Giữ cho ‘Đốm đỏ nhỏ bé’ tỏa sáng
Phó Thủ tướng Lawrence Wong, 52 tuổi, sẽ kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long, người đã dẫn dắt Singapore phát triển mạnh mẽ trong gần 20 năm qua.
Giờ đây, với phẩm chất chính trị, nhiệt huyết, kinh nghiệm, trách nhiệm và cả truyền thống, ông Lawrence Wong sẽ phải giữ cho “Đốm đỏ nhỏ bé” Singapore tiếp tục tỏa sáng.
Ông Lawrence Wong phát biểu tại một sự kiện ở Singapore ngày 12/9/2023. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN
Có ý kiến cho rằng có vẻ ông Wong đang “xỏ chân vào một đôi giày quá cỡ”. Tuy nhiên, chuyên gia nghiên cứu cấp cao Gillian Koh thuộc Viện Nghiên cứu chính sách (IPS) đánh giá hành trình tham gia chính phủ từ năm 2011 của ông Wong cùng những kinh nghiệm tích lũy được qua nhiều vai trò, vị trí đã giúp ông có một hành trang đủ lớn để tự tin ở cương vị mới. Nếu biết tận dụng cơ hội và có hướng đi đúng đắn, ông có thể biến sức ép thành cơ hội, tiếp tục phát huy lợi thế của Singapore về chính trị, kinh tế, ngoại giao mà chính quyền tiền nhiệm đã đặt nền móng vững chắc.
Nhiệm vụ trước mắt của ông Wong là giữ vững sự đoàn kết và uy tín của đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền, sự ổn định của hệ thống chính trị và an dân, chuẩn bị tốt cho cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2025. Trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2020, mặc dù PAP thắng cử và tiếp tục cầm quyền, nhưng tỷ lệ phiếu bầu thấp hơn nhiệm kỳ trước và đảng Công nhân (WP) đối lập truyền thống cũng giành được khu vực bầu cử tập thể mới. Trên thực tế, đảng đối lập cũng đang thúc đẩy một loạt biện pháp hỗ trợ nhóm người dân thu nhập thấp trong nước và ưu tiên tuyển dụng người lao động trong nước. Điều này đã gây áp lực đối với đảng cầm quyền. Chính ông Wong cũng không ít lần thừa nhận PAP sẽ không mặc nhiên trở lại nắm quyền sau cuộc tổng tuyển cử tiếp theo mà cần phải chứng tỏ được ưu thế để thuyết phục cử tri và giành chiến thắng.
Mặc dù nhà lãnh đạo mới nhậm chức sẽ đặt dấu ấn riêng của mình vào các chính sách, song đa phần giới phân tích đều nhận định do đã có nhiều năm làm việc trong Nội các, nên ông Wong nhận thức rõ về những cân nhắc chính sách và chắc chắn sẽ có sự tiếp nối để ổn định trong giai đoạn hiện nay. Quả thực, cách ông Wong thu xếp nội các mới đã cho thấy điều đó. Với đội ngũ nội các gần như “nguyên vẹn”, ông Wong đang tiếp tục tận dụng nguồn năng lượng tích cực từ nội các cũ. Ngay cả một vài sự thay đổi, thăng chức trong nội các mới, như trường hợp Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng, cũng thể hiện rõ sự ưu tiên của ông Wong dành cho những người có kinh nghiệm, hoạt động thực tế hiệu quả trong những thời điểm khó khăn của đất nước và dám dấn thân, rèn luyện để chuẩn bị cho thế hệ lãnh đạo tương lai. Cùng với chủ trương chính phủ cởi mở hơn, tăng cường giao tiếp với báo chí và gắn kết xã hội, ông Wong đang đặt nền móng vững chắc nhất có thể cho cuộc bầu cử sắp tới và xa hơn nữa.
Video đang HOT
Phó Giáo sư Trang Gia Dĩnh của Khoa Chính trị, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nhận xét người dân ấn tượng mạnh mẽ với ông Lawrence Wong ở điểm ông là một quan chức kỹ trị về kinh tế khá điển hình, có năng lực thực thi nhiệm vụ mạnh mẽ và tuân thủ pháp luật. Ông nhận thức được rằng sự ổn định chính trị rất quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài và duy trì ổn định kinh tế. Và thực tế đang diễn ra đúng như vậy.
