Giữ xe làm tin, bị truy tố tội cướp
Phát hiện hàng bị mất, chủ đại lý cà phê yêu cầu nhân viên để lại xe, khi nào giải quyết xong sẽ trả, nhưng sau đó bị cơ quan tố tụng cáo buộc tội cướp tài sản.
TAND huyện Hóc Môn (TP.HCM) vừa trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ cướp tài sản xảy ra hồi tháng 1 ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Trong vụ này, bị cáo Vũ Nguyễn Hoàng Đức (26 tuổi) bị chính người làm thuê của mình tố cáo.
Theo cáo trạng, Đức là chủ đại lý chuyên bỏ mối cà phê cho các tiệm tạp hóa. Đức thuê một kho ở xã Đông Thạnh để chứa hàng và mướn Phạm Trường Tài cùng một số người làm thuê cho mình. Trong đó, Tài có nhiệm vụ lái ô tô đi giao và lấy hàng.
Vũ Nguyễn Hoàng Đức bị truy tố tội cướp tài sản. Ảnh: GĐCC
Tối 16-1, Đức cùng một số nhân viên phát hiện mất ba thùng cà phê tại kho (mỗi thùng trị giá hơn 1,8 triệu đồng). Đức cùng mọi người mở camera theo dõi diễn biến trong ngày thì thấy Tài lấy một thùng hàng bỏ lên ô tô chở đi.
Đến 21 giờ 40 cùng ngày, Tài lái ô tô về kho. Đức hỏi thì Tài một mực nói không lấy dù được xem lại camera cùng các nhân viên của đại lý. Do nghĩ Tài lấy hàng mà không chịu nhận, Đức bực tức đánh tài xế này 3-4 cái.
Đánh xong, Đức yêu cầu Tài để lại xe máy cùng giấy phép lái xe hạng C. Tài nghe theo rồi đi bộ tới Công an xã Đông Thạnh trình báo vụ việc. Đến trưa 18-1, Đức mang chiếc xe này đến công an xã giao nộp và bị giữ lại.
Sau đó, Đức bị truy tố tội cướp tài sản. Cáo trạng quy kết bị can Đức có hành vi lấy số đông uy hiếp, dùng vũ lực làm cho Phạm Trường Tài lâm vào tình trạng không thể chống cự và chiếm đoạt giấy phép lái xe, xe máy… Hành vi của bị can là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội địa phương, cần truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Phạm Trường Tài và chiếc xe máy của mình trong buổi thực nghiệm hiện trường. Ảnh: BT
Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Đức cho rằng mình không phạm tội. Căn cứ kết quả xét hỏi, tranh luận tại tòa, TAND huyện Hóc Môn đã trả hồ sơ yêu cầu VKS làm rõ một số nội dung.
Trong đó, tòa xét thấy bị cáo khai do nghi ngờ Tài lấy trộm tài sản nên đã dùng vũ lực với Tài. Đức đã đề nghị Tài để lại xe máy đến khi giải quyết xong vụ việc sẽ trả lại xe.
Video đang HOT
Theo quyết định trả hồ sơ, bị cáo Đức khai khi đề nghị Tài để lại xe và giấy phép lái xe, Tài đồng ý và tự nguyện. Còn Tài khai do sợ bị đánh và bị ép buộc nên để lại xe máy. Do đó, cần đối chất để làm rõ mâu thuẫn trong lời khai giữa Đức và Tài.
Được biết tới thời điểm này, thời gian tạm giam Đức đã bước sang tháng thứ 11.
Quá trình điều tra, Tài từ chối giám định thương tật, không yêu cầu xử lý hình sự đối với hành vi Đức đánh mình.
Công an từng tổ chức đối chất
Hồ sơ thể hiện công an từng tổ chức đối chất giữa Đức, Tài và những người liên quan. Tại buổi đối chất này, Đức khẳng định có nói sẽ trả lại xe cho Tài sau khi làm rõ việc mất hàng.
