Gỡ khó cho các dự án giao thông trong ‘bão giá’ vật liệu
Giá các loại vật liệu xây dựng, nhất là xi măng, sắt thép, đất đắp, đá dăm… hiện đã tăng tới 20 – 30% so với thời điểm các nhà thầu xây dựng đấu thầu, ký hợp đồng xây lắp, đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông, nhất là dự án trọng điểm quốc gia cao tốc Bắc Nam.
Thực tế này cần sớm được các bộ, ngành, địa phương có biện pháp tháo gỡ, hạn chế tình trạng hụt tiến độ.
Giá vật liệu xây dựng tăng cao, lập mặt bằng giá mới
Lãnh đạo 20 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các nhà thầu thi công cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 vừa đồng loạt gửi văn bản kiến nghị Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ liên quan, xem xét giải quyết bất cập, tháo gỡ khó khăn hỗ trợ nhà thầu thi công, nhà đầu tư thực hiện cao tốc, trước tình trạng giá các loại vật liệu xây dựng tăng cao.
Giá vật liệu xây dựng tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các dự án giao thông.
Theo các nhà thầu, ngay sau khi khởi công các dự án thành phần, nhà thầu phải đối mặt với tình trạng nhiều loại vật liệu chính biến động tăng đột biến như: Thép, đất đắp, cát vàng sản xuất bê tông xi măng… Từ đầu năm đến nay, hầu hết các loại vật liệu xây dựng đã leo thang lên mặt bằng giá mới.
Đơn cử, giá đất đắp tăng khoảng 30 – 50%, cá biệt có gói thầu tăng 154%; cát vàng tăng khoảng 15 – 40%, cá biệt có gói thầu tăng 187%; giá nhựa đường tăng khoảng 35 – 50%; giá sản xuất bê tông nhựa tăng khoảng 20 – 55%; giá cấp phối đá dăm loại 1 tăng khoảng 30 – 45%, đặc biệt có gói thầu tăng 129%; giá xi măng tăng khoảng 20 – 35%, cá biệt có gói thầu tăng 47%…
Trong công thức điều chỉnh giá hợp đồng chỉ điều chỉnh cho 7 yếu tố chính: Nhân công, máy thi công, nhựa đường, thép, đá các loại, cát, xi măng. Vật liệu đất đắp được coi là cố định, không điều chỉnh trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Trong khi đó, với khối lượng đất đắp tại các dự án giao thông khá lớn, giá trị vật liệu đất đắp chiếm tỷ trọng lớn trong giá hợp đồng từ 15 – 25%. Chưa kể, phần lớn các nhà cung cấp, chủ mỏ vật liệu hiện nay đều yêu cầu cơ chế thanh toán 100% trước khi nhận hàng như: Đá các loại, thép, bê tông, nhiên liệu diesel, nhựa đường… còn việc thi công trên công trường phải tuân thủ theo quy trình thi công, nghiệm thu, thanh toán của chủ đầu tư ít nhất từ 2 – 3 tháng… Mặc dù các nhà thầu, doanh nghiệp xây dựng đã rất cố gắng xoay xở dòng tiền, dồn mọi nguồn lực cho dự án, nhưng sự mất cân đối dòng tiền lũy kế trong hơn 1 năm qua đang quá sức và khiến các doanh nghiệp rơi vào suy kiệt tài chính, có thể dẫn đến phá sản.
Theo rà soát của Bộ Xây dựng, từ cuối quý IV/2020 đến quý I/2022, giá vật liệu xây dựng có xu hướng biến động tăng. Từ tháng 4/2022 trở lại đây, giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu bắt đầu giảm, trong đó giá thép giảm mạnh nhất, tương đương với giá thép quý II/2021. Tuy nhiên, so với mặt bằng giá quý IV/2020, tại thời điểm tháng 7/2022, giá một số vật liệu chủ yếu vẫn cao như: Giá thép xây dựng cao hơn khoảng 25%; giá xi măng cao hơn khoảng 15 – 20%; giá nhựa đường cao hơn khoảng 40%; dầu diesel cao hơn gần 100%…
Video đang HOT
Ngoài ra, hầu hết các công trình thi công sau năm 2020, trong đó có cao tốc Bắc Nam phía Đông đều chọn phương án ký hợp đồng theo nguyên tắc điều chỉnh đơn giá. Việc thực hiện loại hợp đồng này đã gặp phải một số khó khăn khi giá vật tư, vật liệu ở nhiều địa phương công bố dùng để điều chỉnh giá hợp đồng chậm. Khó khăn trong thực hiện hợp đồng điều chỉnh theo đơn giá hiện nay do các bên không lường hết rủi ro về trượt giá và tình trạng thiếu nguồn cung đối với một số loại vật liệu chủ yếu.
