vay được vốn tín dụng”, TS. Vũ Thành Tự Anh nói.
TS. Vũ Thành Tự Anh cũng cho rằng giữa việc các NHTM không hạ cho vay dưới chuẩn để giữ an toàn và chất lượng tín dụng, và việc doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng, rất cần có sự “bắc cầu” với các tổ chức trung gian như tư vấn, kiểm toán… để tạo kết nối, sự đảm bảo và tin cậy giữa hai bên.
Ở góc nhìn quản trị tài chính, TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế, cho rằng về tổng thể, các NHTM cho các doanh nghiệp giãn trả nợ, thì nguồn vốn thu hồi của họ sẽ ít, nên sẽ gặp khó khăn nhất định về nguồn vốn cho vay mới.
“Hiện nay một số NHTM nhỏ đã phải tăng lãi suất huy động lên trên 8%/năm với kỳ hạn 1 năm, thì lấy vốn đâu để cho vay các doanh nghiệp SME (số lượng lớn và nhiều rủi ro) với lãi suất ưu đãi? Đặc biệt, doanh nghiệp nào càng gặp khó khăn trong dịch COVID-19, thì theo nguyên tắc kinh doanh của ngân hàng, họ sẽ càng e ngại cho vay vì lo mất vốn, chứ không phải hiểu ngược lại như các doanh nghiệp nghĩ mình khó thì phải ưu tiên cho vay…. Thực tế, dù có gói hỗ trợ hay không, các NHTM cũng phải hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giãn hoãn trả nợ. Vấn đề là NHNN cho phép làm điều này để không bị đưa vào nhóm nợ xấu, ảnh hưởng đến sự đánh giá và kinh doanh của NHTM”, TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ.
Về phía khối SME, ông Hiển nhấn mạnh tốt nhất không nên mỏi mòn trông chờ cơ hội tiếp gói hỗ trợ 300.000 tỷ đồng, doanh nghiệp vẫn cần phải chủ động về nguồn vốn trong kinh doanh, biết tính toán và liệu cơm gắp mắm. Còn nếu tìm tới ngân hàng, thì doanh nghiệp cần chấp nhận lãi suất thị trường. “Doanh nghiệp cần cố gắng giảm tối đa nhu cầu vốn vay, và sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả”, chuyên gia lưu ý.
Tăng trưởng tín dụng nhiều ngân hàng giảm khi doanh nghiệp khó khăn
Tính đến giữa tháng 4/2020, tăng trưởng dư nợ tín dụng cả nước chỉ còn 0,8%. Như vậy, riêng trong nửa đầu tháng 4, tín dụng sụt giảm 0,5%. Trong khi đó, báo cáo tài chính (BCTC) mới công bố cho thấy, nhiều ngân hàng thậm chí còn ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm trong 3 tháng đầu năm.
Doanh nghiệp khó khăn, dòng tiền cho vay bị tắc
Tại cuộc họp mới đây với đại diện các ngân hàng thương mại, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, tính đến ngày 31/3/2020, tín dụng toàn nền kinh tế và hệ thống ngân hàng đạt mức tăng 1,3% so với đầu năm. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của quý I trong vòng 6 năm qua.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, tính đến giữa tháng 4/2020, tăng trưởng dư nợ tín dụng cả nước chỉ còn 0,8%. Như vậy, riêng trong nửa đầu tháng 4, tín dụng sụt giảm 0,5%.
Trong khi đó, báo cáo tài chính (BCTC) mới công bố cho thấy, nhiều ngân hàng thậm chí còn ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm trong 3 tháng đầu năm. Cụ thể, đến cuối tháng 3, tổng tài sản của VietinBank đạt 1,22 triệu tỷ đồng, giảm 1,46% so với hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay giảm 1,25% xuống 923.623 tỷ đồng. Huy động tiền gửi khách hàng chỉ tăng nhẹ hơn 2.900 tỷ lên 895.750 tỷ đồng.
Tương tự, tại MB, tổng tài sản của ngân hàng tính đến cuối tháng 3/2020 giảm 1,14%, xuống còn hơn 406,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng ở mức gần 248 nghìn tỷ đồng, giảm 0,94% so với đầu năm.
Saigonbank vừa có báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 với nhiều chỉ tiêu kinh doanh công bố giảm so với cùng kỳ 2019. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm nay, Saigonbank không tăng trưởng được tiền gửi khách hàng vào ngân hàng khiến nguồn tiền này sụt giảm 0,8%, về mức 15.543 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động cho vay khách hàng cũng giảm 2,3%, về mức 14.215 tỷ đồng. Tổng tài sản của Ngân hàng cũng theo đó giảm gần 11%, về mức 20.308 tỷ đồng.
BCTC quý I/2020 của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex - PGBank mới công bố cho thấy, tính đến cuối tháng 3/2020, tổng tài sản của ngân hàng ở mức gần 31,4 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ 0,64% so với đầu năm.Trong đó, cho vay khách hàng giảm 1,6%, còn 23,3 nghìn tỷ đồng. Cũng do tăng trưởng tín dụng âm nên lợi nhuận từ cho vay trong kỳ của ngân hàng cũng giảm 10%, xuống còn 193 tỷ đồng.
Ởmột số ngân hàng khác, dù tăng trưởng tín dụng dương nhưng tốc độ tăng trưởng khá khiêm tốn, chỉ ở mức trên dưới 2% như Vietcombank (2,69%), ACB (2,3%), LienVietPostBank (2,8%), VPBank (2,55%)...
Mức tăng trưởng thấp của tín dụng cho thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh nên không có nhiều nhu cầu vay vốn, dòng tiền cho vay ra theo đó cũng bị "tắc".
