Giúp nông dân nuôi trồng thủy sản giải quyết hàng tồn
Với lợi thế diện tích mặt nước lớn, ngành nuôi trồng thủy sản trở thành ngành kinh tế mang lại thu nhập cao cho người dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tuy nhiên, người nuôi thủy sản đang gặp khó khăn vì dịch COVID-19, khi giá cả xuống thấp, không tiêu thụ được, nhiều nông dân chỉ còn nuôi cầm chừng, thậm chí bỏ nuôi vì thua lỗ.
Thu hoạch tôm tại Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Minh Phú – Lộc An (Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, 8 tháng năm 2021, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt 6.560 ha, sản lượng nuôi trồng đạt 12.838 tấn, đạt 62,7% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các sản phẩm thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh tiêu thụ chậm, đặc biệt là hàu, cá nuôi lồng bè và cá nước ngọt. Hiện nay, người nuôi thủy sản đang bị lỗ nặng do nguồn cung dồi dào nhưng đầu ra bị ùn ứ. Giá bán ra tại ao nuôi thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất nhưng vẫn không tìm được thương lái thu mua.
Ông Nguyễn Thanh Chức ở tổ 2, thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức cũng là Tổ trưởng Tổ nuôi cá nước ngọt tại Suối Rao cho biết, gia đình ông đang nuôi các loại cá nước ngọt như: cá trắm, chép, rô phi. Nếu như trước kia mỗi vụ thu hoạch gia đình ông thu từ 15-17 tấn cá các loại và chỉ khoảng 1 tuần đến 10 ngày là tiêu thụ hết với giá ổn định là: cá trắm cỏ loại 4-5kg/con giá 70 nghìn đồng/kg, cá chép con loại 2-3 kg giá 60 nghìn đồng/kg, cá rô phi năm ngoái có giá 33 nghìn đồng/kg.
Đến nay, đã gần 1 tháng mà gia đình ông vẫn chưa tiêu thụ hết sản lượng cá đang đến kỳ thu hoạch. Trong khi đó, giá bán cũng đã xuống rất thấp như: cá trắm chỉ còn 50 nghìn đồng/kg, cá chép còn 45 nghìn đồng/kg, cá rô phi khoảng 30 nghìn đồng/kg.
Ông Chức chia sẻ, nếu như cùng kỳ năm ngoái sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi hơn 250-300 triệu đồng/vụ thì năm nay gia đình ông sẽ thua lỗ.
Hiện, Tổ nuôi cá nước ngọt tại Suối Rao có 18 hộ nuôi, với 35ha nhưng, có đến 50% số hộ nuôi cá đang bị thua lỗ, 50% còn lại người nuôi chỉ hoà vốn chứ không ai có lãi trong các vụ nuôi từ đầu năm đến nay. Hiện nay rất nhiều ao nuôi tại Tổ nuôi cá nước ngọt Suối Rao không bán được phải cho cá ăn cầm chừng hoặc phải “treo ao” do không còn vốn, không vận chuyển được con giống để về thả nuôi gối vụ nên nguy cơ đứt gãy sản xuất là rất cao.
Vài tháng gần đây, thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng giá mạnh. Người chăn nuôi lao đao vì giá thức ăn làm đội giá thành sản xuất trong khi thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, thậm chí đình trệ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Video đang HOT
Anh Nguyễn Công Biên, người nuôi cá lồng bè trên Sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu có 200 lồng nuôi, với các loại cá bớp, chim và cá cam; trong đó, cá bớp và cá chim đã đã nuôi được hơn 14 tháng đã quá kỳ xuất bán hơn 4 tháng nay; cá cam cũng đã nuôi được 10 tháng vừa đến kỳ xuất bán. Tuy nhiên, do khâu tiêu thụ khó khăn nên đến nay bè cá của gia đình anh còn tồn khoảng gần 40 tấn cá.
Anh Biên cho biết, nếu như cách đây 10 ngày trước, mỗi ngày qua các đơn đặt hàng online trong tỉnh anh cũng bán được khoảng 300-400 kg, thì 10 ngày nay anh không xuất bán được. Cá đã quá lứa tiêu thụ nên ăn rất tốn thức ăn, mà cá càng ăn thì càng thua lỗ cho người nuôi. Giá cám tăng từ 80-100 nghìn đồng/bao 25 kg, cá mồi cho cá ăn thì khan hiếm do các tàu không ra khơi đánh bắt nên anh phải giảm lượng thức ăn cho cá để nuôi cầm chừng chờ đến ngày tiêu thụ.
“Khâu vận chuyển tiêu thụ rất khó. Nếu giao hàng tại thành phố Vũng Tàu thì chúng tôi chỉ có thể vận chuyển xe hàng về tới thành phố nhưng lại không có điểm tập kết hàng; giao hàng (shipper) thì thu phí quá cao khiến người mua không muốn mua hàng. Với tình hình tiêu thụ cá như năm nay, cộng với giá cám tăng cao gia đình tôi cầm chắc thua lỗ”, anh Biên chia sẻ.
