Giữ Trường Sa trước tham vọng bá quyền Kỳ 1: Kiểm soát ‘lá chắn của biển Đông’
Ngay từ ngày đầu tiên tiếp nhận Trường Sa từ tay chính quyền Sài Gòn (đầu tháng 4.1975), những người lính hải quân Việt Nam đã lập tức đối đầu với các con tàu nước ngoài lăm le chiếm đảo. Trong suốt gần 40 năm, sự căng thẳng chưa bao giờ giảm nhiệt trên từng điểm đảo, từng góc trời Tổ quốc nơi biển Đông.
Đại tá Phạm Duy Tam (thứ ba từ trái sang) trong một lần ra thăm Trường Sa (Trung Hiếu chụp lại ảnh tư liệu)
Trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động xây dựng phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhiệm vụ giữ đảo càng trở nên quyết liệt.
Kỳ 1: Kiểm soát &’lá chắn của biển Đông’
Tháng 4.1975, đại tá Phạm Duy Tam là thuyền trưởng tàu 675 thuộc đoàn tàu không số (hiện là Lữ đoàn 125 hải quân). Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, việc vận chuyển vũ khí, đạn dược từ miền Bắc vào Nam bị gián đoạn. Nhiệm vụ của các tàu không số là giả dạng các tàu cá chở vũ khí, đánh bắt ở dọc ven biển, khi có thời cơ sẽ hỗ trợ cho chiến trường miền Nam.
Đại tá Phạm Duy Tam nguyên là thuyền trưởng tàu không số, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn tàu săn ngầm 161 (vùng 3 hải quân), phó chỉ huy trưởng vùng 3 hải quân, phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân. Ông về hưu năm 2004.
Thời cơ đến, được lệnh của Bộ Chính trị, ngày 9.4.1975, một biên đội gồm các tàu 673 (trung úy Nguyễn Xuân Thơm làm thuyền trưởng), 674 (trung úy Nguyễn Văn Đức làm thuyền trưởng) và 675 từ Hải Phòng được điều vào Đà Nẵng nhận lệnh đi Trường Sa.
Sau hơn một ngày lênh đênh trên biển, 21 giờ ngày 10.4.1975, ba tàu có mặt ở cảng Tiên Sa. Ở đây, tàu nhận đặc công nước hải quân và một lực lượng phối hợp thuộc Quân khu 5.
4 giờ sáng 11.4.1975, ba tàu được lệnh nhổ neo hành quân ra biển, hướng về Song Tử Tây – một đảo nổi nằm ở phía bắc quần đảo Trường Sa, cách đất liền chừng 470 hải lý (gần 900 km).
“Tàu đi biển trong điều kiện sóng to, gió lớn. Giữa đường thì tàu 674 bị hư máy, tàu của tôi phải kéo. Khó khăn nhất là chúng tôi mất liên lạc với sở chỉ huy ở bờ. Các phương tiện định vị lúc đó trên tàu chỉ có cái la bàn và một số dụng cụ thô sơ để đo tính thiên văn. Cho nên từ đất liền ra Song Tử Tây chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của anh em”, đại tá Tam kể lại.
Đại tá Tam cho hay, trước khi ra Trường Sa, cấp trên giao phải tiếp cận đảo mục tiêu lúc 2-3 giờ sáng để gây bất ngờ và không được đánh nhầm vào các đảo do Đài Loan và Philippines kiểm soát.
Ba thuyền trưởng đầu tiên ra giải phóng quần đảo Trường Sa sau năm 1975. Đại tá Tam ngoài cùng bên phải (Trung Hiếu chụp lại ảnh tư liệu).
Video đang HOT
Chiều 13.4.1975, trinh sát trên tàu báo đã phát hiện đảo Song Tử Tây. Tàu 673 cho quân đổ bộ sát đảo, còn tàu 674 và 675 án ngữ cách đảo 15 hải lý về phía bắc đề phòng tàu lạ xuống và cảnh giới tàu của Việt Nam Cộng hòa (lúc đó tập trung ở đảo Nam Yết).
Rạng sáng 14.4.1975, tàu 673 tiếp cận sát đảo Song Tử Tây, thả thuyền cao su xuống để chở 40 đặc công nước do ông Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy, lặng lẽ ém sát bờ và đổ bổ lên đảo.
Sau 30 phút kể từ khi hiệu lệnh tấn công được phát ra, khoảng 4 giờ 30 phút, bộ đội đã chiếm toàn bộ đảo Song Tử Tây.
“Lúc này ở Trường Sa, phía Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ 6 đảo, gồm: Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, An Bang, Trường Sa Lớn. Nam Yết được coi là nơi đóng sở chỉ huy của đối phương. Trang bị trên các đảo rất thô sơ, chỉ có một vài dãy nhà tôn lụp xụp, xiêu vẹo”, ông Tam nhớ lại.
