Giữ Trường Sa trước tham vọng bá quyền Kỳ 3: An Bang, Thuyền Chài giữa vòng vây
“Tàu Trung Quốc đang rập rình, nên phải chốt giữ ban đêm. Ban ngày đổ bộ công khai lộ liễu, nó lại ào ra chiếm lại thì chết, trong khi tàu bè của mình không bì lại với chúng nó”, Đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, dặn dò bộ đội.
Đảo An Bang, tháng 4.1979 – Ảnh tư liệu
Giữ An Bang giữa vòng vây
Những tháng đầu năm 1978, diễn biến tình hình trên khu vực quần đảo Trường Sa rất phức tạp, đặc biệt là hoạt động trinh sát dò la của máy bay, tàu thuyền Philippines, Malaysia, Hồng Kông, Trung Quốc… tại nhiều đảo.
Trước tình hình đó, Nghị quyết Đảng ủy Quân chủng Hải quân chỉ rõ “phải tập trung khẩn trương mọi nỗ lực cao nhất của toàn Quân chủng vào việc chuẩn bị chiến đấu; sẵn sàng đánh thắng kẻ thù xâm lược, giành cho được thắng lợi từ trận đầu, bảo vệ vững chắc vùng biển, hải đảo của Tổ quốc”.
Là một trong những cán bộ hiếm hoi được cố Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương không cho nghỉ hưu đúng tuổi, đại tá Cao Ánh Đăng, nguyên Phó chỉ huy trưởng Vùng 4 Hải quân (nay tương đương Phó tư lệnh Vùng 4) có tới 44 năm phục vụ trong Quân đội, trong đó 14 năm chỉ huy Lữ đoàn 146. Năm 1987, đã 59 tuổi nhưng ông vẫn chỉ huy bộ đội đóng giữ – xây dựng đảo Thuyền Chài suốt mấy tháng liền và thành “nhân vật” trong câu thơ: Ai sinh ra đảo Thuyền Chài/Để cho đại tá nằm dài ở đây.
Cùng với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền, Trung đoàn 146 khẩn trương tổ chức lực lượng ra đóng giữ các đảo mới theo kế hoạch.
Đầu tháng 3.1978, đại tá Cao Ánh Đăng (khi đó là trung tá) trực tiếp chỉ huy một đơn vị gồm lực lượng của Trung đoàn 146, Trung đoàn 83 Công binh Hải quân và phân đội đặc công nước của Lữ đoàn 126, theo tàu HQ-601 ra tập kết tại đảo Trường Sa xem xét tình hình và chuẩn bị đổ bộ lên đảo An Bang.
20 giờ ngày 10.3.1978, toàn thể phân đội đổ bộ, khẩn trương xây dựng và sẵn sàng bảo vệ đảo. Sau đó 20 ngày, khi lực lượng đi trên tàu 680 (Đoàn 128) do đại úy Vũ Xuân Hòa chỉ huy, cùng 31 chiến sĩ đổ bộ lên đóng giữ đảo Phan Vinh (ngày 30.3.1978), trung tá Cao Ánh Đăng cũng có mặt, nghiên cứu giúp đơn vị tổ chức lực lượng bảo vệ phòng thủ đảo.
Hồi ức về những ngày đầu tiên lên “lò vôi” An Bang của đại tá Cao Ánh Đăng, luôn có Đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Trước đó, Tư lệnh Giáp Văn Cương trực tiếp giao nhiệm vụ cho Trung đoàn trưởng Cao Ánh Đăng: “Nước ngoài để ý từ lâu rồi. Mình không đóng nhanh, lính Trung Quốc hoặc Malaysia ra chiếm mất”.
Ông dặn dò: “Tàu Trung Quốc đang rập rình, nên phải chốt giữ ban đêm. Ban ngày đổ bộ công khai lộ liễu, nó lại ào ra chiếm lại thì chết, trong khi tàu bè của mình không bì lại với chúng nó”.
Y như rằng, bộ đội vừa chiếm giữ ban đêm, sáng hôm sau tàu chiến của Malaysia đã cơ động tới ngay.