Đau đầu giãn nợ, giảm lãi vay cho khách cũ
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hiện nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sụt giảm mạnh do không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới thực hiện giải pháp giãn cách xã hội, tiêu dùng và xuất khẩu đều giảm mạnh, nguyên liệu đầu vào lẫn thị trường đầu ra đều khó khăn. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp tập trung vào thu hồi vốn, trả nợ vay, không có nhu cầu vay vốn tiếp.
Sau hơn 1 tháng kể từ khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN của NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 có hiệu lực, nhiều ngân hàng đã tiến hành cơ cấu lại nợ cho hàng nghìn khách hàng với dư nợ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy vậy số lượng hồ sơ cơ cấu giãn nợ còn khá lớn.
Agribank cho biết, tính đến thời điểm 17/4/2020, Agribank đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ gần 30.000 tỷ đồng, với gần 15.000 khách hàng. Trong đó, cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 là 20.906 tỷ đồng, với 4.733 khách hàng. Dư nợ được miễn giảm lãi suất 2.474 tỷ đồng với 208 khách hàng.
Dư nợ được hạ lãi suất là 26.066 tỷ đồng với 21.360 khách hàng. Hiện Agribank đang tiếp tục đánh giá, xác định mức độ ảnh hưởng của khách hàng do dịch Covid-19, cùng khách hàng rà soát đánh giá các phương án sản xuất - kinh doanh, từ đó tư vấn và hỗ trợ phù hợp.
Tới thời điểm này, Vietinbank đã thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 727 khách hàng, với dư nợ tín dụng là 32.905 tỷ đồng. Dự kiến trong thời gian tới, Vietinbank sẽ tiếp tục xem xét thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 3.181 khách hàng với tổng dư nợ khách hàng là 65.840 tỷ đồng.
Theo đại diện BIDV, thời gian qua BIDV đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khoản nợ của khách hàng chưa có khả năng trả nợ trong lúc dịch bệnh này. Đến nay, BIDV đã cơ cấu cho 1.319 khách hàng với tổng dư nợ gần 20.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngân hàng này này còn giảm lãi suất cho vay tối đa 2%/năm tùy theo mức độ bị ảnh hưởng của khách hàng. Theo rà soát của BIDV, tổng dư nợ của khách hàng hiện hữu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khoảng 450.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo đại diện Vietcombank, tổng số dư nợ hơn 120.000 tỉ đồng của khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã được NH này giảm lãi suất 0,5 - 1,5% so với mặt bằng lãi suất chung. Thời gian tới, tổng dư nợ được giảm lãi suất có thể mở rộng thêm 30.000 tỷ đồng.
Tại VPBank, tính đến ngày 21/4, ngân hàng đã cấu trúc nợ, giãn nợ khoảng hơn 6.000 khách hàng, cho vay mới hơn 3.000 khách hàng với dư nợ hơn 5.000 tỷ đồng. Dẫu vậy theo Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh "hiện số lượng hồ sơ đề nghị cấu trúc nợ đang nằm chờ và trong giai đoạn hoàn thiện khoảng trên 10.000 khách hàng". Do 70% các khoản cho vay trước đây của ngân hàng là cho vay tín chấp nhỏ, thực hiện online, nếu cấu trúc lại nợ theo mô hình truyền thống thì khó chạy kịp tiến độ.
VPBank cho biết, số lượng hồ sơ xin tái cơ cấu nợ rất lớn, trong đó hồ sơ xin giãn với khoản nợ có giá trị từ vài chục tới vài trăm triệu đồng rất nhiều. Để đẩy nhanh tiến độ xử lý các hồ sơ này, VP Bank đề nghị cắt giảm thủ tục hành chính, cho phép áp dụng quy trình rút gọn, đặc biệt với các khoản vay nhỏ.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, thời gian qua, khối lượng hồ sơ phải xử lý trong việc cơ cấu lại nợ của các ngân hàng rất lớn, đặc biệt là những ngân hàng có dư nợ bán lẻ và khách hàng cá nhân nhiều.
"Nếu như NHNN cho phép ngân hàng sử dụng thủ tục đơn giản, gọn nhẹ hơn, đồng thời được sử dụng các chứng từ điện tử, các kênh online hay các đề nghị của khách hàng thông qua email, thông qua các dữ liệu điện tử khác cho thủ tục đó cũng sẽ giúp cho ngân hàng thuận lợi hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp", ông Hưng nhấn mạnh.
Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý II/2020 do Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) thực hiện cho biết, tổng thể cả năm 2020, mặt bằng rủi ro chung của các nhóm khách hàng tăng lên so với năm trước. Trong quý I/2020, mức độ rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng được nhận định có xu hướng "tăng nhẹ" với 16,2% TCTD nhận định rủi ro ở mức "khá cao".
Trong quý II/2020, có 58,1% TCTD kỳ vọng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng ở mức "ổn định", 26,7% TCTD quan ngại rủi ro "tăng nhẹ", trong khi 14,3% TCTD kỳ vọng rủi ro "giảm".
Ngân hàng 'thắng lớn' từ chứng khoán đầu tư Nhiều tổ chức tín dụng báo lãi từ chứng khoán đầu tư tăng hàng chục, trăm lần. Ngân hàng tăng đầu tư vào chứng khoán nợ như trái phiếu, tín phiếu... NHNN phát hành tín phiếu liên tiếp trong 6 tuần giữa quý I, đẩy giá trị lưu hành đạt 147.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh thu nhập lãi thuần bị ảnh hưởng...