Cờ bay phấp phới
Sau khi chiếm giữ Song Tử Tây, ông Tam chuyển sang làm thuyền trưởng tàu 674, chở số tù binh về bờ giao cho ban quân quản ở Đà Nẵng. Hai tàu 673 và 675 ở lại củng cố lực lượng, sau đó trở về Đà Nẵng để chuẩn bị lực lượng tiến về các đảo còn lại ở Trường Sa.
Ngày 23.4.1975, quân giải phóng lấy được đảo Sơn Ca. 2 giờ ngày 29.4.1975, toàn bộ 6 đảo nổi do Việt Nam Cộng hòa chiếm đóng đều thuộc quyền kiểm soát của quân giải phóng. Cờ Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam được treo lên. Bộ đội tổ chức lực lượng phòng ngự đề phòng phản công.
Cùng lúc đó, các đơn vị tiến hành gắn bia chủ quyền ở đảo nổi và rải bia chủ quyền ở mép đảo chìm.
Đại tá Tam (cầm lái) trong một lần đi biển (Trung Hiếu chụp lại ảnh tư liệu).
Đại tá Tam cười nói: “Sau hai ngày kể từ khi ta giải phóng Trường Sa, Trung Quốc tổ chức một biên đội tàu kéo quân xuống Trường Sa với ý đồ “giúp đỡ” ta. Nhưng tới nơi, thấy cờ của ta phấp phới bay ở các đảo, quân Trung Quốc đành bỏ về”.
Liên quan đến âm mưu thôn tính, độc chiếm biển Đông của Trung Quốc, đại tá Tam lý giải do biển Đông có vị trí quân sự quan trọng, giống như một lá chắn kéo dài từ Trường Sa xuống nhà giàn DK1. Tất cả tàu bè từ eo biển Malacca, đi qua biển Đông đều qua khu vực này.
“Trường Sa giống như yết hầu và con mắt của biển Đông nên Trung Quốc luôn có dã tâm xâm chiếm”, ông Tam nói.
Năm 1983, ông Tam quay lại Trường Sa khi có thông tin Malaysia xây dựng nhà trên đảo cách đảo An Bang chừng 60 hải lý. Sau đó, ông Tam cho tàu tới các đảo chìm Châu Viên, Chữ Thập để trinh sát thì vẫn thấy bia chủ quyền của Việt Nam ở đây.
Ngày 14.3.1988, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm Gạc Ma, trước đó đã chiếm đóng đảo Châu Viên, Chữ Thập. (Còn tiếp)
Lịch sử Lữ đoàn 146, Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân (đơn vị bảo vệ Quần đảo Trường Sa) ghi rõ: “Tháng 3.1978, trên khu vực Quần đảo Trường Sa thường xuyên xuất hiện máy bay và tàu thuyền của một số nước xâm phạm và tiến hành trinh sát các đảo của ta. Diễn biến tình hình có nhiều phức tạp. Ngoài ra, còn có tàu thuyền giả dạng tàu đánh cá của Trung Quốc, xuất hiện ở vùng Đá Giữa (Đá Đông), Hòn Sập (Phan Vinh), Thuyền Chài…”.
Theo Thanh Niên
Toan tính "quân đội đi trước, người dân tiếp bước" của TQ
Sâu xa hơn, đảo nhân tạo hay giàn khoan Hải Dương-981 đều nhằm khẳng định hoạt động xác lập chủ quyền thực tế tại Biển Đông.
Vào tháng 5 và tháng 6/2014, Trung Quốc lần lượt thông tin về việc xây dựng đảo nhân tạo gần bãi đá Gạc Ma và bãi đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa. Tuyên bố đầy tính thách thức này không chỉ làm phức tạp tình hình mà còn cho thấy tham vọng phủ sóng Biển Đông bằng đảo nhân tạo của Trung Quốc. Theo sau đường lưỡi bò phi lý và chiến lược "lát cắt xúc xích" thì đảo nhân tạo đang là quân bài chiến lược mà Trung Quốc toan tính.
Nối chủ quyền bằng đảo
Có thể nói, các đảo nhân tạo được xây dựng cho nhiều mục đích. Ví như Nhật Bản đã xây một đảo trong vịnh Osaka với diện tích 10 km để làm nơi xây dựng sân bay. Ở châu Âu, đảo Peberholm giúp nối Đan Mạch và Thụy Điển. Đảo Rincon ngoài khơi quận Ventura, California, Mỹ được sử dụng để hỗ trợ cho hoạt động khoan và khai thác dầu khí. Hay như quần đảo World (thuộc Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) bao gồm 300 hòn đảo nhân tạo được xây dựng để phát triển du lịch và kinh tế.