“Sáng hôm ấy, khi đào công sự còn thấy cột mốc chủ quyền của chế độ Sài Gòn. Họ đặt ở đó rất lâu rồi, nhưng không cho quân đóng giữ, chắc do thời tiết quá khắc nghiệt”, đại tá Cao Ánh Đăng nhớ lại.
Ông cho biết: “Cả Trung Quốc và Malaysia muốn chiếm đóng An Bang, nhưng vẫn chậm chân hơn mình”. Trong buổi sáng 11.3.1978 ấy, tàu chiến Malaysia tiến sát An Bang, quay pháo hung hăng đe dọa nhưng bộ đội ta vẫn bình thản đào công sự.
“Lúc ấy tàu vận tải của ta đang thả trôi, súng ống trên tàu dưới đảo, tuy chỉ bộ binh nhưng cũng sẵn sàng hết rồi”, đại tá Cao Ánh Đăng kể.
Tại An Bang, tháng 11.1978, Hải quân Malaysia đã cho tàu chiến vây ép đảo suốt 11 ngày đêm, nhưng bộ đội ta đã kiên trì bám trận địa khiến tàu đối phương phải rút ra khỏi khu vực. Tập thể đảo và Đảo trưởng Đào Minh Thu sau đó được tặng thưởng Huân chương chiến công.
Video đang HOT
Đảo An Bang, năm 1995 – Ảnh tư liệu
Làm sạch Thuyền Chài
Tháng 4.1978, tàu HQ-501 đưa 1 phân đội của Trung đoàn 146 (do đồng chí Kỳ phụ trách) ra đóng giữ. Do điều kiện vật chất chưa đảm bảo, đến tháng 5.1978, phân đội rút về đất liền.
Cuối năm 1986, Philippines đã tăng cường hoạt động thăm dò quần đảo Trường Sa, với máy bay và tàu thuyền (có tàu chiến trinh sát), hoạt động từ Song Tử Tây đến khu vực Thuyền Chài.
Malaysia cho 2 tàu khu trục hoạt động cách đảo An Bang từ 7 đến 10 hải lý, mở luồng và xây dựng cầu tàu ở đảo Chim Én, đưa lực lượng chiếm bãi Kiêu Ngựa, bãi Kỳ Vân.
Đảo chìm Thuyền Chài là 1 rạn san hô thuộc cụm đảo An Bang, cách đảo An Bang khoảng 27 hải lý về phía đông bắc và cách đảo Trường Sa khoảng 87 hải lý về phía đông – đông nam. Thuyền Chài dài khoảng 17 hải lý theo hướng đông bắc – tây nam. Đảo có hình dạng 1 chiếc thuyền đánh cá, nơi rộng nhất khoảng 3 hải lý, bên trong có hồ nước dài khoảng 6 hải lý.
Quân chủng Hải quân nhận định: “Các lực lượng nước ngoài có thể chiếm thêm các đảo khác, nên phải tổ chức đóng giữ ngay Thuyền Chài”.
Chủ trương đóng giữ Thuyền Chài đã có từ lâu, một đại đội được thành lập (gồm 3 trung đội, 3 pông tông) với vũ khí trang bị cần thiết, sẵn sàng đóng giữ Thuyền Chài theo lệnh của Chỉ huy Vùng 4. Tổ chức 1 phân đội công binh – công trình kết hợp với tàu neo giữ Thuyền Chài, nghiên cứu luồng lạch, vị trí neo giữ pông tông, phương hướng đưa pông tông vào vị trí đóng giữ đảo.