Trước tình hình sức tiêu thụ thủy sản nuôi rất chậm, nhiều bè nuôi hiện phải “treo” không có vốn, không đặt mua được nguồn giống thủy sản để thả nuôi lứa mới, ông Nguyễn Hữu Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, mặc dù ngành nông nghiệp đã nỗ lực hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng thủy sản, nhưng số lượng tồn vẫn khá nhiều, với hơn 150 tấn.
Nguyên nhân do kết nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con nuôi trồng thủy sản còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, sản phẩm thủy sản là sản phẩm tươi sống cần được bảo quản lạnh và giao nhanh cho khách hàng trong ngày mà tình hình dịch bệnh việc đi lại khó khăn, phân phối sản phẩm rải rác nhiều địa điểm tốn nhiều thời gian, điều kiện bảo quản không đảm bảo nên việc kết nối tiêu thụ sản phẩm thủy sản nuôi còn chậm.
Trước sức tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng thủy sản chậm, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các cấp phổ biến, chỉ đạo địa phương tuyên truyền đến người dân những sản phẩm nông thủy sản còn tồn đọng có nhu cầu cần hỗ trợ tiêu thụ. Từ đó, người dân đăng ký nhu cầu theo từng cụm và đặt đơn hàng với các hộ sản xuất nhằm giúp tiêu thụ nông thủy sản trực tiếp từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng.
Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các điểm bán hàng cố định hoặc lưu động tại các “vùng xanh”, “vùng vàng” để cung cấp đầy đủ các mặt hàng nông thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm còn tồn nhiều cần hỗ trợ tiêu thụ. Như vậy, người nuôi mới giải phóng được số hàng tồn, để có vốn đầu tư, tái đầu tư sản xuất vụ mới.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Phải đảm bảo tăng trưởng thủy sản
Tại cuộc họp trực tuyến về sản xuất, tiêu thụ thủy sản những tháng cuối năm 2021 và khó khăn vướng mắc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vào sáng 4/9 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với một số địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thủy sản có vai trò rất quan trọng, chiếm khoảng 35% trong tổng giá trị của ngành nông nghiệp và là lĩnh vực còn nhiều dư địa để tăng trưởng.
Thị trường lại đang có nhu cầu thủy sản rất lớn. Trong khi dịch COVID-19 còn kéo dài, đòi hỏi ngành thủy sản vừa phải chống dịch, vừa phải đảm bảo tăng trưởng.
Chồng chất khó khăn
Chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Theo Tổng cục Thủy sản, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã có 120/449 nhà máy chế biến dừng hoạt động. Các nhà máy đang sản xuất thì công suất chỉ khoảng 30-40%. Tuy nhiên chi phí sản xuất của nhà máy tăng, chậm và bị phạt đơn hàng là rất lớn.
Bên cạnh đó là tình trạng khó kêu gọi thương lái, nhà máy thu mua thủy sản, thiếu lái xe, phương tiện vận chuyển thu mua tôm nguyên liệu... làm giá mua giảm mạnh, nhất là tôm nguyên liệu. Việc cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất không đáp ứng kịp thời, phát sinh tăng chi phí.
"Nếu tình trạng này không được cải thiện, đứt gẫy chuỗi sản xuất nuôi trồng thủy sản là rất lớn và nguy cơ thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu trong các tháng cuối năm là rất lớn", ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho hay.
Bà Võ Thị Thanh Vân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết, đến nay, diện tích thả nuôi cá tra của địa phương tăng 1%, thu hoạch đạt 98,8% diện tích thả nuôi. Thu hoạch cá tra từ nay đến cuối năm khoảng 157.000 tấn.
Về giống, An Giang vẫn thực hiện sản xuất giống cá tra 3 cấp nhưng do dịch cũng gặp khó khăn. Hoạt động ương dưỡng cá tra giống cầm chừng bởi cá thương phẩm còn tồn trữ trên ao nên cũng ảnh hưởng đến việc thả nuôi. Nếu dịch khống chế được thì từ nay đến cuối năm sẽ thiếu giống cá tra khi người dân thả nuôi lại, bà Võ Thị Thanh Vân nhận định.
Về hoạt động khai thác thủy sản, đã có 25 cảng cá dừng hoạt động trong tháng 8. Đến ngày 1/9, có 8 cảng được hoạt động trở lại. Hiện còn 17 cảng đang tạm dừng hoạt động. Số lượt tàu vào cảng để bốc dỡ thủy sản tại 25 cảng giảm 59.670 lượt tàu, tương đương 334.000 tấn.
Việc bốc dỡ, mua bán, đặc biệt là khâu vận chuyển thủy sản với các tỉnh khác gặp khó khăn, dẫn đến tiêu thụ thủy sản khai thác chậm, đứt gẫy. Giá sản phẩm thủy sản giảm từ 15-20% so cùng kỳ. Các dịch vụ cung ứng hậu cần nghề cá gặp nhiều khó khăn, không kịp thời và đáp ứng đầy đủ.