Luật sư bào chữa của bị cáo cho rằng vụ án có dấu hiệu oan sai. Theo luật sư, hành vi Đức đánh Tài vài cái và yêu cầu Tài để lại chiếc xe máy không liên tục ngay tức khắc, không làm cho bị hại tê liệt ý chí, bị hại không lâm vào tình trạng không thể chống cự.
Hơn nữa, không có chứng cứ nào thể hiện Đức dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản của Tài. Ngay cả trong cuộc trò chuyện giữa Tài với Đức mà bị hại chủ động ghi âm lại cũng thể hiện việc giữ xe của Tài xuất phát từ việc muốn làm rõ vụ mất cà phê.
“Đáng chú ý, tại thời điểm giữ lại xe của Tài, Đức còn giữ lương của nhân viên này khoảng 5-7 triệu đồng. Vì vậy, không có căn cứ để buộc Đức chiếm đoạt xe của Tài để trừ tiền hàng bị mất” – luật sư cho hay.
Vai trò 3 cựu sếp Tập đoàn Dầu khí liên quan vụ Ethanol Phú Thọ
Bà Trần Thị Bình bị truy tố ở khung 10-20 năm tù, ông Trần Ngọc Cảnh không bị xử lý. Còn ông Vũ Quang Nam mắc bệnh hiểm nghèo nên không bị xem xét trách nhiệm hình sự.
VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố các ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN), Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch PVC) và 10 bị can liên quan sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ.
Trong bản cáo trạng này, cơ quan tố tụng đề cập đến vai trò và hướng xử lý đối với 3 cựu lãnh đạo PVN tham gia dự án, gồm ông Trần Ngọc Cảnh (cựu Tổng giám đốc PVN) cùng 2 cấp phó lúc đó là ông Vũ Quang Nam và bà Trần Thị Bình.
Theo cáo trạng, tháng 7/2007, HĐQT Tập đoàn Dầu khí giao Tổng giám đốc Trần Ngọc Cảnh xây dựng đề án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu phía Bắc. Hai tháng sau, ông Cảnh ký thành lập Ban chỉ đạo dự án nhà máy sản xuất Ethanol, do ông Vũ Quang Nam làm trưởng ban.
Cuối năm 2007, sau khi Chủ tịch Đinh La Thăng đồng ý chủ trương, Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) được thành lập để làm chủ đầu tư dự án Ethanol Phú Thọ.
Ông Đinh La Thăng. Ảnh: P.D.
Tháng 7/2008, ông Trần Ngọc Cảnh ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học. Ông Thăng là trưởng ban, còn ông Nam và bà Trần Thị Bình giữ chức phó ban.
Hai tháng sau đó, PVB công bố gói thầu kêu gọi nhà đầu tư xây dựng Nhà máy Ethanol Phú Thọ. Cùng thời gian này, PVC thành lập liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T để dự tuyển gói thầu trên.
Theo cáo buộc, sau khi liên danh trên bị chủ đầu tư loại từ vòng sơ tuyển do thiếu năng lực, ông Đinh La Thăng biết PVC không đạt tiêu chí nhưng vẫn chủ trì nhiều cuộc họp, định hướng việc chỉ định thầu cho PVC theo đề nghị của Trịnh Xuân Thanh.
Tháng 3/2009, PVC gửi công văn cho PVN và chủ dầu tư xin được chỉ định thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ. Ngay khi nhận được công văn, ông Thăng bút phê chỉ đạo Phó tổng giám đốc PVN Phạm Thị Thu Hà giải quyết theo chủ trương.
Cùng nhận được công văn của PVC, bị can Trần Thị Bình với tư cách Phó ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, đã chỉ đạo: "Ban QLĐT xem xét xử lý để có hướng dẫn cho các đơn vị liên quan".
Bà Trần Thị Bình được tại ngoại. Ảnh: PVN.
VKSND cho rằng căn cứ chỉ đạo từ ông Thăng và bà Bình, cán bộ cấp dưới đã dự thảo công văn cho bà Bình ký với nội dung: "Tổng giám đốc PVN đề nghị người đại diện phần vốn của PVN tại các đơn vị xem xét năng lực và nhu cầu thực tế để giao PVC thực hiện gói thầu EPC".
