Giữa trưa, người Sài Gòn xì xụp bánh canh vỉa hè chỉ bán giờ “thiêng”
Gánh bánh canh 50 năm không có bàn, không biển hiệu, chỉ bán từ 11 giờ trưa đến khoảng 13 giờ là hết sạch. Dù là bán giữa trưa, nhưng ngày nào cũng rất đông người kiên nhẫn đợi để được thưởng thức bánh canh dì Liên.
Gánh bánh canh của dì Liên suốt 50 năm không có bàn. Ảnh: ANH LÊ.
Gánh bánh canh của dì Liên chỉ có một nồi bánh canh và một nồi cháo lòng đặt vào hai quang gánh, nhưng bánh canh lúc nào cũng bán hết trước cháo lòng nên mọi người quen gọi là bánh canh dì Liên.
Dù chỉ là gánh bánh canh nhỏ ở đầu hẻm đủ cho 1 người đi, nhưng dì Liên chỉ bán trong vòng 2 tiếng đồng là hết sạch.
Giữa trưa nắng hầm hập, khách tới ăn chỉ ngồi trên những chiếc ghế nhựa, cầm tô bánh canh hoặc cháo xì xụp húp, dù đổ mồ hôi hột nhưng ai cũng tấm tắc khen ngon và nói sẽ quay trở lại lần sau. Phần khác, đây đều là khách quen của dì Liên nên chỉ muốn ăn bánh canh ở đây thay vì mua nơi khác.
50 năm trôi qua, chứng kiến bao nhiêu sự thay đổi của đường Hậu Giang và cả khu Chợ Lớn, từ khi nhà chưa xây, đường chưa mở đến giờ và cũng chừng ấy thời gian dì Liên gắn bó với gánh bánh canh gia truyền của mình.
Gánh bánh canh 50 năm không bàn
Ai ở Sài Gòn cũng đều biết, những gánh hàng rong, bánh canh, hủ tiếu không bàn rất dễ tìm. Nhưng dù không bàn, gánh bánh canh của dì Liên vẫn tồn tại ngót ngét thời gian của một đời người. 50 năm, gánh bánh canh vẫn hương vị ấy, người bán ấy và vẫn thu hút bao nhiêu thế hệ đến ăn.
Tô bánh canh đầy đủ có giá 20.000 đồng/tô. Ảnh: VŨ PHƯỢNG.
Nằm ở đầu hẻm 209, đường Hậu Giang (Q.6, TP.HCM), gánh bánh canh của dì Liên nằm gọn phía trong vỉa hè với chiếc mái che cho khách đỡ nắng.
Mỗi ngày, dì Liên đều bán một nồi bánh canh và một nồi cháo để khách đến nếu không ăn bánh canh thì có món khác đổi vị. Tô bánh canh đầy đủ sẽ bao gồm: bột bánh vừa đủ no một bữa, thịt nạc hoặc ba chỉ heo cắt dài, miếng huyết giòn giòn, da heo nhai sừn sựt, cá viên và quẩy tôm giòn tan. Tất cả cho vào tô rồi chan nước lèo sền sệt, cho thêm vài cọng hành, một xíu ớt khiến nhìn thôi… cũng đã thòm thèm.
Chính vì vậy, dù không có tôm, cua như nhiều quán bánh canh sang chảnh khác nhưng tô bánh canh vẫn đủ vị với nước dùng đậm đà gia truyền.
Khi quán chưa đông, khách đến ăn sẽ được xếp chồng hai cái ghế lên làm thành bàn để ăn cho đỡ mỏi, nhưng tới tầm đông khách thì phải chia sẻ ghế cho những người khác.
Thế nhưng, nhiều khách hàng không ngại ngồi chiếc ghế nhựa thấp tay bưng tô bánh canh nóng hổi mà ăn ngon lành, mặc kệ mồ hôi cứ vậy đổ ròng ròng.
Khách tới chủ yếu là dân lao động phổ thông. Ảnh: ANH LÊ.
Với giá 20.000 đồng/tô, gánh bánh canh dì Liên ngày nào cũng nườm nượp khách đến vì hương vị bánh canh ngon và giá cả hợp túi tiền. Khách đến ăn bánh canh đa phần là người lao động phổ thông, học sinh, ngoài ra còn có nhân viên văn phòng và người dân sống gần đó.
Video đang HOT
Dì Liên năm nay đã 75 tuổi, bán bánh canh được 50 năm, công thức nấu món bánh canh này là sản phẩm gia truyền nhà dì Liên từ đời cố truyền cho mẹ và giờ là đến lượt dì: “Bánh canh này từ thời cố của tôi để lại, tôi thấy mẹ làm rồi bắt chước làm theo mẹ từ đó đến giờ cũng không thay đổi gì hết”. Dì Liên cho biết bán bánh canh này từ hồi dì mang bầu con gái, đến nay con gái dì đã 50 tuổi cũng ra phụ bán và theo nghiệp của dì.
Anh Hồ Nguyễn Thành Tài (22 tuổi) sống gần đây cho biết thường xuyên đến mua bánh canh ở đây tuy nhiên anh chỉ mua mang về chứ không ngồi lại vì không có thời gian.
“Tuy làm không có cua nhưng nước vẫn rất ngon ngọt, vị đậm đà, nói chung rất ngon. Bánh canh ngon nhưng rẻ hơn những chỗ khác”, anh nói.
Bà Nguyễn Thị Huệ (63 tuổi), khách quen của quán cũng cho biết bà ăn thường xuyên ở đây vì ăn ngon mà rẻ nữa. “Hồi xưa bán bên kia kìa, bán mấy chục năm rồi”, bà Huê chia sẻ.
Bán giờ “thiêng”
Sở dĩ nói bánh canh dì Liên chỉ bán “giờ thiêng” là do 50 năm qua, ngày nào cũng vậy, cứ đến khoảng 11 giờ người ta mới thấy gánh bánh canh quen thuộc của dì Liên dọn hàng và chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ từ 11 giờ đến 13 giờ là hết sạch.
Dì Liên bán từ hồi mang bầu con gái, tới nay con gái dì gần 50 tuổi cũng ra phụ bán cùng mẹ. Ảnh: VŨ PHƯỢNG.
Từ lúc dọn hàng đến khi hết sạch, dì Liên cứ thoăn thoắt tay múc từng tô bánh canh liên tục đưa cho khách. Dụng cụ của gánh bánh canh cũng khá đơn sơ, hai chiếc nồi lớn đựng bánh canh và cháo, những hộp đựng nguyên liệu và vài chiếc ghế nhựa thấp, thực khách cũng dễ tính vì thường là dân lao động, vậy cũng đủ làm nên thương hiệu bánh canh dì Liên 50 năm qua.
Khi được hỏi vì sao dì không mở bán thêm vào buổi tối, cô con gái của dì nhanh miệng trả lời vì buổi tối có người đã đến bán bún riêu.
Chúng tôi khá may mắn khi hôm nay là ngày đầu tiên dì mở bán lại sau dịp nghỉ Tết. Gọi một tô bánh canh đầy đủ, chúng tôi khá bất ngờ vì có quá nhiều “topping” (thịt, bánh quẩy, huyết,…) trong một tô. Vị nước đậm đà vừa đủ ăn, dù việc một tay cầm tô, tay còn lại chỉ ăn bằng đũa hoặc muỗng cũng có chút bất tiện nhưng cũng rất thú vị. Giá như sau khi ăn xong gánh bánh canh của dì Liên có để sẵn tăm cho khách xỉa răng thì mọi thứ sẽ thật tròn trịa.
Thường lệ, dì Liên dọn hàng từ 10 giờ 30, bắt đầu bán từ 11 giờ nhưng đến 13 giờ là hết sạch. Ảnh: VŨ PHƯỢNG.
Con gái của dì cho biết hôm nay vẫn dọn hàng như thường lệ, ấy vậy mà chỉ hơn 30 phút sau nồi bánh canh bán hết mà khách vẫn vào hỏi mua, dì cười tươi hẹn khách ngày mai quay lại ăn. Nhiều người tỏ ra tiếc nuối vì bánh canh hết đành quay xe ra về, có người thì ngồi lại ăn tô cháo rồi hẹn mai quay lại ăn bánh canh.
Trong khi nhiều quán bánh canh có giá trung bình là 35.000 đến 50.000 đồng, thậm chí có quán bán 300.000 đồng/tô thì mức giá 20.000 đồng/tô của bánh canh dì Liên là tương đối rẻ. Hơn nữa, cách nêm nếm của dì Liên lại có được hương vị riêng nên dù chỉ bán giờ thiêng và không có bàn ngồi ăn nhưng gánh bánh canh của dì Liên vẫn luôn tấp nập khách.
Nhiều người đến trễ đành ngậm ngùi ra về. Ảnh: ANH LÊ.
Xì xụp ăn bánh canh dù mồ hôi ròng ròng. Ảnh: VŨ PHƯỢNG.
Cháo và bánh canh đều có giá 20.000 đồng/tô. Ảnh: VŨ PHƯỢNG.
Chiều Sài Gòn nhớ Huế, chạy đi húp tô bánh canh 'Mạ tôi'
Có những chiều Sài Gòn thèm da diết cái vị cay, vị mặn và thèm nghe tiếng nói quê mình... tôi phải chạy ù đến quán "Mạ tôi" húp lẹ một tô bánh canh bởi nó sặc sụa cái hương vị của miền Trung từ người bán, thức ăn cho đến cách phục vụ.
Tô bánh canh nóng hổi múc ra từ chiếc nồi đặt trước hiên nhà phong cách rất Huế - Ảnh: LÊ HIẾU GIANG
Chỉ cần nghe tên của quán cũng đủ để biết đó là một hàng quán của người miền Trung bởi chẳng đâu ở xứ này gọi mẹ bằng mạ như dân Trung.
Từ "Mạ tôi" xuất hiện giữa Sài Gòn khiến tôi - một người con miền Trung - khi bắt gặp quán lần đầu, không đành lòng lơ đi mà phải tấp vào nếm thử một tô bánh canh.
Bạn bè tôi thường nói chẳng cần đi đâu xa, ở Sài Gòn có đủ tất cả các món từ mọi miền, Bắc - Trung - Nam.
Bạn nói đúng nhưng chưa đủ, bởi món thì phải rồi nhưng vị thì chưa chắc. Sống nhiều năm, tôi cứ mãi đi tìm trong thế giới ẩm thực của Sài Gòn đôi ba món cho đúng hương vị quê nhà nhưng vẫn chưa ưng ý.
Mãi cho đến khi tìm ra quán "Mạ tôi" thì mình như kẻ lang thang giữa sa mạc bỗng phát hiện được một vũng nước mát rượi, lao ngay vào húp một ngụm ngọt bùi cho cho thỏa mãn cơn khát.
Cái vị cay của nước, vị dai của sợi bánh canh, cái giòn của miếng chả cua và cái nặng của tiếng nói miền Trung khiến tôi như đã tìm ra được một chút quê nhà giữa Sài Gòn.
Ớt ngâm nước mắm, thứ gia vị không thể thiếu - Ảnh: LÊ HIẾU GIANG
Quán do một gia đình người Huế, gốc gác ở phố cổ Bao Vinh bên dòng sông Hương vào Sài Gòn nấu nướng đã hơn chục năm nay.
Quán nhỏ nằm bên góc đường Vạn Kiếp (Q.Bình Thạnh), chỉ kê mấy chiếc bàn nhựa nhưng chiều nào cũng đông kín khách.
Nồi bánh canh nóng hổi đặt trước hiên nhà, bên hông là cả một rổ chả, giò, gia vị... vây quanh người bán đậm phong cách của người Huế như bao gánh hàng rong khác ở Đông Ba, ở Gia Hội hay An Cựu ngoài Huế.
Nếu kêu một tô đầy đủ, quán sẽ bưng ra một tô bánh canh có chả Huế, chả cua, ghẹ biển, trứng cút, giò khoanh và một cục huyết trông hấp dẫn.
Trên bàn ăn lúc nào cũng có một chén ớt tươi ngâm nước mắm để những người ăn cay, tùy theo khẩu vị mà cho thêm ớt rất miền Trung.
