Gỡ vướng tín dụng khởi nghiệp
Vốn luôn là vấn đề nan giải được các startup quan tâm hàng đầu. Do đó, các tổ chức hỗ trợ tài chính đóng vai trò hết sức quan trọng trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên tại Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia lần thứ 4 được báo DĐDN tổ chức vừa qua, ông Hoàng Công Đoàn, Chủ tịch Câu lạc bộ Khởi nghiệp Việt Nam, cho biết ngoài Vietinbank, hiện nay chưa có ngân hàng nào thực sự hỗ trợ các dự án khởi nghiệp.
Tại Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia lần thứ 4, các diễn giả cho rằng vốn vẫn đang là vấn đề nan giải với các startup.
Èo uột tín dụng khởi nghiệp
Trên thực tế, các startup đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Qua các số liệu thống kê của NHNN đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói chung, không khó để nhận thấy một bức tranh tín dụng khá èo uột đối với các startup.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN, tính đến ngày 30/9/2019, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt 1.475.828 tỷ đồng, tức mới chỉ chiếm chưa tới 19% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế- một con số quá nhỏ so với số lượng DNNVV hiện nay.
Các DNNVV đã khó tiếp cận tín dụng như vậy, thì đương nhiên việc tiếp cận tín dụng của các startup còn khó hơn gấp bội.
Video đang HOT
Dù nhiều ngân hàng có gói tín dụng dành riêng cho các startup với mức lãi suất khá ưu đãi. Thế nhưng, muốn vay được vốn thì các startup vẫn phải đáp ứng được các điều kiện mà ngân hàng đưa ra như tài sản đảm bảo (TSĐB), dự án kinh doanh khả thi… Thậm chí, không ít ngân hàng còn đưa ra tiêu chí sàng lọc như: doanh nghiệp phải hoạt động từ 2 năm trở lên, không có nợ xấu, doanh thu tối thiểu 5 tỷ đồng…
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, trong thời gian tới NHNN sẽ có những quy định một cách cởi mở hơn cho các NHTM mạnh dạn hơn trong vấn đề cho vay vốn đối với các startup.
Những điều kiện nói trên chính là rào cản đối với các startup, bởi phần lớn các startup đều mới thành lập, TSĐB nhiều khi chỉ là mấy chiếc máy vi tính cùng những ý tưởng kinh doanh mới, mô hình kinh doanh cũng mới, thậm chí chưa có tiền lệ nên cũng khó có thể đánh giá về mức độ khả thi…
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, sự thận trọng của các ngân hàng cũng có lý do, bởi bản thân ngân hàng cũng là chỉ là trung gian tài chính, cần tuân thủ các quy định và cơ chế thị trường. Đặc biệt, ở Việt Nam, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế diễn ra rất phổ biến. Trong khi đầu tư cho khởi nghiệp tiềm ẩn rủi ro cao, nên trường hợp cho vay mà mất vốn thì cả bên vay và bên cho vay đều gặp vấn đề.
Tháo gỡ điểm nghẽn
Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, điều đầu tiên mà các startup cần phải “chuẩn hóa” chính là bản thân mình. Theo đó, bên cạnh kiến thức chuyên môn, startup cũng cần có năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị. Đặc biệt, các startup phải có kế hoạch tài chính rõ ràng để hỗ trợ kế hoạch sản xuất kinh doanh; hệ thống sổ sách kế toán phải đảm bảo tính minh bạch để tạo lòng tin cho các ngân hàng.
Về phía các ngân hàng, cần thiết kế riêng các gói tín dụng phù hợp với đặc thù của startup, trong đó giảm bớt các điều kiện về năng lực tài chính hay xếp hạng tín nhiệm, đồng thời dựa trên đánh giá tính khả thi của phương án kinh doanh để kiểm soát rủi ro mà không cần TSĐB.
Một lãnh đạo của VietinBank chia sẻ, do đặc thù thiếu TSĐB của nhóm khách hàng DNNVV, trong đó có các startup, các ngân hàng cần thẩm định và cấp tín dụng dựa nhiều trên dòng tiền từ phương án kinh doanh. “ Các ngân hàng nên tăng cường xây dựng các sản phẩm chuỗi cung ứng – chuỗi phân phối của các doanh nghiệp lớn, đầu ngành của nền kinh tế. Khi các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị này sẽ là điểm cộng khi vay vốn ngân hàng“, vị này cho biết.