Ngoài ra, lực lượng dự bị gồm 1 phân đội chiến đấu của Lữ đoàn 146 và 1 phân đội của đảo Trường Sa sẵn sàng cơ động khi cần thiết. Thời gian đưa pông tông số 1 vào vị trí là ngày 10.1.1987, còn 2 pông tông còn lại trước ngày 20.1.1987; lương thực – thực phẩm đảm bảo 3 tháng…
Từ ngày 5.1.1987, đã có tàu của Hải đội 413 (Vùng 4) tiến hành cảnh giới quan sát đảo Thuyền Chài, tàu HQ-961 (Lữ đoàn 125) và HQ-674 (Hải đội 413) phục vụ kéo và vận chuyển, tàu chiến của Lữ đoàn 171 sẵn sàng chi viện khi có chiến sự xảy ra. Sở Chỉ huy phía trước ở đảo Nam Yết, khi xảy ra chiến đấu hoặc căng thẳng, cần thiết chuyển về Trường Sa, đảm bảo chỉ huy kịp thời.
Yêu cầu được đặt ra: “Nhanh chóng hành quân cơ động trên biển và thực hiện đổ bộ lên đảo. Sở chỉ huy đặt trên tàu HQ-961, chỉ huy là đồng chí Lê Văn Thư và Cao Ánh Đăng. Điều tàu HQ-614 đang làm nhiệm vụ cấp phát hàng Tết phục vụ bộ đội các đảo, về neo giữ đảo Thuyền Chài”.
Tháng 2.1987, tàu HQ-613 ra thay cho HQ-614 về căn cứ, 2 chỉ huy của Vùng 4 ra thay cho 2 đại tá Thư và Đăng về đất liền, báo cáo tình hình với Bộ Tư lệnh Hải quân. Quân chủng quyết định chiếm giữ Thuyền Chài và sáng 5.3.1987, pông tông số 01 chở lực lượng của Lữ đoàn 146 đã được bí mật kéo lên bãi, bộ đội treo cờ đỏ sao vàng lên ca bin pông tông, khẳng định chủ quyền của Việt Nam và Thuyền Chài là đảo chìm đầu tiên được Việt Nam đóng giữ tại quần đảo Trường Sa.
Đảo An Bang, năm 2014.
Quý 2/1987, Trung đoàn 83 Công binh Hải quân hoàn thành việc xây dựng ở đảo Thuyền Chài và một số công trình khác trên đảo.
“Thời điểm xây dựng Thuyền Chài, máy bay Malaysia liên tục bay qua bay lại, thấp đến mức nhìn rõ chữ in trên thân”, đại tá Cao Ánh Đăng nhớ lại.
Đại tá Đăng kể, trong thời gian cảnh giới, chờ đóng giữ Thuyền Chài (cuối năm 1986), anh em báo tàu cá Trung Quốc trinh sát tất cả các đảo. Ông liền điện về bờ, đề nghị cho người biết tiếng Trung ra Trường Sa.
Ông kể: “Hôm ấy, phát hiện tàu cá Trung Quốc neo đậu sát đảo, tôi lệnh cho tàu chạy tới áp sát, anh em trên tàu sẵn sàng. Tàu Trung Quốc thấy mình chạy tới, mới cho người lên boong căng dây phơi quần áo, như thể đi biển. Mấy anh em chúng tôi cùng đồng chí phiên dịch nhảy sang hỏi: “Tàu của nước nào?”. Chủ tàu khoảng 40 – 45 tuổi trả lời: “Tàu của Trung Quốc!”. “Cụ thể ở chỗ nào của Trung Quốc?”. “Hợp tác xã đánh cá tỉnh Quảng Tây”.
“Tôi chắc chắn là tàu Trung Quốc, nên yêu cầu phiên dịch nói chậm rãi: “Đảo này là của Việt Nam, các đảo nơi đây đảo Việt Nam. Yêu cầu các anh rời khỏi khu vực!”. Vừa nói xong, có 5 cái xuồng máy nhỏ ào ào về cập mạn tàu, trên mỗi xuồng có 1 thanh niên, toàn 19 – 20 tuổi, trắng trẻo đẹp trai”, đại tá Đăng nhớ lại.
Ông tiếp lời: “Tôi hỏi: “Các anh này là ai, đi đâu về?”. Chủ tàu đáp: “Ngư dân của chúng tôi câu cá trong hồ. Phải câu cá sống, bán mới nhiều tiền” và đưa ống câu ra cho xem. Đến lúc này, tôi vạch mặt thẳng: “Các anh đừng nói dối. Ngư dân gì mà trắng trẻo vậy? Các anh là lính thủy đánh bộ của Trung Quốc, đến đây để trinh sát. Cái gọi là cước câu là sợi chỉ đo độ sâu, khảo sát địa điểm cho xuồng đổ bộ” và yêu cầu: “Rời khỏi đây ngay lập tức”.
“Thằng chủ tàu im thin thít cúi đầu và kéo 5 cái xuồng lên boong tàu, đi mất dạng”, đại tá Cao Ánh Đăng kể tiếp. (Còn tiếp)
Pông tông, nơi ở của bộ đội đảo Thuyền Chài từ năm 1987, nay được giữ làm nơi trồng rau.
Theo Thanh Niên
Giữ Trường Sa trước tham vọng bá quyền Kỳ 2: Chạm trán
Lính Hải quân Việt Nam có mặt tại Trường Sa từ lúc khảo sát đường Hồ Chí Minh trên biển. Thế nhưng, họ thực sự thấm thía khái niệm "biên đảo địa đầu" chỉ từ đầu tháng 4.1975, khi chạm trán các con tàu lạ đang rình rập chiếm biển đảo của ta.
Cán bộ chiến sĩ đảo Sơn Ca chụp hình lưu niệm với Thủ trưởng Quân chủng Hải quân ra thăm đảo, tháng 5.1978 - Ảnh: Tư liệu
"Chậm vài tiếng là mất Nam Yết"
Thượng tá Lê Văn An (nguyên Chỉ huy trưởng Khu vực, Lữ đoàn 146 - Vùng 4 Hải quân) nay đã 68 tuổi. Ông đang nghỉ hưu tại thị trấn Mỹ Ca (thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) và có lẽ sẽ chẳng bao giờ quên ký ức những ngày tiến về Trường Sa năm 1975.
Ông kể, cuối tháng 3.1975, ông mang cấp bậc trung úy, giữ chức vụ Đại đội trưởng Đại đội 4 (Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5) và cùng đơn vị đóng quân tại sân bay Nước Mặn (Đà Nẵng). Đầu tháng 4.1975, Tiểu đoàn 4 nhận lệnh "giải phóng Trường Sa" và được tăng cường chỉ huy, hỏa lực.
"Trung tá Nguyễn Đình Thúy, Trung đoàn Trưởng trực tiếp xuống chỉ huy Tiểu đoàn cùng với 1 đại đội "12 ly 7" và 1 đại đội ĐKZ, phối hợp với lực lượng đặc công nước của trung tá Mai Năng và đi trên tàu của Đoàn 128 Hải quân", thượng tá An nhớ rành rọt.
Đảo Sơn Ca sau ngày giải phóng, 5.1975 - Ảnh: Tư liệu
Ông An cười: "Hồi ấy chẳng ai biết gì về Trường Sa. Mình cứ nghĩ đảo cũng giống vùng núi đá Ninh Bình quê mình, nên quán triệt cho cán bộ chiến sĩ: Trường Sa là vùng núi đá trọc - tai mèo, sóng rất to. Anh em không được nô đùa, câu cá kẻo bị ngã, tai nạn".
Những gì họ được quán triệt về Trường Sa khác hẳn "mắt thấy tai nghe" khi mấy ngày sau tàu ra đến đảo. Bất ngờ hơn, dọc đường hành quân, họ luôn gặp tàu Trung Quốc trong hình dạng tàu cá le ve bám theo, lượn lờ quanh hòn đảo như đang quan sát động tĩnh, chuẩn bị làm điều gì bất thường.
Sau khi đóng giữ Song Tử Tây, Đại đội trưởng Lê Văn An cùng các lực lượng tiến về Sơn Ca (25.4.1975), Nam Yết - nơi quân đội của chế độ cũ đặt Sở Chỉ huy (28.4), Sinh Tồn (28.4). Ngày 29.4.1975, chỉ huy bộ đội đổ bộ chiếm lĩnh đảo Trường Sa.