Sau những động thái ưu tiên ổn định chính trị, thách thức của ông Wong là làm thế nào để thúc đẩy quản trị kinh tế và dân sinh trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp và vấn đề giá cả tăng cao. Nền kinh tế Singapore tăng trưởng 1,2% trong năm ngoái và dự kiến sẽ tăng từ 1-3% trong năm 2024. Các nhà phân tích đã chỉ ra rằng nền kinh tế Singapore chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài. Chính vì vậy, tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và tình hình địa chính trị toàn cầu bất ổn là những rủi ro lớn nhất ảnh hưởng đến nền kinh tế Singapore.
Để an dân trong vấn đề này, đội ngũ lãnh đạo thế hệ thứ tư của PAP do ông Wong đứng đầu đã công bố báo cáo “Forward Singapore” vào năm 2023, nêu ra 7 cải cách lớn liên quan đến giáo dục, việc làm, gia đình, kế hoạch dài hạn và đoàn kết dân tộc. Báo cáo này được dư luận trong nước đánh giá là giúp ích trong việc nghiên cứu các ý tưởng chính sách cho ê-kíp của ông Wong. Có phân tích cho rằng mặc dù báo cáo được mô tả là sự tiếp nối công tác của chính phủ, nhưng có một số dấu hiệu cho thấy ê-kíp mới sẽ tiến xa hơn những người tiền nhiệm, thể hiện qua những thay đổi chính sách sắp tới như trợ cấp thất nghiệp.
Ông Wong cũng kiêm chức vụ Bộ trưởng Tài chính Singapore. Ở Singapore, Bộ trưởng Tài chính dường như là chức vụ bộ trưởng quan trọng nhất. Điều này làm nổi bật năng lực và ưu thế của ông Wong. Đây rõ ràng là những tín hiệu tích cực cho đội ngũ lãnh đạo thế hệ thứ tư ở Singapore. Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Singapore phụ thuộc khá nhiều vào tăng trưởng kinh tế thế giới, nỗ lực điều hành nền kinh tế “giàu nhất châu Á” cần nhân lên gấp bội.
Về đối ngoại, chính quyền của tân Thủ tướng Lawrence Wong chắc chắn sẽ vẫn thận trọng. Cách tiếp cận của Thủ tướng tiền nhiệm Lý Hiển Long về ngoại giao cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ rất đáng học tập. Và ông Wong cũng đã công khai khẳng định quan điểm đó. Theo ông, nếu hai cường quốc lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ hợp tác trong khuôn khổ cởi mở và tìm kiếm lợi ích chung thì toàn bộ thế giới sẽ an toàn và tốt đẹp hơn. Trên cơ sở đó, Singapore sẽ chủ yếu tập trung phát triển quan hệ song phương rất hiệu quả và thực hiện đường lối của chính phủ tiền nhiệm.
Phó Giáo sư Ja Ian Chong thuộc Khoa Khoa học Chính trị, NUS, cho rằng mấu chốt cho hiệu quả của chiến lược này là Trung Quốc và Mỹ có những lợi ích chồng chéo lớn trong quá khứ và Singapore có thể hưởng lợi từ cả hai phía. Chuyên gia Chong từng phân tích rằng Singapore duy trì trao đổi cấp cao với Mỹ và Trung Quốc với hy vọng tìm ra “khoảng trống không chỉ có thể tồn tại mà còn có thể phát triển” giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng dưới thời Thủ tướng Wong, mọi động thái sẽ được cân nhắc thận trọng và linh hoạt hơn.
Thủ tướng Lý Hiển Long đã dày công tạo dựng được 4 thành quả đối ngoại đặc biệt với Mỹ, Trung Quốc, Malaysia và Indonesia, vì vậy chính quyền kế nhiệm của ông Lawrence Wong cần tiếp tục phát huy. Trong khuôn khổ ASEAN, Singapore có vai trò quan trọng, được coi như “bộ não”, vì vậy, nước này cũng sẽ duy trì vị thế đặc biệt với thái độ thực dụng và đóng vai trò là cầu nối trung gian giữa phương Đông và phương Tây. Giới phân tích đánh giá với vị thế và nền chính trị ưu tú của mình hiện nay, Singapore có thể chủ động hơn nữa để tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại, cả trong và ngoài ASEAN.