Mặc dù đảo nhân tạo không mới, nhưng theo thời gian thì các đảo này ngày càng được sử dụng cho các hoạt động quân sự. Các chuyên gia Trung Quốc cho hay hòn đảo nhân tạo có thể sẽ được xây dựng trên bãi Đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Các cơ sở quân sự cũng sẽ được xây dựng trên đảo nhân tạo để phục vụ cho các mục đích kinh tế - chính trị. Hòn đảo nhân tạo này có thể được phục vụ cho việc xây dựng vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tại Biển Đông như nước này từng tuyên bố từ cuối năm 2013.
Về khía cạnh kinh tế, các đảo nhân tạo chủ yếu phục vụ cho các hoạt động khoan và khai thác dầu. Khi các nguồn tài nguyên trên đất liền ngày càng cạn kiệt thì việc khai thác nguồn năng lượng ở biển cả càng quan trọng. Trên các đảo nhân tạo, mọi người có thể làm việc và thăm dò tài nguyên dầu khí. Không chỉ dễ dàng thiết lập các quy trình làm việc, đảm bảo môi trường xung quanh an toàn, công tác hậu cần trên các đảo nhân tạo cũng thuận lợi cho công tác thăm dò dầu khí.
Hơn nữa, các căn cứ hậu cần trên chuỗi các hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa rất có khả năng sử dụng để tiếp nhiên liệu cho các giàn khoan. Hiện Bắc Kinh đã cho tiến hành xây dựng giàn khoan Hải Dương-982 với trọng lượng 30.000 tấn và được thiết kế đặc biệt để vận hành ở biển Đông, dự kiến vào năm 2016. Theo Dalian Shipbuilding Industry Co, giàn khoan Hải Dương-982 có khả năng khoan sâu 1.500 m và chịu được bão, biển động. Đồng thời, Trung Quốc cũng đã đặt thêm 40 tàu hộ tống nhằm tăng cường sức mạnh cho hơn 100 tàu hiện có.
Về khía cạnh an ninh, đảo nhân tạo sẽ tạo cơ sở giúp Trung Quốc kiểm soát phía Tây Thái Bình Dương. Đây cũng là bước đi tiếp theo trong chuỗi chiến lược "tàm thực" (tằm ăn dâu) của Trung Quốc. Theo Roilo Golez, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của Philippines, cho hay đảo nhân tạo sẽ giúp máy bay Trung Quốc dễ dàng tiếp cận Philippines, Việt Nam và một phần của Malaysia trong vòng bán kính 1.000 dặm từ bãi đá Chữ Thập. Do đó, an ninh quốc gia của các nước này sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Hơn nữa, các căn cứ hậu cần trên chuỗi các hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa sẽ được sử dụng để tiếp nhiên liệu cho các giàn khoan của Trung Quốc. Bằng cách này, Trung Quốc sẽ áp dụng chiến lược mà một tác giả đã ví von bằng cụm từ "cắt lát xúc xích kiểu giàn khoan" (oil rig salami slicing). Mục tiêu rõ như ban ngày: từng bước gửi giàn khoan dầu từ phía nam quần đảo Hoàng Sa vào vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa.
Sâu xa hơn, đảo nhân tạo hay giàn khoan Hải Dương-981 đều nhằm khẳng định hoạt động xác lập chủ quyền thực tế tại Biển Đông. Nếu các giàn khoan là các căn cứ di động thì đảo nhân tạo là trạm dừng chân chiến lược để Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông. Xét về căn cứ quân sự thì các đảo nhân tạo có tính bền vững và có khả năng hướng vào chiến lược lâu dài hơn các giàn khoan. Các đảo nhân tạo sẽ là con bài mà Trung Quốc có thể tiếp tục sử dụng trong thời gian tới.
Trung Quốc tiến hành các hoạt động xây dựng trái phép trên đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Lực lượng vũ trang Philippines.
Một viễn cảnh khó lường và nguy hiểm
Vào ngày 9/9/2014, phóng viên Rupert Wingfield-Hayes đã mô tả lại cuộc hành trình trên một chiếc tàu cá Philippines trong bản báo cáo "China's Island Factory". Wingfield-Hayes đã mô tả rằng: "Hàng triệu tấn đá và cát đã được nạo vét lên từ đáy biển và bơm vào các rạn san hô để tạo thành vùng đất mới". Báo cáo cho hay "dọc bờ biển có các xe tải xi măng bơm, cần trục, ống thép lớn, và ánh đèn flash của ngọn đuốc hàn".