Tháo gỡ
Thủ tướng Chính phủ trong chuyến kiểm tra dự án cao tốc Bắc Nam mới đây đặc biệt lưu tâm tiến độ và chất lượng các dự án; đã chỉ đạo rút ngắn tiến độ một số dự án, chú trọng vào các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam.
Việc công bố biến động giá vật liệu xây dựng hàng tháng tại các địa phương sẽ giúp các nhà thầu bám sát giá để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Song thực tế, “bão giá” vật liệu đã và đang ảnh hưởng lớn tới tiến độ của các dự án. Về cơ bản, khi tham gia triển khai, các chủ đầu tư và nhà thầu đều đã chuyên nghiệp, nhưng khó tránh được ảnh hưởng. Hầu hết các nhà thầu đều phản hồi, khi nguồn vật liệu dồi dào, dòng tiền đầy đủ, thi công đồng loạt tất cả các mũi… các dự án sẽ cán đích đúng hẹn.
Theo Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam Trần Chủng, trong quá trình thực hiện bất kỳ công trình nào cũng gặp không ít khó khăn, nhưng khó khăn lớn nhất, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ, chất lượng công trình, mục tiêu cam kết… chính là vật liệu xây dựng. Đây là yếu tố mang tính quyết định. Nếu chất lượng không được lựa chọn, giá cả không thích hợp thì các nhà thầu không thể mang tiền nhà đi để bù giá. Vì vậy, Hiệp hội đề xuất các cơ quan quản lý Nhà nước sớm có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tương tự như cách tháo gỡ tình hình giá xăng dầu thời gian qua.
Đề cập đến giải pháp tháo gỡ khó khăn do “bão giá” vật liệu, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tổng thể việc công bố giá, chỉ số giá vật liệu xây dựng trên địa bàn quản lý từ năm 2021 trở lại đây. Trường hợp giá, chỉ số giá đã công bố theo từng quý chưa phản ánh đúng tiến độ biến động giá vật liệu xây dựng trên thị trường, các địa phương bổ sung việc công bố, tăng tần suất sớm hơn (theo tháng) theo quy định, đảm bảo việc công bố sát giá thị trường, công bằng, minh bạch.
Bên cạnh đó, giao cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư chỉ đạo chủ đầu tư các dự án báo cáo các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; xác định rõ trách nhiệm các bên và cơ sở pháp lý về việc điều chỉnh hợp đồng (kể cả hợp đồng BOT), đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trên cơ sở chủ động xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền; xác định mức độ ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư đã phê duyệt, cân đối các nguồn vốn báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Thay thế giám đốc dự án, đẩy nhanh tiến độ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Ghi nhận của phóng viên TTXVN trong những ngày đầu tháng 4/2022, trên công trường dự án trọng điểm cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết nối từ tỉnh Bình Thuận đến Đồng Nai dài khoảng 99km mặc dù thời tiết bất lợi mưa nhiều nhưng nhà thầu vẫn nhộn nhịp thiết bị thi công khi tạnh ráo để kịp tiến độ.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài gần 100km, từ Bình Thuận đến Đồng Nai. Ảnh: Công Phong/TTXVN
Theo kế hoạch, chỉ còn chưa đầy 9 tháng là phải đưa tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đi vào hoạt động. Trước sức ép về thời gian và khối lượng công việc còn lại rất lớn, để đẩy nhanh tiến độ, động thái mới nhất của Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải) - chủ đầu tư dự án, là tức tốc thay thế Giám đốc ban điều hành dự án cùng với giải pháp yêu cầu nhà thầu tăng cường thiết bị máy móc, đẩy nhanh thi công.