Trong các phát biểu với báo giới, ông Wong nhấn mạnh chính phủ mới có thể ra quyết định khó khăn vào những thời điểm khó khăn, tất cả vì lợi ích của người dân Singapore, và rằng những chính sách mang tính xây dựng, mang lại giá trị và tìm kiếm đối tác để ký kết các thỏa thuận là cách Singapore đóng góp cho chủ nghĩa đa phương trên toàn cầu. Có thể thấy sự minh bạch, có chuẩn bị, cùng niềm tin như Thủ tướng Lý Hiển Long đã khẳng định: “Singapore sẽ phát triển dưới sự điều hành của đội ngũ lãnh đạo thế hệ thứ tư” chính là tiền đề thuận lợi để “Đốm đỏ nhỏ bé” Singapore tiếp tục tỏa sáng.
Singapore: Thủ tướng được đề cử nhấn mạnh việc đảm bảo tính liên tục và ổn định
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, ngày 13/5, Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong (51 tuổi), người sẽ kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long, đã công bố cải tổ Nội các.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô Singapore ngày 12/9/2023. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Cụ thể, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong (65 tuổi) sẽ giữ thêm trọng trách Phó Thủ tướng, đảm nhiệm vai trò quyền Thủ tướng khi Thủ tướng vắng mặt, Chủ tịch Cơ quan Tiền tệ Singapore, đồng thời chịu trách nhiệm về Nhóm Chiến lược trong Văn phòng Thủ tướng.
Phó Thủ tướng đương nhiệm Heng Swee Keat, 63 tuổi, sẽ tiếp tục giữ chức vụ này. Thông báo của ông Lawrence Wong nêu rõ sẽ không có thay đổi lớn nào đối với các vị trí Bộ trưởng và ông sẽ vẫn giữ quyền lãnh đạo Bộ Tài chính.
Phát biểu tại họp báo sau khi công bố cải tổ Nội các, Phó Thủ tướng Lawrence Wong đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tính liên tục và ổn định khi chính phủ hiện nay sắp kết thúc nhiệm kỳ. Do các bộ trưởng đều đang thực hiện trọng trách được giao, nên ông muốn giữ nguyên vị trí lãnh đạo các bộ cho đến đến hết nhiệm kỳ.
Đánh giá về ông Gan Kim Yong, ông Lawrence Wong cho biết mặc dù không hoàn toàn thuộc thế hệ lãnh đạo thứ 4, nhưng kinh nghiệm của ông Gan Kim Yong về kinh tế quốc tế sẽ giúp Singapore điều hướng trong môi trường toàn cầu đầy cạnh tranh hơn. Cả hai Phó Thủ tướng Gan Kim Yong và ông Heng Swee Keat đều là những bộ trưởng giàu kinh nghiệm và sẽ "giúp đỡ" trong giai đoạn chuyển tiếp này.
Trước đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống nước này Tharman Shanmugaratnam. Trong thư, ông Lý Hiển Long đã đề cử ông Lawrence Wong, Phó Thủ tướng Singapore làm Thủ tướng kế nhiệm từ ngày 15/5, bắt đầu thế hệ lãnh đạo thứ 4 của "đảo quốc Sư tử". Sau khi từ nhiệm, Thủ tướng Lý Hiển Long, sẽ ở lại Nội các với tư cách là Bộ trưởng cấp cao như đã thông báo trước đó. Ông sẽ vẫn giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu, Đổi mới và Doanh nghiệp.
Dự kiến ông Lawrence Wong sẽ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng vào lúc 20h ngày 15/5 (giờ địa phương) tại cung Istana, trở thành Thủ tướng thứ tư của Singapore, chính thức tiếp quản vị trí lãnh đạo từ Thủ tướng Lý Hiển Long.
Tháng trước, ông Lawrence Wong cho biết những thay đổi lớn hơn trong nội các sẽ diễn ra sau cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Singapore (dự kiến vào trước tháng 11/2025).
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thừa nhận là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết Chính phủ rất lo ngại khi ngày càng nhiều người dân Singapore trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo và mất số tiền khổng lồ. Bản thân ông cũng từng là nạn nhân của một vụ lừa đảo trực tuyến. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu tại cuộc họp báo ngày 30/10/2023....