Bộ đội Trường Sa quyết tâm bảo vệ đảo, 1976 - Ảnh: Tư liệu
"Nhớ nhất là tại Nam Yết. Mình vừa chiếm đảo, kéo cờ được mấy tiếng và cho tàu lùi ra ngoài xa, thì một số tàu Trung Quốc thả trôi tiếp cận đảo. Phát hiện cờ của ta trên đảo và bộ đội đang bố phòng, tàu Trung Quốc nổ máy chạy ra chỗ khác", thượng tá An kể rồi gật đầu: "Chậm vài tiếng là đảo chỉ huy Nam Yết rơi vào tay Trung Quốc!"
Tàu Trung Quốc ở quanh nhiều đảo
Đại tá Nguyễn Văn Dân (sinh năm 1945, tại huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), có gần 20 năm (1975 - 1994) gắn bó với quần đảo Trường Sa, nên những chi tiết ngày đầu ra tiếp quản các đảo được ông nhớ rất kỹ.
Ông kể năm 1975, ông được lệnh tham gia Đoàn công tác tiếp quản căn cứ Cam Ranh (Khánh Hòa) khi đang là trung úy, trợ lý Tham mưu của Khu vực 2 Sông Mã, Hải quân. Vừa vào đến nơi, ông nhận lệnh hành quân tiếp ra Trường Sa, tổ chức tăng cường cho lực lượng ngoài đảo.
Tuần tra bảo vệ đảo Nam Yết mới giải phóng - Ảnh: Tư liệu
Một đêm giữa tháng 4.1975, ông cùng anh em lên 2 tàu hải quân giả dạng tàu cá, mang số hiệu 679, 680 ra Trường Sa. Tiếp quản đảo, đoàn công tác của ông Dân tập trung tổ chức lại công tác bảo vệ và nắm thêm tình hình chung.
"Xong Song Tử Tây, Sơn Ca rồi đến Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa. Thời điểm ấy ở gần Nam Yết, có 1 tàu khu trục của hải quân chế độ cũ, nhưng tàu này rút đi khi thấy tàu ta", đại tá Nguyễn Văn Dân kể.
Kéo cờ giải phóng trên đảo Sơn Ca, 5.1975 - Ảnh: Tư liệu
Ông khẳng định: "Trong những ngày tiếp quản các đảo, hầu như không thấy tàu Mỹ mà chỉ gặp một số tàu của Trung Quốc ở quanh các đảo. Khi thấy tàu ta đến, họ rút đi. Ở các đảo Thị Tứ, Loại Ta còn phát hiện tàu mang cờ Philippines". (Còn tiếp)
"Ngày 26.4.1975, chúng tôi tiếp quản Sơn Ca (được giải phóng trước đó 1 ngày) và nhận 16 tù binh Sài Gòn để đưa về Cam Ranh trên tàu HQ-641. Đồng chí Hùng người Hà Tây, chỉ huy đơn vị giải phóng đảo Sơn Ca cho biết, hình như có 1-2 lính Sài Gòn bơi sang đảo Ba Bình do Đài Loan đóng giữ ở gần đó. Tới Sinh Tồn, tôi thấy trên đảo còn ngôi mộ của một thiếu úy Sài Gòn, bia ghi tên là Tính hay Tích gì đó, ở Chợ Lớn, bị bệnh chết. Tôi nói với anh em dù ở bên nào, nhưng họ cũng là người Việt Nam, tham gia giữ chủ quyền cho Tổ quốc, nay chết ở đây, mình nên giữ mộ cho họ"...
(Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó Tham mưu trưởng, Vùng 4 Hải quân)
Theo Thanh Niên
Bộ ảnh vô giá về cuộc sống và chiến đấu ở Trường Sa năm 1988 Ngày 29/3/2014 là ngày kỷ niệm 39 năm giải phóng quần đảo Trường Sa. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã thần tốc, táo bạo, bất ngờ phối hợp cùng với một số đơn vị của Quân khu 5 tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đây...