Giữa căng thẳng, Thủ tướng Hy Lạp tuyên bố sẵn sàng gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis ngày 11/9 tuyên bố ông luôn sẵn sàng gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước láng giềng có nhiều vướng mắc lịch sử đang gia tăng căng thẳng.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis trả lời phỏng vấn báo giới khi tới dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu và Tây Balkan, ngày 23/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu họp báo nhân Hội chợ quốc tế Thessaloniki, Thủ tướng Mitsotakis bày tỏ: “Tôi đánh giá những tuyên bố gần đây của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ luôn cố giữ cho các kênh liên lạc thông suốt”. Ông cũng nói thêm rằng hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu (EU) tại Praha (Cộng hòa Séc) vào đầu tháng 10 có thể là cơ hội để lãnh đạo hai nước gặp nhau.
Khi được hỏi về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ khiêu khích gây xung đột quân sự ở biển Aegean, Thủ tướng Hy Lạp cho biết ông không thể “hình dung đến mức xảy ra đối đầu quân sự”, song cảnh báo rằng nếu ở trong tình huống đó, quân đội Hy Lạp sẽ có “câu trả lời dứt khoát”. Ông Mitsotakis cũng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ xuyên tạc lịch sử.
Tổng thống Erdogan liên tục cáo buộc Hy Lạp – một đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – “chiếm đóng” các đảo trên biển Aegean. Nhiều năm qua, hai nước láng giềng liên tục bất đồng về biên giới biển và quyền thăm dò năng lượng tại những khu vực tranh chấp trên biển Aegean và phía Đông Địa Trung Hải.
Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp – hai quốc gia thành viên NATO – gần đây gia tăng, liên quan đến các quần đảo ở khu vực phía Đông biển Aegean. Số phận của các quần đảo này được định đoạt sau Chiến tranh Balkan 1912-1913 bởi các thỏa thuận quốc tế, Hungary, Anh, Pháp, Nga, Italy và Đức.
Các cường quốc châu Âu năm 1914 quyết định các quần đảo trên sẽ thuộc chủ quyền của Hy Lạp, chứ không phải của Thổ Nhĩ Kỳ. Ạnkara lập luận các quần đảo vừa đề cập được trao cho Hy Lạp theo hiệp ước năm 1923 và năm 1947 với điều kiện Athens không quân sự hóa khu vực vì chúng nằm gần đất liền Thổ Nhĩ Kỳ.
EU kêu gọi giải quyết mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp bằng hòa bình
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 5/9, Liên minh châu (EU) đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cáo buộc Hy Lạp chiếm đóng các đảo phi quân sự ở Aegean và nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng "làm những gì cần thiết" khi thời điểm đến.
Căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp là một phần của một loạt các cuộc khủng hoảng kéo dài do những quan điểm trái ngược nhau. Ảnh: turkeygazette.com
Peter Stano, người phát ngôn phụ trách chính sách đối ngoại của Văn phòng Cơ quan hành động đối ngoại Liên minh châu Âu (EAES), cho biết các tuyên bố của giới lãnh đạo chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Hy Lạp làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng và hoàn toàn mâu thuẫn với những nỗ lực giảm leo thang rất cần thiết ở khu vực Đông Địa Trung Hải được đưa ra trong các kết luận của Hội đồng châu Âu hồi tháng 3 và tháng 6/2021 và tháng 6/2022.
EU đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các khác biệt cần được giải quyết một cách hòa bình, tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế và lợi ích sống còn cũng như hợp pháp của các quốc gia. Tham gia vào cuộc đối thoại chân thành và có ý nghĩa là điều không thể thiếu để xoa dịu căng thẳng, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp. EU nhắc lại mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ làm việc nghiêm túc để xoa dịu căng thẳng một cách bền vững vì lợi ích của sự ổn định khu vực ở Đông Địa Trung Hải và tôn trọng đầy đủ chủ quyền cũng như toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước thành viên EU.
Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, hai nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gần đây gia tăng, liên quan đến các quần đảo phía đông biển Aegean. Số phận các quần đảo này được định đoạt sau Chiến tranh Balkan 1912-1913 bởi các thỏa thuận giữa 6 bên gồm Áo, Hungary, Anh, Pháp, Nga, Italy và Đức. Các cường quốc châu Âu năm 1914 quyết định các quần đảo trên sẽ thuộc chủ quyền của Hy Lạp, chứ không phải Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ lập luận các quần đảo nêu trên được trao cho Hy Lạp theo hiệp ước năm 1923 và năm 1947 với điều kiện Athens không quân sự hóa khu vực vì chúng nằm gần đất liền Thổ Nhĩ Kỳ.
NATO kêu gọi hai nước thành viên hạ nhiệt 'điểm nóng' trên Biển Aegean Với những cáo buộc nhằm vào nhau và những cuộc tập trận hải quân đang nóng lên ở Biển Aegean, NATO đã phải kêu gọi hai đồng minh giảm căng thẳng gần đây. Căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp là một phần của một loạt các cuộc khủng hoảng kéo dài do những quan điểm...