Gỡ khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng cá ngừ
Trong trường hợp Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh nhưng ở châu Âu và Mỹ vẫn còn dịch thì thị trường xuất khẩu cá ngừ đại dương vẫn còn khó khăn, bất ổn.
Đưa cá ngừ đại dương lên bờ tiêu thụ. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)
Dù Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch bệnh COVID-19, nhưng vẫn còn nhiều quốc gia khác đang phải ứng phó quyết liệt với dịch bệnh này.
Đặc biệt, tại khu vực châu Mỹ và châu Âu, dịch còn kéo dài, gây tác động không nhỏ đến các hoạt động xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam; trong đó có mặt hàng cá ngừ.
Hiện, ngành thủy sản chuyển hướng sản xuất và tiêu thụ để hỗ trợ ngư dân duy trì, bám biển.
Tăng cường tiêu thụ nội địa
Theo một số doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cá ngừ đại dương, trong trường hợp Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh nhưng ở châu Âu và Mỹ vẫn còn dịch thì thị trường xuất khẩu cá ngừ đại dương vẫn còn khó khăn, bất ổn.
Đó là chưa kể món ăn cá ngừ đại dương là “món ăn sang” ở nhà hàng, dành cho người có thu nhập cao nhưng do dịch bệnh, người dân bị mất thu nhập nên sức tiêu thụ sẽ giảm dù khi đó dịch bệnh đã được kiểm soát.
Bà Nguyễn Thị Thu Thanh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải sản Bền Vững (Khánh Hòa), chuyên xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Mỹ cho biết thời gian qua, mỗi tháng, công ty thu mua khoảng 25-30 tỷ đồng nguyên liệu nhưng chỉ xuất được khoảng 2-3 tỷ đồng.
Khi hàng tồn kho, phía doanh nghiệp vẫn trả lãi ngân hàng và trả tiền hàng cho ngư dân. Đó là chưa kể tiền điện tăng đột biến do phải trữ lạnh bảo quản. Điều này gây thêm gánh nặng không nhỏ lên chi phí cho doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban Hải sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay Việt Nam không chỉ là nhà xuất khẩu thủy sản lớn, mà còn là thị trường tiêu thụ thủy sản tiềm năng của nhiều quốc gia khác.
Video đang HOT
Hệ thống các nhà hàng, khách sạn phục vụ cho khách du lịch quốc tế và nội địa; dân số trong độ tuổi tiêu dùng cao, mức thu nhập bình quân của người dân (nhất là ở khu vực đô thị) tăng mạnh, đi kèm xu hướng chọn bữa ăn ngoài gia đình của giới trẻ… Tất cả đã tạo nên một thị trường tiêu thụ thủy hải sản đa dạng, nhiều phân khúc.
Do đó, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ có thể khai thác tiềm năng này. Bởi nếu không sử dụng ưu thế thị trường nội địa này, người tiêu dùng cũng sẽ lựa chọn những sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Cấp đông sản phẩm cá ngừ đại dương xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Bá Hải. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Trước tình trạng này, để đảm bảo nguồn cá ngừ của ngư dân khai thác được tiêu thụ kịp thời, các địa phương có đội tàu khai thác cá ngừ đại dương đã tăng cường giải pháp tiêu thụ cá ngừ, giúp ngành khai thác, chế biến ca ngừ gỡ khó trong thời điểm hiện nay.
Cụ thể, tỉnh Phú Yên đã khuyến khích các doanh nghiệp tập trung quảng bá sản phẩm cá ngừ và đẩy mạnh việc tiêu thụ nội địa thông qua hoạt động dịch vụ, du lịch.
Đồng thời, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên không khuyến khích ngư dân tăng số lượng tàu cá, mà tập trung sâu các khâu bảo quản sau khai thác để nâng cao chất lượng cá ngừ và đẩy mạnh khâu tiêu thụ nội địa.
Đặc biệt, khoảng hơn 1 năm nay, một số nhà hàng, khách sạn, khu du lịch lớn của tỉnh thường xuyên tổ chức mời chuyên gia ẩm thực đến trình diễn xẻ thịt và chế biến cá ngừ đại dương phục vụ thực khách.
Qua các hoạt động này, góp phần đưa đặc sản cá ngừ Phú Yên đến nhiều người tiêu dùng trong nước, nâng cao giá trị và thương hiệu cá ngừ đại dương.
Cùng ngư dân vượt qua khó khăn
Đứng trước những khó khăn hiện nay của ngành khai thác, chế biến, xuất khẩu cá ngừ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị cơ quan quản lý chuyên ngành, hiệp hội ngành hàng chủ động xây dựng các phương án, kịch bản xuất khẩu nông, thủy sản đáp ứng nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng thế giới khi hết dịch.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến cáo, đối với các địa phương có tàu cá hiệu quả sản xuất thấp, chính quyền địa phương hướng dẫn ngư dân trong thời gian này có thể tạm thời không đi khai thác, tranh thủ sửa chữa, bảo dưỡng tàu và ngư lưới cụ, góp phần giảm cường lực khai thác trong ngắn hạn, để nguồn lợi thủy sản có thời gian phục hồi.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết các tàu cá tạm dừng khai thác sẽ đăng ký với chính quyền địa phương để hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định hiện hành.
Đồng thời, phía chính quyền địa phương các tỉnh có hoạt động khai thác cá ngừ cũng khuyến cáo các cơ sở chế biến tập trung đẩy mạnh chế biến hải sản (đóng hộp, làm nước mắm, sản phẩm khô, chả cá…).
Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản chế biến sẵn bảo quản đông lạnh, sản phẩm thủy sản đóng hộp và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường nhập khẩu vẫn đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Riêng ngư dân, cần có biện pháp giảm thời gian bảo quản sản phẩm hải sản khai thác trên tàu như giảm bớt thời gian chuyến biển, liên kết với các tàu dịch vụ hoặc tăng cường áp dụng công nghệ bảo quản sản phẩm sau khai thác để kịp thời vận chuyển về bờ, đảm bảo chất lượng, cung cấp các sản phẩm hải sản tươi để tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cụ thể hóa những chính sách này bằng việc xây dựng trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; triển khai Đề án nâng cao giá trị sản phẩm hải sản khai thác và các giải pháp đồng bộ khác để đảm bảo ngành khai thác thủy sản tiếp tục duy trì ổn định, phát triển bền vững trong thời gian tới./.
Ngành dệt may hậu COVID-19: Kim ngạch xuất khẩu chỉ khoảng 35 tỷ USD, khó lại càng khó
"Khó khăn cần phải khắc phục đó là vấn đề cốt lõi của cầu, cần tận dụng ưu đãi thuế quan để cạnh tranh về giá", đây là những chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Trang tại buổi tọa đàm "Hậu Covid-19: Chuẩn bị gì để trở lại đường đua?".
TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết dệt may là ngành mũi nhọn với thị trường xuất khẩu là Mỹ, châu Âu... COVID-19 làm cho dệt may bị ảnh hưởng lớn.
Lúc đầu dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc đã gây ảnh hưởng đến đầu vào, nguyên liệu cho ngành này. Sau đó Mỹ, châu Âu bùng phát dịch bệnh thì ngành dệt may bị ảnh hưởng về cầu. Thời gian sắp tới cầu vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng.
Sau dịch bệnh, người tiêu dùng giảm nhu cầu sử dụng đồ may mặc mới, cắt giảm những sản phẩm không thân thiện với môi trường... nên ngành may mặc sẽ còn khó khăn.
Xuất khẩu dệt may của Việt Nam đứng thứ 2-3 của thế giới nhưng cách hạng 1 là Trung Quốc rất xa. Thời gian tới chắc chắn thị trường sẽ khó khăn, nhưng cũng có cơ hội để tận dụng ưu đãi thuế quan trong các hiệp định.
Khó khăn cần phải khắc phục đó là vấn đề cốt lõi của cầu, cần tận dụng ưu đãi thuế quan để cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, nhu cầu của thế giới đã thay đổi. Họ có nhu cầu những mặt hàng may mặc chất lượng tốt và không gây hại cho môi trường. Do đó, nhà sản xuất cần gia tăng giá trị thực cho sản phẩm.
Bà Trang cho rằng kim ngạch xuất khẩu sẽ không được như cũ. Mặc dù khó khăn nhưng vẫn có đường ra, nếu doanh nghiệp quyết liệt làm, có giải pháp vẫn phát triển được.
Doanh nghiệp dệt may lớn đã bắt đầu làm từ khâu thiết kế, phát triển những nguyên liệu vải có tại Việt Nam... Trước đây Việt Nam làm mỗi được may, giờ làm được cả sợi và xuất khẩu.
Theo bà Trang, còn khâu dệt nhuộm Việt Nam không làm được. Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào mảng dệt nhuộm nhưng nhiều địa phương không muốn nhận vì sợ ô nhiễm trong khi ngành này hiện gần đây công nghệ đã hiện đại hơn...
Ngân hàng cũng e ngại cho ngành này vay vốn. Việc tiếp cận vốn, đầu tư cho ngành dệt nhuộm khó... Nên cần chính sách tổng thể từ nhà nước, thuế, đất đai, môi trường, vốn... để phát triển ngành này.
Báo cáo tại buổi làm việc với Bộ Công Thương, đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ và EU, chắc chắn, ngành dệt may Việt Nam sẽ có một năm suy giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu.
"Trong một kịch bản lạc quan nhất, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2020 sẽ đạt khoảng 35 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019. Với kịch bản hiện thực, con số này là 33,5 tỷ USD và với kịch bản xấu nhất, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may có thể chỉ đạt 30 - 31 tỷ USD", Vitas dự tính.
Xuất khẩu dệt may 4 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 8,9 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ. Nhưng mức giảm này chưa phản ánh hết thực tế thiếu đơn hàng xuất khẩu của ngành này. Con số giảm mạnh phải chờ đến tháng 5 và tháng 6, khi lượng đơn hàng bị hủy, hoãn đều nằm trong khoảng thời gian này.
Tiên lượng về các kịch bản xuất khẩu trong năm 2020 của ngành dệt may được đặt trong bối cảnh chung của thị trường toàn cầu, trong đó, khả năng tổng cầu hàng hóa dệt may sẽ suy giảm 25%.
Tổng cầu dệt may toàn thế giới năm 2020 dự báo sẽ sụt giảm mạnh. Năm 2019, tổng nhập khẩu hàng dệt may thế giới là 780 tỷ USD.
Nếu dịch bệnh không được đẩy lùi hết quý 2/2020 mà kéo dài thì dự báo cầu nhập khẩu dệt may thế giới sẽ xuống đến ngưỡng 600 - 680 tỷ USD, giảm từ 15 - 25% so với mức 780 tỷ USD của năm 2019 do nhìn chung nhu cầu hàng hoá Xuân Hè đã qua đi, năm nay sẽ là năm thị trường mất mùa một vụ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Giảm áp lực về nguồn cung đàn lợn giống Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tháng 5,6,7/2019 là những tháng chăn nuôi lợn bị thiệt hại nghiêm trọng nhất do dịch tả lợn châu Phi, thậm chí có tháng tiêu hủy trên 1,2 triệu con lợn. Người chăn nuôi lợn tỉnh Bắc Ninh tái đàn sau bệnh dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: TTXVN) Giá lợn hơi trên thị trường tăng cao...