Khởi công vào cuối tháng 9/2020, dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây phải hoàn thành thi công trong thời gian 24 tháng. Tuy nhiên, nhiều gói thầu thi công cao tốc này đang gặp khó khăn do thiếu đất đắp nền. Theo tính toán của Ban Quản lý dự án Thăng Long, toàn bộ dự án còn phải đắp gần 2,77 triệu m3 đất đắp và 0,46 triệu m3 đào đá tập trung một vài vị trí.
Ông Đặng Hùng Thái, tân Giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cho biết, toàn tuyến cơ bản đã liền mạch, chỉ còn một số điểm đặc thù như nút giao, cầu vượt, đường điện cao thế... Hiện dự án đang đảm bảo kế hoạch như Bộ Giao thông vận tải yêu cầu.
Để đẩy nhanh tiến độ, ông Đặng Hùng Thái cho hay, các nhà thầu trên cả 4 gói đã huy động gần 1.000 máy móc, thiết bị chia làm 69 mũi thi công, trong đó: gói 1-XL có 16 mũi (8 mũi đường, 5 mũi cầu, 3 mũi thoát nước); gói 2-XL có 18 mũi (13 mũi đường và thoát nước, 5 mũi cầu); gói 3-XL có 22 mũi (14 mũi đường và thoát nước, 8 mũi cầu); gói 4-XL có 13 mũi thi công (8 mũi đường và thoát nước, 5 mũi cầu).
"Giá trị sản lượng thực hiện từ ngày khởi công đến nay là hơn 2.199 tỷ đồng, đạt trên 37,55% giá trị hợp đồng. Giá trị giải ngân năm 2022 đến nay đạt hơn 485 tỷ đồng, đáp ứng kế hoạch", ông Đặng Hùng Thái thông tin.
Ông Thái cho biết thêm, khó khăn là nhân lực bị mắc COVID-19 quá nhiều, đặc biệt là các lái máy chủ... khiến tiến độ thi công ảnh hưởng. Hiện nay, song song với tuyến cao tốc đang thi công là Quốc lộ 1 đang quá tải. Xe cộ di chuyển tập trung lưu lượng lớn ở tuyến này, tạo nên nút thắt cổ chai, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ, đặc biệt là các ngày lễ Tết.
Phóng viên TTXVN đã trực tiếp đi hiện trường gói thầu số 3 - XL dài hơn 35km đi qua huyện Cẩm Mỹ và Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai. Đây là gói thầu lớn nhất của dự án do liên danh Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex và Công ty TNHH Thương mại xây dựng Trung Chính đang thực hiện, phóng viên ghi nhận khối lượng công việc còn rất lớn, đặc biệt là khối lượng đắp nền đường. Cá biệt có những cầu mới chỉ triển khai thi công được một tháng do phải chờ phê duyệt thay đổi thiết kế. Tuy nhiên, các nhà thầu cũng đang tích cực triển khai trên công trường, nhiều đoạn tuyến đã hoàn thành xong lớp nhựa bê tông đại trà C19.
Hơn thế nữa, nhiều đoạn tuyến của gói thầu, nhà thầu đã huy động máy móc thiết bị nhưng do thời tiết những ngày này tại huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc (Đồng Nai) mưa nhiều nên không thể thi công được.
Đại diện nhà thầu Trung Chính cho biết, hầu hết 24 cây cầu trên tuyến đã cơ bản lao xong dầm và bản mặt kết cấu phần dưới. Hiện nhà thầu đang nỗ lực thi công kết cấu phần trên.
Tương tự ở gói thầu số 4 -XL có chiều dài 16km do liên danh Công ty cổ phần Xây dựng Thăng Long và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 - Cienco 6, cũng gặp khó khăn về việc thiếu nguồn đất phục vụ đắp nền đường, hiện công trình đang cần khoảng 400.000 m3 đất đắp nền đường. Đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long cho hay, mỏ đất cấp cho gói thầu này đã được cấp phép nhưng đang chờ các thủ tục để được khai thác. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm có đất để thi công nhưng việc này còn phụ thuộc vào việc sớm giải quyết đường vào mỏ.
Về tiến độ cụ thể của gói thầu này, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, hiện Tổng công ty Xây dựng Thăng Long đã hoàn thiện lớp bê tông nhựa đại trà C19 được 1,7km/9,5km được giao, đồng thời, đang triển khai 6 cầu với tiến độ đúc dầm, lao lắp đạt tiến độ đề ra. Trong khi đó, Cienco 6 cũng đã thực hiện thẩm bê tông nhựa C19 được 700m trong tổng số 6,5 km được giao. Hiện nhà thầu này cũng đang triển khai 4 cầu với tiến độ xây dựng mố, trụ cầu, đúc phiến dầm, lao lắp dầm đạt tiến độ đề ra.
Về khó khăn, tại huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) có một đường điện 220KV và một đường điện 500KV chưa được nâng cao tĩnh không để đảm bảo an toàn thi công và khai thác. Hiện còn 14 vị trí điện trung thế và hơn 8 km đường ống nước chưa di dời.
Trong khi đó, gói thầu số 1-XL (Km0 000 - Km16 400) đoạn đi qua 4 xã của huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) trị giá hơn 1.069 tỷ đồng, khởi công ngày 16/11/2020, do 3 nhà thầu (Phúc Lộc, Cienco 8, Vạn Cường) đảm trách, được coi là điểm sáng của dự án khi tiến độ khá tốt so với các gói thầu còn lại. Tuy nhiên, gọi thầu này cũng đang thiếu đất đắp.
Chia sẻ khó khăn về giá nhiên, nguyên vật liệu tăng cao thời gian qua, ông Nguyễn Công Hợp (Ban Quản lý dự án Thăng Long) cho hay, hiện nay giá vật liệu thép tròn, thép hình, thép tấm, cáp dự ứng lực tăng hơn 50-56%; vật liệu cấp phối đá dăm, cốt liệu đá, cát vàng, xi măng tăng từ 60-70%, giá vật liệu đắp nền đường tăng hơn 35-40%... khiến nhiều nhà thầu phải bù lỗ để triển khai thi công. Để tháo gỡ khó khăn này, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng làm việc với địa phương, tính toán chỉ số riêng phù hợp với thực tế.
Về khó khăn nguồn đất đắp, các nhà thầu đã chủ động sử dụng nguồn đá nghiền để đắp nền. Cụ thể gói số 2 -XL đã đẩy mạnh viêc này nhằm chủ động hoàn thiện đắp nền đường. Đối với những gói khác của dự án, các nhà thầu cũng đang khẩn trương sử dụng nhiều giải pháp để chủ động nguồn vật liệu đất đắp cho dự án.
Đại diện Ban điều hành dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, đối với các gói thầu đang chậm tiến độ, nhà thầu đã cập nhật kế hoạch theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải để huy động thêm nhân lực, thiết bị, phấn đấu đến ngày 30/4 tới sẽ bù lại tiến độ theo kế hoạch đề ra. Dù tiến độ dự án đang gặp một số khó khăn nhưng các nhà thầu đã cam kết hết ngày 30/9 tới, sẽ hoàn thành lớp bê tông nhựa trên toàn tuyến chính cao tốc tiến tới hoàn thành cơ bản dự án vào ngày 31/12/2022.
Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km đi qua hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai do Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) làm đại diện chủ đầu tư. Dự án được khởi công cuối tháng 9/2020 và theo kế hoạch, tuyến cao tốc này sẽ hoàn thành sau 24 tháng. Giai đoạn 1 được xây dựng theo quy mô 4 làn xe, bề rộng nền 25m, với 6 nút giao và 65 cầu với tổng mức đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng là hơn 7.200 tỷ đồng.
Đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho hay, dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là một phần trong dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trục đường bộ xương sống của đất nước qua tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ TP Hồ Chí Minh đến trung tâm du lịch Phan Thiết - Mũi Né còn 2-2,5 tiếng thay vì 4-5 tiếng đi trên Quốc lộ 1. Đặc biệt, sau khi hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, sân bay quốc tế Long Thành đang triển khai và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần tạo đòn bẩy cho địa phương này phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Đẩy tiến độ nhưng ưu tiên số 1 vẫn là chất lượng Triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, trong thời gian tới, áp lực giải ngân vốn đầu tư công của ngành giao thông vận tải rất lớn khi các dự án trọng điểm quốc gia...