Ngoài ra, các tiêu chí để được bảo lãnh tín dụng cũng là một trở ngại trong việc tiếp cận tín dụng của các startup khi mà theo quy định hiện hành, việc bảo lãnh tín dụng cho DNNVV dựa trên TSĐB hoặc phương án kinh doanh khả thi hoặc xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp này. Do đó, các quỹ bảo lãnh tín dụng cần phát huy tốt vai trò của mình để làm cầu nối cho các startup tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Hà Anh
Theo enternews.vn
Hai chỉ tiêu sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản trong Thông tư 22 của NHNN
Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho rằng Thông tư 22 sẽ có ảnh hưởng ít nhiều tới thị trường bất động sản. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước NHNN) cũng đã nghiên cứu rất kỹ để đưa ra lộ trình phù hợp, hạn chế tối đa các rủi ro xảy ra.
Thông tư 22 sẽ giảm sự phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp bất động sản?
Liên quan đến nguồn vốn tín dụng bất động sản, bà Phạm Thị Vân Anh - Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho hay, hiện đang có rất là nhiều dòng vốn chảy vào thị trường, như vốn của các chủ đầu tư, vốn tín dụng ngân hàng, vốn từ thị trường chứng khoán và vốn đầu tư nước ngoài... Trong đó vốn tín dụng ngân hàng là dòng vốn vô cùng quan trọng.
Tính đến hết tháng 9/2019, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản bao gồm dư nợ tín dụng phục vụ cho kinh doanh bất động sản và tiêu dùng bất động sản tăng 16% so với năm 2018. Trong đó, chủ yếu tập trung vào tiêu dùng bất động sản, chiếm khoảng 70%.
Về Thông tư số 22/2019/TT của Ngân hàng Nhà nước quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực đầu năm 2020, bà Vân Anh cho biết có 2 chỉ tiêu sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.
Thứ nhất là hệ số dùng vốn ngắn hạn đầu tư trung dài hạn. Khoản cho vay bất động sản thường là khoản trung, dài hạn. Trong khi vốn huy động của ngân hàng thường là ngắn hạn. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đang muốn giảm dần khoản ngắn hạn cho đầu tư trung, dài hạn.
"Tuy nhiên, NHNN cũng nghiên cứu và rất thận trọng trong điều chỉnh hệ số này. Thông tư 22 đưa ra lộ trình trong 3 năm điều chỉnh giảm hệ số này xuống 40%, đến năm 2022 giảm xuống còn 30%", bà Vân Anh cho hay.
Thứ hai là hệ số rủi ro áp dụng với những khoản cho vay bất động sản cũng gây ảnh hưởng đến thị trường, nhưng không nhiều. So với quy định trước đây về tỷ lệ đảm bảo an toàn, hệ số áp dụng với những khoản kinh doanh bất động sản vẫn giữ nguyên là 200% từ Thông tư 36 trước đây đến Thông tư 22 hiện nay.
Còn khoản cho vay với nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ hay nhà ở cá nhân có mức vay từ 1,5 tỷ đồng trở xuống thì giữ nguyên hệ số rủi ro 50%.
Cho vay cá nhân có dư nợ từ 4 tỷ đồng trở lên áp dụng hệ số 150%, tuy nhiên theo lộ trình là năm 2020 là 120% và đến năm 2021 là 150%.
Bà Vân Anh cho rằng, Thông tư này có ảnh hưởng ít nhiều tới thị trường bất động sản, tuy nhiên NHNN cũng đã nghiên cứu rất kỹ để đưa ra lộ trình phù hợp, hạn chế tối đa các rủi ro xảy ra. Qua đó, mong muốn chủ đầu tư và các nhà đầu tư tích cực huy động các nguồn vốn khác, giảm sự phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng.
Minh Thư
Theo Infonet.vn
Soi bức tranh kinh tế vĩ mô quý III Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, GDP 9 tháng năm 2019 của Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,98%, được xem là mức cao kỷ lục trong vòng một thập niên gần đây, và điều này thậm chí được xem là "kỳ tích" trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng u ám và kinh tế các...