Trước tác động trên, ông Trần Đình Luân cho biết, xuất khẩu thủy sản tháng 8 giảm mạnh ở các mặt hàng hải sản như cá ngừ; cá tra và tôm giảm đến gần 30% so với tháng trước. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 8 tháng đạt trên 5,6 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
*Phải đảm bảo kế hoạch sản xuất
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, các tháng còn lại của năm nay phải đạt sản lượng 2,9 triệu tấn thủy sản để đảm bảo mục tiêu 8,6 triệu tấn thủy sản của cả năm. Do vậy, quan trọng nhất hiện nay phải giải quyết được khâu tiêu thụ, đảm bảo nguồn cung thủy sản cho tiêu dùng và phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, các địa phương phải chuẩn bị tốt về vật tư đầu vào sản xuất, nếu không sẽ không đảm bảo điều kiện sản xuất vụ mới.
Để tháo gỡ khó khăn tàu cá ra vào cảng, ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, đối với tàu ngoài tỉnh vào cảng của tỉnh phải thực hiện test nhanh với lao động và không được rời khỏi tàu. Tàu trong tỉnh cho phép ngư dân về nhà và không được đi đâu. Những tàu đang ngoài khơi nếu cập cảng và tiếp tục ra biển thì nên vào các cảng cá của tỉnh để đảm bảo sản xuất.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, một số tỉnh đã ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng chế biến thủy sản. Như vậy, các nhà máy sẽ tăng cường thêm được lực lượng lao động. Khảo sát của hiệp hội đến ngày 1/9, các tỉnh triển khai tốt việc tiêm phòng cho công nhân là Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Nhờ đó, mà hoạt động nhà máy tăng lên và thu mua nguyên liệu nhiều hơn. Hiện giá tôm đã có sự tăng lên.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là làm sao để nhà máy sản xuất được, càng tối đa công suất càng tốt. Hiện có những nhà máy quản lý rất tốt, nhưng trong tỉnh chỉ 1 nhà máy có F0 là tất cả các nhà máy đều phải giãn cách, nên không sản xuất được như tại Cà Mau. Nếu doanh nghiệp làm tốt thì địa phương nên cho làm.
Để đảm bảo "3 tại chỗ", ông Lê Văn Quang cho biết, doanh nghiệp đã phải thuê 6 khách sạn và chỉ đảm bảo được cho 1.600 công nhân và cũng không còn khách sạn nào để thuê. Ông Quang đề nghị áp dụng "1 cung đường nhiều điểm đến", tức là công nhân xanh, gia đình xanh, nhà máy xanh và test thường xuyên. Khi nhà máy sản xuất được thì giá mua nguyên liệu sẽ tăng lên, nông dân có cơ hội tái sản xuất.
Ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ tác động đến các địa phương ưu tiên tiêm vaccine cao hơn cho lực lượng ngành thủy sản.
Ông Trần Đình Luân cho biết, Tổng cục Thủy sản và địa phương sẽ tăng cường hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh ảnh hưởng của COVID-19. Người nuôi cần tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác và các chuỗi liên kết để cùng nhau chia sẻ, vượt qua khó khăn.
Tổng cục Thủy sản cũng kêu gọi các thương lái, nhà máy chế biến thủy sản chung tay ủng hộ, tiếp tục thu mua sản phẩm thủy sản cho người dân trong giai đoạn hiện nay, không được nhân cơ hội ép giá gây thiệt hại cho người nuôi. Các nhà sản xuất, cung cấp con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản hỗ trợ người nuôi, không được nhân cơ hội này để nâng giá sản phẩm.
Các địa phương cũng tiếp tục tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thương lái tổ chức thu hoạch thủy sản, thu mua, vận chuyển, cung ứng vật tư đầu vào nhằm tạo điều kiện cho người dân bán sản phẩm và tiếp tục tái sản xuất.
Đối với khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản tiếp tục đề xuất với các cơ quan liên quan, chính quyền các địa phương khơi thông những ách tắc trong bốc xếp, thu mua, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là tháo gỡ khó khăn, đảm bảo cho việc đi lại của thuyền viên, người trông coi tàu tại cảng nhưng vẫn thực hiện được các biện pháp phòng dịch; đảm bảo đủ số lao động để tàu đi hoạt động.
Các cảng cá, địa phương tạo điều kiện để các dịch vụ cung ứng hậu cần nghề cá kịp thời và đáp ứng đầy đủ cho các tàu cá chuẩn bị đi biển sản xuất.
Nông dân Cần Thơ mong muốn tiêu thụ nhanh hàng thủy sản Nhiều loại thủy sản tại Cần Thơ khó tìm được đầu ra khi chi phí thu hoạch, vận chuyển tăng cao nhưng giá lại giảm mạnh dẫn đến thua lỗ. Do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay các mặt hàng nông sản nói chung; trong đó, có nhiều loại thủy sản tại...