Đầu năm 2009, ông Vũ Quang Nam đã chủ trì cuộc họp, đồng ý chủ trương chỉ định thầu liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T thực hiện gói thầu Ethanol. Trong nhiều cuộc họp sau đó, ông Thăng và bà Bình khi chủ trì cũng đều kết luận chỉ đạo hoàn tất chỉ định thầu cho liên danh.
Tháng 5/2009, PVB và PVC chưa thống nhất được giá trị gói thầu là 59,1 triệu USD nên ông Thăng tiếp tục chỉ đạo bị can Bình ký công văn yêu cầu HĐQT PVC tự nguyện nhận thầu dự án với mức giá này, đảm bảo không lỗ.
Để hoàn thiện thủ tục, tháng 6/2009, bà Bình ký công văn gửi HĐQT Tập đoàn Dầu khí đề nghị đồng ý giao PVC do Trịnh Xuân Thanh điều hành thực hiện dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ. Trên cơ sở này, ông Thăng đã ký nghị quyết đồng ý chủ trương.
Tuy nhiên, đến tháng 9/2009, liên danh nhà thầu đơn phương dừng thi công dự án Ethanol Phú Thọ khi chưa hoàn thành hạng mục nào. Hậu quả, PVB phải trả lãi 125 tỷ cho khoản vay hơn 1.467 tỷ và còn phải trả cho các ngân hàng 417 tỷ.
Dự án Ethanol Phú Thọ tạm dừng khi chưa hoàn thành hạng mục nào. Ảnh: Báo Phú Thọ.
VKSND nhận định hành vi của ông Đinh La Thăng và các bị can gây thiệt hại hơn 543 tỷ. Trong đó, ông Thăng có vai trò chính, bà Trần Thị Bình là đồng phạm. Cơ quan tố tụng truy tố ông Thăng, bà Bình và 9 bị can với khung hình phạt tù 10-20 năm.
Ông Vũ Quang Nam bị cáo buộc chủ trì cuộc họp, kết luận đồng ý chủ trương chỉ định thầu cho liên danh nhà thầu liên quan Trịnh Xuân Thanh.
"Hành vi của ông Nam đồng phạm với các bị can. Tuy nhiên, ông Nam bị ung thư phổi giai đoạn 4, thuộc danh mục bệnh hiểm nghèo nên không xem xét trách nhiệm hình sự", cáo trạng nêu.
Đối với ông Trần Ngọc Cảnh, VKSND Tối cao đánh giá cựu Tổng giám đốc PVN tham gia thực hiện công việc theo nhiệm vụ. Ông Cảnh không biết liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T thiếu năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự. Cơ quan điều tra đã yêu cầu đơn vị chức năng xử lý kỷ luật.
- 11 bị can bị truy tố tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng: Đinh La Thăng; Trần Thị Bình; Trịnh Xuân Thanh; Vũ Thanh Hà (cựu Tổng giám đốc PVB); Phạm Xuân Diệu (cựu Tổng giám đốc PVC); Nguyễn Ngọc Dũng (cựu Phó tổng giám đốc PVC); 4 cựu cán bộ PVB Đỗ Văn Quang, Nguyễn Xuân Thủy, Khương Anh Tuấn và Lê Thanh Thái; Hoàng Đình Tâm (cựu Kế toán trưởng PVB).
- Trịnh Xuân Thanh bị truy tố thêm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cùng tội danh này, VKS truy tố Đỗ Văn Hồng (cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty dầu khí Kinh Bắc).
Điều tra không ra người lấy 2,4 tỉ ở ngân hàng Ngân hàng bị mất hơn 2,4 tỉ đồng (gồm cả tiền đủ và không đủ tiêu chuẩn lưu thông), cơ quan tố tụng không tìm ra người chiếm đoạt và sáu bị cáo phải hầu tòa về tội khác. Ngày 22-9, TAND tỉnh Hưng Yên mở phiên sơ thẩm lần ba xét xử sáu bị cáo trong vụ thiếu hụt hơn 2,4 tỉ...