Món bánh canh ngon bởi vị cay nồng của ớt và tiêu, thứ gia vị được người miền Trung nêm nếm rất phóng khoáng - Ảnh: LÊ HIẾU GIANG
Chỉ cần húp một hớp là đã thấy ngay cái "chất Trung" trong vị nước bởi rất đậm đà, mặn mòi của vị nước mắm và cay xè của vị tiêu.
Cắn thêm miếng chả Huế nữa thì ngon "dức xương" (phương ngữ - ý nói ngon đến tận xương) bởi miếng chả rất giòn và luôn luôn có những hạt tiêu nguyên trộn trong chả, khi cắn vỡ đôi cay nồng.
Bánh canh ở đây cũng đặc biệt bởi cắt sợi bằng tay nên sợi ngắn, sợi dài, sợi to, sợi nhỏ rất dân dã. Cả sợi bánh canh và vị nước canh rất đậm đà mà người Trung thường gọi bằng một phương ngữ rất đặc trưng là "trặm trịa".
Thịt ghẹ biển tươi ngon ăn vào vị vừa ngọt, vừa bùi rất đặc đặc trưng - Ảnh: LÊ HIẾU GIANG
Bên cạnh ẩm thực ngon, cái khiến tôi cảm thấy "ngon tai, ngon mắt" là bởi sự phục vụ điềm đạm, chân chất của những con người Huế.
Ăn riết thành quen, tôi hỏi ra mới biết vì quán do mạ nấu, mấy đứa con phục vụ, bưng bê nên đặt luôn tên quán là "Mạ tôi". Nghe vừa thân thương lại vừa rất đặc trưng vùng miền.
Thực lòng, có những hôm quán nghỉ vào ngày rằm hay quán nghỉ Tết cả một tháng trời khiến tôi nhớ quán đến da diết, thầm trách quán "nghỉ chi mà lâu rứa".
Nhưng tôi hiểu, vốn dĩ người Trung là vậy, túc tắc, đủng đỉnh chơi cho hết ba ngày Tết, bảy ngày xuân nên vẫn chờ đến ngày quán mở để đi ăn ngay một tô đầu tiên cho đỡ nhớ.
Tôi vốn dân Quảng Trị, suốt quãng thời gian sinh viên Đại học Huế ăn không biết bao nhiêu là quán bánh canh từ cá lóc ở Phú Bài, cá rô Thuỷ Dương cho đến bánh canh cua O Bướm cầu Gia Hội, bánh canh Thành Nội hay bánh canh chả ở lăng vua Duy Tân...
Mỗi nơi đều có một hương, một vị riêng nhưng cái chung vẫn là cái đậm đà, cái cay nồng của gia vị nên thiếu vị đó thì thành ra không phải là món Trung.
Cứ mỗi lần húp tô bánh canh là lại nhớ quê, nhớ mẹ. Dù ai có mạnh mẽ cách mấy đi nữa thì khi ly hương, xa cha mẹ mà bỗng dưng bắt gặp lại cái giọng nói, cái hương vị của quê nhà, của món ăn mẹ ta nêm nếm từ thuở ấu thơ thì chẳng ai mà không xao xuyến, chạnh lòng.
Cái hay của ẩm thực là ở chỗ đó, nó ngon chưa phải vì là sơn hào hải vị mà đôi khi ngon chỉ vì ta thấy được quê hương, thấy được hình bóng mẹ ta trong hương vị của món ăn dù rất giản đơn, đạm bạc.
Món ăn nào khiến ta nhớ da diết quê hương, nhớ da diết cha mẹ mà tìm về thì đó là món ăn ngon nhất của cuộc đời.
LÊ HIẾU GIANG
Cả một "trời thương nhớ" ẩm thực Trà Vinh đong đầy trong món bánh canh Bến Có đậm vị quê hương Ở cái xứ ruộng giồng, rừng xanh biển rộng, nhiều sông lắm vườn như Trà Vinh thì từng món ăn thức uống lại chẳng thấm đủ vị quê hương. Bánh canh Bến Có mang cả "hồn cốt" của mảnh đất miền Tây vào trong từng tô đã ghi tên mình vào danh sách mỹ vị đất phương Nam. Nói về Trà Vinh, món...