Khi được hỏi về mục đích của các đảo nhân tạo, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố công việc chỉ là "chủ yếu cho mục đích cải thiện điều kiện làm việc của những người dân đang sinh sống trên những đảo này". Tuyên bố mập mờ này hoàn toàn né tránh và không thuyết phục.
Theo điều 60 của UNCLOS 1982, "đảo nhân tạo không có quy chế vùng biển của riêng mình và sự hiện diện của chúng không ảnh hưởng đến việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa". Để kết nối các đảo lại thành mạng lưới phủ sóng Biển Đông thì Trung Quốc phải bắt tay vào xây dựng nhiều đảo nhân tạo. Thực tế, Trung Quốc đã triển khai chiến lược xây dựng các đảo nhân tạo và các trạm lắp đặt từ rất lâu.
Trung Quốc đã chiếm đóng một số rạn san hô ở quần đảo Trường Sa từ năm 1988. Các cấu trúc nhân tạo được xây dựng trên các rạn san hô như bãi đá Gạc Ma, bãi đá ngầm Chử Bích, Đá Lạc, bãi Đá Châu Viên, bãi đá Tư Nghĩa, và bãi đá Vành Khăn. Đáng chú ý là công tác xây dựng đảo nhân tạo luôn được Trung Quốc bảo vệ chặt chẽ bằng các tàu quân sự.
Tham vọng của Trung Quốc đã lộ rõ. Bất chấp luật pháp quốc tế và xem thường DOC, Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ tư tưởng "bá chủ trên biển". Khi các đảo nhân tạo được liên kết với nhau, một mạng lưới vệ tinh đảo nhân tạo sẽ được phủ sóng trên các căn cứ chiến lược của Biển Đông.
Richard Javad Heydarian, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Ateneo de Manila cho rằng "mục đích cuối cùng của Trung Quốc là kiểm soát vùng biển Tây Thái Bình Dương trên thực tế (de facto) chứ không phải là chiếm hữu dựa trên luật (de jure)". Việc Trung Quốc quyết liệt hơn cũng nằm trong mục tiêu bất biến từ những thập niên trước: tạo "sự đã rồi" (fait accompli).
Nếu Trung Quốc hoàn thành việc xây dựng các đảo này thì chắc chắn sẽ còn có nhiều đảo khác được xây dựng. Bắc Kinh đã tuyên bố vào tháng 5/2014: "Hòn đảo nhân tạo tại bãi đá Chữ Thập sẽ là một căn cứ quân sự không thể thay thế. Căn cứ này sẽ cho thấy tầm quan trọng của Biển Đông đối với Trung Quốc và giúp đảm bảo vị thế của Trung Quốc tại Đông Nam Á". Tuyên bố đầy hàm ý này đã cho thấy tính khó lường với những mưu tính hết sức tinh vi của Trung Quốc trong thời gian tới.
Khả năng Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo với "cấp số nhân" để quản lý và bao phủ Biển Đông là rất có thể xảy ra. Theo sau các đảo nhân tạo sẽ là các tòa nhà, các thiết bị giám sát, các trạm tiếp tế, kho quân sự,... Nghiêm trọng hơn, người dân Trung Quốc cũng có thể sẽ đến cư ngụ tại các đảo này theo phương châm "quân đội đi trước, người dân tiếp bước".
Các mối đe dọa an ninh truyền thống tại Biển Đông cũng sẽ kéo theo những nguy cơ về an ninh phi truyền thống. Nếu Trung Quốc xây dựng hàng loạt các đảo nhân tạo thì một "vạn lý trường thành" trên Biển Đông - như lời một tác giả người Mỹ ví von - sẽ được hình thành. Trường thành trên biển này có khả năng sẽ bao phủ 80% Biển Đông như đường lưỡi bò mà Trung Quốc đã từng tuyên bố và luôn tìm mọi cách để hiện thực hóa.
Tham vọng của Trung Quốc đồng nghĩa với một Biển Đông ngày càng bất ổn cao độ. Hơn lúc nào hết, ASEAN cần hành động nhanh chóng và khôn ngoan để thống nhất về Bộ quy tắc ứng xử COC. Nếu không, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục thay đổi hiện trạng tranh chấp. Bài toán khó này, nếu không giải kịp thời, sẽ giúp Trung Quốc ghi điểm và thay đổi sâu sắc thế tương quan.
Theo Huỳnh Tâm Sáng - Vũ Thành Công
Tuần Việt Nam
Trung Quốc lên tiếng vụ xây đảo nhân tạo, căn cứ quân sự trái phép ở Trường Sa Cái bà Oánh gọi là "cải tạo điều kiện sống và làm việc cho nhân viên trên đảo" thực chất chính là mở rộng các hoạt động đồn trú quân sự trái phép. Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Thời báo Hoàn Cầu ngày 10/9 đưa tin, hôm qua 9/9 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung...